Nhìn Lại Đất Nước Trong Một Giai Đoạn Quan Trọng (Kỷ Nguyên) – Kỳ Cuối

 PHẦN 2: VIỆT NAM TRƯỚC THỀM MỘT KỶ NGUYÊN MỚI

Bài 3: Trước thềm một kỷ nguyên mới 

Những bài viết trước đó trong chủ đề “Nhìn lại đất nước trong một giai đoạn quan trọng” đã điểm lại những diễn biến quan trọng của tình hình trong nước cũng như đã nhận định về những biến cố của thế giới có ảnh hưởng đặc biệt lớn đến Việt Nam. Dù rất sơ lược và không đầy đủ nhưng một điều chắc chắn là tất cả chúng ta đều không khó để đồng ý rằng đất nước đang ở vào một hoàn cảnh rất nguy cấp. Trong khi tác động từ những biến cố lớn của thế giới sẽ có ảnh hưởng đến nước ta trong một thời gian khá dài, đưa đến cả những thách thức và cơ hội thì những diễn biến của tình hình trong nước đang đưa đất nước lún sâu hơn vào tình trạng bế tắc. Điều hiển nhiên là chúng ta sẽ phải chờ đợi một tương lai với rất nhiều những thử thách.

Trong một thế giới thay đổi mau chóng như ngày nay, đối với những người quan tâm đến đất nước, chúng ta có cơ sở để lo lắng trước một hiện trạng tụt hậu bi đát và một tương lai đầy bất trắc. Trong mối lo âu này, một cái nhìn thận trọng và khiêm tốn trước những lựa chọn đang đặt ra cho dân tộc là vô cùng cần thiết, đặc biệt là trong một bối cảnh mà những bài học lịch sử vẫn còn nguyên giá trị. 

Trước những cơ hội lịch sử

Cách đây 80 năm, thế giới ở trong một khúc quanh lịch sử rất lớn sau sự kết thúc của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, đưa đến một giai đoạn mở rộng của nền dân chủ và cơ hội thăng tiến nhân quyền trên khắp thế giới; đồng thời sự bành trướng của phong trào cộng sản cũng đặt các quốc gia trước mối nguy chưa từng có. Sự tàn khốc của cuộc thế chiến đã thúc đẩy một xu hướng đã có từ trước đó là buộc các nước thực dân phải trao quyền độc lập cho các nước thuộc địa và nhìn nhận quyền con người phổ cập. Đất nước ta vào giai đoạn đó có cơ hội lớn hơn bao giờ hết để giành lại được độc lập, không những vậy còn có thể thiết lập được dân chủ để tiến vào kỷ nguyên của nhân quyền. Tuy vậy thì thành công của đảng cộng sản Việt Nam với Cách Mạng Tháng 8 năm 1945 và thất bại cay đắng của các lực lượng yêu nước đã khiến dân tộc đi vào một ngã rẽ hoàn toàn khác. Cho đến nay, mặc dầu đất nước đã được thống nhất, nhưng cái giá phải trả là một cuộc nội chiến tàn khốc kéo dài 30 năm, để rồi đất nước tụt hậu một cách bi đát trong khi dân tộc vẫn chưa thể có những quyền căn bản nhất. Nguyên nhân của thảm kịch này là chúng ta đã hoàn toàn thiếu vắng tư tưởng chính trị, nhất là vào một giai đoạn vô cùng quan trọng đòi hỏi dân tộc phải có một cố gắng lớn trước những thử thách khó khăn. Bối cảnh thuận lợi lúc đó đã không biến thành cơ hội do trí thức hoàn toàn bị động, không thể nhận lãnh trách nhiệm trước lịch sử.

Cách mạng tháng 8 năm 1945 thay vì mở ra một trang sử độc lập và dân chủ cho Việt Nam đã đưa đất nước vào đêm đen của chủ nghĩa cộng sản.

