Khí đốt, lá chủ bài để Ukraine mặc cả với Nga ? (Arnaud Dubien, Thanh Hà)

Bất chấp chiến tranh, Moskva và Kiev vẫn tôn trong hợp đồng 5 năm để đưa khí đốt của Nga sang Châu Âu qua lãnh thổ Ukraine. Cũng vì xung đột 2 trong số 4 ngả xuất khẩu khí đốt của Nga cho Liên Âu bị tắc nghẽn. Trước khi Gazprom và Naftogaz đàm phán lại về một thỏa thuận mới cho giai đoạn 2025-2029, Kiev tấn công vùng Kurk, chiếm Soudja, tạm thời kiểm soát một cửa ngõ xuất khẩu năng lượng của Nga để tạo thêm sức mạnh cho "kế hoạch chiến thắng".

gaz1
Logo của tập đoàn khí đốt Nga Gazprom. © Dmitri Lovetsky / AP

Phải chăng đây là một tính toán để Ukraine mặc cả với chính quyền Putin về "kế hoạch" chấm dứt chiến tranh mà tổng thống Volodymyr Zelensky đem đến Washington, trình bày với tổng thống với quốc hội lưỡng viện Hoa Kỳ ?

Ngày 05/09/2024, phát biểu tại Diễn Đàn Kinh Tế Vladivostock, tổng thống Putin nhìn nhận kinh tế Nga sẽ bị "thiệt hại về tài chính" nếu Kiev không triển hạn hơp đồng với tập đoàn dầu khí Gazprom để xuất khẩu khí đốt của Nga cho Liên Hiệp Châu Âu. Hợp đồng hiện hành sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2024. Trên nguyên tắc Gazprom của Nga và Naftogaz của Ukraine sẽ phải đàm phán lại về một thỏa thuận 5 năm, nhưng cuối tháng 8/2024 tổng thống Zelensky chính thức thông báo "ngừng triển hạn" thỏa thuận với phía Nga.

Bài toán đối với Gazprom càng thêm nan giải từ khi Kiev mở chiến dịch tấn công vùng Kursk hồi đầu tháng 8/2024, kiểm soát thành phố Soudja, trạm cuối cùng trước khi khí đốt của Nga "bước vào lãnh thổ Ukraine" ở thành phố Soumy.

Khí đốt, công cụ chính trị đôi bên cùng khai thác

Trả lời RFI tiếng Việt, từ Moskva Arnaud Dubien, giám đốc điều hành Đài Quan Sát Pháp Nga, nhắc lại về tầm mức quan trọng của Ukraine trong hệ thống xuất khẩu năng lượng của Nga :

Arnaud Dubien 
"Hệ thống đường ống dẫn dầu và khí đốt đặt trên lãnh thổ Ukraine có từ thời Liên Xô. Khi đó trước hết là để cung cấp năng lượng của Liên Xô cho các nước trong khối xã hội chủ nghĩa ở đông Âu. Đến khoảng thập niên 1970 thì Liên Xô bắt đầu cung cấp luôn cả cho nhiều nước tây Âu. Hệ thống các đường ống này tuy đã cổ lỗ nhưng chúng vẫn tồn tại ngay cả khi Liên Xô sụp đổ và vẫn còn tiếp tục hoạt động sau ngày 24/02/2022 khi Nga tuyên chiến với Ukraine. Trước chiến tranh, 5 năm một lần, Moskva và Kiev vẫn đàm phán lại về thỏa thuận khí đốt. Đôi bên đã từng trải qua hai cuộc khủng hoảng vào năm 2005 rồi 2019 khi mà chính quyền Ukraine bày tỏ mong muốn tiến gần hơn về phía phương Tây. Khí đốt như vậy trở thành một công cụ chính trị để Nga bắt chẹt Ukraine và trong chiều ngược lại đối với Kiev, là cửa ngõ để đưa năng lượng của Nga ra thế giới bên ngoài giúp Ukraine chiếm được một lợi thế (…).

Cho đến hiện tại, điều ngạc nhiên là thỏa thuận giữa Nga với Ukraine về khí đốt vẫn hoạt động, đơn giản do Liên Hiệp Châu Âu vẫn tiêu thụ khí đốt của Nga. Cho dù là hai phe tham chiến nhưng đối với Moskva, hệ thống đường ống đi qua lãnh thổ Ukraine quan trọng hơn bao giờ hết. Ngả này chiếm một trọng lượng rất lớn đối với kinh tế của Nga, do những đường ống dẫn khác, như Nord Stream hay Yamal phải đi qua lãnh thổ Ba Lan, đã bị gián đoạn".

