Putin, Trump và Hitler khác gì nhau ? (Minh Phương)

 Nhật báo kinh tế Les Echos hôm nay, 21/03/2025, có bài bình luận của chuyên gia Jacques Attali với tựa “Liệu có thể so sánh các nhà độc tài hiện nay với Adolf Hitler ?” Đặt Vladimir Putin, Donald Trump và Hitler lên bàn cân, dù khẳng định rằng tình hình hiện nay không giống với những năm trước đệ nhị thế chiến, tác giả bài báo vẫn kêu gọi châu Âu hãy cảnh giác, đừng để lịch sử tái diễn. 

A carnival float by artist Jacques Tilly depicting Russian President Vladimir Putin, Ukrainian President Volodymyr Zelenskiy and U.S. President Donald Trump takes part in the traditional "Rosenmontag"
Xe hoa lễ hội của nghệ sĩ Jacques Tilly mô tả tổng thống Nga Vladimir Putin, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong cuộc diễu hành lễ hội hoa hồng "Rosenmontag" truyền thống tại Duesseldorf, Đức, 03/03/ 2025. REUTERS - Wolfgang Rattay

Đầu tiên, nhà văn, kinh tế gia Jacques Attali, nguyên cố vấn đặc biệt của tổng thống Pháp François Mitterrand (1981 – 1995), phân tích điểm tương đồng giữa tổng thống Nga Vladimir Putin với Hitler. Theo ông, việc một nhà lãnh đạo bị làm nhục rồi trở thành kẻ bạo chúa dường như đang tái diễn một lần nữa. Tác giả nhấn mạnh đến việc phương Tây đã không hỗ trợ Nga trong các giai đoạn quan trọng như dưới thời Gorbatchev, Eltsine, và ngay cả khi Vladimir Putin lên nắm quyền. Và điều đó đã dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng.

Theo tác giả, nếu phương Tây chịu lắng nghe và hợp tác với Nga từ sớm, thay vì cô lập và từ chối các yêu cầu của Nga, thì mọi chuyện có thể sẽ không tới bước đường này. Ngay khi vừa lên nắm quyền, Putin đã yêu cầu Liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO không mở rộng quá xa về phía đông tại hội nghị Munich vào tháng 02/2007 và một lần nữa nhắc lại vào tháng 02/2008, đồng thời cũng ám chỉ rằng ông sẵn sàng gần gũi hơn với Liên Hiệp Châu Âu. Nhưng châu Âu đã không chịu lắng nghe Matxcơva. Và rồi giống như ở Đức vào năm 1933, một nhà lãnh đạo bị làm nhục, chính Vladimir Putin, đã vứt bỏ những nỗ lực dân chủ yếu ớt trước đó, để thiết lập một chế độ độc tài tàn bạo và cố gắng tái dựng đế chế Liên Xô đã bị phá hủy. 

Không chỉ có tổng thống Nga, nguyên thủ Mỹ cũng được đặt lên bàn cân với Hitler. Giống như trong cuộc chiếm đoạt quyền lực của Hitler, Donald Trump cũng bắt đầu bằng việc tuyên truyền tin tức giả, những lời hứa dân túy, những kẻ thù tưởng tượng, cấm sử dụng một số từ ngữ, ngừng một số nghiên cứu và thách thức các quyết định của tòa án. Sau đó, nếu tình hình trên vẫn tiếp tục, nhà độc tài sẽ tới bước bắt giữ các thẩm phán (như những gì mà cánh tay phải Elon Musk đã yêu cầu một cách rầm rộ), các nhà báo, nhà văn và các quan chức dân cử. 

Tuy nhiên, tác giả bài báo cũng khẳng định mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Tình hình thế giới hiện nay hoàn toàn khác so với cách đây một trăm năm. Cả Nga và Hoa Kỳ ngày nay đều không cố gắng tái tạo chính xác các mô hình của Đức Weimar. Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng những nhà độc tài vẫn đang nắm quyền và đe dọa đến thế giới. Tác giả kêu gọi châu Âu đừng để lịch sử lặp lại một lần nữa. Và theo ông, để tránh được thảm hoạ, châu Âu có thể nỗ lực cải thiện mối quan hệ với Nga và hỗ trợ những người ủng hộ dân chủ, như những gì châu Âu đã làm ở Ba Lan và tất cả các quốc gia khác ở Đông Âu. 

Năm năm tái vũ trang châu Âu 

Về thời sự châu Âu, kế hoạch tái vũ trang của Lục địa già sau cuộc họp hôm qua, 20/03 giữa lãnh đạo các nước thành viên là chủ đề nóng được nhiều tờ báo Pháp quan tâm. Báo Le Monde trong bài viết “Uỷ ban châu Âu có 5 năm để tái vũ trang”, phân tích, lãnh đạo các nước EU giờ đã có một cơ sở vững chắc để thảo luận. Cơ sở đó bao gồm sách trắng về quốc phòng mang tên “Chuẩn bị sẵn sàng cho năm 2030”, trình bày chi tiết các mối đe dọa và các phương thức để ứng phó, cũng như các văn bản lập pháp mà Ủy ban đề xuất cho các quốc gia nhằm củng cố an ninh và ngành công nghiệp quốc phòng trong vòng 5 năm tới. 

