Hà Nội cắt người vào đoàn bộ hành của sư Minh Tuệ để làm gì ? (Gió Bấc - RFA)

Tháo gỡ vòng kim cô kiểm soát tôn giáo trong hành trình của sư Minh Tuệ

Gió Bấc, RFA, 04/01/2025

Ngày xưa Trần Huyền Trang bị 81 kiếp nạn, ngày nay sư Minh Tuệ chỉ bị một kiếp nạn từ một nguồn duy nhất nhưng kiếp nạn này kéo dài mãi đến khi sư đắc đạo. Ngày xưa, Quan Thế Âm Bồ Tát gắn kim cô giúp Đường Tăng khống chế Tôn Ngộ Không. Ngày nay, thế lực bí ẩn nào đó đã cài đặt Đoàn Văn Báu để quản chế sư Minh Tuệ. Thế lực đen ấy muốn bóp chết tự do tôn giáo, che mờ ánh sáng Phật pháp, kích động và đánh lừa người dân vào những lầm mê.

kimco2

Sư Thích Minh Tuệ (giữa) và ông Đoàn Văn Báu (phải phía sau) khi vào Thái Lan hôm 31/12/2024. RFA

Tin đoàn bộ hành sư Minh Tuệ đến Thái Lan làm nhiều người bừng lên hy vọng. Các YouTuber trong đó có cả những người từng giao duyên và quay clip Sư Minh Tuệ trước khi nổi tiếng như Nhân Gà Vlog, Tuấn Container, đã chực chờ ở cửa khẩu Thái Lan hy vọng tiếp tục quay hình ảnh hành trình và câu chuyện phẩm hạnh, pháp hành cao quý của Sư. Phía gia đình Sư Minh Tuệ cũng gửi ba người gồm cả hộ pháp và YouTuber sang Thái tham gia đoàn. Quá chán ngán hình ảnh do Báu độc quyền chỉ có cái lưng, những bước chán chản vô hồn của các sư, công chúng mong sẽ được xem, nghe hình ảnh, câu chuyện cận cảnh của các sư.

suminhtue1

Đoàn bộ hành của sư Thích Minh Tuệ trên đất Thái Lan – DieuHanhVlogs

Khống chế thành viên, độc quyền truyền thông

Nhưng tất cả đều thất vọng. Đoàn Văn Báu vẫn lấy cớ phải theo danh sách đã đăng ký, đóng cứng con số thành viên 10 người, không cho bất cứ ai tham gia đoàn bộ hành. YouTuber Nhân Gà và Tuấn Container chỉ được đảnh lễ Sư trong thoáng chốc và ngậm ngùi rời Thái Lan, Thái Tâm đụng độ nảy lửa với Báu và hậm hực quay xe trong tâm thế kẻ bại trận.

Một số YouTuber kiên trì bám lại phải tác nghiệp từ xa hàng trăm mét, đứng bên đường quay hình đoàn bộ hành. Mỗi ngày vài ba lần hét lên tuyệt vọng ba từ "Con chào thầy !" chứng minh sự hiện diện của mình mỗi lần sư đi ngang qua. Tất cả các YouTuber đều cam phận xào đi nấu lại những khuôn hình, nguồn tin về đoàn bộ hành, về sư Minh Tuệ do Báu độc quyền phát hành. Hình ảnh Báu ngất ngưởng chiếm hết các kênh truyền thông với bao lời nịnh nọt như một người hùng.

Báu tự giới thiệu là "trưởng đoàn được nhà nước phân công", mặc nhiên làm người phát ngôn cho sư Minh Tuệ. Công chúng không được nghe lời Sư nói, chỉ biết ý kiến sư Minh Tuệ qua cái miệng truyền đạt của Báu. Nhiều người mù quáng tung hô khen ngợi Báu ngay cả những việc làm trái với ý nguyện của sư Minh Tuệ và trái với giáo pháp. Ở Thái Lan, sư Minh Tuệ đã cho phép sư Minh Khổ tham gia đoàn nhưng đi mới được một ngày Báu đã tự ý ép buộc Minh Khổ rời đoàn quay về Việt Nam với những lòi kết tội nặng nề phạm giới, không đủ hạnh. Báu cũng trích dẩn ý kiến sư Minh Tuệ cho rằng sư Minh Khổ "thiếu kham nhẫn".

