Trần Khắc Đức : biểu tượng của ý chí và tình cảm còn lại của dân tộc (Việt Dân)

Vài năm trước khi chúng tôi trao đổi với nhau về hiện tình đất nước, Đức đã chia sẻ một thực trạng có thật ở vùng quê của em. Hầu hết thanh niên sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông đều chọn hướng đi xuất khẩu lao động vì không nhìn thấy nhiều cơ hội ở quê hương. Sau đó thì biến cố 39 người chết lạnh trong thùng container khi di chuyển trái phép vào Anh đã gây chấn động và xúc động lương tâm của thế giới. Đức đã viết một bài chia sẻ suy nghĩ của em về chuyện này.

bieutuong1

Phần lớn người Việt ở miền Bắc nước Anh là những người từ các tỉnh miền Trung Việt Nam – BBC tiếng Việt/16/11/2021

Tôi cũng có dịp trò chuyện với những người bạn tôi quen khi đó và họ chia sẻ một cách rất thản nhiên về cái chết thương tâm của những người đồng bào mà họ gọi là "người rơm" này. Như thể đây là một trò chơi sinh tồn, mà người tham gia chơi phải ráng mà chịu lấy rủi ro. Còn chúng ta chỉ là khán giả, những người quan sát từ xa, hoàn toàn không phải chịu một cảm giác đau đớn hay cần cảm thấy có một sự đồng cảm nào ?

Năm 2024 thì câu chuyện về những người lao động chui vào Anh, hay các nước Châu Âu vẫn còn nguyên tính thời sự. Lần này, những người môi giới, những kẻ buôn người đã bị lộ diện sau khi bị bắt, thế giới và cộng đồng người Việt hải ngoại bàng hoàng khi biết những kẻ phạm tội đó là người Việt Nam. Những người này đã thành công trong những lần nhập cư chui trước đó, đã dày dạn kinh nghiệm và tường tận mọi ngóc ngách về địa lý, giấy tờ, luật lệ tại quốc gia muốn vào, nên tự đứng ra làm người tổ chức, để khỏi phải ăn chia và hốt trọn số tiền thu được vào túi của mình. Giờ đây họ đi buôn trên sinh mạng đồng bào mình. Họ tích cực bán vé sinh tồn cho chính những người Việt sẵn sàng chấp nhận rủi ro để những mong thoát khỏi hiện thực bế tắc và cơ cực.

Vào tháng 9/2024, Công an Sài Gòn đã lấy quyết định bắt tạm giam Đức với cáo buộc "làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015".

Khi tôi đang ngồi viết những dòng này, thì ắt hẳn ở đất nước Việt Nam, đặc biệt là vùng quê mà Đức sinh ra vẫn có nhiều người đang suy nghĩ đặt cược sinh mạng của mình vào ván bài may rủi để nhập cư chui vào nước khác, chấp nhận mọi sự nhọc nhằn, làm kiếp người rơm vô danh, thậm chí làm những công việc phi pháp với hy vọng hão huyền có thể trúng tờ vé số đổi đời, rồi quay về quê hương trong vị thế của người thành công như một số người may mắn trước đó. Còn Đức, người em của chúng tôi lại đang ngồi trong trại tạm giam, chịu đựng những thiếu thốn và cả nhọc nhằn mà chế độ có thể làm.

Vì sao vậy ? Có sự liên hệ nào giữa hai chuyện này ?

bieutuong2

Còn Đức, người em của chúng tôi lại đang ngồi trong trại tạm giam, chịu đựng những thiếu thốn và cả nhọc nhằn mà chế độ có thể làm.

Theo một thống kê từ trích dẫn lại từ BBC, thì dòng người Việt nhập cư chui vào Anh trong những năm qua còn cao hơn cả những nước như Afghanistan, hay các nước Châu Phi ốn có truyền thống di dân lậu vào Anh. Người ta sẵn sàng bỏ nước ra đi trong những tình trạng rủi ro nhất. Đây là một thực tại đáng buồn. Nó cũng tiết lộ về tình trạng bi đát của chế độ hiện tại. Người dân chọn bỏ phiếu bằng chân.

Nhưng chế độ đã làm gì ? Họ tuyên truyền về lối sống tích cực, đất nước vẫn đang tiến vào kỷ nguyên mới với những chỉ số tăng trưởng giả tạo. Một lớp váng những người giàu và quyền thế sống trong những ảo tưởng của riêng mình và gạt tuyệt đại đa số người dân Việt ra khỏi mặt nước trong vũng ao của họ.

