Lương Chủ tịch nước bao lâu thì mua được nhà Hà Nội ? (Nguyễn Nhơn)
Không bao giờ mua được.
Đây không phải tôi nói nhé. Mà là chính người có tiếng nói trong lĩnh vực bất động sản ở Hà Nội khẳng định trong một bài báo trên báo Lao Động ngày 29/6/2024.
Nguyên văn : "Ông Đỗ Văn Thạch - CEO Dova Land (Hà Nội) khẳng định giá bất động sản hiện nay là một thử thách lớn đối với những người có nhu cầu thực sự. Với mức thu nhập trung bình 30 triệu đồng/tháng, việc mua được một căn hộ tại Hà Nội gần như là điều không thể nếu không có sự hỗ trợ từ các nguồn tài chính khác hoặc phải chấp nhận sống xa trung tâm thành phố".
Các tòa nhà chung cư cao tầng ở Hà Nội hôm 6/11/2024 - Nhac Nguyen / AFP
Lương của các chức danh chủ tịch nước và tổng bí thư là 30 và 42 triệu đồng/tháng (theo thang bảng lương các chức vụ lãnh đạo). Lương của chủ tịch Quốc hội và thủ tướng thấp hơn một chút, 29 và 25 triệu đồng. Lương của chức danh bộ trưởng có hai mức nhưng xấp xỉ 24 triệu đồng.
Mà mức lương này là lương đã tăng sau ngày 1/7/2024, còn trước đó thì thấp hơn khoảng bảy triệu đồng.
Nghĩa là theo CEO bất động sản Đỗ Văn Thạch thì tất cả các lãnh đạo từ bộ trưởng trở lên đến chủ tịch nước, tổng bí thư… đều không thể mua được lấy một căn hộ chung cư tại Hà Nội nếu không có các nguồn tài chính khác.
Một gợi ý cho các nguồn tài chính khác là bán chổi đót, chạy xe ôm thâu đêm, làm men nấu rượu, làm giá đỗ… như ông Phạm Sỹ Quý, nguyên Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái ; ông Nguyễn Sỹ Kỷ, Phó Ban Nội chính tỉnh ủy Đắc Lắc ; hay là làm vườn, lao động đến thối cả móng tay như ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ.
Nhưng, thế cũng khó nghĩ nhỉ ? Lãnh đạo đất nước mà phải chạy xe ôm thâu đêm thì sáng ra đi họp hành, chỉ đạo phát triển kinh tế, tiếp khách quốc tế, họp chống tham nhũng hay triển khai nghị quyết… dễ ngủ gật lắm nhé. Nhỡ bọn phóng viên thò ống tê lê dài cả mét chụp trộm cho một phát đăng báo thì lại ảnh hưởng hình ảnh đất nước lắm.
Biệt phủ, còn gọi là nhà
Hôm nọ tôi đi ngang một ngôi chùa ngoại thành khá lớn, mặt tiền rộng cỡ 25-30 m. Bên cạnh lại thấp thoáng dáng một ngôi chùa nữa đang lên khung, to gấp đôi ngôi chùa này, cao sừng sững cỡ ngôi nhà sáu tầng. Ủa cái xóm này người thưa thấy mồ, ai đi chùa mà còn xây chùa xây lên to dữ vậy không biết ?
Chèn đét ơi té ra không phải cái chùa. Mà là cái nhà riêng. Nhà riêng của một ông công an quận đã về hưu, vợ mất rồi nên sống một mình ở đó, còn con cái ở đâu cũng loanh quanh Sài Gòn. Hổng làm gì hết, ăn chơi không à ! Hàng xóm kế bên người ta kể tôi hay vậy.
Cái nhà-chùa làm bằng gỗ, mái ngói, chỉ có ba tầng nhưng mỗi tầng cao đến cả mười mét, mặt tiền bát ngát chó chạy cong đuôi, song song nhiều hàng cột gỗ to tròn, hai bên mái cũng có chút đầu đao cong lên na ná những đầu đao trên các mái chùa cổ. Ông chủ công an mua rất nhiều đất của nhiều nhà xung quanh mới đủ để xây công trình này. So với cung đình ngày xưa, nó còn cao to bề thế hơn gấp mấy lần.
Từ khi nhìn thấy nó tôi mới thêm vỡ lẽ cụm từ "biệt phủ" mà báo chí Việt Nam hay dùng để tả dinh cơ riêng của (khá nhiều) vị cán bộ lãnh đạo.
