Brexit, Clinton, Trump… - Có thể tránh né những thảo luận nền tảng được không? (Nguyễn Gia Kiểng - 2016)
Bây giờ thì những rúng động vì cuộc trưng cầu dân ý ngày 23-06 - trong đó với đa số 52% cử tri Anh đã biểu quyết ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu - đã phần nào lắng xuống, nhường chỗ cho những xôn xao sau khi Hillary Clinton và Donald Trump được chọn làm ứng cử viên tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử tháng 11 sắp tới. Đây là lúc để đặt lại câu hỏi có nên và có thể tránh né những thảo luận trên các khái niệm nền tảng không?
Hậu quả kinh tế cũng như chính trị của biến cố "Anh đi" (Brexit) được mọi người, kể cả các chuyên gia, đánh giá là rất tai hại cho cả thế giới lẫn nước Anh, nhưng nhất là nước Anh. London trong một tương lai gần sẽ không còn là một trung tâm tài chính lớn như hiện nay nữa, nhiều công ty lớn sẽ không muốn hoặc không thể tiếp tục niêm yết tại thị trường chứng khoán FTSE; nhiều ngân hàng lớn sẽ chuyển trụ sở trung ương về Paris hoặc Frankfurt; xuất khẩu của Anh - mà 50% sang các nước Châu Âu - sẽ gặp khó khăn và sút giảm; đồng Bảng của Anh đã sụt giá 15% vài ngày sau Brexit sẽ còn tiếp tục sụt giá thêm khoảng 15% nữa trong tương lai theo nhiều dự đoán, kéo theo những mất mát lớn cho những công ty và những quỹ đầu tư - chủ yếu của Anh và Hồng Kông - có dự trữ bằng đồng Bảng v.v. Nhưng không phải chỉ có thế. Chính nước Anh cũng có thể bị tan rã vì Scottland và Bắc Ireland, hai trong bốn nước tạo thành nước Anh, có thể sẽ tách ra để tuyên bố độc lập và gia nhập Liên Hiệp Châu Âu.
Nước Anh có thể tan vỡ sau Brexit
Người ta không thể hiểu tại sao người Anh lại có thể biểu quyết một chọn lựa tai hại như thế dù vẫn biết rằng họ có thói quen hành xử không giống ai. Càng bâng khuâng vì chỉ cần 2% cử tri Anh, nghĩa là khoảng 700.000 người, biểu quyết ngược lại thì kết quả, và hậu quả, đã khác hẳn. Tại sao một số người ít ỏi như vậy lại có thể gây thiệt hại lớn và lâu dài như thế? Không chỉ tai hại mà còn nghịch lý vì phần lớn những người biểu quyết Brexit là người già, họ biểu quyết một tương lai mà họ sẽ không sống, để áp đặt nó cho thế hệ trẻ mà đa số muốn nước Anh ở lại Liên Hiệp Châu Âu.
Merkel và Cameron: lối ra hướng này
Lý do là vì người ta đã tránh né thảo luận về những khái niệm nền tảng.