Những biến động của tình hình thế giới sau đó cũng đưa đến cho đất nước nhiều cơ hội khác. Những năm cuối thập niên 1980, sự sụp đổ của khối cộng sản ở Đông Âu và Liên Xô đã phơi bày trước mắt thế giới sự thất bại của chủ nghĩa Mác-Lênin. Nội bộ đảng cộng sản Việt Nam đã mất lý tưởng và chia rẽ, xã hội Việt Nam lúc đó đã thay đổi và tạo ra áp lực rất lớn lên chế độ cộng sản. Nhưng trong hoàn cảnh đó, đất nước ta không có một lực lượng dân chủ và một dự án chính trị để thay thế chế độ cộng sản. Để rồi chính chế độ cộng sản phải tự chuyển mình, chấp nhận những thay đổi hình thức qua “chính sách đổi mới” để duy trì sự tồn tại. Từ sau năm 2008, cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất trong lịch sử thế giới đã khiến chế độ cộng sản Việt Nam chao đảo, do kinh tế sau hơn 10 năm mở cửa với thế giới đã nhanh chóng lệ thuộc vào bên ngoài. Cùng với đó, chế độ đã chia rẽ sâu sắc vì mất hết sự đồng thuận trong nội bộ đã đặt đất nước trước một đòi hỏi phải thay đổi. Tuy vậy thì chế độ cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục tồn tại, đất nước vẫn chưa lật qua một trang mới chỉ vì vào những thời khắc quan trọng nhất, chúng ta vẫn chưa thể có một lực lượng dân chủ đủ tầm vóc để xây dựng một đồng thuận dân tộc về một nước Việt Nam mới.

Sự sụp đổ của khối cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu đã là một cơ hội lớn để đất nước có thể dân chủ hóa.

Giờ đây, sau những biến cố lớn chưa từng có trong 5 năm vừa qua, thế giới lại đang ở vào một khúc quanh lịch sử trọng đại. Tầm quan trọng của khúc quanh này có thể còn lớn hơn những gì mà thế giới đối mặt vào những năm 1945, và đất nước Việt Nam đang phải đối diện với những thử thách vô cùng cam go và cũng đồng thời lại có cơ hội để mở ra một kỷ nguyên hoàn toàn mới. Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm vô cùng quan trọng để tất cả những người đấu tranh cho dân chủ như chúng ta cùng đồng ý với nhau rằng, bối cảnh hiện nay đã thật sự chín muồi cho một cuộc chuyển hóa về dân chủ.

Cần một hướng đi đúng đắn 

Thế giới đang ở trong một tình trạng rất đặc biệt. Không những các nước độc tài đang khốn đốn và ở vào những ngày tháng tồn tại cuối cùng, thế giới còn đang chứng kiến cuộc khủng hoảng chính trị ở nhiều phương diện và diễn ra ở ngay cả các nước dân chủ lâu đời. Phong trào toàn cầu hóa với sự lớn mạnh của các quyền lực phi truyền thống đang chất vấn ý niệm quốc gia, buộc các nước phải xét lại một cách đau nhức những thành tố hình thành và duy trì một quốc gia như là một nguyện ước sống chung. 

Vào những năm 1970 và 1980, dưới sự ảnh hưởng của các nhà tư tưởng kinh tế và chính trị của chủ nghĩa Tân phóng khoáng (Neo-Liberalism), các chính quyền Margaret Thatcher (ở Anh) và Ronald Reagan (ở Mỹ) đã đẩy mạnh kinh tế thị trường tự do, thúc đẩy tự do hóa tài chính nhưng bên cạnh đó lại giảm thiểu vai trò của nhà nước. Trong chiều sâu, chủ nghĩa Tân phóng khoáng là sự phủ nhận của chủ nghĩa Tự do (Liberalism) – một chủ nghĩa đặt nền tảng trên quyền con người, trong một sinh hoạt chính trị dân chủ theo đuổi các giá trị của tự do và lẽ phải. Chủ nghĩa Tân phóng khoáng -hay Tân tự do- là một hệ thống tư tưởng với niềm tin rằng, chỉ cần theo đuổi các lợi ích của kinh tế thị trường tự do thì sự thịnh vượng sẽ đến với tất cả mọi người, trong khi đó lại hạn chế -có thể ở mức tối đa- vai trò của nhà nước. Chính những điều này đã khiến liên đới xã hội bị xem nhẹ, những thảo luận đạo đức không còn được quan tâm và qua đó làm mất đi nội dung của ý niệm quốc gia. Hậu quả là đã khiến ngay tại những nước dân chủ phát triển, tình trạng bất bình đẳng gia tăng nhanh chóng và đưa đến những bất mãn lớn trong xã hội.

