Ông Tô Lâm hội đàm với ông Tập Cận Bình (BBC tiếng Việt)
Thấy gì từ cuộc gặp ở Bắc Kinh ?
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hội đàm với Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh vào thứ Hai 19/8.
Trung Quốc là điểm đến đầu tiên của ông Tô Lâm sau khi chính thức đảm nhiệm chức vụ tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam từ ngày 3/8 vừa qua
Theo truyền thông Việt Nam, lễ đón cấp nhà nước dành cho ông Tô Lâm đã được cử hành trọng thể với sự chủ trì của Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nước chủ nhà thực hiện nghi thức bắn 21 phát đại bác chào mừng.
Trung Quốc là điểm đến đầu tiên của ông Tô Lâm sau khi chính thức đảm nhiệm chức vụ tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam vào ngày 3/8 vừa qua.
Chuyến thăm của ông Tô Lâm diễn ra từ ngày 18 đến 20/8 theo lời mời của ông Tập Cận Bình.
Lịch trình hoạt động của ông Tô Lâm tại Trung Quốc bắt đầu vào ngày Chủ nhật 18/8 bằng việc thăm các địa chỉ đỏ cách mạng ở Quảng Châu, sau đó mới lên Bắc Kinh gặp lãnh đạo trung ương.
Lịch trình tại Bắc Kinh
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong cuộc gặp với Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh vào thứ Hai 19/8
Ông Tập Cận Bình và ông Tô Lâm đã tham dự lễ ký kết các văn bản hợp tác, theo Tân Hoa Xã. Hiện chưa rõ nội dung của những văn kiện hợp tác này là gì.
Trước đó, Reuters dẫn lời các quan chức cho biết kết nối đường sắt sẽ là chủ đề hàng đầu trong chương trình nghị sự khi ông Tô Lâm gặp ông Tập Cận Bình.
Các tuyến đường sắt liền mạch được coi là rất quan trọng cho chuỗi cung ứng, khi ngày càng nhiều nhà sản xuất Trung Quốc chuyển hướng một số hoạt động xuất khẩu sang Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ.
Hai quốc gia hiện được kết nối bằng hai tuyến đường sắt từ miền nam Trung Quốc đến thủ đô Hà Nội, cũng là trung tâm công nghiệp phía bắc của Việt Nam.
Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, cũng như thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.
Trước đó, truyền thông Việt Nam dẫn lời Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung cho biết hai nhà lãnh đạo của Việt Nam và Trung Quốc sẽ có "những trao đổi ở cấp chiến lược cao nhất của hai Đảng và hai nước về quan hệ giữa hai Đảng, hai nước".
Theo báo Tuổi Trẻ, ông Tô Lâm còn hội kiến với Thủ tướng Lý Cường, Ủy viên trưởng Nhân đại toàn quốc Triệu Lạc Tế và Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Vương Hỗ Ninh vào ngày thứ Hai 19/8.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc nói gì?
Ông Tập Cận Bình và ông Tô Lâm duyệt đội danh dự trong buổi tiếp đón trọng thể vào thứ Hai 19/8 tại thủ đô Bắc Kinh
Trước chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tô Lâm đến Trung Quốc, truyền thông nhà nước Bắc Kinh đã có một số bài bình luận.
Viết trên tờ Hoàn Cầu Thời báo ngày thứ Bảy 17/8, Giáo sư Vu Hướng Đông, Giám đốc Viện Việt Nam học từ Đại học Trịnh Châu (Trung Quốc), nhận định ông Tô Lâm sẽ tiếp tục chiến lược cân bằng ngoại giao với Trung Quốc, Mỹ, Nga và các quốc gia khác.
"Việc ông Tô Lâm chọn Trung Quốc là điểm công du đầu tiên sau khi nhậm chức tổng bí thư cho thấy Việt Nam vẫn đặt mối quan hệ ngoại giao với Trung Quốc ở vị trí rất quan trọng".
"Nhưng song song đó, kinh nghiệm cho thấy Việt Nam không thể thờ ơ với Mỹ được".
Ngày 18/8, một bài xã luận trên tờ Trung Quốc Nhật báo (China Daily) đánh giá rằng chuyến đi của ông Tô Lâm "sẽ giúp tăng cường nỗ lực chung của hai nước để tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa, cùng xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai và bảo vệ sự công bằng và công lý quốc tế".