Gazprom mất gần 90% thị trường ở Châu Âu

Trước khi Moskva khởi động "chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine" hàng năm Nga xuất khẩu 150 tỷ mét khối khí đốt sang Liên Âu, qua bốn ngả khác nhau (Ukraine, Nord Stream, Yamal và Turkish Stream). Hiện tại, dưới tác động chiến tranh, khối lượng khí đốt của Nga xuất khẩu sang Châu Âu đã sụt giảm đến hơn 87% trong chưa đầy ba năm. Để đến được Châu Âu khí đốt của Nga phần lớn vẫn phải "quá cảnh" ở Ukraine. Theo hợp đồng hiện hành Gazprom và Naftogaz đã thông qua hồi 2019, mỗi năm 40 tỷ mét khối khí đốt của Nga bán sang Châu Âu trung chuyển qua lãnh thổ Ukraine. Cuối 2023 trên thực tế chỉ có 12-13 tỷ mét khối đi qua ngả này. Để so sánh trong giai đoạn "cực thịnh" 2008-2019, trung bình một năm các đường ống trên lãnh thổ Ukraine chuyển 90 tỷ mét khối khí đốt của Nga đến người tiêu dùng Châu Âu.

Dù có suy giảm mạnh nhưng đến nay Nga và Ukraine vẫn không dám xa rời nhau trên hồ sơ khí đốt. Sau hơn 940 ngày chiến tranh, hệ thống các ống đưa khí đốt của Nga sang Châu Âu đi ngang qua lãnh thổ Ukraine vẫn nguyên vẹn ; khí đốt là một trong những hồ sơ hiếm hoi mà đối thoại giữa hai Moskva và Kiev chưa bao giờ bị gián đoạn. Về mặt chính thức, Ukraine không còn "nhập khẩu" dầu khí của "kẻ thù" mà dựa hẳn vào năng lượng của "đồng minh Châu Âu" có điều Liên Âu vẫn là một khách hàng mua vào khí đốt của Nga, nhất là khí hóa lỏng.

Đầu óc thực dụng của Moskva và Kiev

Hệ thống đường ống dẫn khí đốt này phần nào là "một lá bùa hộ mạng" cho Ukraine. Arnaud Dubien, Đài Quan Sát Pháp Nga từ Moskva giải thích điện Kremlin sẽ không dám động vào hệ thống này chừng nào mà Liên Âu còn phải mua năng lượng của Nga. Về phía Kiev, chính quyền của tổng thống Volodymyr Zelensky cũng không dại để mất đi một nguồn thu nhập nhờ "cho thuê đất" hàng năm vẫn nhận được từ tay Gazprom.

Arnaud Dubien 
"Các đường ống dẫn khí đốt phần lớn được chôn trong lòng đất, Nga tránh không oanh kích vào các khu vực đặt các đường ống dẫn sang Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ. Về phía Ukraine thì Kiev cũng không dám chận các hệ thống trung chuyển này, vì đó là khí đốt xuất khẩu sang Liên Hiệp Châu Âu. Có điều thỉnh thoản Kiev ‘làm mình làm mẩy’ với một số thành viên trong Liên Âu như là Áo, Hungary hay Slovakia vì những nước này kém mặn mà giúp đỡ Ukraine. (…) Cần phải đợi thêm một vài tuần nữa mới biết được tiến trình đàm phán về thỏa thuận khí đốt giữa Nga và Ukraine sẽ diễn tiến ra sao. Điều chắc chắn duy nhất là lần này, hai tập đoàn Gazprom của Nga và Naftogaz của Ukraine không trực tiếp đàm phán như điều vẫn thấy từ trước đến nay".

Ukraine chơi trò "rung cây dọa khỉ"

Vậy phải chăng việc ông Zelensky tuyên bố ngừng triển hạn thỏa thuận khí đốt giữa tập đoàn năng lượng Ukraine Naftogaz và đối tác Nga là Gazprom chỉ là đòn "rung cây dọa khỉ", bởi vì cắt đường ống dẫn khí đốt với Nga, Kiev sẽ gây khó khăn cho thị trường năng lượng tại Liên Hiệp Châu Âu, điểm tựa quan trọng cả về quân sự lẫn kinh tế và nhất là năng lượng của Ukraine.

