Động thổ kênh đào Phù Nam Techo (BBC)
Cú hích mạnh mẽ cho tinh thần dân tộc Campuchia
Làng Prek Takeo nhuộm trong sắc trắng vào sáng thứ Hai 5/8 với hơn 10.000 người mặc áo thun in hình ông Hun Sen và ông Hun Manet ở mặt trước, mặt sau là thông điệp "Hãy ủng hộ Phù Nam Techo".
Kênh đào Phù Nam Techo tạo ra cú hích mạnh mẽ cho tinh thần dân tộc, củng cố vị thế cho Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của ông Hun Sen và tính chính danh của ông Hun Manet khi sắp tròn một năm kế nhiệm cha mình
Từ tờ mờ sáng, hàng dài xe nối đuôi nhau hướng về làng Prek Takeo thuộc huyện Kien Svay, tỉnh Kandal, địa điểm diễn ra lễ động thổ kênh đào Phù Nam Techo.
An ninh được siết chặt.
Hầu hết mọi người đều mặc đồng phục áo thun trắng có hình cựu Thủ tướng, Chủ tịch Thượng viện Hun Sen và con trai ông là Thủ tướng Hun Manet.
Một phóng viên từ trang Flash News của Campuchia cho biết mình đã dậy từ một giờ sáng để chuẩn bị cho sự kiện.
Campuchia đã đưa ra quy định nghiêm ngặt cho các nhà báo nước ngoài lẫn trong nước tham gia đưa tin sự kiện : phải đến trước 5 giờ sáng, trang phục trang trọng và tuyệt đối không được mang giày thể thao.
Biểu ngữ kêu gọi ủng hộ dự án xuất hiện khắp nơi.
Dân làng Prek Takeo có một ngày buôn bán tấp nập, nhưng không có cảnh chặt chém, thay vào đó là nụ cười thân thiện như ngày hội toàn dân.
Bà Ben Chakriya và cô Son Sinoeun, hai công chức từ Bộ Phát triển Đô thị Campuchia, hòa vào biển người đến tham dự lễ động thổ lịch sử
Bà Ben Chakriya (50 tuổi), một công chức từ Bộ Phát triển Đô thị Campuchia, chia sẻ với BBC News tiếng Việt trước buổi lễ :
"Tôi rất vui khi Campuchia xây dựng kênh đào Phù Nam Techo. Con kênh sẽ giúp nền kinh tế phát triển mạnh mẽ trong tương lai".
Đồng nghiệp của bà Ben Chakriya là bà Son Sinoeun bày tỏ :
"Người dân Campuchia rất vui vì con kênh này sẽ giúp việc giao thương hàng hóa dễ dàng hơn và giúp tiết kiệm được thời gian di chuyển".
Thế nhưng, không phải ai cũng được mời đến dự buổi lễ.
Theo một nguồn tin của BBC, những người dân chưa nhận được tiền đền bù ở các vùng phải giải tỏa đã không được mời đến tham dự sự kiện vì chính phủ lo ngại họ biểu tình phản đối.
Không khí cờ hoa rợp trời cho thấy quyết tâm cao độ của Campuchia trong việc thực hiện dự án lịch sử và giảm dần sự phụ thuộc vào quốc gia láng giềng Việt Nam.
Dự án khổng lồ này như một cú hích cho tinh thần dân tộc, giúp tiếp tục củng cố vị thế lãnh đạo độc tôn của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của ông Hun Sen và tính chính danh của ông Hun Manet khi sắp tròn một năm tiếp quyền từ cha mình.
'Hoàn thành bằng mọi giá'
Thủ tướng Hun Manet gọi tuyến kênh đào dài 180 km này là một dự án "lịch sử" và cam kết "hoàn thành bằng mọi giá"
Đúng 9 giờ 9 phút, Thủ tướng Campuchia Hun Manet chính thức bấm nút khởi công dự án Phù Nam Techo.
Cựu Thủ tướng, Chủ tịch Thượng viện Hun Sen không tham dự sự kiện, dù nó diễn ra vào sinh nhật lần thứ 72 của ông.
Các quan chức từ Trung Quốc, Ấn Độ, Nga… cũng được mời dự.
Phát biểu tại lễ động thổ, Thủ tướng Hun Manet gọi tuyến kênh đào dài 180 km này là một dự án "lịch sử" và cam kết "hoàn thành bằng mọi giá".
Ông Hun Manet cũng kêu gọi người dân "đừng nên lo lắng rằng con kênh đào sẽ được sử dụng cho mục đích quân sự".
Phó Thủ tướng Sun Chanthol nhấn mạnh kênh đào sẽ củng cố "sự độc lập chính trị trong vận tải đường thủy" cho xứ sở chùa tháp.
Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol một lần nữa nhấn mạnh dự án Phù Nam Techo tuân thủ Hiệp định sông Mekong năm 1995
Trước đó, nhà nghiên cứu độc lập người Campuchia Rim Sokvy trong buổi trao đổi với BBC News tiếng Việt tại Phnom Penh đánh giá Campuchia xây dựng kênh đào Phù Nam Techo là để giảm sự phụ thuộc vào phía Việt Nam.
"Nếu Campuchia nộp tài liệu về kênh đào Phù Nam Techo cho Việt Nam thì giống như Campuchia ở vị trí thấp hơn Việt Nam, càng cho thấy sức ảnh hưởng của Việt Nam đối với Campuchia".
