Khí tài mới trong cuộc chiến tại Ukraine : F-16 và UAV (Nhiều tác giả)
Chiến đấu cơ F-16 liệu có giúp Ukraine đột phá ?
Jeremy Howell, BBC, 21/08/2024
Ukraine sắp đưa vào sử dụng lô chiến đấu cơ F-16 đầu tiên do các nước phương Tây cung cấp. Nước này dự kiến sẽ nhận được tổng cộng 65 chiếc F-16 trong hai năm 2024 và 2025.
Tổng thống Ukraine Voldymyr Zelensky phát biểu trước một chiến đấu cơ F-16 mà Ukraine nhận được vào tháng 7/2024
Trong hơn hai năm qua, lãnh đạo Ukraine đã kêu gọi các nước phương Tây viện trợ loại máy bay do Mỹ sản xuất.
Tuy nhiên, có những lo ngại rằng số lượng F-16 được cung cấp có thể quá ít ỏi để Ukraine tạo ra sự khác biệt lớn trong cuộc chiến chống lại Nga.
Tại sao việc chuyển giao F-16 lại mất nhiều thời gian ?
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lần đầu tiên kêu gọi các nước phương Tây cung cấp tiêm kích F-16 - một loại máy bay chiến đấu siêu thanh - ngay sau cuộc xâm lược của Nga vào tháng 2/2022.
Ông Zelensky muốn những chiếc F-16 này đuổi máy bay chiến đấu của Nga ra khỏi không phận và mang lại ưu thế trên không cho quân đội Ukraine.
Bốn quốc gia Châu Âu gồm Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan và Na Uy đã đề nghị tặng cho Ukraine một số tiêm kích F-16 mà họ mua từ Mỹ.
Bỉ là một trong những nước phương Tây viện trợ F-16 cho Ukraine
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden lo ngại rằng việc cung cấp cho Ukraine những máy bay tiên tiến và có sức mạnh đáng gờm như vậy sẽ chọc giận Nga và phải đến tháng 8/2023, ông mới cho phép các nước Châu Âu xuất khẩu các chiến đấu cơ này.
Bốn nước nói trên đang chuyển giao những chiếc F-16 cho Ukraine sau khi thay thế bằng dòng máy bay chiến đấu F-35 tiên tiến hơn trong lực lượng không quân của họ.
Lô máy bay đầu tiên, được cho là gồm 10 chiếc, đã được chuyển giao cho Ukraine vào cuối tháng 7/2024.
Các quốc gia phương Tây đã cam kết cung cấp cho Ukraine tổng cộng 65 chiếc F-16. Dự kiến, một số chiếc sẽ được giao trong năm nay, và số còn lại sẽ được giao cho tới cuối năm 2025.
Thời gian chuyển giao máy bay cho Ukraine kéo dài không phải do thiếu F-16 mà do thiếu phi công được đào tạo, theo giáo sư Justin Bronk từ Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) có trụ sở tại London.
"Phải mất từ 4 đến 5 tháng để đào tạo một phi công lái F-16 và mất nhiều năm để học tất cả các kỹ thuật cần thiết để điều khiển loại chiến đấu cơ này trong chiến đấu", ông nói. "Ukraine đã kỳ vọng các nước phương Tây sẽ đào tạo hàng trăm phi công cùng lúc, nhưng đơn giản là họ không có đủ năng lực đó".
Ukraine có thể sử dụng F-16 như thế nào ?
Chiến đấu cơ F-16, được đưa vào sử dụng từ năm 1978, được thiết kế để bắn tên lửa và đánh chặn máy bay địch. Loại tiêm kích này cũng có thể yểm trợ gần cho lực lượng mặt đất bằng cách tấn công vào phòng tuyến của kẻ thù.
Tuy nhiên, Phillips O’Brien, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học St Andrews ở Scotland, cho biết : "Ukraine sẽ sử dụng F-16 chủ yếu để phòng thủ".
F-16 có thể giúp chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga, chẳng hạn cuộc tấn công vào Kyiv hồi tháng 7/2024
Máy bay F-16 được trang bị tên lửa không đối không, mà theo ông O’Brien, có thể được sử dụng để bảo vệ trước các cuộc tấn công trên không của Nga nhằm vào quân đội Ukraine và các mục tiêu dân sự. Những máy bay này sẽ hoạt động cùng với các hệ thống phòng không hiện có của Ukraine, chẳng hạn như các tổ hợp tên lửa đất đối không.