Nhưng tại sao lại là 5 năm ? Theo tờ báo, mục tiêu chuẩn bị sẵn sàng cho năm 2030 không phải là ngẫu nhiên. Bà Kaja Kallas, lãnh đạo ngành ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu nhấn mạnh : “Nhiều cơ quan tình báo quốc gia của chúng tôi thông báo rằng Nga có thể sẽ thử thách khả năng tự vệ của Liên Âu trong 3 đến 5 năm tới”. 

Còn nhật báo thiên hữu Le Figaro trong bài viết mang tựa đề “Chiến lược quốc phòng tự chủ của Bruxelles từ nay đến năm 2030”, thì phân tích về các chi tiết trong sách trắng mà Ủy Ban Châu Âu đưa ra. Ủy ban đã công bố gói ngân sách 150 tỷ euro, nhằm giúp các quốc gia thành viên tăng cường đầu tư cho quốc phòng. Cơ chế này, dựa trên các khoản vay từ Ủy ban, sẽ tài trợ cho các dự án mua bán trang thiết bị chung giữa nhiều quốc gia thành viên (tối thiểu ba quốc gia) để tiết kiệm và thúc đẩy khả năng tương tác. Ủy ban đưa ra ngưỡng tối thiểu là 65% các trang thiết bị có nguồn gốc từ châu Âu, 35% còn lại sẽ phải đến từ một quốc gia có thỏa thuận quốc phòng với EU, như Nhật Bản hoặc Hàn Quốc. Vương quốc Anh hiện vẫn chưa được cho vào danh sách này. 

Le Figaro nhận định rằng các tên lửa Patriot được sản xuất dưới giấy phép của công ty Raytheon của Mỹ tại Đức có thể sẽ bị loại trừ khỏi danh mục. Điều đó nhằm tránh rủi ro Mỹ áp đặt hạn chế trong việc sử dụng loại vũ khí này, như cách mà họ đã làm với Ukraina. Các khách hàng châu Âu đã mua chiến đấu cơ F-35 của Mỹ lo ngại rằng những chiếc máy bay này có thể sẽ không được cất cánh trong tương lai nếu nhiệm vụ không phù hợp với Washington - ví dụ trong trường hợp Đan Mạch muốn bảo vệ Groenland. Ủy ban cũng đã lập một danh sách các lĩnh vực mà châu Âu cần bổ sung năng lực, phối hợp với các mục tiêu của NATO. Trong đó có phòng thủ tên lửa, hệ thống pháo binh, đạn dược, drone và hệ thống chống drone, cơ sở hạ tầng hoặc chiến tranh điện tử. Tuy nhiên, Ủy ban không đề cập đến các dự án lớn liên châu Âu, như lá chắn phòng không mà Hy Lạp và Ba Lan yêu cầu. 

Công nghiệp quốc phòng Pháp có đủ đáp ứng nhu cầu ? 

Cũng về kế hoạch tái vũ trang, tờ Libération lại tập trung phân tích những khó khăn tài chính khi Pháp muốn thúc đẩy sản xuất vũ khí. Theo tờ báo, cái tên “cơ sở công nghiệp và công nghệ quốc phòng” mà Pháp đặt cho các ngành công nghiệp quốc phòng của mình, nghe thì rất “bóng bẩy” nhưng lại không thực sự có khả năng đáp ứng ngay lập tức khi nhu cầu tăng vọt. 

Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi bộ Quốc Phòng, hệ thống ngành công nghiệp quốc phòng Pháp bao gồm 9 tập đoàn lớn (Thalès, Safran, Airbus, Dassault, Naval Group, MBDA, v.v...) và 4.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó một số là các nhà thầu phụ cho các nhà sản xuất thiết bị quốc phòng lớn. Tuy nhiên, các công ty này trung bình có lợi nhuận thấp hơn và ít khả năng tài chính hơn so với các đồng nghiệp trong ngành dân dụng. Do đó, họ gặp khó khăn hơn trong việc tăng cường năng lực khi đơn hàng tăng lên, vì không thể tài trợ cho các cơ sở mới hoặc máy móc sản xuất mới.  

Trước tình hình đó, chính phủ đã cố gắng móc nối các ngân hàng và nhà đầu tư với các doanh nghiệp quốc phòng đang cần nguồn tài chính. Mục tiêu là tìm ra hơn 5 tỷ euro để tài trợ cho ngành công nghiệp này, trong đó 1,7 tỷ do Nhà nước hỗ trợ thông qua các kênh như Ngân hàng Đầu tư công (Bpi) hoặc Quỹ Tiết kiệm (Caisse des Dépôts), phần còn lại sẽ do tư nhân đầu tư. 

