Điểm báo Pháp – Trump kêu gọi đoàn kết sau vụ mưu sát (RFI)
Kêu gọi đoàn kết sau vụ mưu sát : Donald Trump thực lòng hay tính toán ?
"Thượng Đế, tình yêu và đoàn kết" - đó là thông điệp bất ngờ mà Donald Trump, người thường xuyên gây chia rẽ đưa ra sau vụ ám sát hụt. Le Monde ngày 16/07/2024 nhận xét đây là sự nhạy bén chính trị của cựu tổng thống, còn theo Le Figaro, phía sau sự thay đổi của Donald Trump có lẽ là trực giác hay tính toán chính trị.
Cựu tổng thống Donald Trump được tưng bừng chào đón tại đại hội đảng Cộng Hòa ở Milwaukee, Wisconsin, Hoa Kỳ ngày 15/07/2024. Reuters - Cheney Orr
Sau vụ chết hụt, Trump được chào đón như anh hùng
Vụ ám sát hụt làm xoay chuyển cuộc bầu cử Mỹ, cánh tả Pháp vẫn bất đồng về ứng viên cho chức thủ tướng, chiến tranh ở Ukraine và Gaza, kinh tế Trung Quốc xuống dốc : Thời sự khá phong phú trên mặt báo hôm nay.
Le Figaro ghi nhận "Trump được chào đón như anh hùng trong đại hội đảng Cộng Hòa". Hai ngày sau vụ ám sát hụt, cựu tổng thống được hoan hô vang dội, khi xuất hiện ở Milwaukee với miếng gạc quấn trên tai phải, bên cạnh JD Vance, thượng nghị sĩ bang Ohio được chọn đứng chung liên danh. Donald Trump vốn luôn chú tâm đến ngoại hình, biết rằng miếng băng này nhắc nhở rằng ông suýt chết trong cuộc mít-tinh ở bang Pennsylvania.
Libération dẫn lời cựu tổng thống trên New York Post cho biết đó là nhờ ông vừa xoay nhẹ để nhìn con số di dân bất hợp pháp trên màn hình, đúng lúc viên đạn bay đến. Định mệnh nước Mỹ chỉ mong manh trong một centimet, phát súng đã làm rách tai Trump lẽ ra đã kết liễu đời ông và đưa đất nước vào cuộc nội chiến. Vết thương nhẹ của cựu tổng thống không chỉ là phép lạ, mà ông dường như được ân sủng với một tin vui mới : được miễn tố vụ lưu giữ hồ sơ mật tại nhà. Donald Trump, người từ khi bước vào chính trường luôn gây chia rẽ, bỗng dưng kêu gọi đoàn kết. Trump giải thích : "Chỉ có Thượng Đế mới ngăn được điều bất hạnh xảy ra".
"Từ bi bất ngờ" hay tính toán chính trị ?
"Thượng Đế, tình yêu và đoàn kết" - Le Monde nhận xét ông Trump có sự nhạy bén chính trị cao độ khi đưa ra thông điệp trên. Từ nhiều tháng qua, không khí luôn sôi sục giữa hai phe trong chiến dịch tranh cử. Theo Le Figaro, phía sau sự thay đổi của Donald Trump có lẽ là trực giác hay tính toán chính trị. Sau khi suýt chết, Trump từ chối bạo lực để không nhường cho Biden vai trò "người chữa lành đất nước", và không ai có thể tấn công ông về các giá trị dân chủ.
Tuy nhiên Donald Trump còn phải cố gắng ba tháng rưỡi nữa để không quay lại với bản chất, nhất là tất cả các nhân vật bảo thủ truyền thống đã bị thay bằng những người trung thành với Trump. Ứng cử viên phó tổng thống J.D. Vance theo thuyết âm mưu, cho rằng Biden đứng sau âm mưu ám sát. Và chính ông từng chế giễu khi người chồng của bà Nancy Pelosi bị một người cực đoan tấn công bằng búa.
Trong bài xã luận, Le Monde cho rằng nên hy vọng lời kêu gọi bất thường về đoàn kết đất nước được Donald Trump đưa ra sau vụ nổ súng và được Joe Biden tiếp lời, sẽ được hưởng ứng. Nếu không loại bỏ được chất độc chia rẽ, Hoa Kỳ sẽ làm lợi cho những kẻ thù của mình và gây thất vọng cho các đồng minh.
Cử tri Tin Lành tin vào phép lạ
Nhật báo công giáo La Croix chú ý đến khía cạnh tín ngưỡng. Việc Donald Trump sống sót sau vụ ám sát, được tín đồ Tin Lành Mỹ coi là "phép lạ" của Thượng Đế. Một ngày sau vụ nổ súng, một bức ảnh ghép lan tràn trên mạng xã hội với quốc kỳ Mỹ phía sau, Thiên Chúa trong vầng hào quang vịn vai cựu tổng thống Hoa Kỳ. Thông điệp rất rõ : ứng cử viên Nhà Trắng được "Thượng Đế bảo vệ".