"Các tên lửa mà Mỹ cung cấp cho Ukraine cho máy bay F-16 của họ tương đối hiện đại", giáo sư Bronk cho biết. "Những tên lửa này không phải là loại tiên tiến nhất mà Mỹ có, nhưng chúng có thể bắn hạ tên lửa hành trình và thiết bị bay không người lái của Nga".
"Người dân Ukraine sẽ hoan nghênh chiến đấu cơ F-16 nếu chúng có thể ngăn chặn tên lửa Nga làm hư hại các nhà máy điện và các cơ sở sưởi ấm khác, để họ có thể giữ ấm trong mùa đông sắp tới", Giáo sư O'Brien nhận định.
Cũng theo ông, những chiếc F-16 còn được trang bị tên lửa không đối đất, có thể được sử dụng để tấn công các trung tâm chỉ huy quân đội và các kho tiếp tế của Nga từ xa.
"Tuy nhiên, chiến đấu cơ F-16 có thể sẽ không được sử dụng để hỗ trợ gần cho quân đội Ukraine trên chiến trường. Lực lượng phòng không của Nga quá mạnh nên các máy bay này khó tiếp cận tuyến đầu", chuyên gia này đánh giá.
Và vũ khí mà tiêm kích F-16 được trang bị có thể gặp khó khăn trong việc bắn hạ bom lượn, loại bom mà Nga đang sử dụng ngày càng nhiều để tấn công quân đội và các thành phố của Ukraine, Giáo sư O'Brien nhận định.
Người Ukraine và Ba Lan trong một cuộc biểu tình ở Ba Lan yêu cầu Mỹ cấp cho Ukraine chiến đấu cơ F-16
Phương Tây có cung cấp đủ F-16 cho Ukraine ?
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức nghiên cứu ở Mỹ, đã công bố một báo cáo nói rằng Ukraine cần nhiều hơn 65 chiếc F-16 mà nước này đang có mới có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể trong cuộc chiến.
Báo cáo cho rằng những chiếc F-16 không nên chỉ được sử dụng để phòng thủ trước các cuộc tấn công trên không của Nga mà còn để tấn công các hệ thống phòng không của Nga ở Ukraine và đuổi các máy bay như trực thăng của Nga ra khỏi chiến trường.
"Ukraine cần gần 12 phi đội chiến đấu để đạt được sự hỗ trợ trên không cần thiết cho cuộc chiến trên bộ", báo cáo của CSIS viết. "Để đạt được mục tiêu này cần tới 216 chiếc F-16, với 18 máy bay trong mỗi phi đội".
Tuy nhiên, theo Giáo sư Bronk, các lực lượng không quân phương Tây chỉ có thể bàn giao F-16 cho Ukraine sau khi họ có chiến đấu cơ thay thế và cho những chiến đấu cơ này ngưng hoạt động.
"Đây mới chỉ là sự khởi đầu. Việc xây dựng đội máy bay F-16 của Ukraine sẽ là một dự án dài hạn", ông kết luận.
Jeremy Howell
Nguồn : BBC, 21/08/2024
*************************
Moskva hứng chịu một trong những cuộc tấn công bằng drone Ukraine lớn nhất từ trước đến nay
Thanh Phương, RFI, 21/08/2024
Theo thông báo hôm nay 21/08/2024 của thị trưởng Moskva, Sergei Sobyanin, thủ đô Nga trong đêm qua đã là mục tiêu của một trong những cuộc tấn công bằng drone của Ukraine quy mô nhất trong lịch sử nhắm đến thành phố này.
Đêm 20 rạng sáng 21/08/2024, thủ đô Nga bị nhiều drone Ukraine tấn công. (Ảnh minh họa chụp ngày 26/03/2024 cho thấy binh sĩ Ukraine chuẩn bị phóng drone Poseidon H10) AP - Efrem Lukatsky
Hãng tin AFP trích nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong đêm qua, 11 drone đã bị bắn hạ trên vùng trời thủ đô Moskva và vùng phụ cận. Theo thị trưởng Moskva, do bị bắn hạ nên các drone của Ukraine đã không gây thương vong cũng như thiệt hại vật chất.
Nằm cách biên giới Ukraine hơn 500 km, Moskva và vùng phụ cận đã từng bị tấn công bằng drone, như vào mùa hè năm ngoái, các drone đã bị bắn chặn trên không phận thủ đô và trước đó, vào tháng 5/2024, hai drone cũng đã bị phá hủy trước khi bay đến mục tiêu.
