Bạo lực với học trò – Bạo lực với sự trung thực (Phạm Đình Trọng)
Đọc đôi điều bạn trẻ Chu Ngọc Quang Vinh ở tỉnh miền núi Yên Bái nhìn nhận về xã hội Việt Nam đang diễn ra như một sự tự thức tỉnh, tôi mừng cho thế hệ trẻ hôm nay bao nhiêu thì tôi lại buồn, lại ngán ngẩm đến phẫn nộ bấy nhiêu cho sự phản ứng bừng bừng sôi sục mang tính truy bức, đấu tố, đe dọa, xỉ vả của cả những người thầy trong nhà trường, trong môi trường giáo dục đòi hỏi mô phạm, đòi hỏi sự bao dung, nhân ái và sự vội vàng ra tay mang tính trấn áp của cả bộ máy quyền lực nhà nước cấp tỉnh trước sự bộc lộ trung thực tâm trạng rất riêng tư, rất con người, rất chính đáng, rất thường tình, rất quyền con người của bạn trẻ Quang Vinh.
Sự việc cho thấy người dân, nhất là thế hệ trẻ đã có nhận thức sâu sắc về pháp luật, có ý thức về sự có mặt của cá nhân trong cuộc đời, trong xã hội. Còn quan chức nhà nước, những người lớn tuổi có quyền lực trong tay thì chỉ biết có quyền lực mà không biết đến pháp luật về con người, chỉ làm việc bằng quyền lực mà không biết làm việc theo pháp luật, không cần làm việc theo luật pháp !
Lời bộc lộ nhận thức, bộc lộ tâm trạng như độc thoại của một bạn trẻ còn đang lớn, còn đang vỡ vạc cả vóc dáng, hình hài, cả nhận thức hiểu biết, còn đang học những kiến thức phổ thông, còn đang tự khám phá để nhận biết về mình, nhận biết xã hội và nhận biết thế giới.
Chưa ổn định nhân cách, chưa hình thành tư tưởng xã hội, chưa định hình chính kiến, nay thế này mai thế khác, nhận thức của bạn trẻ đó có sai lệch, nông nổi cũng là đương nhiên, là bình thường, nhỏ nhặt. Lời độc thoại nội tâm đó dù có đụng chạm đến ai, có đụng đến điều gì lớn lao vẫn là việc riêng tư của cá nhân, của quyền con người, không hề vi phạm pháp luật.
Lời bộc lộ chân thật như bạn trẻ Quang Vinh bộc lộ là vô cùng hiếm hoi vì không phải ai cũng nhận thức ra và người dám nói ra nhận thức thật của mình lại càng hiếm. Vì vậy những người đang dẫn dắt dân, đang quản lí hoạt động xã hội phải biết trân trọng lắng nghe những lời thật lòng của bạn trẻ Quang Vinh, những lời thật lòng của dân.
Dù có nhận thức không tốt và có thể không đúng về đảng cầm quyền "Tôi coi đảng như một thế lực xấu chỉ biết lừa gạt dân" cũng là quyền của bạn trẻ Quang Vinh, quyền con người. Để người dân, để lớp trẻ nhận thức đảng cầm quyền như một thế lực xấu chỉ biết lừa gạt dân thì đảng phải biết giật mình, trung thực và nghiêm khắc nhìn lại tổ chức đảng của mình chứ không phải hốt hoảng sôi sục trấn áp người dân bộc lộ suy nghĩ thật của dân về đảng cầm quyền.
Tổ Quốc là khái niệm thuộc phạm trù tinh thần, tình cảm cao cả, thiêng liêng của chung mọi công dân trong một quốc gia. Tổ Quốc là một giá trị tối cao và vĩnh hằng. Còn đảng chính trị chỉ là một tổ chức xã hội nhất thời của một số người có cùng một lí tưởng xã hội. Đã là con người thì có đúng, có sai. Những con người cụ thể tập hợp lại thành đảng chính trị, dù là đảng cầm quyền thì đảng cũng có lúc đúng, có lúc sai, đảng có thể cực tốt với người này nhưng lại cực xấu với người khác là thường tình.
Đảng chính trị nào cũng không tránh được những cực đoan. Quyền lực chính trị càng lớn, cực đoan càng lớn, tác hại càng lớn cũng là lẽ thường tình, đương nhiên. Đảng chính trị cầm quyền tác động đến cuộc sống của đất nước và cuộc sống người dân, tác động đến số phận từng người dân. Vì vậy mọi người dân đều có nhận xét, đánh giá về đảng cầm quyền là đương nhiên và cần thiết. Đó cũng là quyền con người, quyền công dân.
Ở các nước thực sự dân chủ, người dân được cầm lá phiếu thực sự bầu chọn đảng cầm quyền đã giải tỏa mọi ức chế của dân về các đảng chính trị. Không được cầm lá phiếu bầu chọn con người và đảng chính trị thay mặt dân lo việc dân việc nước thì sự ức chế của người dân về đảng cầm quyền là vô cùng lớn. Bạn trẻ Quang Vinh bộc lộ nhận thức về đảng cầm quyền chính là bộc lộ ức chế của Quang Vinh và ức chế của không ít bạn trẻ hôm nay về đảng chính trị đang cầm quyền ở nước ta.
