Anh Pháp chưa đạt được đồng thuận về kế hoạch tạm ngừng bắn tại Ukraina (Nguyễn Giang)

Hội nghị Luân Đôn hôm 02/03/2025, quy tụ 15 nước châu Âu và nhiều đối tác trong NATO như Thổ Nhĩ Kỳ và Canada về sáng kiến của Anh Quốc để giải quyết xung đột tại Ukraina. 

Britain's Prime Minister Keir Starmer, center, Ukraine's President Volodymyr Zelenskyy, left, and France's President Emmanuel Macron meet during the European leaders' summit to discuss Ukraine, hosted
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky (T), thủ tướng Anh Keir Starmer (G) và tổng thống Pháp Emmanuel Macron thảo luận bên lề Hội nghị Luân Đôn ngày 02/03/2025. AP - Justin Tallis

Tối qua, trả lời báo Le Figaro, tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cho biết Anh và Pháp nêu đề xuất Nga và Ukraina có 1 tháng tạm ngừng bắn trên bộ và trên biển, dừng không kích vào các cơ sở dân sự và quân sự của nhau, nhưng không có ngưng bắn trên bộ, vì chiến tuyến dài gần 1000 km và khó xác minh được việc tôn trọng ngưng bắn.

Vẫn theo nguyên thủ Pháp, quân đội châu Âu, nếu vào Ukraina thì chỉ ở giai đoạn 2, khi mà thỏa thuận hòa bình được ký kết. Sáng nay 03/03/2025, bộ trưởng Quốc Phòng Anh Luke Pollard bác bỏ thông tin của tổng thống Pháp.

Trong cuộc họp báo sau hôm qua, thủ tướng Anh Keir Starmer nói đến một kế hoạch hòa bình cho Ukraina và vẫn nhấn mạnh đến vai trò thiết yếu của Mỹ trong tiến trình này. 

Từ Luân Đôn, thông tín viên Nguyễn Giang cho biết những điểm chưa rõ ràng trong kế hoạch hòa bình mà thủ tướng Anh Keir Starmer thông báo :

« Hội nghị thượng định nhanh chóng (crunch summit) tại London hôm qua nhằm thảo luận một kế hoạch hòa bình mới do các nước châu Âu được Anh dẫn đầu và Pháp công khai đồng thuận nêu ra có một số điểm đáng chú ý.

Một là đề xuất để bất cứ kế hoạch hòa bình nào (any peace plan) cho Ukraina phải tôn trọng chủ quyền và an ninh Ukraina, đồng thời để nước này tham gia hội đàm.

Hai là châu Âu và Anh sẽ tăng cường ngay lập tức năng lực quân sự của Ukraina, cụ thể bằng khoản tiền 1,6 tỷ bảng Anh (2 tỷ USD) tài trợ để 5000 hỏa tiễn được sản xuất ở Belfast, Bắc Ireland của Anh, rồi gửi ngay ra tiền tuyến cho quân đội Ukraina.

Ba là Anh sẽ thiết kế một liên minh cùng ý chí (coalition of the willing) để bảo vệ cho thỏa thuận tương lai ở Ukraina. Một lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu, cho tới nay có Anh và Pháp sẵn sàng góp quân nhưng Ba Lan nói không, sẽ đảm bảo an ninh cho thỏa thuận.

Đây chính là câu hỏi lớn nhất vì ông Starmer không nói đó là thỏa thuận nào, dù có vẻ hai điểm trên loại bỏ thỏa thuận song phương Mỹ-Nga mà tổng thống Donald Trump muốn cứ tự đàm phán với tổng thống Vladimir Putin rồi ép Ukraina chấp nhận.

Thông tin duy nhất Anh nói ra là trước khi nêu các điểm trong kế hoạch hòa bình được Anh, Pháp và Ukraina ủng hộ, ông Starmer “đã có trao đổi với ông Trump qua điện thoại” nhưng không rõ ông Trump đồng ý tới mức độ nào và quan trọng là ông ta có lại đổi ý hay không.

Chưa kể, như nhà báo Anh Zoe Williams đặt câu hỏi mấu chốt: Keir Starmer đã bác bỏ luôn cuộc đàm phán Mỹ-Nga, hay đang muốn có kế hoạch của châu Âu do Anh dẫn đầu và bằng cách nào đó khiến Hoa Kỳ ủng hộ, rồi Nga chấp nhận. Bà Williams nhận xét ông Starmer “đang bị gánh nặng của những điều trái ngược đè nặng lên vai”.

Nga từ trước tới nay không đồng ý cho châu Âu thuộc NATO đem quân tới biên giới của họ với Ukraina. Hoa Kỳ thì không muốn để Ukraina tham gia hội đàm – tức là trái với điều 1 trong kế hoạch Starmer.

Điều có thể thấy đang dần dần hiện rõ là Anh sẽ bám sát và thuyết phục Donald Trump, còn Pháp thì làm “phát ngôn viên” nói chuyện với các nước châu Âu sát nách như Đức vốn đang chờ thay đổi lãnh đạo về kế hoạch hòa bình của châu Âu ».

Nguyễn Giang - RFI Tiếng Việt

3/3/2025