Arnaud Dubien 
"Gazprom mất một phần lớn thị trường Châu Âu. Trước đây tập đoàn này xuất khẩu mỗi năm hơn 150 tỷ mét khối khí đốt sang Liên Hiệp Châu Âu. Hiện tại chỉ còn chừng từ 20 đến 30 tỷ mét khối. Đây là một thiệt hại rất lớn đối với kinh tế Nga, bảo đảm từ 20 đến 30% tiêu thụ cho Liên Âu. Sau hơn 2 năm chiến tranh tỷ lệ này rơi xuống còn 15% nhưng phải nói rõ trong số 15% ấy thì chỉ có một nửa là khí đốt, nửa còn lại là khí hóa lỏng (LNG). Công nghiệp khí hóa lỏng lại do một tập đoàn tư nhân Nga Novatek sản xuất và xuất khẩu, thành thử ra, Gazprom lại càng thua thiệt nhiều".

Theo thống kê của viện nghiên cứu Châu Âu Bruegel tại Bỉ, cuối 2023 Gazprom chỉ còn kiểm soát 5% thị trường Liên Hiệp Châu Âu. Tuy nhiên ông Dubien tin rằng dưới hình thức này hay hình thức khác, Nga và Ukraine cũng sẽ tìm được đồng thuận vì không bên nào muốn giết chết con gà đẻ trứng vàng. Ukraine vẫn cần có năng lượng bảo đảm cho tiêu thụ nội địa, cần để ngỏ van cho khí đốt của Nga tiếp tục chảy sang 27 nước thành viên Liên Âu, nhất là một số quốc gia trong khối này như Áo vẫn lệ thuộc đến 98% vào "khí đốt của Nga". Như vừa nói, nếu như Liên Âu hạn chế nhập khẩu khí đốt của Nga, thì trái lại nhập khẩu khí hóa lỏng của Nga khuynh hướng tăng nhanh…

Nga không thể để mất Châu Âu

Ở góc đài bên kia, Moskva không thể để mất thị trường Châu Âu. Cuộc chiến nào rồi cũng có ngày sẽ kết thúc, Liên Âu ở sát cạnh cửa ngõ của nước Nga với hơn 500 triệu người tiêu dùng. Thêm một thực tế khác là những nỗ lực của các nhà sản xuất và xuất khẩu dầu khí Nga để chuyển hướng sang Châu Á vẫn chưa mang lại kết quả mong muốn. 

Arnaud Dubien 
"Châu Á chưa thể thay thế Châu Âu để mua khí đốt của Nga - hay cùng lắm là chỉ mới thế chỗ được một phần nào mà thôi. Chúng ta cần phân biệt giữa khí đốt và khí hóa lỏng. Novatek khai thác LNG từ khu vực Yamal và xuất khẩu sang Châu Á bằng tàu thủy, Gazprom cũng bán khí đốt cho các khánh hàng ở Châu Á bằng ngả này. Do vậy, hiện tại khối lượng xuất khẩu sang Châu Á không nhiều và cũng chính vì thế mà Gazprom đầu tư vào hai đường ống Power of Siberia 1 và 2, để thỏa mãn thị trường Trung Quốc. Đường ống Siberia 1 đã bắt đầu hoạt động từ 2019 và có khả năng cung cấp khoảng 38 tỷ mét khối khí đốt một năm. Để so sánh trước đây, Gazprom từng xuất khẩu mỗi năm 150 tỷ mét khối cho Liên Âu. Chính vì cần mở rộng thị trường tại Châu Á, Gazprom đã khởi động dự án thứ nhì là Siberia 2 và dự trù một khi hoạt động, đường ống này có thể cung cấp đến 50 tỷ mét khối hàng năm. Nhưng Bắc Kinh mặc cả quá chặt chẽ, còn phía Moskva thì không muốn bán rẻ năng lượng của Nga cho Trung Quốc và dự án đường ống Siberia 2 còn dậm chân tại chỗ".

Thêm một yếu tố khác nữa giải thích vì sao Nga có thể vẫn ngọt nhạt với Ukraine trên hồ sơ khí đốt, bởi bất chấp thời sự chiến tranh và những tuyên bố Bruxelles đòi "cai nghiện" năng lượng của Nga, thực tế cho thấy nhờ có Ukraine, Nga vẫn thu về 6 tỷ euro nhờ xuất khẩu năng lượng sang Liên Âu và đó vẫn là một nguồn thu nhập quý giá đối với các nhà sản xuất Nga. Hơn nữa, tổng thống Putin thừa biết năng lượng là một công cụ hữu hiệu để duy trì ảnh hưởng cả về kinh tế lẫn chính trị với nhiều nước trong Liên Âu. Nga không dại để Mỹ độc quyền cung cấp dầu khí cho Liên Âu, hay để tự trói mình vào hai khách hàng lớn nhất tại Châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ.

Thanh Hà
Nguồn : RFI, 24/09/2024