Cuộc tấn công bằng drone nói trên diễn ra trong bối cảnh Nga đã phải đối đầu với một chiến dịch tấn công chưa từng có của quân Ukraine vào vùng biên giới Kursk từ ngày 06/08.
Trong khi đó, quân Nga, được trang bị tốt hơn và có quân số đông hơn đối phương, tiếp tục đà tiến ở vùng Donetsk, miền đông Ukraine. Hôm qua, họ thông báo đã chiếm được thành phố New York ở vùng này. Đây là một trong những trung tâm hậu cần quan trọng của quân Ukraine.
Thành phố này mang tên New York cho đến năm 1951, khi chính quyền Liên Xô đổi tên thành Novgorodskoïe. Chỉ đến năm 2021, thành phố mới lấy lại tên cũ là New York.
Cũng vào hôm qua, lần đầu tiên kể từ năm 2011, tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến Chechnya, nước Cộng hòa thuộc Nga ở vùng Kavkaz, mà lãnh đạo là Ramzan Kadyrov, một đồng minh của chủ nhân điện Kremlin. Để chống trả cuộc tấn công của quân Ukraine vào vùng Kursk, lực lượng Chechnya đã được triển khai tại vùng này để hỗ trợ quân Nga.
Thanh Phương
***********************
Giữ được "vùng đệm" ở Kursk : Thách thức to lớn đối với quân Ukraine ở Nga
Thanh Phương, RFI, 21/08/2024
Hai tuần sau khi phát động chiến dịch tấn công vào vùng biên giới Kursk của Nga, một thách thức to lớn đang được đặt ra cho quân Ukraine : Làm sao giữ được "vùng đệm" tại khu vực này ?
Một người lính Ukraine đi bộ ở khu vực trung tâm Sudzha, vùng Kurst của Nga, ngày 16/08/2024. AP
Hôm Chủ Nhật 18/08/2024, tức là ngày thứ 12 của cuộc đột kích, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi thành lập một "vùng đệm" ở khu vực Kursk. Đối với ông, nhiệm vụ của quân Ukraine rất rõ ràng : "Tiêu diệt càng nhiều tiềm năng chiến tranh của Nga càng tốt và thực hiện càng nhiều cuộc phản công càng tốt".
Khi tấn công vào vùng Kursk, Kiev hy vọng sẽ buộc được Moskva rút bớt lực lượng khỏi Donbass ở miền đông Ukraine, nơi mà từ nhiều tháng qua tình hình chiến sự thuận lợi hơn với quân Nga. Nhưng trong khi quân Ukraine tiếp tục đà tiến ở vùng biên giới Kursk, chưa ai biết phạm vi của "vùng đệm" tại khu vực này sẽ như thế nào và quân Ukraine có thể giữ được "vùng đệm" đó trong bao lâu khi mà Moskva đã thề sẽ "đánh đuổi quân thù ra khỏi lãnh thổ" ?
Giống như các vùng Bryansk và Belgorod giáp với Ukraine, vùng Kursk trong 30 tháng qua là hậu cứ của quân Nga trong cuộc chiến tranh xâm lược nước láng giềng, tức là nơi có nhiều kho vũ khí, đạn dược và các cơ sở hạ tầng khác cần thiết cho cuộc chiến. Nay Ukraine đã chuyển cuộc chiến sang lãnh thổ Nga và "đó là một mức độ áp lực hoàn toàn khác" theo giải thích của ông Guillaume Ancel, cựu sĩ quan quân đội, với trang Franceinfo của Pháp.
Hôm thứ Hai vừa qua, tổng thống Zelensky tuyên bố lực lượng của Kiev đã kiểm soát hơn 1.250 km2 lãnh thổ và 92 địa phương ở vùng Kursk, nơi mà hàng ngàn thường dân Nga đã chạy lánh nạn kể từ tuần đầu tiên của tháng 8. Nhưng đà tiến đó chắc rồi cũng sẽ dừng lại, chứ quân Ukraine không có đủ phương tiện và chắc là cũng không có ý định tiến quá sâu vào trong lãnh thổ Nga.
Trong chiến dịch đột kích vào vùng Kursk, quân Ukraine đã phá hủy 3 cây cầu bắc qua sông Seim, nên đã cô lập hoàn toàn quận Glucochevo, phần phía tây của vùng bị đánh chiếm. Theo nhận xét của cựu sĩ quan Guillaume Ancel, "chiến dịch dường như đã được Kiev chuẩn bị rất kỹ lưỡng", huy động "khoảng 10.000 binh sĩ Ukraine".