Nhiều mục sư và tín đồ nhanh chóng kêu gọi cầu nguyện cho Trump và gia đình các nạn nhân. Theo chuyên gia Blandine Chelini-Pont, cho đến giữa thế kỷ 20, đạo Tin Lành vẫn không dính dáng đến chính trị. Nhưng dần dà phong trào tranh đấu để người Thiên Chúa giáo tham chính lan rộng, và đến thời Donald Trump đã trở thành cột trụ của đảng Cộng hòa. Giờ đây sau vụ ám sát hụt, niềm tin Donald Trump là người được Thượng Đế chọn lựa càng được củng cố.
Tác giả Renaud Girard trên Le Figaro cho rằng "Trump là hình ảnh của một nước Mỹ luôn đứng dậy". Khuôn mặt nhuốm máu nhưng vẫn cố đứng lên giơ cao nắm tay, Donald Trump là biểu tượng cho sự bất khuất mà vài chục triệu cử tri vẫn chờ đợi, trong một đất nước công giáo vẫn bám rễ sâu sắc hơn Châu Âu. Ngay cả tổng thống Joe Biden, trước những thúc giục rút khỏi cuộc tranh cử, hôm 06/07 cũng đã tuyên bố trên kênh truyền hình ABC News : "Nếu Thượng Đế toàn năng hiện xuống và nói : "Joe, hãy rút lui", thì tôi sẽ rút".
Nước Mỹ chuộng những người hùng
Tác giả bài viết lưu ý, nước Mỹ không hề là cừu non, mà là một đất nước dùng đại bàng làm biểu tượng và từ khi độc lập năm 1776 đã tham chiến hơn 200 lần. Người Mỹ đã bỏ rơi ông Carter sau vụ bắt con tin ở đại sứ quán Hoa Kỳ tại Tehran vì tạo ra hình ảnh một nước Mỹ yếu đuối. Người Mỹ hài lòng khi ông Trump tại Diễn đàn Davos tháng Giêng 2018 là chính khách đầu tiên dám nói thẳng với người Trung Quốc : "Bây giờ các vị hãy ngưng ăn cắp !".
Một nước Mỹ sau khi bị Nhật bất ngờ tấn công ở Trân Châu Cảng cuối năm 1941, đã trả đũa đích đáng với hai trận hải chiến và kiểm soát được Thái Bình Dương. Sau khi bỏ rơi Việt Nam một cách thảm hại tháng 4/1975, Hoa Kỳ giải phóng Kuwait bị Iraq xâm lăng, đứng đầu một liên minh quốc tế trong đó có nhiều nước Ả rập. Tháng 9/2008, chao đảo trước khủng hoảng tín dụng thứ cấp (subprime), Hoa Kỳ hồi phục nhanh gấp bốn lần Châu Âu. Không phải là tình cờ khi các công ty lớn nhất trên thị trường chứng khoán đều là của Mỹ. Ngày nay đồng đô la vẫn thống trị tài chánh thế giới, và nước Mỹ dẫn đầu về kỹ thuật số.
Tháng 8/2021, bị mất uy tín nặng nề với đồng minh Châu Âu sau khi rút lui một cách hỗn loạn khỏi Afghanistan, đến tháng 3/2022, Hoa Kỳ lại đóng vai "đại ca" khi giúp Ukraine đẩy lùi đoàn xe tăng hùng hậu của Nga. Theo Le Figaro, nếu ứng cử viên Donald Trump biết khai thác cơ may, biết từ bỏ những khẩu hiệu bạo lực để tiến đến hòa hợp dân tộc, và đừng quá trớn về phép lạ của Thượng Đế, thì cả một đại lộ mở ra cho ông để quay lại Nhà Trắng vào ngày 20/01/2025.
Ukraine thiếu vũ khí, thiếu quân, Nga vẫn không tiến nổi
La Croix hôm nay dành trang nhất cho bức ảnh một chiến binh Ukraine trong chiến hào ở Donbass với tít lớn "Làm thế nào Ukraine có thể đối phó". Từ nhiều tháng qua, lực lượng Ukraine liên tiếp chịu nhiều thất bại vì thiếu vũ khí và thiếu quân, tuy nhiên quân Nga cũng không tiến thêm được bao nhiêu.
Thông tín viên của tờ báo mô tả mặt trận Pokrovsk : nắng nóng chói chang, bầu trời đầy những tiếng động đáng sợ của drone tự sát đang tìm mồi, tiếng rít của đạn pháo, tiếng hú của những quả bom lượn... Những người lính cho biết bom lượn nguy hiểm nhất vì không thể đoán được mục tiêu của chúng.
Trận đánh ở làng Ocheretyne khởi đầu cho giai đoạn Moskva tận dụng tình thế Kiev đang "đói đạn pháo", lực lượng quá ít, lại bị oanh kích dữ dội cả tiền phương lẫn hậu phương vì phòng không cạn kiệt. Tháng 4, quân Nga tiến gần Chasiv Yar ; đến ngày 10/05 vượt qua biên giới ở bắc Kharkiv mở thêm mặt trận mới. Bộ tham mưu Ukraine phải khẩn cấp điều nhiều đơn vị thiện chiến từ Donbass sang tăng viện.
