Ông Tô Lâm được bầu giữ chức Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam (Tổng hợp)
Chủ tịch Tô Lâm được chỉ định làm lãnh đạo Đảng cộng sản, trở thành người quyền lực nhất
Nguyễn Giang, RFI, 03/08/2024
Trong sự kiện sáng ngày 03/08/2024 ở Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương của Đảng cộng sản Việt Nam đã bầu, trong phiên họp bất thường, đại tướng Tô Lâm, Chủ tịch nước, chính thức lên làm người lãnh đạo cao nhất của Đảng này. Quyết định này được đưa ra hai tuần sau khi người tiền nhiệm Nguyễn Phú Trọng qua đời.
Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, chủ tịch nước Tô Lâm tham dự buổi họp báo tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia tại Hà Nội vào ngày 03/08/2024. AFP – Nhac Nguyen
Tại Singapore, thông tín viên Nguyễn Giang cho biết thêm :
"Ông Tô Lâm, người vừa tròn 67 tuổi hôm 10/07 vừa qua, đã tạm giữ chức điều hành công việc của Đảng sau khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tạ thế hôm 19/7. Truyền thông Việt Nam nêu chức danh của ông là Chủ tịch nước, Tổng bí thư Tô Lâm trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng 2021-2026, tức là ông sẽ đóng vai trò nhất thể hoá hai chức trong tứ trụ của chính trị Việt Nam trong gần 2 năm.
Đây là điều đã từng xảy ra năm 2018 khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kiêm luôn chức chủ tịch nước vì chủ tịch Trần Đại Quang qua đời. Ông Trọng nắm hai chức cho đến Đại hội Đảng 13 đầu năm 2021 mới nhường lại vị trí đó cho ông Nguyễn Xuân Phúc.
Nhưng với sự thăng tiến của chủ tịch Tô Lâm lên làm tổng bí thư, vị trí số một trong nền chính trị có truyền thống dựa trên đồng thuận của nhiều bên, không rõ sau năm 2026 ông Tô Lâm có tiếp tục giữ cả hai chức vụ hay không.
Điều chắc chắn là ở vị trí chỉ đạo cao nhất trong công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng nhiệm kỳ 14, ông sẽ có tiếng nói quyết định về diện mạo của dàn lãnh đạo hàng đầu ở Việt Nam sang cả đầu thập niên 2030. Phát biểu sau khi được 100% phiếu bầu làm Tổng bí thư, ông nêu ra triết lý cầm quyền cho cả bộ máy là phải "tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc".
Cũng trong ngày 03/08, Đảng cộng sản Việt Nam công bố kỷ luật Đảng vì sai phạm với một loạt vị trí gồm cả phó Thủ tướng Lê Minh Khái, bộ trưởng Tài Nguyên-Môi trường Đặng Quốc Khánh. Điều này có nghĩa là các chức vụ bên chính phủ của họ sẽ bị tước đi sau khi bị loại ra khỏi Trung ương Đảng.
Hai bí thư Đảng là ông Nguyễn Xuân Ký của Quảng Ninh và Chẩu Văn Lâm của Tuyên Quang cũng bị nêu danh là vi phạm và loại khỏi Ban Chấp hành Trung ương. Các công bố này phù hợp với cam kết và tân Tổng bí thư Tô Lâm nêu ra ngay trong ngày là ông sẽ tiếp tục công cuộc chống tham nhũng mà cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại.
Có ý kiến như của nhà quan sát tình hình Việt Nam, giáo sư Carl Thayer, trường đại học New South Wales cho rằng, việc tiếp tục chống tham nhũng sẽ giúp ông Tô Lâm định hình chính sách nhân sự trong 16 tháng trước Đại hội Đảng 14.
Bản thân Tổng bí thư Tô Lâm nhắc lại câu, coi tham nhũng là giặc nội xâm, phải bị đẩy lui. Về đối ngoại, ông nói Việt Nam "đặt lợi ích quốc gia, dân tộc trên hết" và kêu gọi đoàn kết toàn dân, và cam kết "tận tâm, tận lực, tận hiến vì Đảng, vì đất nước và vì sự ấm no hạnh phúc của nhân dân".
Nguyễn Giang
***************************
Chủ tịch nước Tô Lâm làm tổng bí thư
BBC, 03/08/2024
Tại hội nghị bất thường của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam sáng nay 3/8, Chủ tịch nước Tô Lâm đã được bầu làm tổng bí thư nhiệm kỳ Đại hội Đảng 13, thay cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại hội nghị bất thường của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam sáng nay 3/8 sau khi đảm nhiệm cương vị mới. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Hội nghị bất thường này diễn ra tại Hội trường Bộ Quốc phòng, Hà Nội.