Hiện giờ đang tiếp tục di chuyển, lực lượng của Kiev vẫn tránh được các cuộc oanh kích của quân đội Nga. Thật ra thì Moskva cũng khó mà nã pháo dồn dập vào vùng Kursk do sự hiện diện của nhiều thường dân Nga. Như ghi nhận của ông Jérôme Pellistrandi, cựu tướng quân đội Pháp và tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng : "Bắn phá Ukraine bất kể thiệt hại vật chất không giống như đánh vào lãnh thổ của chính mình".
Tuy nhiên, ông Pellistrandi lưu ý, về lâu dài, quân Ukraine sẽ khó mà bám trụ. Họ sẽ phải nấp dưới hầm để tránh hỏa lực pháo binh đối phương một khi các vị trí đã được cố định. Lực lượng của Kiev cũng phải có một hệ thống phòng không vững chắc để chống trả các cuộc không kích của Nga.
Cũng theo cựu tướng Pellistrandi, một cái gai khác đối với quân Ukraine trên lãnh thổ Nga, đó là "trận chiến hình ảnh". Ông giải thích : "Kiev phải làm sao để thường dân được bảo vệ tốt nhất có thể và chứng tỏ binh lính Ukraine đến đó với tư cách là những người giải phóng chứ không phải những kẻ chiếm đóng". Ông Pellistrandi cũng cảnh báo nếu lực lượng của Kiev hiện diện lâu dài ở vùng Kursk, họ sẽ gặp các vấn đề về bảo vệ an ninh trật tự và quản lý dân sự.
Đối với cựu sĩ quan Guillaume Ancel, phải rất cẩn trọng với dự án lập "vùng đệm". Tuy nhiên, theo ông, nhờ chiến dịch đột kích này mà Kiev có thể sắp xếp lại quân bài để đàm phán với Moskva trong thế mạnh. Trong những ngày đầu tiên của cuộc tấn công, quân Ukraine đã bắt giữ hàng trăm tù binh Nga. Số tù binh này sẽ rất hữu ích trong các cuộc thương lượng để trao đổi với những người lính Ukraine bị Nga bắt.
Nhưng có lẽ đó sẽ là tác động duy nhất. Cựu tướng Pellistrandi lưu ý, về việc buộc quân Nga phân bổ lại lực lượng trên tiền tuyến, "hiệu quả của cuộc tấn công không thực sự rõ ràng". Cho đến nay, không có sự điều động đáng kể nào của quân Nga từ vùng Donbass ở miền đông Ukraine hay từ vùng đồng bằng Dniepr ở miền nam được ghi nhận.
Thanh Phương
*****************************
Ukraine đề nghị đồng minh cho sử dụng vũ khí tầm xa tấn công lãnh thổ Nga
Chi Phương, RFI, 20/08/2024
Quân đội Nga tiếp tục tấn công ở miền đông Ukraine và Moskva loại bỏ khả năng đàm phán với Kiev do quân đội Ukraine đánh sang lãnh thổ Nga. Tối hôm qua, 19/08/2024, trong cuộc gặp các đại sứ Ukraine ở nước ngoài, tổng thống Volodymyr Zelensky kêu gọi các đối tác cho phép Kiev sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công vào lãnh thổ Nga, gây sức ép với quân đội Nga ở mặt trận phía đông Ukraine.
Ảnh tư liệu do quân đội Mỹ cung cấp: Chuẩn bị đưa tên lửa chiến thuật ATACMS lên hệ thống phóng rốc-két cơ động cao HIMARS, tại Queensland, Úc, ngày 26/07/2023. AP - Sgt. 1st Class Andrew Dickson
Trong bài phát biểu, tổng thống Ukraine khẳng định rằng chỉ có thể chặn đà tiến của quân Nga trên chiến trường nhờ vào quyết định duy nhất mà Kiev chờ đợi từ các đồng minh : đó là quyết định cho dùng vũ khí tầm xa tấn công sang Nga.
Nếu như tình hình ở Kursk, lãnh thổ Nga mà Kiev tuyên bố "đạt được mục tiêu", kiểm soát được 1250 km2 và 92 khu vực, thì hầu hết các trận chiến căng thẳng với quân đội Nga diễn ra tại miền đông Ukraine. Hôm qua, lực lượng Nga cho biết đã tiến hành hàng chục cuộc tấn công xung quanh Toretsk và Pokrovsk, được coi là trung tâm hậu cần của Kiev.