Đầu những năm 1990, sau sự sụp đổ của bức tường Berlin đưa đến tâm lý lạc quan ở các nước phương Tây, và cùng với phong trào toàn cầu hóa được thúc đẩy bởi những tiến bộ của khoa học công nghệ và sự bùng nổ của thương mại tự do, đã khiến các nước dân chủ – dẫn đầu bởi chính quyền Bill Clinton ở Mỹ – theo đuổi chủ nghĩa thực tiễn (realism) trong các quan hệ và hợp tác quốc tế. Chủ nghĩa này chọn lựa những quyết định chính trị theo đuổi lợi ích ngắn hạn và đặt tầm quan trọng của lợi ích lên trên các giá trị đạo đức và nhân quyền. Sự thiển cận của chủ nghĩa thực tiễn là đã giảm nhẹ các giá trị dân chủ để thúc đẩy hợp tác với các nước độc tài, đặc biệt là Nga và Trung Quốc. Các chính sách này đã giúp các nước độc tài có cơ hội mở cửa về kinh tế trong một thế giới toàn cầu hóa có thêm thời gian và nguồn lực để củng cố sức mạnh, qua đó uy hiếp nền dân chủ.

“Chỉ cần quan tâm đến kinh tế thôi, ngốc ạ!”. William J. CLinton

Cùng với phong trào toàn cầu hóa duy lợi nhuận bất chấp chế độ chính trị, ảnh hưởng của những sai lầm trên trong hơn 40 năm đã khiến thế giới đồng hóa chính trị với kinh tế, và với sự thúc đẩy của quá trình tự do hóa tài chính, kinh tế đã bị đồng hóa với tài chính. Hệ quả là ở nhiều quốc gia, các cấp lãnh đạo xuất thân từ tài chính ngày càng chiếm ưu thế trong thượng tầng chính trị và nắm giữ những vai trò quan trọng nhất. Nhưng chính trị đâu chỉ có kinh tế, và kinh tế đâu chỉ có tài chính. Ưu tư hàng đầu đối với mọi chính quyền là phải luôn cảnh giác và duy trì liên đới xã hội, các nhà lãnh đạo chính trị vì vậy, ngoài sự hiểu biết về các vấn đề đặt ra cho đất nước thì đồng thời phải là những người có tâm hồn. Sự thiển cận của thế giới trong một thời gian dài đã khiến khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớp trong xã hội gia tăng một cách nhanh chóng, lượng tài sản tăng lên đã chỉ tập trung vào tay những người giàu có khiến họ ngày càng giàu hơn trong khi những người nghèo ngày càng bị bỏ xa lại phía sau trong sự phẫn uất. Những tầng lớp yếu thế trong xã hội đã không thấy được phúc lợi của họ trong sự phát triển của quốc gia, họ có cảm tưởng bị bỏ rơi và lâu dần không thấy quốc gia là của họ nữa. Tình trạng bệnh hoạn này đã đưa đến sự trỗi dậy của các thế lực dân túy cùng các đảng cực hữu trên khắp thế giới, không những ở những nơi vốn khủng hoảng như Mỹ và Pháp mà còn xuất hiện ngay ở những nước vốn có truyền thống chính trị ổn vững như Hà Lan và Đức.