Sau khi ông Nguyễn Phú Trọng qua đời, ghế tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam bị trống và Chủ tịch nước Tô Lâm được giao điều hành tạm thời.
Bài toán mà Đảng cộng sản cần giải là ai sẽ làm tổng bí thư từ nay cho tới Đại hội 14, dự kiến diễn ra vào tháng 1/2026. Do đó, hội nghị bất thường của Trung ương Đảng vào sáng 3/8 là để kiện toàn chức danh tổng bí thư, bởi vì Đảng không thể không có người đứng đầu.
Tại hội nghị lần thứ 9 hồi tháng 5, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất cao phương án kiện toàn chức danh chủ tịch nước, chủ tịch Quốc hội và bầu bổ sung 4 ủy viên Bộ Chính trị. Lúc bấy giờ, ông Tô Lâm đã được Đảng giới thiệu và Quốc hội bầu làm chủ tịch nước, thay thế ông Võ Văn Thưởng vừa thôi chức.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nói gì?
Tại họp báo sau hội nghị bất thường sáng nay 3/8, ông Lại Xuân Môn, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, đã thông báo việc ông Tô Lâm được bầu làm tổng bí thư thay cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với số phiếu bầu đạt tuyệt đối.
Phát biểu tại họp báo, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định: "Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mất đi là tổn thất vô cùng to lớn, không thể bù đắp của Đảng, dân tộc, nhân dân ta. Trước yêu cầu, nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách của Đảng, Nhà nước trong xây dựng, phát triển đất nước, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã quyết định chủ trương kiện toàn các chức danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước mà trước hết là chức danh Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng".
Tân tổng bí thư còn nói: "Trên cương vị tổng bí thư, tôi sẽ cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư kế thừa, phát huy mạnh mẽ truyền thống vẻ vang và kinh nghiệm quý báu của Đảng ta; phát huy cao nhất tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc; tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng, đại đoàn kết toàn dân tộc; gắn kết tư tưởng và hành động, ý đảng và lòng dân; nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, trước hết là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13; tận tâm, tận lực, tận hiến, phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp của Đảng cộng sản Việt Nam vinh quang, vì nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, Nhân dân Việt Nam có cuộc sống ấm no, hạnh phúc".
Tiểu sử Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm
Ông Tô Lâm sinh ngày 10/7/1957 tại Xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Sự nghiệp của ông Lâm trong ngành công an Việt Nam đến nay đã kéo dài 5 thập niên.
Ban đầu, ông là học viên của Trường Sĩ quan An ninh (nay là Học viện An ninh nhân dân) vào năm 1974 rồi trở thành cán bộ Cục Bảo vệ Chính trị I, Bộ Công an vào năm 1979.
Ông Lâm chính thức được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam vào năm 1982, thăng tiến qua các cấp bậc để trở thành ủy viên Bộ Chính trị vào năm 2016, và tiếp tục thêm một nhiệm kỳ ủy viên Bộ Chính trị nữa vào năm 2021.
Tháng 4/2016, ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam cho đến tháng 5/2024.
Ông Lâm được thăng cấp đại tướng vào năm 2019 khi Tổng bí thư Trọng kiêm thêm chức chủ tịch nước sau cái chết của Chủ tịch nước Trần Đại Quang vào năm 2018.
Năm 2021, ông Tô Lâm trở thành Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Vào ngày 22/5/2024, ông Tô Lâm được Quốc hội bầu làm chủ tịch nước.
Vào ngày 3/8/2024, ông được Ban Chấp hành Trung ương Đảng biểu quyết với tỷ lệ tán thành 100%, trở thành tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam thay cho ông Nguyễn Phú Trọng vừa qua đời.
Những dấu ấn Tô Lâm
Ông Tô Lâm trong cương vị bộ trưởng Công an được coi là người đóng vai trò chính trong nhiều vụ việc quan trọng liên quan tới lập pháp, an ninh nội địa, an ninh đối ngoại của Việt Nam.
Trong quá trình ông Lâm làm Bộ trưởng Công an (từ năm 2016 đến tháng 5/2024), thứ hạng của Việt Nam về Chỉ số nhận thức tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã được nâng lên từ vị trí thứ 113 năm 2016 lên vị trí thứ 83 vào năm 2023.
