Điểm báo Pháp - Pháp - nhà vô địch thể thao đồng đội (RFI)

Thế Vận Hội Paris 2024 : Pháp - nhà vô địch thể thao đồng đội

Còn ba ngày thi đấu cuối cùng trước khi Olympic Paris 2024 khép lại, thông tin Thế Vận Hội tiếp tục chiếm phần lớn trang bài trên các tờ báo Pháp ra hôm nay, 09/08/2024, dưới nhiều góc độ trên sân đấu cũng như bên lề sự kiện.

thevan1

Đội tuyển bóng chuyền Pháp sau khi thắng đội Đức ở tứ kết, Olympic, Arena, Paris Sud, Pháp, ngày 05/08/2024 © AFP / Natalia Kolesnikova

 

Về các cuộc thi đấu, các báo Pháp tập trung vào các vận động viên nhà. Sau hơn một tuần thi đấu thành công, giành được số lượng huy chương kỷ lục, liên tục giữ vững vị trí trong top 5, các vận động viên Pháp bước vào chặng đua cuối cùng với nhiều hy vọng vàng ở các môn thể thao tập thể. Nhật báo La Croix ghi nhận : "Pháp nhắm tới các môn thể thao tập thể trong chặng nước rút cuối cùng". Trong những ngày thi đấu cuối cùng của Thế Vận Hội, các đội tuyển bóng rổ, bóng ném, bóng chuyền và bóng đá của Pháp đều vào tới trận chung kết để có thể mơ tới tấm huy chương vàng Olympic.

Từ kỳ Thế Vận Hội Tokyo 2021, các đội tuyển thể thao đồng đội của Pháp đã tỏa sáng mang về 6 tấm huy chương ở những ngày thi đấu cuối cùng. La Croix khẳng định, đây là bằng chứng cho thấy thể thao đồng đội của Pháp đang rất mạnh. Tờ báo dẫn lời bà Emmanuelle Bonnet-Oulaldj, thành viên Ủy ban quốc gia Olympic và Thể thao Pháp (CNOSF), nhận định : "Phân tích kết quả của những năm gần đây, chúng tôi nhận ra rằng Pháp là nhà vô địch thế giới về thể thao đồng đội. Nhưng mọi thứ không bắt đầu từ ngày hôm nay, đó là di sản từ những năm 1980 khi Pháp là nước tiên phong trong cách mạng hóa lối chơi đồng đội".

Tại Paris kỳ này, các môn thể thao đồng đội Pháp hoàn toàn có thể lập lại chiến công ở Tokyo. Tuy nhiên, La Croix cũng nhắc lại là một số đội tuyển như khúc côn cầu trên cỏ, bóng nước hay bóng rổ nữ 3 người, bóng ném nam đã gây thất vọng.

Vì sao thể thao đồng đội Pháp lên ngôi ?

Pháp và các môn thể thao đồng đội cũng là chủ để chính của nhật báo Libération. Tờ báo lý giải vì sao các môn thể thao đồng đội của Pháp lên ngôi ? Theo tờ báo đó là kết quả của một mô hình hiệu quả, thúc đẩy phát triển tài năng đỉnh cao, dựa trên cơ cơ sở phát triển mạng lưới các liên đoàn hiệp hội để phát hiện đào tạo tài năng dày kín trên khắp đất nước. Libération dẫn lời nhà xã hội học William Gasparini, chuyên gia về tổ chức thể thao tại Đại học Strasbourg, giải thích "Mọi thứ đều đến từ hệ thống đào tạo của Pháp, mà chất lượng đã được công nhận trên toàn thế giới". Đó là một hệ thống phân cấp chi tiết và rất hiệu quả : "Tài năng được đào tạo tại cơ sở trong các câu lạc bộ có huấn luyện viên có bằng cấp quốc gia. Các tài năng trẻ được phát hiện khá sớm và gửi đến cơ sở nghiên cứu thể thao, hoặc đến các trung tâm đào tạo".