"Tôi nghĩ lý do chính là Campuchia muốn cho thấy mình là một quốc gia độc lập".
Tại buổi lễ, ông Sun Chanthol một lần nữa nhấn mạnh dự án Phù Nam Techo tuân thủ Hiệp định sông Mekong năm 1995 và Campuchia đã nghiên cứu khả thi đầy đủ để không gây tác động môi trường nước này và các quốc gia láng giềng.
Vào năm 1995, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam đã ký Hiệp định về hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong (Hiệp định Mekong năm 1995) sau gần 4 năm đàm phán (1991 - 1994), thành lập Ủy hội sông Mekong Quốc tế (MRC).
Ra đời năm 2003, Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận (PNPCA) là một trong 5 bộ quy tắc mang tính thủ tục của MRC.
Campuchia đã đẩy nhanh dự án này, bất chấp việc láng giềng Việt Nam quan ngại trước nhiều câu hỏi vẫn chưa có lời giải đáp đầy đủ, đặc biệt là những tác động tiềm tàng về khả năng gây hao hụt nguồn nước có thể xảy đến với Đồng bằng sông Cửu Long, vùng hạ lưu cuối cùng của con sông Mekong nơi có khoảng 21 triệu dân sinh sống.
Trái với ý kiến của ông Sun Chanthol, ngày 4/8, ông Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Năng lượng, Nước và Tính Bền vững của Trung tâm Stimson, nhận định :
"Sau khi nghiên cứu toàn diện Hiệp định sông Mekong 1995, tôi thấy cách chính phủ Campuchia thực hiện dự án kênh đào Phù Nam Techo là vi phạm hiệp định quốc tế này".
"Vẫn còn thời gian để chính phủ Campuchia tránh không vi phạm và biến dự án trở thành một cơ hội vàng cho nền ngoại giao nguồn nước sông Mekong".
Theo ông Sun Chanthol, trong 180 km chiều dài kênh đào thì 135 km là tuyến đường thủy hiện hữu và họ chỉ đào và mở rộng thêm. Trong các phần hiện hữu có bao gồm tuyến kênh đào từ thời đế chế Phù Nam.
Vương quốc Phù Nam cổ xưa, được hình thành khoảng thế kỷ thứ 1 hoặc 2 trước công nguyên và kéo dài đến thế kỷ thứ 7, bao trùm một phần bán đảo Mã Lai, Thái Lan, một khu vực hạ lưu sông Mekong gồm Đồng bằng sông Cửu Long ngày nay.
Khái niệm Vương quốc Phù Nam đóng một vai trò quan trọng trong những diễn ngôn dân tộc chủ nghĩa tại Campuchia, khi những người lĩnh xướng muốn khẳng định sự hiện diện của dân tộc Khmer cách đây hàng ngàn năm tại vùng hạ lưu sông Mekong và tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Công ty OCIC
Ông Hun Sen lúc đương chức thủ tướng Campuchia và Chủ tịch OCIC, nhà tài phiệt Pung Kheav Se, trong lễ động thổ dự án xây cầu bắc ngang sông Bassac ở thủ đô Phnom Penh vào ngày 26/10/2020
Ông Hun Manet cũng lần đầu tiên đề cập đến tên các công ty tham gia dự án Phù Nam Techo.
Đóng vai trò quan trọng là tập đoàn đầu tư OCIC, bên cạnh đó là các doanh nghiệp nhà nước và một số công ty nước ngoài.
OCIC là một tập đoàn lớn tại Campuchia, hoạt động đa lĩnh vực, đầu tư vào các dự án có quy mô hàng đầu như đảo Kim Cương, sân bay quốc tế Techo, cầu Russey Keo…
Chủ tịch OCIC là ông Pung Kheav Se, một nhà tài phiệt gốc Hoa và là chủ tịch Hiệp hội người Hoa Khmer tại Campuchia.
Về danh nghĩa, OCIC là công ty Campuchia, nhưng các nguồn tin của BBC nhận định rằng có thể đứng đằng sau công ty này là Trung Quốc.
Đứng giữa các nước láng giềng lớn hơn, gồm Việt Nam và Thái Lan, Campuchia cần dựa vào một nước lớn để làm đối trọng, và nước lớn đó là Trung Quốc, theo nhận định của các chuyên gia Campuchia với BBC.
Có thể thấy rõ là Campuchia ngày càng ngả về phía Trung Quốc vì những lợi ích kinh tế, quân sự..., trở thành đồng minh sắt son nhất của Bắc Kinh tại Đông Nam Á. Đây được coi là một trong những thách thức về chiến lược địa chính trị cho Việt Nam trong thời gian tới.
Nhiều người mang theo bóng bay cùng dòng thông điệp mừng lễ động thổ đại dự án Phù Nam Techo vào ngày 5/8
Cuối buổi lễ động thổ lịch sử, những chiếc bong bóng bay mang theo hi vọng về sự trỗi dậy của Campuchia được thả lên bầu trời, người dân nhún nhảy theo điệu nhạc rộn ràng, hình ảnh cha con ông Hun Sen và Hun Manet được giương cao.
Campuchia đã chính thức khởi động một siêu công trình, mang theo tham vọng hùng cường của xứ sở chùa tháp.
Nhưng tham vọng của người Campuchia cũng để lại nhiều dấu hỏi lớn cho người Việt Nam về sinh kế của hàng triệu dân sống ở vùng Đồng bằng Sông Mekong.
Huyền Trân & Khoa Trần
Nguồn : BBC, 05/08/2024