Trước hết là câu hỏi tương lai của Liên Hiệp Châu Âu sẽ như thế nào? Dự án xây dựng Liên Hiệp Châu Âu là dự án vĩ đại nhất và đẹp nhất trong lịch sử nhân loại. Đó là sự khai sinh ra siêu cường số 1 trên thế giới về kinh tế, văn hóa, nghệ thuật, xã hội, khoa học, kỹ thuật thuần túy bằng đồng thuận, không hề có ép buộc, chinh phục, chiếm đóng. Liên Hiệp Châu Âu này cũng sẽ khác và hơn mô thức Hoa Kỳ ở chỗ nó có trái tim chứ không chỉ nhắm lợi nhuận và bỏ rơi những người yếu kém. Một dự án lớn và phức tạp như thế cần được hiểu rõ để có thể chấp nhận những cố gằng và hy sinh mà trước mắt nó đòi hỏi. Nhưng Châu Âu sẽ là một liên hiệp giữa các quốc gia độc lập hay một liên bang với luật pháp, ngoại giao và quân lực chung? Câu hỏi này không giản dị và vì thế nó đã bị tránh né. Nếu theo dõi thái độ và ngôn ngữ của các cấp lãnh đạo các quốc gia thì người ta có thể thấy là đa số muốn tiến tới một liên bang và thực tế cũng xác nhận mô thức liên bang với quyền lực ngày càng lớn dành cho Ủy Ban Châu Âu cùng với những lời kêu gọi thành lập một quân đội Châu Âu song song với một chính sách đối ngoại chung. Nhưng như thế thì tương lai các nước Châu Âu hiện nay sẽ ra sao? Một trong những lập luận chính của phe Brexit là cho rằng Châu Âu trên thực tế sẽ chịu sự lãnh đạo của Đức vì Đức vừa đông dân nhất vừa giàu mạnh nhất. Nhận định này có đúng không và có nguy hại không? Như vậy cần một cuộc thảo luận về triết lý chính trị để cập nhật khái niệm quốc gia trong thế giới toàn cầu hóa này. Cho tới nay trong đầu óc hầu hết mọi người quốc gia vẫn được định nghĩa như một lãnh thổ, một dân tộc, một ngôn ngữ và một lịch sử. Định nghĩa đó đang bị xét lại và người ta ngày càng nhìn quốc gia như một tình cảm, một không gian liên đới và một dự án tương lai chung. Cuộc thảo luận này đã bị tránh né tại Châu Âu và đã là nguyên nhân của sự trỗi dậy của khuynh hướng dân tộc hẹp hòi trong nhiều nước. Và vì chưa có giải đáp minh bạch mới cho những câu hỏi đó nên một số cử tri Anh đã biểu quyết theo những quan niệm cũ, nghĩa là bảo vệ chủ quyền của nước Anh và họ cũng không thấy lý do phải chấp nhận những hy sinh để xây dựng Liên Hiệp Châu Âu, như giúp đỡ các nước Đông Âu và chia sẻ gánh nặng của làn sóng người di dân và tỵ nạn. Và họ đã biểu quyết Brexit.
Nhưng tại sao lại có cuộc trưng cầu dân ý này? Không có gì bắt buộc David Cameron phải tổ chức trưng cầu dân ý. Khi hứa hẹn sẽ tổ chức trưng cầu dân ý ông ta đã chỉ muốn câu thêm một số cử tri thuộc khuynh hướng chống Châu Âu cho Đảng Bảo Thủ của ông ta trong cuộc bầu cử quốc hội 2015. Quả nhiên Đảng Bảo Thủ đã thắng lớn nhưng hâu quả là cuộc trưng cầu dân ý đã đưa Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, điều mà Cameron vừa không ngờ vừa không muốn, và chấm dứt sự nghiệp chính trị của ông. Ở đây nguyên nhân sâu xa cũng là một sai lầm về triết lý chính trị. Từ 24 thế kỷ trước Plato đã coi câu hỏi chính trị căn bản nhất là "ai cai trị, ai quyết định?". Trả lời của Plato là quyền lực chính trị phải thuộc về những người có kiến thức, đạo đức và huấn luyện chính trị cao nhất chứ không thể thuộc về quần chúng. Những người này phải có quyền lực tuyệt đối để quyết định những gì là đúng và tốt cho xã hội. Chủ trương của Plato đã bị phản đối bởi vì ông đã làm một suy diễn vội vã khi rút ra một kết luận (phải có một chế độ độc tài sáng suốt) mà tiền đề (những người quyết định phải rất giỏi) không bắt buộc. Tuy nhiên không một nhà tư tương chính trị nào phủ nhận rằng những người lấy những quyết định chính trị lớn và phức tạp phải thật giỏi, người ta chỉ phản đối rằng dù vậy không nhất thiết họ phải có quyền lực tuyệt đối và họ vẫn phải chịu trách nhiệm trước nhân dân. Plato vẫn được tôn vinh như một nhà tư tưởng chính trị lớn. Như vậy phải hiểu rằng không thể trao cho quần chúng quyền quyết định qua trưng cầu dân ý những vấn đề phức tạp và khó khăn như tiếp tục tham gia hay rời bỏ Liên Hiệp Châu Âu, làm như vậy là những người lãnh đạo chính trị đã từ nhiệm. Trưng cầu dân ý trên qui mô quốc gia chỉ có thể được coi là phương tiện để thể hiện đồng thuận dân tộc trên một chọn lựa đã được thảo luận đầy đủ và giai cấp chính trị đã có kết luận. Cuộc trưng cầu dân ý vừa qua tại Anh đã là một sai phạm về cả lý thuyết lẫn đạo đức.