Tình trạng đặc biệt đó của thế giới, đã làm nổi bật lên một hiện tượng cũng hết sức đặc biệt đối với Việt Nam. Ngay từ năm 1982, khi nhóm Thông Luận (tiền thân của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên) được thành lập thì chủ nghĩa Tân phóng khoáng đang ngự trị trong chính trị và kinh tế ở các nước dân chủ phát triển nhất thế giới, nhưng Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (Tập Hợp) ngay từ lúc đó đã xác định theo đuổi các giá trị của dân chủ và nhân quyền, lấy lẽ phải và đạo đức làm nền tảng cho tư tưởng chính trị của mình. Trong hơn 20 năm thế giới theo đuổi chủ nghĩa thực tiễn, Tập Hợp cũng đã là tổ chức lên án những sai lầm căn bản của chủ nghĩa thiển cận này. Chính trong lúc các nước như Mỹ xem nhẹ sự liên đới xã hội để mải mê chạy theo các phúc lợi của kinh tế thị trường tự do thì ngay từ khi thành lập, Tập Hợp không những đã luôn đề cao liên đới xã hội mà còn xem đây là một thành tố cấu tạo nên ý niệm quốc gia. Trong đó, khi và chỉ khi quan niệm một cách đúng đắn về quốc gia như là một không gian liên đới thì dân tộc đó mới thấy được sự ràng buộc với nhau để xây dựng cùng nhau một dự án tương lai chung. 

Trong nỗ lực củng cố không gian liên đới đó, Tập Hợp ngay từ khi thành lập đã xác định Hòa giải và hòa hợp dân tộc là một trong năm quan điểm nền tảng của mình, xem đây là nhu cầu sống còn đối với dân tộc; đồng thời chỉ ra lập trường Hòa giải và hòa hợp dân tộc là một bắt buộc đối với bất kỳ một tổ chức chính trị nào của Việt Nam. Trong dự án chính trị của mình, Tập Hợp đã nhận định rằng “Trong một thế giới thay đổi dồn dập như hiện nay, quốc gia nào cũng phải chịu những xáo trộn không ngừng. Ngành này tiến lên trong khi ngành kia suy thoái, khu vực này bành trướng trong khi khu vực khác trì trệ. Những chênh lệch xã hội liên tiếp xuất hiện và các chính sách dù hoàn chỉnh đến đâu cũng không thể nào thỏa mãn được tất cả mọi người. Cho nên quốc gia nào, dân tộc nào cũng liên tục phải hòa giải với nhau vì các mối xung đột quyền lợi và căng thẳng luôn luôn xảy ra. Hòa giải đã trở thành triết lý điều hành quốc gia.”. Tập Hợp không những đã đưa đến một tinh thần bao dung để hàn gắn những vết thương do quá khứ để lại và xây dựng lại đất nước ngày nay, mà còn đặt một nền tảng tư tưởng tiến bộ cho tương lai dân tộc. 

Một vấn đề lớn khác của thế giới cần được quan tâm đúng mức là sự khủng hoảng đang diễn ra ở tất cả các nước theo chế độ tổng thống, trong đó có cả Mỹ – dù là một nước hùng mạnh về mọi mặt nhưng vẫn đang đối mặt với nguy cơ tan rã – đã xác nhận sự thất bại của mô hình chế độ tổng thống. Điều này đã làm nổi bật lên một quyết định rất quan trọng của Tập Hợp ngay từ khi thành lập là xác định chế độ chính trị cho Việt Nam phải là chế độ dân chủ đại nghị và tản quyền, xem đây là chế độ chính trị ổn vững và lành mạnh nhất. Chế độ dân chủ đại nghị và mô hình tổ chức tản quyền không những đã cho thấy sự đúng đắn mà còn là điều kiện tối cần thiết để đảm bảo cho một xã hội dân chủ đa nguyên. Chọn lựa chế độ chính trị này đối với người Việt Nam khi đó còn mới lạ vì từ trước, đa số mọi người chỉ biết đến chế độ tổng thống và xem đó là chế độ chính trị hiển nhiên cho đất nước ; nhưng Việt Nam đã quá bế tắc và kiệt quệ nên sẽ là sai lầm vô cùng nghiêm trọng nếu chúng ta không ý thức về sự hoại loạn do chế độ tổng thống gây ra. Sự thành công và ổn định chính trị ở các nước dân chủ đại nghị khác như Anh, Úc, Nhật Bản hay nước Đức đang cho thấy, tư tưởng và những chọn lựa của Tập Hợp dành cho đất nước từ cách đây hơn 40 năm không những đúng đắn mà còn được thử thách qua thời gian cùng những biến cố của thế giới.