Những căn nhà ở Hà Nội bị ngập sau bão Yagi hôm 10/9/2024. Nhac Nguyen / AFP
Cũng trong khu vực đó, chỉ cách khoảng 100 m đường chim bay, là những dãy nhà trọ lụp sụp của những người lao động nghèo. Gọi là nhà trọ cho sang, chứ đúng ra nó chỉ hơn cái lều một tẹo ở chỗ cái vách cũng được xây tường cẩn thận, dù chỉ một lớp gạch mỏng téo. Mái tôn đủ màu vì chắp vá từ những miếng tôn to nhỏ cũ mới khác nhau. Còn dưới nền thì mạnh ai nấy lát. Có "cái nhà" sang nhất, là của chủ dãy trọ, nền lát bằng 101 thứ gạch bông khác nhau, cái dạng đi xin hoặc mua rẻ gạch lẻ của nhà người ta về. Bà chủ dãy trọ mình ên nuôi thằng cháu nhỏ mới bốn tuổi vì ba mẹ nó bỏ đi hết trơn rồi. Trưa nắng vỡ đầu, "nhà" nào cũng mở toang cửa mong hứng tí gió. Bà nội nằm trên cái nệm đặt thẳng dưới sàn, bên cạnh là cái quạt chạy hết công suất. Thằng cháu tự do loay hoay chơi với mấy cái xe đồ chơi bên cạnh. Cái "nhà" bên cạnh, đầu dãy, từ trên mái xuống lủ khủ cả trăm thứ đồ dùng cơ khí, chỗ nằm là cái sạp gỗ tạp xám xịt, chân thật cao, còn kê thêm lên mấy viên gạch. Nền nhà là nền đất giậm láng ẹp xuống quét tước cho dễ. Nhưng cả khu trọ lọt thỏm trong vùng đất thấp hơn mặt đường, nên khi mưa trút xuống dầm dề thì cả dãy trọ trở thành cái ao. Khỏi phải hình dung nền đất của cái nhà đầu dãy đó sẽ ra sao.
Dãy trọ có chừng gần 20 căn phòng như vậy. Sáng sáng, vẫn có mấy đứa con nít bận đồng phục áo trắng quần xanh, mang khăn quàng đỏ ôm cặp tới trường. Nhưng so với con nít nhà khá giả có hình dong cao lớn trắng trẻo thì mấy đứa này ốm tong, thấp hơn so với độ tuổi, mặt mũi khắc khổ, da đen sạm vừa vì nắng vừa vì thiếu dinh dưỡng,
Ba mẹ tụi nó không ai ở không hết. Họ đều là công nhân, làm thợ tự do hoặc buôn gánh bán bưng. Dựng vào những cái vách tường của khu nhà trọ tạm bợ là trăm thứ bà dằn ve chai đồ cơ khí cũ mà những người đàn ông đi mua hoặc xin về để sửa xài hoặc bán lại. Họ có thể có đất đai ở quê, nhưng đất đai ở miền chắc cà đao xa tít tắp, hoặc không đủ rộng mà cũng không có vốn để để trồng lúa, nuôi cá, nuôi tôm, sống bằng nông nghiệp như những bài hát mộng mơ vẫn vẽ ra bức tranh đồng quê yên bình no ấm. Cũng có thể họ không có cục đất chọi chim nào, nên suy đi tính lại thì lên thành phố kiếm ăn vẫn là cách tốt nhất.
So sánh ngôi nhà của hai bên, thoạt tiên có vẻ thực là khập khiễng. Nhưng nghĩ kỹ thì một ông trung tá công an cấp quận tiền lương chân chính chưa tới 12 triệu đồng, mà có thể dựng lên tòa dinh cơ chấn động. Những gia đình kia, vợ làm chồng làm cũng có thể kiếm được xêm xêm (same same – tương đương) mức lương của ông công an, nhưng hỏi bao giờ xây được ngôi nhà ở Sài Gòn thì phải chờ tới mấy chục kiếp nữa, họ mới có thể dám ước ao.
Ông Đỗ Văn Thạch nói lương 30 triệu thì cả đời cũng không bao giờ mua được căn hộ chung cư ở Hà Nội. Thế nghĩa là những ông tương tự ông trung tá công an xây biệt phủ to gấp đôi cái chùa kể trên cũng không thể xây nhà bằng tiền lương. Cũng có nghĩa là họ làm kinh tế giỏi, cực kỳ giỏi, chắc chắn thế.
Cách đây ba năm, vào tháng 8/2021, trong giai đoạn Sài Gòn sắp bị COVID vây khốn, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng cán bộ địa phương đến thị sát nhà dân ở phường 5, quận 8. Những cán bộ ấy sửng sốt vô cùng vì bà con sống san sát đến nỗi cảm tưởng người nhà này thò khuỷu tay ra là đụng phải người nhà khác luôn. Trong điều kiện đó không thể cách ly hay giãn cách đúng yêu cầu chống dịch.