Tuy nhiên, trong bài “Tái vũ trang : Chính phủ đặt niềm tin vào giới tài chính để có được 5 tỷ euro”, tờ Les Echos dẫn lời tổng giám đốc Bpi, ông Nicolas Dufourcq, cho rằng những biện pháp này của chính phủ là không đủ vì không có một kế hoạch quy mô lớn như kế hoạch Tibi về công nghệ và khởi nghiệp. Được khởi xướng vào năm 2019, sáng kiến Tibi nhằm mục tiêu tăng cường khả năng tài chính cho các doanh nghiệp công nghệ, thông qua việc huy động tiết kiệm từ các nhà đầu tư, đặc biệt là các công ty bảo hiểm. 

Mỹ : Chủ mưu mang tâm lý nạn nhân ? 

Còn về thời sự Mỹ, trong bài viết “Học thuyết mong manh về đồng đô la của Stephen Miran”, nhật báo Pháp Le Monde phân tích về lý do khiến Mỹ theo đuổi chính sách thuế quan như hiện nay. Theo đó, chính quyền của ông Trump đi theo học thuyết của kinh tế gia Stephen Miran, người mới được bổ nhiệm vào vị trí chủ tịch hội đồng cố vấn kinh tế của tổng thống Mỹ. 

Ông Stephen Miran cho rằng việc Mỹ là “nạn nhân” và đang phải chịu thâm hụt thương mại như hiện nay (tức tình trạng nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu) đến từ hai lý do. Đầu tiên là do đồng đô la đang bị định giá quá cao. Giá đồng đô la cao đồng nghĩa với việc sản phẩm của Mỹ khi bán sang các nước khác cũng sẽ đắt đỏ hơn, khiến nó không còn khả năng cạnh tranh và từ đó dẫn đến việc ngành xuất khẩu của Mỹ ngày càng đi xuống. 

Thứ hai là Mỹ muốn đồng đô la tiếp tục đóng vai trò tiền tệ dự trữ toàn cầu và thống trị các giao dịch trên thế giới. Có nghĩa là các quốc gia và tổ chức trên thế giới phải sử dụng đồng đô la để giao dịch với nhau, thanh toán cho các mặt hàng quốc tế, cũng như để duy trì dự trữ ngoại tệ của họ. Đương nhiên muốn có được đô la để giao dịch, các nước phải “mua” từ Mỹ, bằng cách như mua trái phiếu chính phủ Mỹ, hay qua các giao dịch xuất nhập khẩu.

Nếu nước Mỹ không xuất khẩu đủ để duy trì số lượng đô la cho các nước khác “mua”, thì Washington phải nhập khẩu hàng hoá của các nước khác để bảo đảm đủ đô la lưu thông trên toàn cầu. Và điều này dẫn đến việc Mỹ nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu. Tóm lại có thể hiểu đơn giản rằng theo quy luật kinh tế, nếu muốn đồng đô la mạnh và giữ được vai trò thống trị thì Mỹ phải chịu thâm hụt thương mại và xuất khẩu đi xuống. 

Tuy nhiên đấy là theo quy luật kinh tế, còn theo luật của kẻ mạnh thì sao ? Nếu Washington vừa muốn đồng đô la tiếp tục thống trị vừa muốn giữ cho xuất khẩu Mỹ tăng trưởng thì sao ? Ông Miran đề xuất Hoa Kỳ nên tạo sức ép, trừng phạt hoặc đe dọa các nước khác, chẳng hạn như đe doạ áp thuế hay từ chối bảo đảm an ninh. Ông cũng cho rằng các đối tác thương mại của Mỹ nên có trách nhiệm mua nhiều hàng hóa từ Mỹ hơn hay giảm thuế nhập khẩu đánh vào các hàng hoá Mỹ. 

Nhưng học thuyết này liệu có thực sự hiệu quả ? Tờ Le Monde trích dẫn phân tích của ông Raghuram G. Rajan, cựu thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ, cựu kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc Tế (IMF), và hiện là giáo sư tài chính tại trường Kinh doanh Booth thuộc Đại học Chicago, cho rằng chính sách kinh tế mà Miran đưa ra “cuối cùng có thể khiến đồng đô la rơi khỏi bục vinh quang”. Ông Rajan nhận định Hoa Kỳ ghi nhận các thâm hụt thương mại kéo dài, đơn giản là vì họ chi tiêu quá nhiều. 

Hơn nữa, thâm hụt thương mại của Mỹ chủ yếu là do trao đổi hàng hóa. Còn đối với dịch vụ (du lịch, tư vấn, tài chính, bằng sáng chế, phần mềm, v.v.), Hoa Kỳ ghi nhận thặng dư gần 300 tỷ đô la (274 tỷ euro) vào năm 2024. Mặc dù các con số thương mại tổng thể cho thấy họ thâm hụt lớn, nhưng Hoa Kỳ vẫn còn rất xa với vị thế nạn nhân như ông Trump và các cộng sự vẫn thường tuyên truyền. 

Minh Phương

21/03/2025

Nguồn: RFI Tiếng Việt