Cán cân quyền lực ở Trung Quốc đã thay đổi (Katsuji Nakazawa)
Quân nhân, đặc biệt là những người trong Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, những người tuyên thệ trung thành tuyệt đối với Đảng cộng sản, thường để lại ấn tượng là những người vô cảm hoặc hay cau mày mỗi khi xuất hiện trước công chúng.
Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan, bên trái, đứng cùng Phó Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương CPC Trương Hựu Hiệp trước cuộc họp tại tòa nhà Bayi ở Bắc Kinh vào ngày 29 tháng 8. © Reuters
Các quan chức quân sự cấp cao đã trở lại vị trí hàng đầu trong quan hệ ngoại giao với Mỹ.
Tuy nhiên, tướng Trương Hựu Hiệp lại để lộ một vẻ mặt hoàn toàn khác khi ông gặp Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan tại Tòa nhà Bát Nhất ở Bắc Kinh vào ngày 29/08 vừa qua. Mặc quân phục của quân đội Trung Quốc, vị sĩ quan cấp cao đã cười tươi rói trước ống kính máy quay của các hãng truyền thông trong và ngoài nước, bao gồm cả các hãng truyền thông Mỹ, sau khi ông bắt tay Sullivan trước cuộc hội đàm.
Đây thực sự là một cảnh tượng đáng ngạc nhiên với Trương, một trong hai phó chủ tịch Quân ủy Trung ương – cơ quan quân đội hàng đầu của đất nước, chuyên giám sát Quân Giải phóng Nhân dân – và là thành viên của Bộ Chính trị đầy quyền lực của Đảng cộng sản.
Ngược lại, Sullivan không hề mỉm cười xuyên suốt cuộc họp. Ông đã có chuyến thăm Trung Quốc kéo dài ba ngày bắt đầu từ thứ Ba 27/08, và đã tham dự một loạt các cuộc hội đàm với các quan chức cấp cao của Trung Quốc, bao gồm Chủ tịch nước Tập Cận Bình và nhà ngoại giao hàng đầu Vương Nghị.
Nhưng cuộc gặp Sullivan-Trương là đáng chú ý nhất, vì đây là cuộc đối thoại toàn diện đầu tiên trong tám năm giữa một sĩ quan cấp cao của quân đội Trung Quốc và một cố vấn an ninh quốc gia Mỹ.
Với tư cách là chủ tịch Quân ủy Trung ương, Tập Cận Bình là tổng tư lệnh quân đội Trung Quốc, nhưng nếu chiến tranh nổ ra, Trương Hựu Hiệp mới là người ra lệnh trực tiếp cho quân đội vì ông là vị tướng giám sát quân đội trên chiến trường.
Nụ cười rạng rỡ đáng ngạc nhiên của Trương không chỉ là một cử chỉ thiện chí đối với người Mỹ. Nó rõ ràng đang ám chỉ những thay đổi đáng kể trong cách Trung Quốc tiến hành ngoại giao quân sự và tình hình chính trị trong nước xoanh quanh Tập.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan (trái) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 29/8. © Reuters
Sự thay đổi trong ngoại giao quân sự còn được minh chứng bằng sự trở lại của các nhà lãnh đạo cấp cao của Quân ủy Trung ương trong các cuộc thảo luận với các quan chức quốc phòng Mỹ, sau gần một thập kỷ các bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc – những người được xem là có cấp bậc thấp hơn các thành viên Quân ủy Trung ương – đứng ra tham gia các cuộc thảo luận như vậy.
Đối với Sullivan, một cuộc họp với nhân vật cấp cao nhất của Quân ủy Trung ương – người tiếp nhận các thông tin tình báo nhạy cảm nhất ở Trung Quốc – là rất quan trọng. Cho dù chủ đề được đề cập là Đài Loan, Biển Đông, Ukraine, hay Trung Đông, các nhà lãnh đạo Quân ủy Trung ương đều có thể trao đổi nghiêm túc với Sullivan. Đây là điểm khác biệt so với các quan chức từ bộ ngoại giao và bộ quốc phòng, những người phải bám sát các nội dung phát biểu chính thức.
Từng có một cuộc họp giữa một sĩ quan quân đội cấp cao của Trung Quốc và một cố vấn an ninh quốc gia Mỹ được tổ chức vào năm 2016, khi Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương lúc bấy giờ là Phạm Trường Long gặp Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice, một sự kiện diễn ra dưới thời Tổng thống Barack Obama. Các cuộc đàm phán theo khuôn khổ này đã được tổ chức hàng năm trong nhiều năm trước đó.
Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long (phải) gặp Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice tại Tòa nhà Bát Nhất ở Bắc Kinh vào tháng 7/2016. © Reuters
Dù hai nước cũng có một cuộc hội đàm khác vào năm 2018 giữa Hứa Kỳ Lượng, người kế nhiệm Phạm trong vai trò Phó chủ tịch Quân ủy trung ương, và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khi ông đến thăm Trung Quốc, nhưng cuộc gặp đó chủ yếu mang tính lễ nghi, và về bản chất, nó khác hẳn cuộc gặp giữa Phạm và Rice.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà Trương lại nằm trong hàng ngũ các quan chức quân sự cấp cao nhất của Trung Quốc.
Cha của Tập, Tập Trọng Huân, và cha của Trương, Trương Tông Huân, đều sinh ra ở tỉnh Thiểm Tây và là đồng minh thân cận của nhau. Khi còn trẻ, họ là đồng chí chiến đấu và cùng trực thuộc Cục Tây Bắc của Ủy ban Trung ương Đảng cộng sản.
Trương Tông Huân, người được cho là đã giành được sự tin tưởng của Mao Trạch Đông, nhà sáng lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đã thăng tiến và trở thành một vị tướng.
Trương Hựu Hiệp cũng theo bước chân của cha mình, vươn lên đến cấp tướng. Ông và Tập là thành viên điển hình của "thế hệ đỏ thứ hai," tức con cái của các nhà lãnh đạo đảng thời kỳ cách mạng. Bản thân Trương cũng có kinh nghiệm chiến trường, chủ yếu là từ Chiến tranh Trung-Việt và các cuộc xung đột khác vào cuối thập niên 1970 và 1980.
Bất chấp quan hệ gia đình thân thiết giữa Tập và Trương, Tập vẫn muốn nắm quyền kiểm soát các vấn đề ngoại giao Trung Quốc, bao gồm cả các vấn đề quân sự. Ông liên tục kêu gọi quân đội "trung thành tuyệt đối," dù bề ngoài là trung thành với Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản, nhưng thực chất là ông đang kêu gọi trung thành với chính mình.
Dù Tập có thể đặt nhiều niềm tin vào Trương, người lớn hơn ông ba tuổi, ông vẫn ngăn cản các sĩ quan quân đội cấp cao gặp gỡ trực tiếp với các quan chức cấp cao của Mỹ trong lúc ông củng cố quyền lực tuyệt đối của mình.
Trong những năm gần đây, Tập đã đưa các bộ trưởng quốc phòng ít có thẩm quyền hơn lên hàng đầu trong ngoại giao quân sự. Các bộ trưởng quốc phòng vốn chỉ là những thành viên cấp cơ sở của Quân ủy Trung ương và không được phép phát biểu theo ý mình ở bên ngoài. Họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc thể hiện sự tôn trọng chính trị đối với Tập và có xu hướng nhấn mạnh thái độ cứng rắn một cách quá mức, thúc đẩy cái gọi là "ngoại giao chiến lang" của Trung Quốc.
Binh lính Quân đội Giải phóng Nhân dân diễu hành tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào năm 2019 © Getty Images
Để đáp lại những cuộc họp mà Mỹ xem là vô nghĩa với các bộ trưởng quốc phòng cấp thấp, Washington đã nhiều lần kêu gọi cố vấn an ninh quốc gia của mình được đàm phán với một trong những sĩ quan hàng đầu của Bắc Kinh.
Trong bài phát biểu mở đầu ngắn gọn tại cuộc họp với Sullivan, Trương Hựu Hiệp được cho là đã nói với người đồng cấp của mình rằng, "Việc ông yêu cầu được gặp tôi đã cho thấy ông thực sự coi trọng an ninh quân sự và mối quan hệ giữa quân đội của hai nước chúng ta". Điều đáng chú ý là Trương đã dám khẳng định, dù vẫn là gián tiếp, về tầm quan trọng của việc các quan chức cấp cao của Mỹ như Sullivan đối thoại trực tiếp với những người như ông.