Ba tháng sau, khác với những dự báo bi quan, các đơn vị tiếp viện đã chặn được quân Nga ở Vovchansk. Ở Chasiv Yar, Nga mất đến ba tháng và số mạng lính khổng lồ mới chiếm được một khu phố duy nhất đã bị biến thành tro bụi. Theo Bộ quốc phòng Anh, trong hai tháng gần đây có đến 70.000 lính Nga chết và bị thương. Một cựu binh Ukraine cho biết đôi khi bị mất vị trí chỉ vì không có người để trấn giữ. Họ hy vọng những tuần lễ sắp tới sẽ khả quan hơn khi động viên được thêm quân, nhận được thêm đạn pháo để củng cố các tuyến phòng ngự dọc theo biên giới trước cuộc bầu cử Mỹ.
Moskva dùng tiền để chiêu mộ lính
Nga bù đắp số quân bị loại khỏi vòng chiến như thế nào ? Câu hỏi này được đặt ra trước con số thiệt hại vô cùng lớn, chứng tỏ sự ác liệt của các trận đánh ở miền đông Ukraine. Trong tháng 5, trung bình mỗi ngày có đến 1.262 lính Nga thương vong. Theo tờ báo độc lập Nga Meduza, hiện mỗi ngày có từ 200 đến 250 lính Nga tử trận, cao gấp đôi so với cuối 2023. Tổng cộng số quân Nga bỏ mạng trên đất Ukraine đến nay đã lên tới 120.000 người.
Moskva đứng trước thách thức bổ sung quân cho những đơn vị đã tan tác. Một báo cáo của Chatham House ngày 09/07 được La Croix dẫn lại cho biết tháng 3/2024 bộ máy tuyển quân cung cấp đủ người. Tình báo Ukraine hồi tháng 12/2023 cũng ước lượng mỗi ngày có 1.000 đến 1.200 người ký hợp đồng với quân đội Nga.
Không muốn tổng động viên để tránh rủi ro chính trị, chính quyền Nga dùng tiền để dụ dỗ. Ngoài lương tháng ít nhất 2.180 €, cao gấp đôi lương trung bình ở Nga, tân binh còn được thưởng một số tiền không ngừng tăng lên, hiện là 13.500 € ; con cái được đi nhà trẻ miễn phí, được ưu tiên trong học hành. Số 250.000 thanh niên đi quân dịch mỗi năm bị thúc giục ký hợp đồng với quân đội.
Tuy được bổ sung, nhưng các đơn vị bị thiệt hại nhiều phải mất thời gian để hội nhập và huấn luyện tân binh. Lính mới ngày càng kém chất lượng, tuổi trung bình đã trên 40. Nhiều sĩ quan đã chết khiến phải rút ngắn thời gian đào tạo sĩ quan mới, dẫn đến việc khó tiến hành các chiến dịch liên quân trên cấp đại đội. Và như vậy Nga khó thể làm được những đột phá quan trọng trong năm 2024.
Cơn sốt bảo hộ trước hàng Trung Quốc gia tăng
Ở Châu Á, kinh tế Trung Quốc tiếp tục được các báo chú ý. Les Echos đưa tít trang nhất "Tiêu thụ tại Trung Quốc chựng hẳn lại". Và do sản xuất quá thừa, phải chú trọng vào xuất khẩu, chính sách bảo hộ trước Bắc Kinh chỉ có thể tăng lên. Tháng 6, thặng dư thương mại của Trung Quốc lên đến 99,1 tỉ đô la, cao kỷ lục kể từ 1992. Các nước trên thế giới tìm cách tự vệ trước làn sóng hàng Trung Quốc tràn vào.
Chính sách xuất hàng ồ ạt của Bắc Kinh sẽ còn gây khó lâu dài cho toàn thế giới. Trong sáu tháng đầu năm nay, xuất khẩu tăng 3,2% trong khi nhập khẩu chỉ tăng 2%. Một con số biết nói khác : sản xuất công nghiệp của Trung Quốc tăng 6% nhưng tiêu thụ chỉ tăng 3,7%. Do khủng hoảng địa ốc, các ngân hàng quay sang phía kỹ nghệ, tín dụng trong lãnh vực này hiện chiếm 1/3 những món vay mới. Song song đó, người dân mất lòng tin nên hạn chế chi tiêu, để dành tiền, nên tiêu thụ nội địa cũng như nhập khẩu đều giảm. Tóm lại, Trung Quốc dựa vào nhu cầu các nước khác để bảo đảm tăng trưởng của mình, còn người dân chủ yếu mua hàng nội địa.
Kết quả là các nước mới nổi ngày càng khó thể chấp nhận sự thống trị của kỹ nghệ Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh mua hàng của họ ít hơn. Nhật báo kinh tế gọi đây là "nạn dịch bảo hộ" ở phần còn lại của thế giới. Hoa Kỳ và Châu Âu tăng thuế hải quan từ 25 đến 33% trên thép Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ tăng 40% thuế trên xe hơi điện, và Indonesia vừa loan báo đánh thuế từ 100 đến 200% vào một số mặt hàng Trung Quốc. Một cuộc chiến tranh thương mại mới !
Thụy My