Dưới thời ông Lâm đứng đầu ngành công an, nhiều nhà hoạt động dân chủ, môi trường đã bị bắt. Hoạt động của các tổ chức phi chính phủ được đánh giá là bị siết chặt.
Bộ Công an dưới thời ông đã xây dựng và đề xuất thông qua Luật An ninh mạng vào năm 2018.
Vụ ông Trịnh Xuân Thanh đang xin tỵ nạn tại Đức sau đó xuất hiện ở Việt Nam vào năm 2017 cũng được đánh giá là có vai trò của ông Tô Lâm.
Theo Bộ Công an Việt Nam trong thông báo vào ngày 31/7/2017, ông Trịnh Xuân Thanh "đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đầu thú".
Tuy nhiên, phía Đức lại khẳng định ông Thanh bị an ninh Việt Nam bắt cóc.
Và cũng theo cáo buộc từ Đức và Slovakia, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã sử dụng một chuyến công tác tới Slovakia để chỉ đạo vụ bắt cóc.
Vụ việc đã gây căng thẳng ngoại giao giữa Việt Nam và Đức.
Một trong những sự vụ an ninh trật tự trong nước nổi cộm là vụ tranh chấp đất đai dẫn tới xung đột chết người tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Thành phố Hà Nội.
Vụ việc nảy sinh từ nhiều năm và kết thúc bằng một cuộc đột kích của công an vào rạng sáng 9/1/2020. Theo thông tin chính thức từ Bộ Công an, sự kiện này đã dẫn tới 4 người chết, gồm ông Lê Đình Kình ở thôn Hoành và 3 công an tham gia vụ tấn công.
Phiên tòa xét xử vụ án sau đó đã dẫn tới 2 bản án tử hình cho các bị cáo là dân làng thôn Hoành, xã Đồng Tâm.
Sự kiện ông Tô Lâm tham gia bữa tiệc thịt bò dát vàng tại London (Anh) vào đầu tháng 11/2021 cũng khiến dư luận xôn xao, vì bữa tiệc đắt đỏ diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang gồng mình chống Covid.
Ông Tô Lâm được báo Việt Nam mô tả là đã biên soạn và xuất bản "những cuốn sách có ý nghĩa vô cùng to lớn", bao gồm:
Đánh giá về ông Tô Lâm
Ông Tô Lâm khi còn làm Bộ trưởng Công an không nhận được sự ủng hộ cao.
Bằng chứng là trong cuộc bỏ phiếu đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn hồi năm 2023, ông Tô Lâm có số phiếu "tín nhiệm cao" rất thấp (kém người đứng đầu là Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang tới 119 phiếu), trong khi nhận được nhiều phiếu "tín nhiệm thấp".
Tuy nhiên, tại Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khi biểu quyết cho chức danh tổng bí thư vào sáng 3/8, ông Tô Lâm nhận được sự ủng hộ tuyệt đối.
Điều này cho thấy tính đồng thuận cao ở trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Đánh giá về việc ông Tô Lâm được bầu làm tổng bí thư, Giáo sư Carl Thayer từ Đại học New South Wales (Úc) chia sẻ với BBC :
"Việc Ban Chấp hành Trung ương chính thức xác nhận ông Tô Lâm làm tổng bí thư không phải là điều bất ngờ. Ban Chấp hành Trung ương Đang đang tuân theo quy trình bằng cách tổ chức một phiên họp bất thường để xác định sự thay đổi lãnh đạo cấp cao. Ông Tô Lâm sẽ đảm nhiệm phần còn lại của khoảng mười sáu tháng cho đến khi Đại hội 14 được tổ chức".
Giáo sư Thayer nhận định với việc ông Tô Lâm làm tổng bí thư, sẽ không có thay đổi lớn nào về chính sách đối nội và đối ngoại trong giai đoạn chuyển tiếp này.
"Ông Tô Lâm sẽ hoàn toàn tập trung vào việc giám sát các công tác chuẩn bị cho Đại hội 14 dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm 2026. Với vai trò là trưởng Tiểu ban Nhân sự chịu trách nhiệm thẩm định và phê duyệt các ứng cử viên cho Ban Chấp hành Trung ương mới, ông Tô Lâm sẽ đặc biệt cảnh giác để loại bỏ những ứng cử viên liên quan đến tham nhũng hoặc không đạt tiêu chuẩn của đảng", Giáo sư Thayer nói.