Con người khác loài vật, lớn hơn và có sức mạnh hơn mọi loài vật bởi con người có ngôn ngữ và có tư duy, có tư tưởng. Vì vậy tự do ngôn luận, tự do tư tưởng là quyền rất cơ bản của con người và quyền tự do ngôn luận, tự do bộc lộ chính kiến được bảo đảm trong hiến pháp của mọi quốc gia văn minh.
Quang Vinh trung thực viết ra nỗi niềm "Tôi coi đảng như một thế lực xấu chỉ biết lừa gạt dân" chỉ là nhận thức, là tâm trạng của một cá nhân. Dù nhận thức cá nhân bị đưa ra công luận trở thành ngôn ngữ nói với nhiều người thì ngôn ngữ đó cũng là quyền con người, quyền công dân. Công dân có quyền tự do ngôn luận, điều 25 Hiến pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đó. Vậy mà nhà trường phổ thông nơi Quang Vinh học hốt hoảng bẩm báo sở giáo dục nỗi niềm tâm trạng trung thực và riêng tư thuộc quyền tự do ngôn luận của học trò Quang Vinh. Nhận bẩm báo, sở giáo dục lại hỏa tốc thỉnh lên chính quyền tỉnh. Chính quyền tỉnh lập tức sử dụng công cụ bạo lực nhà nước, lệnh công an vào cuộc !
Những công chức nhà nước ở vị trí người thầy trong nhà trường đã coi học trò Quang Vinh nói thật lòng mình như kẻ thù giai cấp, rồi đấu tố học trò như bần cố nông đấu tố địa chủ thời hồng hoang cải cách ruộng đất. Những lời vu tội như giáo mác tới tấp xỉa vào tuổi thơ non nớt, như đọi máu xối xả hắt vào tâm hồn ngây thơ của học trò Quang Vinh. Nguồn gốc tư tưởng này ở đâu ? Cần truy rõ. "Có tý tẹo chữ đã ăn cháo đá bát. Chưa là gì so với các học sinh khác nhé. Loại này nên đào thải !".
Chỉ nhận xét về đảng chính trị dù đương quyền cũng chỉ nhất thời, học trò Quang Vinh không mang Tổ Quốc vĩnh hằng ra phán xét. Nhưng có người nhận thức lệch lạc, méo mó đã đồng nhất đảng chính trị nhất thời với Tổ Quốc vĩnh hằng rồi vu cho học trò Quang Vinh là vô ơn với Tổ Quốc ! Xin nhớ rằng mọi người dân đều luôn ghi lòng tạc dạ ơn sâu nghĩa nặng với quê hương đất nước, với Tổ Quốc thiêng liêng vĩnh hằng. Nhưng người dân không có bổn phận phải hàm ơn đảng chính trị nhất thời. Ngược lại đảng chính trị nào cầm quyền cũng được nhận những biệt đãi, những bổng lộc, đặc quyền, đặc lợi từ tài nguyên của nước và từ tiền thuế của dân đều phải đinh ninh trong dạ ơn dân, ơn nước.
Công an là công cụ bạo lực nhà nước để trấn áp tội phạm. Điều bộc lộ của học trò Quang Vinh không phải là ý định đi ăn trộm, ăn cướp. Sự việc của học trò Quang Vinh không phải là tội phạm, không phải là việc của công an. Lệnh cho công an vào cuộc, quan chức chính quyền mang công cụ bạo lực nhà nước ra trấn áp học trò Quang Vinh như một tội phạm !
Học trò Quang Vinh bộc lộ nhận thức về đảng cầm quyền chỉ là việc cá nhân, nhỏ nhặt, thường tình. Nghiêm trọng hóa sự việc thường tình đề quyền lực nhà nước vào cuộc thì phải là cơ quan tuyên huấn của đảng, cơ quan thông tin truyền thông của nhà nước chứ không phải là công an, công cụ bạo lực nhà nước với chức năng trấn áp tội phạm.
Cách ứng xử với điều thổ lộ rất riêng tư, rất trung thực và chính đáng của bạn trẻ Quang Vinh đang là học trò trường phổ thông ở Yên Bái cho thấy những người thầy, những công chức nhà nước trong nhà trường và những quan chức nhà nước trong chính quyền tỉnh Yên Bái đến tận hôm nay vẫn chưa có ý thức cá nhân, chưa có cá nhân.
Ý thức cá nhân chưa có trong tư duy, trong nhận thức, họ chưa biết đến quyền con người, dù quyền con người, quyền tự do ngôn luận của công dân được ghi trực tiếp và bằng nhiều cách diễn đạt khác nhau, quyền tự do ngôn luận của công dân được nhiều lần nhắc lại trong hiến pháp năm 2013 của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Chưa có ý thức cá nhân, chưa biết đến quyền con người, cả hệ thống quyền lực nhà nước tỉnh Yên Bái đã biến việc nhỏ nhặt thường tình về giáo dục nhận thức trong nhà trường thành sự việc hình sự ngoài xã hội rồi bạo lực công cụ nhà nước, bạo lực dư luận xã hội tới tấp trút xuống truy bức một tuổi trẻ trung thực và tài năng.
Những nhân cách trung thực, những tầm vóc tài năng ở trong nước bị vùi dập, bị nhấn chìm đành ngậm ngùi lưu vong ra nước ngoài. Đất nước đã, đang và còn dai dẳng chảy máu chất xám
Phạm Đình Trọng
(07/09/2024)