Dù Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ nghỉ hưu vào tháng 1 năm sau, nhưng vẫn có một mục đích ẩn giấu đằng sau chuyến thăm Trung Quốc của Sullivan : sắp xếp một cuộc gặp trực tiếp giữa Tập và Biden trước khi ông rời Nhà Trắng.
Nếu Phó Tổng thống Mỹ đương nhiệm Kamala Harris giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới, quan hệ với Quân ủy Trung ương sẽ có ý nghĩa to lớn hơn nữa.
Trong cuộc họp, Sullivan và Trương đã nhất trí tổ chức một cuộc đối thoại giữa các chỉ huy quân sự Mỹ và Trung Quốc ở cấp chỉ huy chiến trường. Các cuộc đối thoại kiểu này là rất quan trọng để tránh các cuộc đụng độ ngoài ý muốn.
Tuy nhiên, ngoài sự thay đổi về ngoại giao quân sự, nụ cười rạng rỡ của Trương còn cho thấy sự thay đổi ở mặt trận trong nước.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và thành viên Quân ủy Trung ương Lý Thượng Phúc đã trở thành mục tiêu trong chiến dịch chống tham nhũng của Tập, và đã bị thanh trừng vào tháng 6 năm nay. Người kế nhiệm Lý, Đổng Quân, là một cựu sĩ quan Hải quân và được cho là thân cận với Tập hơn Lý.
Đổng lên đảm nhiệm chức vụ bộ trưởng quốc phòng vào tháng 12 năm ngoái, nhưng kỳ lạ thay, ông lại không được thăng chức thành ủy viên Quân ủy Trung ương tại hội nghị trung ương ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc khóa 20 vào tháng 7.
Trước khi Lý bị thanh trừng, Quân ủy Trung ương có bảy thành viên, và hiện chỉ còn sáu thành viên. Chiếc ghế ở Quân ủy Trung ương bị bỏ trống sau khi Lý bị hạ bệ vẫn chưa có người thay thế, và kết quả là, vị thế của bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc trong chính phủ và Đảng cộng sản đã suy giảm.
Tướng Trương Hựu Hiệp (giữa) tuyên thệ sau khi được bầu làm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương tại phiên họp toàn thể của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc tại Bắc Kinh năm 2023. (Ảnh của Yusuke Hinata)
Các cáo buộc tham nhũng nhắm vào Lý tất nhiên cũng khiến các thành viên cấp cao khác của Quân ủy Trung ương, bao gồm cả Trương, trở thành mục tiêu bị chú ý. Lý đã kế nhiệm Trương làm Cục trưởng Cục Phát triển Thiết bị của Quân ủy Trung ương khi Trương trở thành Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Sau đó, Lý tiếp tục được Tập bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng theo đề xuất của Trương.
Sau khi Lý biến mất khỏi tầm mắt công chúng vào năm ngoái, Trương cũng ít xuất hiện trước công chúng hơn, làm dấy lên làn sóng suy đoán rằng ông cũng có thể đang trong tình huống nguy hiểm.
Vậy thì tại sao Trương lại nở nụ cười tươi như thế trước ống kính máy quay ?
Nhìn bề ngoài, đó là một biểu hiện thiện chí với Mỹ. Nhưng Trương cũng có thể có một động cơ thầm kín hơn khi cười tươi trước khán giả quốc tế : để phô trương sự trở lại của mình, xua tan những tin đồn lan truyền trong bối cảnh hàng loạt các cuộc thanh trừng quân sự. Đó là điều mà chỉ một thành viên thế hệ đỏ thứ hai có ảnh hưởng như ông mới có thể làm được.
Với tình hình chính trị và kinh tế trong nước hiện nay, Tập không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tôn trọng vị thế của thế hệ đỏ thứ hai, vì những người này có ảnh hưởng rất lớn trong quân đội. Đó cũng là lý do tại sao Tập vẫn tiếp tục sử dụng Trương, 74 tuổi, làm trụ cột của quân đội dù tuổi của ông đã cao.
Tóm lại, không nên chỉ phân tích chuyến đi Trung Quốc của Sullivan qua những bài phát biểu, mà còn qua nụ cười bất ngờ của Trương, bởi nụ cười này cung cấp cho chúng ta một gợi ý về những thay đổi gần đây trong cán cân quyền lực chính trị ở Bắc Kinh.
Katsuji Nakazawa
Nguyên tác : "General’s smile hints at changes in China power balance," Nikkei Asia, 05/09/2024
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 09/09/2024
Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.