Sau Brexit, thế giới lại xôn sao về cuộc bầu cử tổng thống sắp tới tại Mỹ. Donald Trump được chọn làm ứng cử viên của Đảng Cộng Hòa, Hillary Clinton sẽ đại điện Đảng Dân Chủ, một trong hai người này sẽ trở thành tổng thống Mỹ trong vòng nửa năm nữa. Cho tới nay các cuộc thăm dò dư luận cho thấy là bà Hillary Clinton sẽ thắng nhưng không có gì chắc chắn bởi vì cả hai đều là những người bị ghét và ghét là một tâm lý có thể lên xuống rất bất ngờ.
Từ 24 năm qua, với thắng lợi của Bill Clinton năm 1992, nước Mỹ đã chỉ có những tổng thống hời hợt.
Bill Clinton là một người từng trốn lính, hoàn toàn không có một khả năng và kinh nghiệm nào về đối ngoại, cũng chẳng có đạo đức, ra ứng cử với khẩu hiệu mỵ dân "Economy, stupid!" (chỉ làm kinh tế). Nhưng một tổng thống Mỹ có thể bỏ qua những quan tâm chính trị để chỉ làm kinh tế không? Clinton đã góp phần quyết định giúp chế độ cộng sản Trung Quốc mạnh lên, đồng thời thả lỏng đầu cơ tài chính, tạo ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008 tới nay vẫn chưa chấm dứt. Sự mềm yếu của Clinton cũng đã cho phép lực lượng khủng bố Al Qaeda của Bin Laden phát triển để trở thành một mối nguy cho cả thế giới.
George W. Bush tuy có nhân cách và quyết tâm nhưng gần như mù tịt về tình hình thế giới, đã vụng về trong cả hành động và lời nói khiến Hoa Kỳ sa lầy tại cả Iraq lẫn Afganistan và lâm vào một thế cô lập lớn, dù cuộc chiến tranh chống khủng bố mà ông phát động là rất đúng.
Barack Obama vừa gần như không biết gì về chính trị và cũng không hiểu ngay cả những giá trị nền tảng của nền dân chủ Hoa Kỳ. Ngay khi lên cầm quyền Obama tuyên bố sẽ giao hảo ngay cả với các chế độ độc tài bạo ngược, nghĩa là không cho rằng Hoa Kỳ có nghĩa vụ bảo vệ nhân quyền trên thế giới. Quyết định rút quân một cách hấp tấp khỏi Iraq vào lúc mà cuộc chiến gần như đã thắng nhưng chế độ dân chủ non trẻ của Iraq chưa đủ sức tự lập đã giúp cho lực lượng Nhà Nước Hồi Giáo trỗi dậy đe dọa cả thế giới và buộc Hoa Kỳ phải can thiệp trở lại. Một sai lầm khác của Obama là đã tuyên bố rất quả quyết là sẽ giúp các lực lượng dân chủ đánh gục chế độ Al Assad nhưng rồi lại không dám hành động. Chính sách đối ngoại thảm hại của Obama đã khiến hàng trăm nghìn người chết và hàng triệu người phải di tản tại Trung Đông. Trong bài diễn văn cuối tháng 5 vừa qua tại Hà Nội, Barack Obama nói rằng tám năm tại chức đã cho ông cơ hội để suy nghĩ về cách vận hành của chính trị Hoa Kỳ và những tương tác của nó với thế giới. Không biết Obama có hối tiếc không. Điều đáng buồn là cho tới nay thế giới chứ không phải Hoa Kỳ đã là nạn nhân chính của những sai lầm chính trị của các tổng thống Mỹ.