Chế độ đại nghị : Thể chế dân chủ và ổn vững nhất

Sự trung thành của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đối với các giá trị của đạo đức và lẽ phải đã là điển hình cho những ý niệm đúng đắn cả về bản chất chính trị lẫn cứu cánh của nó. Và cái đúng đã chứng tỏ được sức mạnh -đặc biệt được thể hiện trong chính trị- qua tầm quan trọng của tư tưởng chính trị, một điều kiện không thể không có để có được hướng đi đúng đắn về một tương lai xán lạn cho dân tộc Việt Nam. 

Và một hành trang cho tương lai

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã xem cuộc đấu tranh dân chủ cho dân tộc cũng đồng thời là một cuộc cách mạng về tư tưởng, để không những tránh đi vào sai lầm của thời cuộc – như các nước Mỹ hay Anh đã từng vấp phải – mà còn chuẩn bị một hành trang cần thiết cho dân tộc để đúng hẹn với tương lai. Với di sản của văn hóa Nho giáo cùng những bài học lịch sử mà nó để lại, đã đặt đất nước trước yêu cầu về một cuộc vượt thoát về tư tưởng. Trong đó, đất nước Việt Nam sẽ phải được quan niệm đúng đắn như là một tình cảm giữa những con người quý trọng nhau, ràng buộc với nhau trong một không gian liên đới và chấp nhận chia với nhau một dự án tương lai chung. Cuộc cách mạng mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thực hiện sẽ mở ra kỷ nguyên dân chủ đa nguyên, kỷ nguyên thứ hai trong lịch sử dân tộc; trong kỷ nguyên mới này, lần đầu tiên dân tộc Việt Nam sẽ rũ bỏ được thân phận nô lệ để trở thành những con người thật sự tự do, được hưởng đầy đủ những quyền con người phổ cập. Đó sẽ là tương lai mà mọi người Việt Nam đều muốn có và cần có, mà trong đó, trách nhiệm động viên và chia sẻ thuộc về một tầng lớp trí thức chính trị. Tương lai đó đang được những người đấu tranh dân chủ cho Việt Nam theo đuổi, đặc biệt là những chí hữu của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, ở trong nước cũng như ngoài nước tiếp nối xây dựng với tất cả ý thức trách nhiệm và tình yêu đối với đất nước. 

Điều đáng buồn là trong năm 2024, sự kiện quan trọng nhất lại là việc chế độ cộng sản bắt giam một trong những trí thức đáng quý nhất của dân tộc là anh Trần Khắc Đức, anh đồng thời cũng là một chí hữu của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Anh Trần Khắc Đức là một người con bình dị của đất nước Việt Nam, người mang trong mình hình ảnh gần gũi mà mọi người Việt Nam có thể thấy mình trong đó. Anh Đức chỉ mới tròn 30 tuổi, vốn sinh ra trong một gia đình nông thôn nghèo ở Nghệ An, lớn lên trên những cánh đồng thấm đẫm những gian truân và nhọc nhằn của biết bao thế hệ. Vượt lên trên hoàn cảnh khó khăn đó, bằng khả năng học hỏi và trí thông minh của mình, anh Trần Khắc Đức không những có được cuộc sống trọn vẹn cùng trách nhiệm với gia đình mà còn ấp ủ cho bản thân giấc mơ thay đổi số phận của dân tộc. Giấc mơ đó đã đưa anh đến với Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, lựa chọn mà anh xem là con đường đúng đắn để dấn thân cho lý tưởng cống hiến cuộc đời mình cho đất nước. Anh Đức nhận thức được đất nước đang nguy ngập và cũng tìm thấy tương lai của dân tộc thông qua những giải pháp đúng đắn được trình bày trong dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai

Trần Khắc Đức
Trần Khắc Đức là hình mẫu của một trí thức chính trị mà đất nước đang cần.