Theo nhật báo Libération, Học viện Thể thao Quốc gia (Insep), Trung tâm Pháp, Trung tâm Tài năng trẻ, Học viện bóng đá Clairefontaine, đó là những điểm đào tạo tài năng có tiếng, được ví như là nhà máy tạo ra các nhà vô địch hay những vận động viên có thể tỏa sáng trên các đấu trường lớn trong nước cũng như ở các giải vô địch của nhiều nước khác. Theo một nghiên cứu công bố năm 2023, Pháp là quốc gia đứng thứ 2 thế giới (chỉ xếp sau Brazil), về số lượng các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp chơi ở nước ngoài. Tất cả các câu lạc bộ bóng đá lớn ở Châu Âu đều có cầu thủ Pháp chơi. Từ vài năm gần đây, bóng rổ Pháp là nguồn cung cấp chính các cầu thủ triển vọng cho giải nhà nghề Mỹ NBA.

Paris 2024 : Cuộc đua của các nhà tài trợ

Cùng chủ đề Thế Vận Hội, nhưng là cuộc thi đấu của các nhãn hiệu hàng hóa. Nhật báo Libération có bài đề cập đến cuộc cạnh tranh không kém phần hấp dẫn của nhà tài trợ ở Thế Vận Hội.

Ở Thế Vận Hội Paris, không chỉ các vận động viên mới đua tranh. Bằng việc đầu tư vào không gian công cộng và truyền thông, ở mọi nơi và mọi lúc, các thương hiệu đã tạo được sự xuất hiện hình ảnh không đâu sánh bằng cùng hy vọng sẽ mang lại những tác động lâu dài đến lợi nhuận của họ.

Libération nhắc lại : Trận chung kết Olympic môn quần vợt nam, hôm Chủ nhật 04/08. Tay vợt trẻ người Tây Ban Nha Carlos Alcaraz vừa bị Novak Djokovic đánh bại. Anh lấy tay lau nước mắt... và không quên đeo lại chiếc Rolex của mình, cổ tay cẩn thận hướng về phía máy ảnh. Hành động nhỏ này đã bị chế nhạo trên mạng xã hội, nhưng đó là phân cảnh đã được nhà tài trợ khéo léo bố trí. Bởi vì các thương hiệu, đó là những ngôi sao khác của Thế Vận Hội này, họ có ở khắp mọi nơi. Giống như bức ảnh cỡ cực lớn của Léon Marchand với logo LVMH bao phủ một nửa mặt tiền tòa cao ốc Montparnasse. Tờ báo cũng cho biết, tập đoàn hàng xa xỉ Pháp LVMH - nhà tài trợ chính của sự kiện - với thương hiệu Louis Vuitton và hệ thống chi nhánh Sephora của họ xuất hiện mọi chỗ, mọi nơi từ lễ khai mạc cho đến các buổi trao huy chương Thế Vận Hội. Đối với Libération, LVMH thực sự đã tìm được con gà đẻ trứng vàng ở kỳ Thế Vận Hội Paris này.

Kín đáo hơn nhưng vẫn hiện rõ là những viên pha lê thương hiệu Swarovski được nạm trên áo thi đấu của vận động viên thể dục dụng cụ người Mỹ Simone Biles. "Một cách giới thiệu tuyệt vời dành cho các công ty sử dụng hình ảnh các vận động viên và các giá trị thể thao để quảng bá bản thân", Libération nhận xét.

Theo tờ báo, để tận dụng cơ hội này, 78 nhà tài trợ của Paris 2024 đã không tiếc tiền và họ đã làm giầu cho ngân sách của Ban tổ chức Thế Vận Hội Olympic và Paralympic (Cojop) với mức 39% kinh phí tài trợ cho sự kiện, tương đương 1,7 tỷ euro.

Đổi lại, những đối tác hào phóng đó có thể sử dụng thương hiệu Olympic (logo Paris 2024, vòng tròn biểu tượng Olympic, v.v.). Cơ hội vàng cho những thương hiệu đôi khi chẳng liên quan gì đến thể thao, tờ báo nhận xét.

Lợi ích của các thương hiệu là rất lớn, đặc biệt là đối với thế giới xa xỉ. Tổng giám đốc của Journal du Luxe, Eric Briones cho biết : "58% người tiêu dùng truy cập trang web của một thương hiệu khi nó được giới thiệu bởi một vận động viên, so với 34% của một người có ảnh hưởng kiểu truyền thống".