Tùy ý giết tha như cai ngục với tù nhân

Tuy đoàn bộ hành chưa chính thức là Tăng đoàn nhưng với thành phần chủ yếu là các nhà sư cùng bộ hành theo mục đích tâm linh, tuân theo hạnh đầu đà, thì mọi sinh hoạt, ứng xử phải theo giáo luật từ bi đối với Tăng đoàn. Theo Luật Tạng (Vinaya Pitaka), việc kết luận một tu sĩ phạm giới phải do Tăng đoàn (Sangha) là thẩm quyền cao nhất, thông qua các cuộc họp chính thức (Yết ma).

Một cá nhân, dù là cư sĩ hay xuất gia, không có quyền kết luận một nhà sư phạm giới. Huống hồ chi Báu là người ngoại đạo. Việc tố cáo và kết tội phải tuân theo quy trình được quy định trong Luật tạng. Phải có hành vi cụ thể vi phạm một điều trong giới luật. Phải có chứng cứ rõ ràng chứng minh hành vi vi phạm. Việc xét xử và kết luận phạm giới phải tuân theo quy trình, cuộc họp Tăng đoàn, thẩm vấn các bên liên quan, và biểu quyết của Tăng đoàn. Người bị xem xét phạm giới được dự họp và trình bày tự bảo vệ mình.

Việc sư Minh Khổ không có tên trong danh sách (nếu danh sách này có thật) là việc thế tục. Mốn đưa sư Minh Khổ ra khỏi đoàn bộ phải do sư Minh Tuệ và cả đoàn quyết định theo các thủ tục nhất định. Người ngoại đạo cần tôn trọng các quy tắc và truyền thống và đạo pháp. Ở đây, những yếu kém, phạm giới hay phạm hạnh đầu đà của sư Minh Khổ không ai có chứng cứ nào, tất cả đều do lời truyền miệng từ cáo buộc của Báu. Hơn thế nữa, Báu còn kêu gọi cộng đồng mạng ai biết được sai phạm của sư Minh Khổ thì thông tin cho Báu giống như cán bộ đội cải cách ruộng đất phát động quần chúng đấu tố địa chủ ác ôn (1). Cách làm của Báu giống công an trừng trị tù nhân hơn là hộ pháp ứng xử với nhà sư.

Nhưng công chúng ít người thấy điều đó và vẫn tung hê Báu như thần như thánh. Youtuber Tuấn Container tình cờ gặp và quay clip sư Minh Khổ ở Pakse trên đất Lào. Nội dung clip thể hiện Sư Minh Khổ kể việc Báu dùng tình nguyện viên Lào đưa sư đến cửa khẩu Thái Lan. Người này lấy passport của sư đưa cho nhân viên và nhân viên Thái Lan đưa sư sang cửa khẩu Lào. Sư Minh Khổ quyết quay lại Thái Lan đi theo đoàn dù đi sau một vài km và sẵn sàng xả bỏ nhục thân. Tuấn và mấy người dân Lào khuyên sư quay lại Việt Nam nhưng sư vẫn quyết tâm. Quyền lực và ảnh hưởng truyền thông của Báu mạnh đến mức sau khi đăng clip. Chỉ bao nhiều đó, Tuấn bị dư luận tấn công và phải đăng một clip khác để trần tình (2).

Sau đêm bị đàn áp oan nghiệt 3/6/2024, dù bị quản chế tại địa phương, dù bị truy đuổi, chặn bắt trên khắp nẻo đường, nhiều vị sư vẫn kiên trì giữ giới, hạnh đầu đà tiếp tục bộ hành hướng về sư Minh Tuệ. Hơn 6 tháng thử thách, bị trấn áp, đầy đuổi, áp giải, quản chế, tịch thu y áo… các vị sư vẫn giữ được Phật nguyện, đã vượt qua chướng ngại, đã có bước tiến lớn trên đường tu tập. Các vị sư này hẳn đã xứng đáng, đủ bản lĩnh tham gia đoàn.