Anh Trần Khắc Đức trưởng thành trong một giai đoạn mà tình cảm và ý chí của dân tộc đã không còn đáng kể, nhất là trong thế hệ trẻ hiện nay. Tình yêu quê hương đã hoàn toàn vắng mặt trong những bữa cơm gia đình người Việt, đất nước đã không còn trong dự định tương lai của đa số mọi người dù chính quyền rêu rao những con số tăng trưởng giả tạo bởi chính họ đã cảm nhận cuộc sống của bản thân và gia đình không có trong những con số được bơm thổi đó. Người Việt đã là sắc dân nổi bật nhất trong những đợt di dân cả hợp pháp (qua hình thức xuất khẩu lao động) lẫn bất hợp pháp (qua nạn buôn người) trên thế giới, đặc biệt là vào hai nước Mỹ và Anh. Thảm kịch 39 đồng bào của chúng ta gặp nạn trong thùng container lạnh lẽo năm 2019 vẫn không ngăn được những đôi chân tiếp tục ra đi, hiện người Việt là di dân lậu nhiều nhất vượt biển vào nước Anh trong những năm sau thảm kịch đau lòng đó. Có lúc báo chí phương Tây đã đặt một câu hỏi với đại ý rằng, “tại sao một nước có bờ biển đẹp và một nền kinh tế đầy hứa hẹn với mức tăng trưởng vào hàng cao nhất thế giới như Việt Nam, lại có nhiều người bỏ nước ra đi bất chấp cả mạng sống của mình như vậy?”. Đối với người Việt, câu hỏi cũng đồng thời là câu trả lời. Thảm kịch 39 người Việt ở Anh với nạn nhân phần lớn là người quê ở Nghệ An nơi Trần Khắc Đức sinh ra, nên đối với anh ấy, câu hỏi ở trên càng thêm đau nhức.  

Đằng sau bức màn tối tăm của hiện tình đất nước, lý tưởng mà những người như Trần Khắc Đức và những chí hữu của anh ở cả trong lẫn ngoài nước lựa chọn, đòi hỏi những hy sinh trong cuộc sống cá nhân, chấp nhận những tiện nghi hạn chế để dành phần lớn tâm trí và thời giờ cho những ưu tư của dân tộc. Không ít những con người bình dị và thầm lặng này chấp nhận những thiệt thòi đó để dấn thân trong khi vẫn chưa có được một mái ấm gia đình của riêng mình, vì những khó khăn trên con đường đấu tranh đầy gian nguy cho dân tộc không dễ để có được sự đồng cảm và sẻ chia từ chính những người gần gũi là bạn bè và người thân. Những con người dũng cảm khác như Phạm Văn Trội, Phạm Đoan Trang chỉ vì muốn hướng đến một tương lai dân chủ cho đất nước, họ đã và đang phải chịu những bản án tù nặng nề dưới sự hà khắc của chế độ. Sự xuất hiện của một tầng lớp trí thức mới đang hiện diện trong phong trào đấu tranh cho dân chủ, trong đó có những người như anh Trần Khắc Đức là một may mắn lớn và là những người mà đất nước rất cần, đặc biệt là trong giai đoạn quan trọng như hiện nay. 

Với một đời người, nếu phải trải qua những ngày tháng trong ngục tù thì đó sẽ là những ngày tháng bi quan nhất trong cuộc đời, nhưng với Trần Khắc Đức và những tù nhân lương tâm khác thì đó sẽ là những ngày tháng của hy vọng, của niềm tin vào một tương lai mới cho đất nước. Trần Khắc Đức đã bình tĩnh đón nhận với tâm thế của một người sẵn sàng trả giá cho lý tưởng, đồng thời cũng thể hiện sự bao dung khi tuyên bố sẽ bước ra khỏi cánh cửa nhà giam với tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc. Ở nơi tăm tối nhất, bản lĩnh chính trị mà anh Đức thể hiện đã cho thấy một cái nhìn lạc quan về tương lai và, cũng thắp lên ở nơi đó một ngọn lửa của ý chí và tình cảm đặc biệt dành cho dân tộc. 

