Đức sửng sốt trước tin Nga âm mưu ám sát CEO công ty vũ khí (Paul Kirby)
Các chính trị gia Đức đã nổi giận trước thông tin Nga âm mưu sát hại người đứng đầu công ty sản xuất vũ khí Rheinmetall lớn nhất nước Đức, ông Armin Papperger.
Ông Armin Papperger (thứ hai, từ phải) hiện được coi là nhân vật được bảo vệ nghiêm ngặt nhất trong nền kinh tế Đức
Đài CNN cho biết các quan chức Mỹ đã cung cấp thông tin cho Berlin vào đầu năm nay và an ninh xung quanh ông Papperger đã được tăng cường.
Bộ Nội vụ Đức từ chối đưa ra bình luận nhưng Ngoại trưởng Annalena Baerbock dường như đã xác nhận các chi tiết này.
"Dựa trên những báo cáo mới nhất về Rheinmetall, đây thực sự là những gì chúng tôi đã trao đổi ngày càng rõ ràng hơn trong những tháng gần đây", bà Baerbock nói với các phóng viên tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington DC. "Nga đang tiến hành một cuộc chiến tranh tấn công hỗn hợp".
Tại Moscow, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã bác bỏ cáo buộc này.
"Đây chỉ là thêm một câu chuyện bịa đặt nữa mà thôi, do đó những thông tin như vậy không đáng để xem xét nghiêm túc".
Tập đoàn Rheinmetall đã tránh bình luận về các vấn đề "an ninh doanh nghiệp", nhưng CEO Papperger hiện được mô tả là nhân vật được bảo vệ nghiêm ngặt nhất trong nền kinh tế Đức.
Ông này nói với tờ Financial Times rằng chính quyền Đức đã áp đặt "rất nhiều biện pháp an ninh xung quanh tôi".
Rheinmetall là một trong những nhà sản xuất đạn dược lớn nhất thế giới và đã trở thành công ty chủ chốt cung cấp vũ khí, xe bọc thép và các thiết bị quân sự khác cho Ukraine.
Công ty này gần đây cũng mở một nhà máy sửa chữa xe tăng ở miền tây Ukraine.
Tháng trước, họ đã ký một thỏa thuận với Kyiv để mở rộng hợp tác trong những năm tới, bao gồm cả liên doanh sản xuất đạn pháo.
Ông Papperger cho biết vào thời điểm đó công ty của ông muốn bàn giao những chiếc xe chiến đấu bộ binh Lynx đầu tiên vào cuối năm nay và sớm bắt đầu sản xuất loại phương tiện này ở Ukraine.
Mặc dù Thủ tướng Đức Olaf Scholz tránh bình luận trực tiếp về âm mưu ám sát nêu trên, nhưng nhà lãnh đạo này nói rằng ai cũng biết Đức phải đối mặt với nhiều mối đe dọa từ Nga và đang hết sức chú ý.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết đây là vụ việc đã được chú ý trong nhiều tháng qua
Bộ trưởng Nội vụ (bộ phụ trách an ninh nội địa) Đức Nancy Faeser cho biết "chúng tôi đang xem xét rất nghiêm túc mối đe dọa tấn công ngày càng gia tăng của Nga".
Đầu tuần này, một quan chức cấp cao của NATO nói với BBC rằng Nga đang "tham gia vào các hoạt động bí mật gây hấn trên khắp Châu Âu - liên quan đến các âm mưu phá hoại, đốt phá và ám sát - nhằm làm suy yếu sự ủng hộ của công chúng dành cho Ukraine".
Ngoại trưởng Đức cho biết các nước vùng Baltic đã nhấn mạnh các phương pháp riêng biệt mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã triển khai trong cuộc chiến với Ukraine. Ngoài hành vi phá hoại, bà Baerbock còn đề cập đến các cuộc tấn công mạng và làm gián đoạn tín hiệu GPS khiến các chuyến bay ở vùng Baltic không thể hạ cánh xuống các nước láng giềng được nữa.
"Chúng ta thấy rằng đã có những cuộc tấn công vào các nhà máy, và điều đó một lần nữa nhấn mạnh rằng, chúng ta, những người Châu Âu, phải cùng nhau bảo vệ bản thân tốt nhất có thể và không được ngây thơ", bà Baerbock nói với các phóng viên.
Đầu tháng 5, một tòa nhà phức hợp thuộc sở hữu của công ty kim khí Diehl Metall đã bốc cháy ở phía tây nam Berlin. Mặc dù vụ cháy được cho là lỗi kỹ thuật nhưng vẫn chưa loại trừ khả năng phá hoại. Các vụ cháy đáng ngờ cũng đã được ghi nhận ở Ba Lan và Litva.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã chịu áp lực từ quốc tế trong việc gửi xe tăng Leopard 2 cho Ukraine
Tháng 4/2023, ngôi nhà vườn của ông Papperger ở Hermannsburg, miền bắc nước Đức, đã bị đốt cháy, mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy vụ việc có mối liên hệ với Nga.
Ngọn lửa nhanh chóng được kiểm soát và trên trang tin tức Indymedia đã xuất liện một lời thú tội lan man, ẩn danh được cho là của các chiến binh cánh tả.
Âm mưu ám sát một CEO cấp cao người Đức như vậy đã gióng lên hồi chuông báo động khắp nơi.
Chính khách hàng đầu thuộc phe bảo thủ đối lập Roderich Kiesewetter nói rằng thủ tướng nên nói rõ với người dân Đức về mối đe dọa từ Nga thực sự lớn đến mức nào.
Ông Kiesewetter nói tình báo Đức cần phải được tăng cường ngang bằng với các nước láng giềng.
"Chúng ta phải xem xét vấn đề này một cách hết sức nghiêm túc và cũng phải chuẩn bị sẵn sàng", ông Kiesewetter phát biểu trên đài truyền hình ZDF.
Michael Roth, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Đức, nói với tờ Bild rằng Tổng thống Vladimir Putin đang tiến hành một "cuộc chiến tiêu diệt không chỉ với Ukraine mà còn chống lại những bên ủng hộ nước này và các giá trị của chúng ta".
Người đứng đầu ủy ban quốc phòng Hạ viện Đức, Marcus Faber, cũng lên án khi nói rằng nếu thông tin rằng tình báo Nga có liên quan được đưa ra ánh sáng thì "việc trục xuất các nhà ngoại giao phải được thực hiện và nếu cần thiết, phải ban hành lệnh bắt giữ quốc tế".
Paul Kirby
Nguồn : BBC, 13/07/2024