Giáo sư Thayer cũng nói rằng khi Tô Lâm đã là tổng bí thư, có khả năng ông sẽ từ chức chủ tịch nước. Ban Chấp hành Trung ương sau đó sẽ đề xuất người thay thế ông lên Quốc hội. Nếu kịch bản này xảy ra, "Tứ Trụ" sẽ được khôi phục ở Việt Nam.
"Sự lãnh đạo tập thể mới này sẽ giúp trấn an các chính phủ và nhà đầu tư nước ngoài rằng Việt Nam sẽ vẫn ổn định về chính trị cho đến khi quá trình chuyển giao lãnh đạo dự kiến diễn ra tại Đại hội 14. Vào thời điểm đó, một Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị mới sẽ được bầu. Nếu ông Tô Lâm muốn tiếp tục tại nhiệm, ông sẽ phải được miễn tuổi nghỉ hưu bắt buộc là 65, có thể viện dẫn việc ông có quá trình công tác xuất sắc", Giáo sư Thayer nhận định thêm.
Nguồn : BBC, 03/08/2024
**************************
Tổng bí thư Tô Lâm : ‘Đốt lò’ và 'ngoại giao cây tre’ sẽ ra sao ?
BBC, 03/08/2024
Với việc ông Tô Lâm làm tổng bí thư, hàng loạt câu hỏi được đặt ra về bức tranh chính trị sắp tới của Việt Nam, đặc biệt là công cuộc chống tham nhũng và chính sách ngoại giao.
Ong Tô Lâm nhậm chức tổng bí thư "không phải là điều bất ngờ" - Carl Thayer
Đánh giá với BBC News Tiếng Việt ngày 3/8, Giáo sư Carl Thayer, nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm tại Đại học New South Wales (Úc), cho rằng việc ông Tô Lâm nhậm chức tổng bí thư "không phải là điều bất ngờ".
Theo ông Thayer, sẽ không có thay đổi gì lớn trong chính sách đối nội và đối ngoại của Việt Nam trong thời gian từ bây giờ cho tới Đại hội 14, diễn ra vào tháng 1/2016.
"Ông Tô Lâm sẽ hoàn toàn tập trung vào việc giám sát các công tác chuẩn bị cho Đại hội 14 dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm 2026.
"Với vai trò là trưởng Tiểu ban Nhân sự chịu trách nhiệm thẩm định và phê duyệt các ứng cử viên cho Ban Chấp hành Trung ương mới, ông Tô Lâm sẽ đặc biệt cảnh giác để loại bỏ những ứng cử viên liên quan đến tham nhũng hoặc không đạt tiêu chuẩn của đảng", Giáo sư Thayer nhận định.
Khi Đại hội 14 diễn ra, ông Tô Lâm sẽ hơn 68 tuổi. Chiếu theo quy định hiện nay về độ tuổi tái cử vào Bộ Chính trị, thì ông Tô Lâm sẽ quá tuổi.
"Nếu ông Tô Lâm muốn tiếp tục tại nhiệm, ông sẽ phải được miễn tuổi nghỉ hưu bắt buộc là 65, có thể viện dẫn việc ông có quá trình công tác xuất sắc", ông Thayer nói.
Điều này có nghĩa là "trường hợp đặc biệt" sẽ được áp dụng cho ông Tô Lâm, tương tự ông Nguyễn Phú Trọng trước đây.
Tiếp tục chống tham nhũng
Tại buổi họp báo sau khi nhậm chức, ông Tô Lâm khẳng định sắp tới công cuộc chống tham nhũng sẽ được tiếp tục, với phương châm, giải pháp như thời gian qua.
Theo lời ông Tô Lâm, chống tham nhũng vẫn sẽ "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", như những gì ông Nguyễn Phú Trọng từng nói nhiều lần.
"Chúng ta sẽ tiếp tục công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, với tinh thần xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng", ông Tô Lâm phát biểu.
Tuy nhiên, cách thức chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng trước đây từng được đánh giá là đã thất bại, do không giải quyết được các nguyên nhân xuất phát từ đặc thù của hệ thống.
Trả lời BBC News tiếng Việt ngày 22/7, Tiến sĩ Nguyễn Quang A từ Hà Nội cho rằng chiến dịch "đốt lò" của ông Trọng đã hoàn toàn thất bại.
"Không giải quyết triệt để những vấn đề nội tại trong hệ thống thì không giải quyết được tham nhũng. Các vấn đề đó bao gồm thiếu tự do ngôn luận, tự do báo chí, xã hội dân sự, thiếu một nhà nước pháp quyền với một hệ thống tư pháp độc lập, không có một cơ chế cân bằng và kiểm soát quyền lực", ông Quang A phân tích.