Donald Trump
Người ta chờ đợi một sự thức tỉnh của lương tâm chính trị Hoa Kỳ, nhưng kết quả đã ngược lại và lần này sự vô lý vượt mọi tưởng tượng: cả hai ứng cử viên tổng thống không chỉ là những người mà giới thông thạo chính trị không đánh giá cao mà còn là những người mà công luận chán ghét. Hơn 60% dân Mỹ cho biết họ dị ứng với cả hai. Donald Trump được biết tới như một tỷ phú làm giàu nhờ đầu cơ địa ốc, lấy sự ăn chơi xa xỉ làm vinh dự và phát ngôn một cách cực kỳ vô văn hóa và vô trách nhiệm. Khó mà có thể tưởng tượng một tổng thống Mỹ như thế. Hillary Clinton chắc chắn là có văn hóa và kinh nghiệm hơn nhưng lại rất đáng ngờ vực về sự lương thiện, đức tính quan trọng nhất của một nhà lãnh đạo quốc gia. Ngay từ tuổi trẻ bà đã cùng chồng mưu đồ giành chức tổng thống, không phải để thực hiện một lý tưởng cao đẹp nào mà chỉ thuần túy vì ham mê quyền lực. Bà đã cố vấn cho chồng trong chủ trương "chỉ làm có kinh tế" không chỉ đã khuyến khích các chế độ bạo ngược mà còn dẫn Hoa Kỳ và thế giới vào khủng hoảng. Hillary Clinton cũng đã không nói thực trong nhiều trường hợp, đã đồng lõa giấu nhẹm những hành động thô bỉ của chồng trong thời gian ở Nhà Trắng và đã nhận những khoản tiền hoặc lớn một cách quá đáng hoặc có nguồn gốc đáng ngờ vực. Cả Hillary Clinton lẫn Donald Trump đều đã chỉ thành công nhờ thắng được những cuộc bầu cử sơ bộ trong đó tiếng nói quyết định không là của quần chúng cũng không phải của những chuyên gia chính trị mà thuộc về một thiểu số hiếu động chủ yếu thúc đẩy bởi những lập trường quá khích hoặc những đặc quyền đặc lợi.
Bill và Hillary Clinton
Tại sao Hoa Kỳ lại có thể có liên tục ba tổng thống tay mơ như thế để rồi lại sắp có thêm một tổng thống bất xứng khác? Đó cũng là vì thiếu thảo luận về những khái niệm nền tảng của triết lý chính trị, như quyền lực chính trị là gì, lãnh đạo chính trị là gì, những người lãnh đạo phải có khả năng và đức tính nào v.v. Dĩ nhiên cùng với những câu hỏi cụ thể hơn như đất nước đang có những triển vọng và thử thách nào, đang có những quan hệ và trách nhiệm nào với phần còn lại của thế giới. Chính vì những câu hỏi đó không được thảo luận mà người ta đã chọn người lãnh đạo trên những tiêu chuẩn phù phiếm như trẻ đẹp, giàu có, ăn nói hoạt bát, là tổng thống da đen đầu tiên v.v. Chính trị xuống cấp bởi vì nó thiếu tự trọng. Người ta tranh né những thảo luận về triết lý và đạo đức chính trị bởi vì chúng khó khăn và phức tạp đến nỗi hầu như không thể có đồng thuận. Hơn nữa những vấn đề triết lý và đạo đức này đã được bàn cãi từ mấy ngàn năm rồi mà vẫn chưa xong, như thế tranh luận trên những vấn đề này chỉ gây chia rẽ; tốt hơn hết là nên gạt chúng ra khỏi cuộc thảo luận chính trị để chỉ bàn nhưng việc cụ thể. Nhưng nghĩ như thế là rất sai. Nguyên một sự kiện chúng đã được thảo luận từ hàng ngàn năm mà vẫn chưa chấm dứt cũng đủ chứng tỏ chúng không thể tránh né. Trên thực tế sinh hoạt chính trị của mọi quốc gia đều là một cách trả lời cho nhưng cậu hỏi nền tảng này và khi từ chối thảo luận để tìm ra giài đáp đúng, hoặc ít nhất gần đúng cho một giai đoạn, là người ta chắc chắn sẽ phải sống theo một giải đáp sai, có thể rất sai với những hậu quả nghiêm trọng.
