Anh Quốc: "Liên minh tình nguyện" vẫn để ngỏ vấn đề điều lực lượng Châu Âu giữ gìn hòa bình cho Ukraina (Nguyễn Giang)
Hội nghị trực tuyến Luân Đôn hôm 15/03 do thủ tướng Anh Keir Starmer chủ trì đã mở rộng phạm vi của "phương án châu Âu" ủng hộ Ukraina nhưng cả Mỹ và Nga đều vắng bóng và nhiều câu hỏi khó được đặt ra về tính khả thi của việc đưa quân châu Âu sang Ukraina gìn giữ hòa bình.
Thông tín viên Nguyễn Giang tại Luân Đôn tường trình:
Kết thúc hội nghị trực tuyến ở Luân Đôn hôm qua, thứ Bảy (15/03), thủ tướng Anh, Keir Starmer cho biết vào thứ Năm tuần tới, các lãnh đạo quân sự từ các nước thuộc “Liên minh tình nguyện” ủng hộ Ukraine và làm suy yếu Nga sẽ họp để “lên kế hoạch hành động”.
Nhưng hành động đó là gì thì chưa ai rõ. Nhà báo Amanda Akass của SkyNews ghi nhận thủ tướng Anh đã né tránh câu hỏi “châu Âu sẽ vào cuộc thế nào khi mà Mỹ không rõ ràng”. Anh cam kết sẵn sàng đưa bộ binh vào gìn giữ hòa bình và cử không quân giám sát bầu trời Ukraina. Nhưng tổng thống Phần Lan Alexander Stubb thì nói thẳng với báo giới ở Luân Đôn là “còn quá sớm để đề cập tới việc đưa quân châu Âu vào Ukraina.”
Điều đạt được rõ nhất là liên minh 27 nước do Anh và Pháp dẫn đầu đã gửi ra thông điệp cho cả Mỹ và Nga về quyết tâm đứng cùng Ukraina. Hội nghị Luân Đôn là có thêm nhân vật quan trọng, nữ thủ tướng Ý, Giorgia Meloni tham gia cùng đại diện Thổ Nhĩ Kỳ, Úc và New Zealand. Trước đó, bà Meloni được cho là không mặn mà với Liên Hiệp Châu Âu vì Ukraina.
Về mặt ngôn từ, thủ tướng Anh phê phán thái độ của Tổng thống Vladimir Putin khi ông ta chỉ nói nửa vời, theo kiểu “Có...nhưng mà” (yes but) với đề xuất ngưng bắn 30 ngày mà Hoa Kỳ thỏa thuận được với Ukraina. Tuy vậy, trang BBC tiếng Nga viết thì chừng nào người Ukraine và Nga còn từ chối ngồi vào bàn đàm phán trực tiếp với nhau thì các bên thứ ba, như Anh và kể cả Mỹ, cứ việc hội đàm, thỏa thuận nhưng các vấn đề cơ bản nhất của cuộc chiến sẽ không được được giải quyết.
Điều đang dần hình thành là qua vụ việc ở Ukraina, về ngắn hạn Anh muốn gánh vác trách nhiệm ở châu Âu để cảm hóa, thuyết phục và giữ chân Mỹ, đồng thời gây sức ép lên Nga chấp nhận ngưng bắn, rồi hòa bình. Nhưng về lâu dài, không loại trừ khả năng Anh đang lập một liên minh an ninh thứ ba, đề phòng trường hợp Hoa Kỳ giảm các cam kết với châu Âu, kể cả sau khi vấn đề Ukraina được giải quyết bằng một cách nào đó.
Nguyễn Giang
16/03/2025
Nguồn: RFI Tiếng Việt