Trần Khắc Đức đại diện cho một thế hệ thanh niên mới của đất nước. Nhờ sự thông minh, hiền lành, và bản chất chăm chỉ đặc trưng xuất phát từ vùng quê nghèo miền Trung, em hoàn toàn có thể tìm kiếm thành công cá nhân cho riêng mình, vươn lên trên để hội nhập vào lớp người ăn trên ngồi trốc và xa cách với lớp người bên dưới nếu muốn. Nhưng Đức đã không muốn làm vậy.

Trần Khắc Đức có một giấc mơ chung cho Việt Nam. Giấc mơ ấy là lý tưởng dân chủ đa nguyên. Giấc mơ ấy là quốc gia được nhìn nhận như là một tình cảm, một không gian liên đới và một dự án tương lai chung. Đất nước phải giản dị và gần gũi, lòng yêu nước phải hoàn toàn tự nguyện. Những nền tảng căn bản ấy sẽ động viên được mọi con tim, khối óc và tinh thần của mọi người Việt Nam trong một cố gắng chung làm lại đất nước.

Nhưng chế độ đã không chia sẻ giấc mơ chung ấy. Họ đã lấy quyết định bắt Đức để triệt khả năng quảng bá tư tưởng bao dung của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên.

Suy cho cùng chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay đang bước vào tiến trình cuối của giai đoạn cáo chung. Không thể đảo ngược. Các lãnh đạo của chế độ hô hào một cách bối rối về kỷ nguyên mới của dân tộc mà họ dường như vẫn chưa ý thức được rằng phải đoạn tuyệt với những ứng xử cũ. Gần 50 năm độc quyền lãnh đạo đất nước, Việt Nam ngày hôm nay vẫn là nước có mức thu nhập thấp. GDP bình quân đầu người theo thống kê là hơn 4000 đô la/năm, tức koarng 350 đô la/tháng. Đất nước vẫn còn là một nền kinh tế nông nghiệp, sản xuất gia công, may mặc với giá trị thặng dư thấp.

Với những khó khăn hiện tại, chúng ta đang có nguy cơ mắc kẹt ở bẫy thu nhập trung bình thấp. Khi cơ cấu dân số lão hóa tăng lên sau năm 2030, trong khi tỷ lệ sinh sản đang giảm sút nghiêm trọng thì tương lai đất nước không có gì sáng sũa. Đời sống kinh tế khó khăn, giá nhà cao, thanh niên nông thôn đổ dồn vào những đô thị lớn… Việt Nam có nguy cơ mắc kẹt và tụt hậu mãi mãi trước khi tan rã.

Nếu thành tâm suy nghĩ, các lãnh đạo đảng cộng sản phải hiểu rằng sự tồn tại của Đảng cộng sản là phải khẩn thiết đóng góp vào tiến trình dân chủ hóa đất nước, nghĩa là tổ chức bầu cử tự do và cổ xúy tự do tư tưởng. Chỉ có một bước nhảy vọt về tâm lý chính trị này thì đất nước mới có cơ hội thực sự tiến lên.

Trần Khắc Đức là một thanh niên hiền lành và là một người con ưu tú của đất nước. Em chọn ủng hộ và tham gia Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên vì tin rằng, muốn đất nước phát triển cần phải đoạn tuyệt với một văn hóa chính trị cũ đã bao trùm đất nước trong suốt dòng lịch sử. Chúng ta phải sáng tạo ra lòng yêu nước tự nguyện. Muốn vậy, đất nước phải được xây dựng lại trên tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc.

Trần Khắc Đức đã nhiều lần chia sẻ với tôi rằng em không thù hận với bất cứ một ai và sẽ mang tinh thần đó bước vào cánh cửa nhà tù. Em chính là hiện thân cho ý chí và tình cảm còn lại của đất nước. Điều đúng đắn và sáng suốt nhất mà chế độ có thể làm lúc này là trả tự do cho tất cả những người bị bắt chỉ vì dám đề cao lòng bao dung và quyền tự do phát biểu. Họ là những tù nhân chính trị, họ bị bắt chỉ vì muốn góp phần vào quá trình chuyển tiếp về dân chủ trong tình anh em tìm lại và trong nghĩa đồng bào.

Việt Dân

(28/11/2024)