Người ta thường nói tới sự suy thoái khó tránh khỏi của Hoa Kỳ. Sự suy thoái thấy rõ nhất là sự suy thoái của ý thức chính trị. Hoa Kỳ đã vươn lên từ một vùng đất hoang sơ và vượt hẳn phần còn lại của thế giới nhờ đã có những founding fathers biết áp đặt dân chủ một cách vững chắc. Hoa Kỳ sẽ không thể nào giữ mãi được vị thế cường quốc số 1 nếu chỉ biết khai thác mà không phong phú hóa di sản đó.
Nhưng những suy nghĩ về Brexit, Hillary Clinton và Donald Trump này có liên quan gì đến chúng ta?
Có liên hệ và liên hệ mật thiết. Cuộc Cách Mạng Tháng 8 mà chúng ta sắp kỷ niệm lần thứ 71 - trong đó điều nổ bật nhất lực lượng được ủng hộ nhiều nhất là một đảng theo đuổi một chủ nghĩa mà mục tiêu là xóa bỏ quốc gia - đã không diễn ra như thế nếu trong suốt thập niên 1930 trí thức Việt Nam biết suy tư về các vấn đề quốc gia, dân tộc, chủ quyền và nhân quyền thay vì chìm đắm trong ăn chơi, nhạc trữ tình, thơ lãng mạn. Cuộc nội chiến đã không xảy ra, hoặc đã không thể kéo dài và kết thúc như nó đã kết thúc, nếu chúng ta nắm vững các khái niệm về quốc gia, dân tộc, liên đới xã hội và phát triển. Hồ Chí Minh và các lãnh tụ cộng sản đã không thể là những thần tượng nếu chúng ta đã thảo luận nghiêm chỉnh về câu hỏi "Ai lãnh đạo?" mà Plato đặt ra từ hơn hai nghìn năm trước và biết những khả năng, kiến thức và đức tính mà một người lãnh đạo quốc gia phải có. Và nếu chúng ta hiểu rằng triết lý chính trị định nghĩa tình trạng chiến tranh là tình trạng trong đó một lực lượng đòi áp đặt quyền lực độc quyền và tuyệt đối lên xã hội thì chúng ta đã phải nhìn Đảng Cộng Sản Việt Nam như một lực lượng chiếm đóng và có thái độ dứt khoát với nó từ lâu rồi.
Người ta không thể tránh né những thảo luận trên những vấn đề triết lý chính trị, trên những giá trị phải được nhìn nhận, trân trọng và tôn vinh bởi vì cuộc sống của mỗi quốc gia chính là sự thể hiện của một cách trả lời cho những vấn đề đó. Khi không thảo luận để cố gắng tìm cách trả lời là người ta đã mặc nhiên chấp nhận sống theo những câu trả lời sai. Và mắc nạn.
Nguyễn Gia Kiểng
(8/2016)