Theo AP, khoảng 53 000 người hiện vẫn sống ở Pokrovsk. Trước các cuộc tấn công của Nga, hôm qua, lãnh đạo quân sự khu vực này, Serhiy Dobriak, đã kêu gọi thường dân đi sơ tán ngay lập tức. Phóng sự của AP cho thấy nhiều người mang hành lý cá nhân, xếp hàng lên các xe bus hoặc lên tàu đi lánh nạn, được các quân nhân hỗ trợ.
Trong đêm qua, rạng sáng hôm nay, theo Le Monde, Nga cũng đã tấn công vào nhiều khu vực ở Ukraine. Hai tên lửa đạn đạo bắn vào vùng Voronej, một tên lửa hành trình ở vùng Brianks và các tên lửa dẫn đường ở vùng Zaporijia và Kursk. Tại Kiev, lực lượng Ukraine đã bắn hạ được 28 drones của Nga. Quân đội Nga cũng tấn công vào thành phố Koupiansk Vouzlovyï, ngoại ô Kharkiv.
Trên mạng Telegram, lãnh đạo quân sự vùng Donetsk cho biết 3426 người, trong đó có 302 trẻ em đã được sơ tán khỏi chiến tuyến vào hôm qua. Các cuộc tấn công của Nga đã khiến 3 người thiệt mạng tại Kramatorsk , và một người thiệt mạng và 3 người khác bị thương tại Dzerjynsk.
Chi Phương
****************************
Ukraine cấm các tổ chức tôn giáo hợp tác thân thiện với Nga
Minh Phương, RFI, 20/08/2024
Hôm 20/08/2024, Quốc hội Ukraine đã bỏ phiếu thông qua dự luật cấm các tổ chức tôn giáo có quan hệ hợp tác thân thiện với Nga. Thực ra, đối tượng chính của văn bản này là Giáo hội Chính Thống Ukraine thuộc Tòa Thượng phụ Moskva vì bị nghi ngờ hợp tác với Điện Kremlin. Tổng thống Volodymyr Zelensky ca ngợi quyết định lịch sử, thể hiện "sự độc lập tinh thần của người dân Ukraine" khi đối mặt với Nga.
888888888888888888888888888
Những tín đồ Ukraine theo Chính Thống giáo thuộc Tòa Thượng phụ Moskva cầu nguyện ở lối vào tu viện Các hang động Kiev ngày 20/08/2024. Sergei Supinsky / AFP
Trong những năm gần đây, Ukraine, đất nước với đại đa số người dân theo Chính Thống giáo, đã dần quay lưng với Giáo hội Chính Thống thuộc Tòa Thượng phụ Moskva. Đỉnh điểm là vào vào tháng 02/2022, khi Thượng phụ Nga Kirill công khai ủng hộ cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine.
Từ Kiev, thông tín viên RFI Emmanuelle Chaze cho biết cụ thể về luật mới này :
Các tổ chức tôn giáo hợp tác hoặc thân thiện với Nga sẽ không thể tiếp tục hoạt động ở Ukraine, đây là điều mà đạo luật mới quy định. Văn bản này đặc biệt nhắm vào Giáo hội Chính Thống Ukraine thuộc Tòa Thượng phụ Moskva, chứ không phải là Giáo hội Chính Thống Ukraine vì giáo hội này không liên quan đến Nga.
Luật được đa số thông qua sau khi xuất hiện nhiều nghi ngờ đối với một số giáo sĩ thuộc Giáo hội Chính Thống liên quan tới Moskva. Những người này bị nghi hợp tác với Điện Kremlin và biện minh cho cuộc chiến tranh của Nga tại Ukraine, đặc biệt là sau khi phát hiện ra các tài liệu tuyên truyền và hộ chiếu Nga trong một số nhà thờ vào tháng 01/2023. Vào thời điểm đó, Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia Ukraine đã đề xuất cấm tất cả các tổ chức tôn giáo liên quan đến Moskva. Tổng thống Volodymyr Zelensky đã hứa bảo đảm sự độc lập hoàn toàn giữa Nhà nước Ukraine và Giáo hội.
Luật được thông qua hôm nay có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày công bố, và Giáo hội Chính Thống Ukraine thuộc Tòa Thượng phụ Moskva sẽ có 9 tháng để chứng minh rằng họ đã cắt đứt mọi liên hệ với Điện Kremlin.
Đáp lại, Giáo hội Chính Thống Nga đã lên án quyết định này, gọi đây là "hành động bất hợp pháp, vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản về tự do tín ngưỡng và nhân quyền."
Minh Phương