Kinh tế, quân sự, dân số … và những mục tiêu chính của Trung Quốc trong năm 2025 (Thùy Dương)

 Tuần này Trung Quốc có 2 sự kiện chính trị thường niên quan trọng : Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp) và Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc Hội). Lưỡng hội Trung Quốc nhóm họp trong bối cảnh địa chính trị thế giới phức tạp, kinh tế Trung Quốc chưa vượt qua được giai đoạn khó khăn, và hàng hóa xuất sang Mỹ lại bị chính quyền Donald Trump áp thêm mức thuế nhập khẩu 20%.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường phát biểu tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc tại Đại Lễ Đường Nhân Dân, Bắc Kinh, ngày 05/03/2025.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường phát biểu tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc tại Đại Lễ Đường Nhân Dân, Bắc Kinh, ngày 05/03/2025. AP - Ng Han Guan

Hôm thứ Tư 05/03, nhân khai mạc Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã công bố mục tiêu tăng trưởng kinh tế và ngân sách cho năm 2025.

Ưu tiên kinh tế được đặt lên hàng đầu

Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế « khoảng 5% » cho năm 2025, tương tự như năm 2024. Trung Quốc đang chật vật khắc phục khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19, cộng thêm với tác động từ cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản, mức tiêu dùng đình đốn và tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ tăng cao.

Trong bài phát biểu trước Quốc Hội hôm khai mạc, thủ tướng Lý Cường cam kết sẽ biến nhu cầu trong nước thành « động lực » thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời thừa nhận những khó khăn. Chính phủ hy vọng sẽ tạo ra 12 triệu việc làm ở thành thị vào năm 2025 và đặt mục tiêu lạm phát ở mức 2%.

Thủ tướng Trung Quốc tăng dự báo mức thâm hụt ngân sách năm 2024 thêm 1 điểm, lên thành 4%. Giới phân tích cho rằng biện pháp chưa từng có này sẽ giúp chính phủ rộng đường hơn để ứng phó với tình trạng suy thoái kinh tế.

Chi tiêu quốc phòng tăng 7,2%

Về ngân sách quân sự, Trung Quốc sẽ tăng thêm 7,2% cho chi tiêu quốc phòng trong năm 2025, cũng tương tự như năm ngoái. Mặc dù thường xuyên gây lo ngại cho các nước láng giềng, nhưng theo các chuyên gia, ngân sách quân sự của Bắc Kinh vẫn chỉ ở mức vừa phải, nếu xét theo trọng lượng kinh tế và sức mạnh ngoại giao của Trung Quốc trên thế giới.

Chi tiêu quân sự của Trung Quốc đã tăng lên trong nhiều thập kỷ, khi nền kinh tế phát triển và sức ảnh hưởng ngoại giao của nước này trên toàn thế giới ngày càng lớn mạnh.

Chống lão hóa dân số

Thủ tướng Lý Cường tuyên bố lương hưu cơ bản cho người về hưu « sẽ được tăng lên một cách xứng đáng » và các dịch vụ hỗ trợ người cao tuổi ở nông thôn sẽ được phát triển.

Theo AFP, dân số già hóa nhanh chóng của Trung Quốc đặt ra thách thức lớn cho nước này, vốn dĩ từ lâu nay dựa vào lực lượng lao động dồi dào để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thủ tướng Lý Cường nhấn mạnh rằng chính phủ cũng sẽ tiếp tục nâng dần độ tuổi nghỉ hưu hợp pháp một cách « thận trọng ». Hồi năm 2024, chính quyền đã loan báo sẽ tăng dần tuổi nghỉ hưu. Trung Quốc hiện giờ đang có tuổi nghỉ hưu thấp nhất thế giới, nam 60 tuổi và nữ 50-55 tuổi. Độ tuổi về hưu được dự kiến tăng lên thành 63 tuổi đối với nam giới và 55-58 tuổi đối với nữ giới, tùy loại công việc.

Chính quyền cũng đã hứa sẽ có trợ cấp trông trẻ và « dần dần » miễn phí giáo dục mầm non. Trên thực tế, chi phí giáo dục cao, những vấn đề về chăm sóc trẻ em và thị trường lao động nhiều khó khăn là những yếu tố khiến giới trẻ Trung Quốc không muốn sinh con.

Kích thích khu vực kinh tế tư nhân  

Thủ tướng Lý Cường cũng cam kết hỗ trợ cho các doanh nghiệp tư nhân : « Chúng tôi sẽ có những biện pháp cụ thể để thực hiện các chính sách nhằm kích thích sự phát triển của khu vực tư nhân và bảo vệ hiệu quả các quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp tư nhân và giới doanh nhân ».

Các nhà đầu tư đang theo dõi sát sao các biện pháp của Bắc Kinh, đặc biệt là sau khi chủ tịch Tập Cận Bình có cuộc họp hiếm hoi với chủ nhân của những công ty công nghệ khổng lồ của Trung Quốc.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng sự tăng trưởng của khu vực tư nhân chỉ được khuyến khích nếu phù hợp với các mục tiêu chiến lược của Bắc Kinh. Vào những năm 2010, các gã khổng lồ công nghệ đã có thể phát triển nhanh chóng, nhưng đảng Cộng Sản Trung Quốc luôn cảnh giác, dè chừng về nguy cơ khu vực tư nhân phát triển vượt tâm kiểm soát của đảng.

Đối phó với tác động của « môi trường bên ngoài »

Thủ tướng Lý Cường thừa nhận rằng « môi trường bên ngoài ngày càng phức tạp » có thể « có tác động nhiều hơn » đến Trung Quốc trong các lĩnh vực như thương mại và công nghệ : « Chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ đang gia tăng, hệ thống thương mại đa phương bị rối loạn và các rào cản quan thuế tiếp tục gia tăng ».

Ông nói thêm rằng Bắc Kinh « sẽ phản đối chủ nghĩa bá quyền và chính trị của kẻ mạnh ». Cho dù ông không nhắc đến bất kỳ quốc gia cụ thể nào, nhưng ông Lý Cường dường như ám chỉ Mỹ, theo cách giới ngoại giao Trung Quốc thường dùng. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã xung đột với một số nước phương Tây, trong đó có Hoa Kỳ, về công nghệ, thương mại và nhân quyền.

Thùy Dương - RFI Tiếng Việt

7/3/2025