Xuyên suốt từ trước đến nay, sư Minh Tuệ luôn khẳng định sư phát nguyện bộ hành, không mời ai đi theo nhưng cũng không cấm ai, mọi chuyện tùy duyên miễn sao tốt đẹp. Thế nhưng, qua đến Thái Lan, Báu đã phát một clip độc thoại đưa ra tiêu chuẩn lựa chọn "các sư nhỏ" theo Báu nói "tôi đã bàn với thầy Minh Tuệ". Những tiêu chuẩn Báu đưa ra là : phải giữ giới, phải tinh tấn, phải đủ quyết tâm, phải có sức đi bộ hành bằng chân, không đi dép. Báo công bố đã chọn được 9 người sẽ bổ sung làm thủ tục. Đặc biệt, ông còn kêu gọi công chúng bình chọn và giới thiệu thêm (3). Những vị sư được Báu nêu tên vô cùng hoan hỉ. Sư Minh Dược trân trọng đảnh lễ từ giả cha mẹ. Công chúng được mời tham gia bình chọn sư như chấm thi hoa hậu cũng nức lòng tham gia bàn tán.

Tuy nhiên, trong bối cảnh những nhà sư đang bị nhà nước quản chế nghiêm nhặt, thông tin bị bưng bít, hiểu biết Phật pháp của công chúng bị hạn chế, ngay cả ông Báu cũng nhầm lẫn giữa Giới và Hạnh, việc cộng đồng bình chọn sư nghe có gì đó sai sai. Việc bình chọn có thể tạo ra hiệu ứng đám đông, dẫn đến những quyết định cảm tính và thiếu căn cứ. Việc hai vị sư Tâm Dũng, Như Ngộ vốn được công chúng mến mộ qua phong thái từ bi khiêm ái và thái độ bi trí bị ông Báu gác lại do có tin tố cáo "phạm giới" khi đi hành hương đã xuất gia ở một chùa Ấn Độ là dẩn chứng điển hình. Sư Minh Đạo lấy giáo luật thực tế Việt Nam cho là hai sư đã sai. Sư ông Hiếu Hiền từ Ấn Độ cho rằng xuất gia thọ giới để chính thức tu học là chuyện bình thường. Nhiều người khuyên hai sư kiên nhẫn chờ. Hai sư muốn chúng minh trong sạch đã phát tâm xả bỏ giấy tờ và nghi thức xuất gia… (4).

Báu là công cụ kiểm soát tôn giáo !

Youtuber Thành ở Gia Lai đăng clip cho biết được Báu giao tổ chức xe đưa các sư ra cửa khẩu Bờ Y làm thủ tục. Nhiều cuộc chia tay hoan hỉ, đẫm nước mắt, ngậm ngùi, đã diễn ra. Thế nhưng, cuối cùng con số 9 "sư nhỏ" được bổ sung chỉ là cái bánh vẽ. Ngày 2/1, Báu công bố chốt lại chỉ bổ sung 3 sư mà không công bố lý do. Báu cũng tóm tắt triết lý vụn vặt tính thiên mệnh hay duyên nghiệp của con số 10 thành viên mà Báu đã chốt hạ trước đó (5).

Trong số 6 sư bị rớt lại có sư Minh Dược, người đã long trọng đảnh lễ cha mẹ. Theo clip của Nguyễn Thị GL thông tin, công an cửa khẩu giải thích công an địa phương nơi cư trú có công văn đề nghị không cho sư Minh Dược xuất cảnh. Ngày 3/1, sư Minh Dược đã đến công an xã nơi cư trú thì được trả lời là địa phương không biết gì về việc này (6).

Sự kiện chênh lệch 9 thành 3 này là minh chứng cho thấy, Thượng tá công an Đoàn Văn Báu đầy quyền lực nhưng chưa phải là người quyết định cuối cùng trong việc áp giải sư Minh Tuệ. Đoàn Văn Báu không phải là tình nguyện viên, là thiên thần, hộ pháp cho sư Minh Tuệ mà đang thực hiện nhiệm vụ của ai đó phân công.