Du khách đến Paris để xem Olympic

Vẫn là bên lề các cuộc thi đấu thể thao Paris 2024, nhật báo Le Monde ghi nhận kết quả khá nghèo nàn của các tụ điểm du lịch ở Paris. Bị cuốn hút bởi các cuộc thi đấu thể thao ở Thế Vận Hội, các du khách đến Paris vào dịp này đã bỏ rơi các bảo tàng, cũng như các địa điểm tham quan giải trí khác. Các nhà làm du lịch Pháp giờ đành hy vọng vào hiệu ứng hậu Thế Vận Hội.

Trong khi đó, báo Le Figaro nhận thấy, người Pháp đổ xô ra nước ngoài nghỉ hè năm nay để nhường chỗ cho du khách tới dự Olympic. Không khí chuẩn bị sôi động Thế Vận Hội và viễn cảnh về một làn sóng du khách ồ ạt bất thường là lý do để nhiều người Pháp - trong đó có nhiều người Paris - đi nghỉ ở nước ngoài vào mùa hè này. Theo các chuyên gia, có hơn 500.000 người so với năm ngoái đã lựa chọn như vậy. Trong khi đa số tìm đã tìm đến những nơi đầy ánh nắng mặt trời ở Tây Ban Nha, Ý, Hy Lạp hoặc Tunisia, thì một số điểm đến thông thường ít phổ biến hơn lại thành công, chẳng hạn như Nhật Bản và Bắc Âu. Tại Pháp, các công ty du lịch ghi nhận lượng khách đến các vùng ưa thích như bờ Đại Tây Dương, Côte d’Azur… giảm rõ rệt. Nhưng bù lại, nhiều vùng, đặc biệt các thành phố có tổ chức thi đấu Olympic vẫn đông khách.

Le Figaro cũng có bài ghi nhận nhiều người dân Paris đã cảm thấy nuối tiếc đi nghỉ ở nước ngoài dịp này khi thấy không khí Olympic sôi động và công việc tổ chức giao thông, trật tự ở thủ đô trong dịp Thế Vận Hội rất tốt.

Ukraine chủ động tấn công lãnh thổ Nga

Chuyển qua các chủ đề quốc tế. Thời sự được hầu hết các báo Pháp chú ý nhiều là cuộc đột kích của quân đội Ukraine vào sâu trong lãnh thổ Nga. Le Figaro chạy tựa : "Tại Kursk, cuộc đột kích quả cảm của Ukraine vào Nga". Theo nhật báo Pháp, trong ba ngày tấn công, lực lượng chính quy của Kiev đã tiến sâu 25 km bên trong lãnh thổ Nga và chiếm được hơn 350 km2 ở khu vực biên giới Kursk. Họ gần như đã nắm quyền kiểm soát hoàn toàn thị trấn Sudja, tâm điểm của cuộc giao tranh, nơi có trạm trung chuyển khí đốt của Nga sang Châu Âu. Đây là cuộc đột kích đầu tiên của Ukraine và cũng là bước đột phá quan trọng nhất vào lãnh thổ Nga kể từ khi bắt đầu chiến tranh. Việc quân Ukraine dễ dàng xâm nhập vào Nga đã khiến Moskva và những người trung thành với chế độ phải ớn lạnh.

Trong khi đó, Les Echos có bài nhận định : Mục tiêu của chiến dịch này là để chứng minh cho các đồng minh và binh lính của mình, cũng như với cả Moskva, rằng Kiev có thể giành lại thế chủ động. Đây là lần đầu tiên, Ukraine thể hiện năng lực tấn công kể từ cuộc phản công cuối cùng kết thúc thất bại và phải trả giá bằng tổn thất nặng nề.

Một câu hỏi được đặt ra, liệu hành động của Kiev có ngầm được Nhà Trắng bật đèn xanh hay bất chấp việc chính quyền Biden, cho đến nay, vẫn e ngại không muốn thấy ​​quân đội Ukraine tiến quân vào lãnh th Nga ?

Sự kiện chính của nhật báo La Croix là thời sự xã hội ở Vương Quốc Anh với cuộc bạo loạn chưa từng có trong những ngày qua. Nhật báo công giáo ghi nhận, sau 10 ngày bạo loạn, chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự ở Anh Quốc đang cố gắng thoát khỏi cái bẫy thù hận trong vụ này. Một làn sóng chống phân biệt chủng tộc đang nổi lên tại Vương Quốc Anh với các cuộc biểu tình trên khắp cả nước vài ngày nay.

Anh Vũ