Giờ đây, với phương châm "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng", có khả năng là ông Tô Lâm vẫn sẽ giữ phương pháp chống tham nhũng cũ.
Bình luận với BBC ngày 28/7, Giáo sư Zachary Abuza từ Đại học National War College (Mỹ) từng cho rằng chiến dịch "đốt lò" được ông Tô Lâm sử dụng để gia tăng quyền lực và cơ hội kế nhiệm chức vụ tổng bí thư.
"Với sức mạnh to lớn của Bộ Công an, ông ấy bắt đầu điều tra các đối thủ, dưới danh nghĩa chống tham nhũng và âm thầm xây dựng hồ sơ chống lại các đối thủ trong Bộ Chính trị".
Ngày 21/7, Giáo sư Alexander L Vuving từ Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương Daniel K. Inouye thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nói rằng ông ông Tô Lâm sẽ tiếp tục "chiến dịch đốt lò" nếu điều đó trao cho ông ấy một công cụ chính trị uy quyền hơn, và cũng sẽ tiếp tục "nền ngoại giao cây tre" cho đến khi nào bối cảnh quốc tế mang đến lý do thuyết phục khiến ông thay đổi cách tiếp cận đó.
"Phát triển kinh tế là một trong những ưu tiên của ông Tô Lâm nhưng chỉ đóng vai trò phụ trợ trong nhu cầu củng cố quyền lực của mình. Giới đầu tư có thể đặt cược vào giới lãnh đạo coi lĩnh vực doanh nghiệp là ưu tiên, nhưng họ nên biết ai mới nắm thực quyền trong quốc gia này", ông nói thêm.
‘Thiếu kinh nghiệm ngoại giao’
Ngay sau khi hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương kết thúc, Tổng bí thư Tô Lâm đã đã chủ trì họp báo trong nước, quốc tế.
Tại đây, trong bài phát biểu, ông Tô Lâm có nhắc tới chính sách ngoại giao của Việt Nam.
Về chính sách ngoại giao, ông Tô Lâm khẳng định sẽ "không có gì thay đổi". Theo ông Tô Lâm, đường lối ngoại giao cho thấy những hiệu quả.
Tuy nhiên, ông Tô Lâm được đánh giá là "thiếu kinh nghiệm" trong vấn đề ngoại giao, theo bài viết ngày 31/7 trên trang DW, hãng truyền thông lớn của Đức.
"Nhận định với DW, các nhà phân tích cho rằng Tô Lâm thiếu các kỹ năng về chính sách đối ngoại so với ông Trọng.
"Phần lớn ban lãnh đạo cấp cao của Đảng cộng sản, hiện nằm trong tay quân đội và cảnh sát, cũng có phần thiếu trong vấn đề này", bài viết nêu.
Tuy nhiên, cũng trong bài viết này, ông Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu tại Viện ISEAS (Singapore), lại cho rằng "chính sách đối ngoại của Việt Nam được quyết định tập thể bởi Bộ Chính trị".
"Do đó, sự trỗi dậy của phe an ninh khó có khả năng ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Việt Nam".
Ông Nguyễn Khắc Giang, tiến sĩ khoa học chính trị tại ISEAS, cho rằng Việt Nam sẽ tập trung hơn vào các vấn đề đối nội, nên khả năng cao là chính sách ngoại giao sẽ không có gì thay đổi.
Vào ngày 18/7, ông Carl Thayer đánh giá với BBC rằng ông Tô Lâm sẽ phải "học nhiều" để có kinh nghiệm nếu muốn trở thành tổng bí thư, đặc biệt là tăng cường khả năng xây dựng sự đồng thuận của tập thể.
"Ở Úc, chúng tôi có câu nói rằng ông ấy phải gắn biển số 'xe tập lái' để cảnh báo mọi người rằng đây là một công việc mới và hãy tránh xa ông ấy.
"Ở vị trí bộ trưởng (Công an), ông Tô Lâm có quyền lực trực tiếp, ông có thể ra lệnh. Ông không cần phải kêu gọi sự đồng thuận.
"[Bây giờ] ông ấy là một phần của quy tắc hoạt động của Bộ Chính trị, nơi có cơ chế xây dựng sự đồng thuận và lãnh đạo tập thể. Và đó sẽ là mảnh đất mới đối với ông Tô Lâm. Công tác xây dựng sự đồng thuận là điều mà ông ấy phải học hỏi.