Báu không phải thích du hành như Lê Khả Giáp. Báu không sùng đạo. FB của Báu chuyên quảng cáo bán xe. Trước ngày sư Minh Tuệ công bố thông tin cần người hỗ trợ pháp lý, thủ tục đi bộ hành, Báu không có thông tin, không biểu thị nào thể hiện sự quan tâm đến sư. Vậy động cơ nào Báu tình nguyện tham gia hành trình gian khổ ?

Trong một clip trần tình, Báu tự khai đã xin ngừng sinh hoạt Đảng 1 năm, dừng công việc kinh doanh để tham gia bộ hành. Theo điều lệ Đảng, ngưng sinh hoạt Đảng 3 tháng sẽ bị khai trừ. Sư Minh Tuệ và tăng đoàn bị bắt, bị phán tán, quản thúc tại gia. Báo nhà nước bị cấm đăng tin bài, sách viết về sư Minh Tuệ bị cấm xuất bản. Giáo Hội nhà nước không công nhận Minh Tuệ là tu sĩ. Ban Tôn Giáo chỉ đạo các địa phương phải tuyên truyền cho dân chúng hiểu. Chi bộ nào dám cho phép đảng viên Báu ngừng sinh hoạt một năm để làm tình nguyện viên hộ vệ cho sư Minh Tuệ đi ra nước ngoài ?

Sư Minh Tuệ bài học từ bi, bài học tự do tôn giáo !

Hành trình bộ hành của sư Minh Tuệ đã vượt ra ngoài khuôn khổ một chuyến đi tâm linh, trở thành một biểu tượng cho quyền tự do tôn giáo. Tuy nhiên, sự can thiệp từ Đoàn Văn Báu và các thế lực đứng sau cho thấy có nguy cơ thao túng và kiểm soát tôn giáo tại Việt Nam. Các cơ quan truyền thông cần làm rõ danh sách "10 người được phép tham gia đoàn bộ hành" và các thủ tục pháp lý liên quan. Vạch rõ những thủ đoạn dối trá của Đoàn Văn Báu.

Cần yêu cầu quyền tiếp cận trực tiếp với sư Minh Tuệ để đảm bảo rằng thông điệp giáo pháp được truyền tải chính xác và trung thực.

Công chúng cần tỉnh táo và phân tích kỹ lưỡng thông tin. Cảnh giác trước các chiều trò mị dận. lợi dụn hiệu ứng đám đông và không dễ dải chấp nhận việc nhà nước gò ép, tước đạt quyền tự do tính ngưỡng như việc bình thường.

Các Phật tử cần đoàn kết và lên tiếng bảo vệ quyền tự do tôn giáo, đảm bảo rằng hành trình bộ hành mang ý nghĩa tích cực, đúng với tinh thần Phật giáo.

Hành trình bộ hành không chỉ là câu chuyện của riêng sư Minh Tuệ mà còn là một bài học lớn về tự do, sự thật và lòng từ bi trong thế giới đầy biến động này.

Gió Bấc

Nguồn : RFA, 04/01/2025

Tham khảo :

1. https://www.youtube.com/watch?v=gOtQnHEaU8E

2. https://www.youtube.com/watch?v=yaHcjLU0gTY&t=144s

3. https://www.youtube.com/shorts/7EyB2RKek00

4. https://www.youtube.com/watch?v=6ZN9A5gxlhc&t=102s

5. https://www.youtube.com/shorts/dV3QZNqWgu4

6. https://www.youtube.com/watch?v=k_RUgtiUNcA

***********************

Cảnh sát Thái Lan : "Không có giao thiệp nào với phía Việt Nam" trong chuyến bộ hành của sư Thích Minh Tuệ