Đất nước đã quá chậm trễ trong hành trình đi đến dân chủ, đảng cộng sản đã làm mất quá nhiều thời gian quý giá của dân tộc nhưng chúng ta cũng đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội. Trước thềm một kỷ nguyên mới, chúng ta sẽ không để quãng thời gian đó trở nên vô nghĩa và cũng sẽ không để tương lai sắp tới tiếp tục bị phí phạm. Ngay từ bây giờ, một sự đồng thuận về những định hướng lớn cho Việt Nam là vô cùng cần thiết để tất cả chúng ta có thể hiểu nhau và nhanh chóng nắm tay nhau tiến về phía trước. Đó sẽ là những chọn lựa vô cùng quan trọng, quyết định hướng đi và số phận của dân tộc mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã chuẩn bị cho đất nước thông qua dự án Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, trong mong muốn đóng góp để mọi người có thể cùng nhau chia sẻ.

Đây chính là hành trang thật sự mà đất nước cần nhất, một dự án chính trị đúng đắn và một đội ngũ trí thức xứng đáng để có thể động viên mọi người trong cố gắng tiến tới đồng thuận về một nước Việt Nam dân chủ. Hành trang này còn đặc biệt quan trọng và cần thiết trước những di sản chồng chất hận thù và đau thương từ quá khứ do các cuộc nội chiến gây ra. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là tổ chức kể từ khi thành lập từ hơn 40 năm nay, luôn kêu gọi đấu tranh bất bạo động, trong tinh thần hòa giải và hoà hợp dân tộc. Lập trường này của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên không những là chọn lựa của trí tuệ mà còn là sự thôi thúc của một tình cảm lớn đối với đất nước; chọn lựa này cũng đồng thời là một sự đoạn tuyệt đối với văn hóa bạo lực, nguyên nhân gây nên những đổ vỡ trong suốt chiều dài lịch sử, để có thể hướng tới một trang sử mới được viết tiếp trong tình tự dân tộc.

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên - Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai
Lập trường đấu tranh bất bạo động trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc đã luôn là một phần cốt lõi trong tư tưởng của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. 

Trước thềm một kỷ nguyên mới

Trong thế giới văn minh ngày nay, khi dân chủ đã là đồng thuận chung của cả loài người, những chế độ bạo ngược, nhất là những chế độ được hình thành và nuôi dưỡng bởi bạo lực như chế độ cộng sản sẽ không thể tồn tại được nữa. Chế độ cộng sản đang cáo chung vì di sản mà nó mang theo đang lùi vào một quá khứ bắt buộc phải qua đi. Một kỷ nguyên dân chủ đa nguyên mà chúng ta đang hướng đến cho dân tộc đang là hướng đi tất yếu của nhân loại nên sẽ là một tương lai bắt buộc phải đến. Điều thật sự đáng lo nhất là những gì sẽ diễn ra bên trong đảng cộng sản khi chế độ đang cho thấy họ đang lựa chọn cáo chung trong sự bất định. Tình trạng nội bộ nguy hiểm của đảng cộng sản hiện nay rất dễ đưa đến những tính toán sai lầm, chỉ cần một phe nào đó có quyết định cực đoan thôi cũng có thể đưa đến những hậu quả tai hại. Càng đáng lo hơn là thế lực bảo thủ nhất trong chế độ cộng sản lại quyết định đàn áp mọi tiếng nói đấu tranh cho dân chủ, trong đó có anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên ở trong nước, những người tiếp nối tư tưởng và là đại diện chân chính của tinh thần hòa giải được kế thừa từ thế hệ đi trước của Tập Hợp. Với hành động đó, các thế lực bảo thủ của chế độ đang lựa chọn bóng tối thay vì ánh sáng, chọn làm nạn nhân thay vì làm tác nhân trong một cuộc chuyển hoá về dân chủ đằng nào cũng đến và sắp đến. Sự mâu thuẫn ngay trong nội tại của đảng cộng sản hiện nay đang chứng tỏ, hiện nay họ chỉ là một tập thể không còn bình thường, lý trí và khôn ngoan đang nhường chỗ cho hoảng loạn và tăm tối. 