Nguồn : BBC, 03/08/2024
******************************
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và ba ủy viên trung ương mất chức
BBC, 03/08/2024
Các ông Lê Minh Khái, Đặng Quốc Khánh, Nguyễn Xuân Ký và Chẩu Văn Lâm vừa được thôi chức theo quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng chiều 3/8.
Từ trái qua : các ông Lê Minh Khái, Đặng Quốc Khánh, Nguyễn Xuân Ký, Chẩu Văn Lâm
Theo thông cáo do Văn phòng Trung ương Đảng phát đi chiều 3/8, trong phiên làm việc buổi chiều, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xem xét đơn xin thôi giữ các chức vụ của một số lãnh đạo cơ quan trung ương và địa phương.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thay mặt Bộ Chính trị điều hành hội nghị.
Tại hội nghị, 4 ủy viên Trung ương Đảng khóa 13 gồm : Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường Đặng Quốc Khánh, Bí thư Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm được kết luận là đã vi phạm các quy định của Đảng trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Thông cáo nêu rằng những vị lãnh đạo này vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm, vi phạm quy định về trách nhiệm nêu gương và các quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Sau khi bốn ông này thôi thức, Ban Chấp hành Trung ương hiện còn 171 ủy viên.
Từ quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, những người liên quan nếu giữ các chức vụ trong chính quyền thì sẽ được các cơ quan hữu quan làm thủ tục miễn nhiệm.
Cụ thể, việc miễn nhiệm chức danh phó thủ tướng của ông Lê Minh Khái và bộ trưởng của ông Đặng Quốc Khánh sẽ được Quốc hội phê chuẩn theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái
Ông Lê Minh Khái sinh năm 1964, quê ở tỉnh Bạc Liêu.
Ông là ủy viên Trung ương Đảng khóa 12 và 13 ; bí thư Trung ương Đảng khóa 13 ; đại biểu Quốc hội khóa 14.
Ông Lê Minh Khái từng giữ chức phó tổng kiểm toán nhà nước giai đoạn 2007-2014, sau đó trở thành bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu.
Tháng 10/2017, ông làm tổng Thanh tra Chính phủ.
Ông được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm giữ chức vụ phó thủ tướng vào tháng 4/2021, được phân công theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực khối kinh tế tổng hợp như kế hoạch, tài chính, giá cả, tiền tệ, ngân hàng, thị trường vốn, chứng khoán, dự báo và chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, chi ngân sách nhà nước...
Ông Lê Minh Khái cùng các ông Trần Lưu Quang, Trần Hồng Hà và Lê Thành Long là bốn phó thủ tướng giúp việc cho Thủ tướng Phạm Minh Chính trong Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái
Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường Đặng Quốc Khánh
Ông Đặng Quốc Khánh sinh năm 1976, quê ở Hà Tĩnh. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng khóa 12 (dự khuyết) và 13 ; đại biểu quốc hội khóa 14 và 15.
Ông Khánh từng là chuyên viên Phòng Thẩm định thuộc Sở Xây dựng tỉnh Hà Tĩnh, sau đó kinh qua nhiều chức vụ ở tỉnh này như giám đốc Sở Xây dựng, bí thư Huyện ủy Nghi Xuân, phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Tháng 7/2019, Bộ Chính trị điều động ông giữ chức bí thư Tỉnh ủy Hà Giang.
Tháng 5/2023, ông Khánh được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm giữ chức bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường và giữ cương vị đó cho đến nay.
Ông Đặng Quốc Khánh là người kế nhiệm Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường
Bí thư Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký
Ông Nguyễn Xuân Ký, sinh năm 1972, quê ở tỉnh Nam Định, là ủy viên Trung ương Đảng khóa 13.
Ông từng giữ nhiều chức vụ ở tỉnh Quảng Ninh.
Từ tháng 9/2019 đến nay, ông Nguyễn Xuân Ký làm bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, Chủ tịch HĐND tỉnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng từng làm bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh.
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký
Bí thư Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm
Bí thư Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm
Ông Chẩu Văn Lâm, sinh năm 1967, quê ở Tuyên Quang, là ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, đại biểu Quốc hội khóa 14.
Ông có nhiều năm công tác tại Tuyên Quang, từng giữ chức vụ giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, phó chủ tịch, rồi chủ tịch UBND tỉnh.
Tháng 3/2015, ông Chẩu Văn Lâm được bầu làm bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang và giữ cương vị này từ đó đến nay.
Nguồn : BBC, 03/08/2024