Nhưng… đúng là… chỉ cán bộ cấp cao mới sửng sốt vì những điều hiển nhiên
Chẳng nói đâu cho xa tít quận 8 vốn mang tiếng là quận nghèo, ngay giữa trung tâm thành phố quận 1, quận 3, chỉ cách những con đường to rộng rực sáng ánh đèn chỉ vài mét, cũng chi chít chằng chịt những con hẻm trong khu dân cư lâu năm nhưng cực kỳ tối tăm dơ bẩn. Gọi là nhà cũng được mà gọi là lều cũng chẳng sai. Hầu hết ngôi nhà chỉ rộng chưa đến 15 m2, người nhà ăn cơm xong cởi trần nằm phanh bụng trên nền nhà xem tivi, chỗ nằm chỉ cách lối đi chung một hai gang tay. Nhiều nhà không nối vào cống thoát nước mà đổ thẳng ra hẻm, nước thải đen ngòm chảy quanh năm suốt tháng như dòng suối lộ thiên ngay giữa lối đi. Người dân phải bắc một tấm ván qua "suối", làm cái cầu tạm. Có nhiều chỗ trong hẻm chẳng hề thấy được mặt trời : những ngôi nhà cất lầu thì cũng đua luôn cái ban công de ra hết cỡ ngoài hẻm để kiếm thêm một chút diện tích. Có nhà vẫn vách tạm bằng những miếng tôn rỉ sét, kê luôn cái bếp ga mini nấu nướng ngay trên lối đi vô hẻm. Áo quần móc vô chỗ nào được thì móc, phơi chỗ nào khô được thì phơi, lắm khi phơi ngay trên đống rác, vô cùng lộn xộn và bẩn thỉu.
Một người dân đang phơi quần áo trong căn họ giộng 6,7 mét vuông ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 3/5/2018. Thanh Nguyen / AFP
Ở Hà Nội, trong những con phố cổ chưa được quy hoạch, tình trạng còn thê thảm hơn. Báo chí Việt Nam từng đăng rất nhiều bài viết, phóng sự các loại về những gia đình sinh sống gần cả đời ngay trên nóc của nhà vệ sinh công cộng, hay một "căn nhà" ba mét vuông nằm trên lối đi vào khu tập thể, chủ nhà muốn vào nhà phải bắc thang trèo lên qua một cái lỗ ở sàn. Những con hẻm sâu thẳm ngoắt ngoéo tối mù mịt mọc đầy rêu, quanh năm không hề có ánh mặt trời, mỗi cái nhà giống như một cái lỗ móc vào hai bên hẻm. Chúng được sinh ra khi người ta đem chia biệt thự to đẹp của một gia đình tư sản cho năm đến sáu hộ cán bộ cùng ở, vào thời kỳ đầu của cách mạng, rồi những gia đình ấy cứ thế đông người lên, chia tách thành những hộ riêng rẽ. Họ thống nhất dành một lối hẹp chỉ vừa đủ một người đi làm lối đi chung, còn "nhà" ai tự cơi nới lấy, lên gác, chia bịt đủ cách. Qua hàng chục năm, đất mặt tiền phố cổ nhờ buôn bán sầm uất mà biến thành đất vàng, mới có cái giá trên trời.
Nhưng những con người sống như đàn chuột phía bên trong thì vẫn ngày ngày chui rúc trong cảnh tối tăm như thế.
Cùng là những người làm thuê lương thấp-thấp chớ, lương cỡ bộ trưởng, chủ tịch nước mà nếu sống bằng đồng lương thì cả đời vẫn không thể mua được một căn hộ Hà Nội, chắc chắn là nghèo òi), nhưng người thì biệt phủ biệt thự căn hộ penhouse rải khắp từ Nam chí Bắc, chưa kể nước ngoài, người thì suốt đời chui rúc những cái ổ chuột thành thị. Khác biệt đó là vì đâu ?
Vì làm lãnh đạo thì phải biết sống thanh liêm và biết làm kinh tế hộ gia đình thật giỏi.
Làm như thế nào thì cứ phấn đấu lên lãnh đạo đi rồi khắc biết.
Lưu ý người đọc bài này nhất thiết không được đọc kèm cùng các tin tức bắt bớ tham nhũng ở Việt Nam. Hai dạng bài này kỵ nhau, đọc cùng dễ xảy ra phản ứng phụ đau tim, lên huyết áp, toát mồ hôi và muốn chửi cả làng.
Còn những người làm ăn lương thiện mà hoài hủy không mua được nhà thì ráng chịu đi, ai biểu đã không làm lãnh đạo mà còn bày đặt muốn an cư.
Nguyễn Nhơn
Nguồn : RFA, 25/11/2024
Tham khảo :
https://laodong.vn/bat-dong-san/gia-nha-dat-tang-manh-nguoi-lao-dong-kho-mua-nha-1416521.ldo
https://laodong.vn/bat-dong-san/thu-nhap-30-trieu-dongthang-van-vat-va-kho-mua-nha-o-ha-noi-1359003.ldo#:~:text=V%E1%BB%9Bi%20m%E1%BB%A9c%20thu%20nh%E1%BA%ADp%20trung,xa%20trung%20t%C3%A2m%20th%C3%A0nh%20ph%E1%BB%91.
https://vnexpress.net/gia-dinh-44-nam-song-tren-noc-nha-ve-sinh-pho-co-3985479.html
https://giadinh.suckhoedoisong.vn/bo-truong-bo-y-te-nguyen-thanh-long-dua-tui-thuoc-va-goi-an-sinh-den-tan-nguoi-dan-1722021082616142846.htm