"Ông Lâm gần đây nói rằng Việt Nam luôn coi trọng và ưu tiên hàng đầu phát triển quan hệ với Trung Quốc, quốc gia duy nhất đáp ứng mọi yếu tố ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Chọn Trung Quốc là điểm đến đầu tiên sau khi nhậm chức tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam vào ngày 3/8 vừa qua đã cho thấy rõ nét về việc Hà Nội rất xem trọng phát triển quan hệ song phương giữa hai đảng và hai nước".
Tiếp nối 'ngoại giao cây tre'
Đoàn quan chức Việt Nam và đoàn Trung Quốc trong cuộc hội đàm ngày thứ Hai 19/8 tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh
Theo truyền thông Việt Nam, ông Tô Lâm khẳng định "Việt Nam luôn coi trọng và ưu tiên hàng đầu phát triển quan hệ với Trung Quốc".
Bình luận với BBC ngày thứ Hai 19/8, Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế làm việc cho Quỹ Taiwan NextGen Foundation, Đài Loan, nhận định về tầm quan trọng của chuyến đi đến Trung Quốc của người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam.
"Với xuất thân công an, Tổng bí thư Tô Lâm hiểu rõ tầm quan trọng của sự ổn định nội bộ trong việc đảm bảo sự ủng hộ của nhân dân. Đảm bảo ổn định trong nước cũng tối quan trọng để thúc đẩy chính sách đối ngoại. Ông Lâm trước đây cũng có các chuyến thăm đến Trung Quốc và được lãnh đạo Trung Quốc coi trọng cũng như khá quen thuộc. Nhìn ở tầm cao hơn, quan hệ giữa Việt Nam với Nga và Mỹ là tương đối ổn định, chỉ có quan hệ với Trung Quốc vẫn rất nhạy cảm và còn nhiều khúc mắc, chẳng hạn như vấn đề Biển Đông. Do đó, ông Lâm sẽ khôn ngoan khi ưu tiên đầu tư cho việc củng cố tính ổn định trong quan hệ Việt-Trung và có thể thông qua hợp tác kinh tế để thúc đẩy quan hệ".
Xét về dòng thời gian, Trung Quốc và Nga là hai quốc gia đầu tiên trong số 7 nước Việt Nam xác lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Cụ thể, Việt Nam đã xác lập mối quan hệ ngoại giao ở bậc cao nhất đối với Trung Quốc (2008), Nga (2012), Ấn Độ (2016), Hàn Quốc (2022), Mỹ (9/2023), Nhật Bản (11/2023) và Úc (2024).
Nhận định về định hướng ngoại giao sắp tới của ông Tô Lâm, Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng nói :
"Ông Tô Lâm khó mà đưa con tàu đối ngoại Việt Nam đi trật đường ray. Kế thừa di sản của ông Nguyễn Phú Trọng là cần thiết vì nó tạo thế vững chắc cho ông Tô Lâm về quyền lực chính trị. Và khi mà chính sách cân bằng của Việt Nam (thường được biết đến với tên gọi 'ngoại giao cây tre') đã khá thành công thì không có việc gì phải điều chỉnh quá nhiều".
Trong bài viết gần đây trên trang Fulcrum của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS có trụ sở tại Singapore, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cũng nhận định chính sách ngoại giao của Việt Nam "sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể" sau khi ông Tô Lâm lên nắm quyền.
"Ông Tô Lâm sẽ tiếp tục nền ngoại giao cây tre của ông Trọng. Với xuất thân làm trong ngành công an, ông Tô Lâm có thể dễ dàng làm việc với các nhà lãnh đạo chuyên chế như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa Việt Nam sẽ phớt lờ mối gắn kết với các quốc gia phương Tây".
Trung Quốc, một siêu cường đang trỗi dậy, quyết tâm thách thức trật tự đơn cực do Mỹ dẫn đầu thời hậu Chiến tranh Lạnh.
Việt Nam thì lại thuộc nhóm quốc gia quyền lực tầm trung, khai thác tối đa lợi ích và an ninh trong lúc vẫn cân bằng quan hệ Mỹ - Trung nhưng vẫn coi trọng giao hảo truyền thống lịch sử với Nga.
Theo Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, ông Tô Lâm sẽ tiếp tục cân bằng quan hệ ngoại giao với các cường quốc, đặc biệt với Trung Quốc và Mỹ, và theo đuổi quan hệ thân thiện với các quốc gia quan trọng trên toàn cầu.
"Cách tiếp cận này hiện nay là lựa chọn chính sách ngoại giao tốt nhất cho Việt Nam, dù người đứng đầu Đảng cộng sản có là ai", Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp viết trên Fulcrum.
Nguồn : BBC, 19/08/2024