RFA, 03/01/2025

Đại diện quan hệ công chúng thuộc Văn phòng Phật giáo của tỉnh Ubon Ratchanthani, Thái Lan, hôm 3/1 cho BenarNews biết văn phòng này không nhận được thông tin gì về chuyến đi của đoàn nhà sư Thích Minh Tuệ sang Thái Lan và cũng không có sự phối hợp trước đó với phía Việt Nam. Trong khi đó, cảnh sát ở cửa khẩu Chong Mek thuộc tỉnh này xác nhận đoàn nhà sư vào Thái Lan khất thực nhưng cảnh sát không được cho biết về việc đoàn sẽ sang Myanmar và cũng không có giao thiệp nào với phía Việt Nam về đoàn.

kimco3

Sư Thích Minh Tuệ (giữa) và các sư khác trong đoàn vào Thái Lan hôm 31/12/2024 - Photo : RFA

Sư Thích Minh Tuệ cùng năm nhà sư Việt Nam khác vào ngày 31/12/2024 đã đi bộ qua biên giới giữa Lào và Thái Lan, bắt đầu cuộc bộ hành trên đất Thái Lan. Theo YouTuber Đoàn Văn Báu - cựu sĩ quan an ninh Việt Nam, người đi theo hộ tống đoàn - các nhà sư sẽ đi bộ 1.300 km trên đất Thái Lan trong vòng hai tháng để sang Myanmar trong chuyến đi đến Ấn Độ.

Chuyến đi bộ hành khất thực của sư Thích Minh Tuệ từ Việt Nam qua Lào và hiện giờ ở Thái Lan được công chúng ở những nơi đoàn đi qua chú ý, đặc biệt đối với sư Thích Minh Tuệ - người tu theo 13 hạnh đầu đà của Phật và không tự nhận mình là người thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Trên kênh YouTube của mình, ông Đoàn Văn Báu cập nhật các thông tin về chuyến đi của đoàn và cho biết đoàn thường được giới chức các địa phương đoàn đi qua giúp đỡ, như công an Lào đi theo khi đoàn ở Lào và cảnh sát Hoàng gia Thái Lan được cử đi theo hộ tống đoàn.

Những video đầu tiên về đoàn nhà sư tại cửa khẩu Chong Mek hôm 31/12/2024 cho thấy có hai cảnh sát địa phương đi theo để đảm bảo an ninh trật tự, tuy nhiên những chặng đường các ngày sau đó không thấy xuất hiện những cảnh sát mặc đồng phục.

Trả lời phỏng vấn của BenarNews, Trung tá Kittipong Thanomsin - quyền trưởng đồn cửa khẩu Chong Mek của tỉnh Ubon cho biết : "Chúng tôi xác nhận đoàn đã vào Thái Lan hợp pháp. Chúng tôi thường xuyên phối hợp với các giới chức xuất nhập cảnh và du lịch để kiểm tra các khách nước ngoài vào Thái Lan. Nếu không phát hiện có vi phạm, nhà sư có thể thực hiện bộ hành như cho phép trong visa. Ngay từ đầu, ông ấy đã không cho biết kế hoạch sẽ đi đến Myanmar, mà chỉ cho biết là ông sẽ hành hương và chúng tôi không thấy bất cứ vi phạm nào".

Viên cảnh sát này đồng thời cũng cho biết thêm : "Không có quan ngại nào hoặc nhu cầu phối hợp đặc biệt, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra thường xuyên như thường lệ. Không có bất cứ giao thiệp nào với phía Việt Nam".

Đại diện quan hệ công chúng của Văn phòng Phật giáo tỉnh Ubon Ratchathani nói với BenarNews : "Chúng tôi không biết gì về chuyến đi này và không có bất cứ phối hợp nào trước đó".

Sau khi đoàn nhà sư Việt Nam vào Thái Lan, một số truyền hình Thái Lan đã đưa tin về chuyến đi của sư Thích Minh Tuệ, trong đó có nói đến sự việc sư Thích Minh Tuệ từng đi bộ hành khất thực ở Việt Nam nhưng đã bị chính quyền gây khó khăn. Ông Đoàn Văn Báu trong video mới đây trên YouTube cho rằng thông tin này là sai sự thật và cho biết "Bộ Ngoại giao Việt Nam sẽ gửi công hàm cho Bộ Ngoại giao Thái Lan để điều chỉnh về vấn đề này".

