Hòa bình thông qua sức mạnh (Chu Tuấn Anh)
Bảo an là yếu tố cần thiết để duy trì hòa bình và trật tự, đồng thời đưa tư tưởng và giá trị dân chủ vào mặt trận tiến công. Nếu không có hòa bình và trật tự, dân chủ khó có thể tiến công.
Sau tất cả, có lẽ nguyên nhân của cuộc khủng hoảng dân chủ trong thời gian gần đây đã lộ diện. Chúng ta nhận thấy rằng, trên thực tế, các chế độ dân chủ đã trở thành đa số, và các chế độ độc tài không còn khả năng cạnh tranh với các chế độ dân chủ về mặt ý thức hệ. Nếu đúng như vậy, theo lý thuyết, dân chủ lẽ ra phải tiếp tục tiến lên. Tuy nhiên, trên thực tế, làn sóng dân chủ không chỉ bị chững lại mà còn có dấu hiệu suy giảm nhẹ (theo chỉ số). Có lẽ, lý do chính là thế giới dân chủ, vào một thời điểm nào đó, đã trở nên tự mãn và chủ quan trong các vấn đề quốc phòng và an ninh. Chúng ta đã rơi vào tình trạng không có đủ công cụ để đối phó với các hành vi vi phạm nhân quyền hoặc những âm mưu gây bất ổn thế giới của một số nhà nước độc tài.
Thực tế, trong một thế giới vẫn còn nhiều quốc gia độc tài và những nước đang ở giai đoạn ngấp nghé giữa dân chủ và độc tài, có nguy cơ suy thoái dân chủ, thì việc thiếu khả năng tự vệ, bảo đảm an ninh, cũng như các công cụ mạnh mẽ để đối phó với các lực lượng độc tài là một sai lầm lớn. Tất nhiên, khi nói như vậy, chúng ta cũng cần thông cảm, vì họ cùng lúc phải đối mặt với áp lực từ các vấn đề xã hội và biến đổi khí hậu.
Trước đây, trên thực tế, Mỹ cũng đóng vai trò bảo đảm an ninh. Tuy nhiên, nếu nhìn lại, Mỹ chưa bao giờ hoàn toàn dành trọn lực lượng đó để bảo vệ dân chủ. Sau này, Trump đã thẳng thắn nói ra điều mà nhiều chính trị gia Mỹ không dám thừa nhận: họ sử dụng sức mạnh quân sự chỉ vì “lợi ích của Mỹ,” chứ không hề quan tâm đến việc bảo vệ các phòng tuyến dân chủ.
Các quốc gia dân chủ, như ở châu Âu, cũng nhận thức được điều đó. Tuy nhiên, họ lại lạc quan cho rằng, trong những trường hợp cụ thể, họ vẫn có thể tác động đến chính quyền Hoa Kỳ. Nhưng trên thực tế, ngay cả lưỡng đảng ở Mỹ cũng tỏ ra bất lực trước chính quyền Trump, thì làm sao châu Âu có thể thương lượng với ông ấy?
Hậu quả của việc các nước dân chủ lơ là bảo an và sự triệt thoái của Mỹ là bè lũ độc tài ngoi lên làm loạn: Nga xâm lược Ukraine, vi phạm nhân quyền leo thang ở những nước nhỏ. Họ tự tin vì họ thấy dân chủ bối rối. Nhưng cuộc khủng hoảng này cũng có thể là một cơ hội. Châu Âu, thậm chí ngay cả Nhật (chắc chắn phải tái vũ trang) – Đài Loan – Hàn Quốc cũng phải gia tăng quốc phòng. Sự lơ là trong vấn đề bảo an đã khiến cho dân chủ triệt thoái nhẹ ở thời điểm dân chủ đáng lẽ phải tiến tới. Nếu các nước dân chủ (ngoài Mỹ) gấp rút gia tăng về quân sự (với mục đích là duy trì bảo an và tái lập trật tự) thì có lẽ làn sóng dân chủ sẽ trở lại đúng quỹ đạo của nó. Tôi từng phản đối Ronald Reagan, và giờ tôi vẫn phản đối Ronald Reagan trên lập trường kinh tế, nhưng tôi vẫn luôn đồng ý với ông về thái độ luôn cảnh giác trước an ninh và đặt dân chủ ở trạng thái tiến công chứ không thỏa hiệp để đổi lấy một thứ hòa bình không có thực chất.

Tất nhiên, nói thế không có nghĩa là đi ngược với đấu tranh bất bạo động hay ủng hộ những biện pháp can thiệp quân sự để thay đổi thể chế chính trị. Nhưng cần phải nhấn mạnh rằng, trong một thế giới còn quá nhiều rủi ro về các khuynh hướng độc tài, vấn đề an ninh, và bất ổn ở những nước đang ở ngưỡng cửa tiến tới dân chủ hóa, thì việc thiếu nguồn lực để bảo an cho thế giới dân chủ là một sai lầm. Bảo an là yếu tố cần thiết để duy trì hòa bình và trật tự, đồng thời đưa tư tưởng và giá trị dân chủ vào mặt trận tiến công. Nếu không có hòa bình và trật tự, dân chủ khó có thể tiến công.
Chu Tuấn Anh
(02/03/2025)