Trong tình cảnh đó, chúng ta phải gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng nguy cấp của đất nước nhưng cũng cần nhìn nhận trách nhiệm của chính mình. Mặc dầu chế độ cộng sản đang cáo chung và đất nước sắp tiến vào dân chủ, nhưng những người đấu tranh cho dân chủ cần thẳng thắn với nhau là thắng lợi sắp tới đã không được thật sự trọn vẹn. Dân chủ đã chỉ đến sau khi chế độ cộng sản đi đến giai đoạn sau cùng của tiến trình sụp đổ với một đảng cộng sản từ lâu đã không còn lý tưởng, dân chủ cũng chỉ đã đến khi đại đa số người dân đang rơi vào cảnh lầm than, đất nước đã tan hoang và đối mặt với nguy cơ tụt hậu vĩnh viễn. Đất nước Việt Nam đã không thể có được dân chủ sớm hơn trong một điều kiện tốt đẹp hơn, chế độ cộng sản cũng đã không thể kết thúc sớm hơn trong hoàn cảnh thuận lợi hơn cho chính họ. Lỗi này thuộc về tất cả chúng ta. Điều cần thiết nhất chúng ta có thể làm ngay lúc này, là đứng cùng nhau trong một kết hợp đằng nào cũng phải có để buộc chế độ cộng sản phải lựa chọn con đường cáo chung diễn ra trong trật tự, tránh gây ra những đổ vỡ không cần thiết cho đất nước và cho chính họ. 

Đất nước có nguy cơ tụt hậu vĩnh viễn nếu không nhanh chóng được xây dựng trên những nền tảng đúng đắn.

Sự kết hợp này sẽ không khó nếu tất cả chúng ta xem cứu cánh của công cuộc đấu tranh cho dân chủ là thiết lập một nước Việt Nam dân chủ đa nguyên dành chỗ đứng và tiếng nói ngang nhau cho tất cả mọi người. Trong thể chế dân chủ đa nguyên mọi người Việt Nam đều sẽ có tương lai, và tương lai đó sẽ xứng đáng vì đồng thời nó cũng là một sự vượt thoát đối với một quá khứ đã quá nhiều sai lầm và đổ vỡ. Lịch sử chật vật của dân tộc Việt Nam kể từ ngày lập quốc cho đến nay, cùng với di sản Nho giáo đã không cho dân tộc ta một hành trang lành mạnh để đi đúng hướng. Trong suốt chiều dài lịch sử đầy rẫy những đau thương và mất mát đó, chúng ta đã chỉ có những cuộc chiến tranh chống ngoại xâm và nội chiến, của bạo lực và khuất phục, của hận thù và báo oán. Thân phận người dân Việt Nam đã chỉ là thân phận nô lệ và sự đọa đày, chúng ta đã là nạn nhân của tinh thần bất dung và của óc độc quyền lẽ phải. Hiện trạng đất nước Việt Nam ngày hôm nay cần được xem là một sự hổ nhục dành cho tất cả mọi người dù thuộc khuynh hướng chính trị nào hay thuộc quá khứ nào. Sự tồn tại của chế độ cộng sản, xét cho cùng, đã là hậu quả từ một di sản văn hóa mà trong đó, đảng cộng sản cũng chỉ là nạn nhân của giai đoạn thiếu vắng tư tưởng chính trị của dân tộc. 

Giờ đây, trước ngưỡng cửa của kỷ nguyên dân chủ đa nguyên, hơn lúc nào hết chúng ta cần động viên nhau trong một ý chí chung để nắm tay nhau mở ra cánh cửa kỷ nguyên thứ hai của dân tộc, đồng thời cũng cần phải nói cho nhau hiểu rằng tất cả những gì đáng quên phải được lùi vào quá khứ để đất nước được tiến về tương lai. Một giấc mơ Việt Nam chung của mọi người Việt Nam mà anh chị em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đang vun đắp, là nơi sẽ chỉ có tình yêu thương của những người xem nhau là đồng bào, là anh em, tìm đến với nhau trong sự ăn năn và tha lỗi cho nhau trong tinh thần bao dung.

Kỷ Nguyên

(17/02/2025)

Hết


Loạt bài Nhìn Lại Đất Nước Trong Một Giai Đoạn Quan Trọng

Phần 1: Thế Giới Trong Một Khúc Quanh Lịch Sử Trọng Đại

Phần 2: Việt Nam Trước Thềm Một Kỷ Nguyên Mới