Hiện vẫn chưa có thông tin nào trên báo chí Nhà nước Việt Nam về việc Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng về thông tin này và truyền thông trong nước cũng không đưa tin về chuyến đi tới Ấn Độ của sư Thích Minh Tuệ - người được công chúng chú ý rộng rãi trên mạng xã hội Việt Nam suốt năm 2024.

Sư Thích Minh Tuệ đã từng bộ hành khất thực ít nhất bốn lần suốt dọc Việt Nam nhưng chuyến đi gần nhất của ông vào giữa năm 2024 mới được đặc biệt chú ý khi người dân đưa hình ảnh và video của ông lên mạng xã hội, kéo theo hàng đoàn người đi theo. Nhiều người cũng cạo đầu và mặc y phấn tảo đi khất thực cùng ông. Lúc đông nhất, đoàn nhà sư đã lên đến 70 người. Đoàn nhà sư đã bị công an địa phương giải tán vào hồi đầu tháng 6/2024 khi đoàn đi qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Sư Thích Minh Tuệ sau đó bị đưa về quê nhà ở Gia Lai để lấy dấu vân tay làm căn cước công dân. Ông cũng phải ẩn tu sau đó. Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam thông báo ông tự nguyện ẩn tu.

Vào ngày 25/11, sư Minh Tuệ viết thư tay bày tỏ mong muốn được bộ hành đến Ấn Độ và thăm các thánh tích Phật giáo, đồng thời nhờ tư vấn đường đi, thủ tục.

Trong chuyến đi đến Ấn Độ của sư Thích Minh Tuệ, cựu sĩ quan an ninh chuyên về tâm lý tội phạm Đoàn Văn Báu cho biết ông là người đại diện cho sư Minh Tuệ và thường đưa ra các phát biểu thay cho các nhà sư trong đoàn. Một số những video được đăng tải trên mạng xã hội còn cho thấy ông Báu nạt nộ nhà sư địa phương đến gặp sư Minh Tuệ tại Lào, hay yêu cầu các YouTuber không được lại gần đoàn.

Ông Báu mới đây cũng cho biết đoàn nhà sư sáu người đã giảm xuống năm người và sẽ tiếp nhận thêm chín nhà sư mới đưa từ Việt Nam sang. Các nhà sư phải đáp ứng điều kiện giữ giới và đi chân trần. Ông Báu cho biết đây là ý kiến của sư Minh Tuệ và các sư trong đoàn. Điều này trái ngược với những gì sư Minh Tuệ đã từng phát biểu trước đó là ông không kêu gọi ai đi theo và cũng không đuổi bất kỳ ai.

Một nhà quan sát người Thái Lan giấu tên nói với RFA : "Hiện không rõ có phải ông Báu đi theo hộ tống các sư để tránh sự chú ý ở Việt Nam và giảm nhẹ ảnh hưởng của ông (sư Minh Tuệ) ở đó hay không".

Người này cho rằng sư Minh Tuệ có thể theo bước thiền sư Thích Nhất Hạnh, người đã tạo được dấu ấn về giảng đạo Phật ở Thái Lan.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới, tuy nhiên ông đã bị cấm về Việt Nam từ năm 1973 và chỉ được trở về lần đầu tiên vào năm 2005 khi Hà Nội đang tìm cách ra khỏi danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo của chính phủ Mỹ. Ông cũng quay lại Việt Nam vài lần sau đó và lần cuối cùng là vào năm 2018 khi ông đang bị bệnh và bày tỏ mong muốn được dành những ngày cuối đời tại ngôi chùa nơi mình xuất gia – Tổ đình Từ Hiếu (Huế). Ông qua đời vào tháng 1/2022.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng là người lập ra Làng Mai ở Thái Lan cho các nhà sư vào năm 2012.

"Câu hỏi vẫn còn để mở là liệu ông (sư Minh Tuệ) có thể được cho phép quay lại Việt Nam nữa hay không. Sư Thích Nhất Hạnh chỉ có thể quay lại Việt Nam khi ông gần qua đời" - nhà quan sát Thái Lan nói với RFA.

Nguồn : RFA, 03/01/2024