Nền văn hóa lạc loài (Nguyễn Ngọc Già)

 Văn hóa có 8 đặc điểm :

- Tính vận động

- Tính tác động lẫn nhau và tác động đa chiều

- Tính đa nguyên

- Tính kế thừa hoặc mai một

- Tính chính trị

- Tính chi phối

- Tính đại diện

- Tính trách nhiệm.


"Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước đã được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hóa…".

Một trường phái lớn, nhận được nhiều đồng thuận trên thế giới. Trường phái đó cho rằng, văn hóa là tất cả những cái đẹp của nhân loại. Trong quá trình vận động và tác động của xã hội loài người, những cái đẹp này được tạo ra, sử dụng rồi truyền bá, trao đổi giữa các quốc gia, cũng như giữa các dân tộc để học hỏi và chuyển giao cho nhau những điều tốt đẹp ấy, nhằm để nhân loại ngày càng cảm thông và dễ dàng chung sống với nhau trong hòa bình và nhân ái. Chính sự cảm thông về văn hóa lẫn nhau giữa các dân tộc, từ đó tác động lên nền chính trị mọi quốc gia, rồi chính trị sẽ được cải sửa, sao cho thích nghi dần, theo xu hướng ngày càng văn minh.

Ngày 22/02/2024 Đảng cộng sản Việt Nam có bài [1] "Những dấu ấn về Đảng lãnh đạo văn hóa qua bài viết của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng", trong có đoạn "...Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước đã được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hóa…". Với cái gọi là "dấu ấn" tức Đảng cộng sản Việt Nam đang nói về tính "đại diện" của văn hóa. Thật vậy, Đảng cộng sản Việt Nam đã để lại những "dấu ấn" không thể phai mờ trong suốt gần 100 năm qua.

Theo đó, có ba giai đoạn của văn hóa Việt Nam, để nói về tính đại diện của "dấu ấn văn hóa", dưới sự cai trị của Đảng cộng sản Việt Nam :

Giai đoạn một : Trước 1975. Đại diện văn hóa trong giai đoạn này, thông qua hai thảm nạn khủng khiếp mang tên "Cải Cách Ruộng Đất" và "Nhân Văn Giai Phẩm". Hai thảm nạn này đã gây ra những chết chóc, điêu tàn cho miền Bắc trước đây và nó hoàn toàn gần như phá hủy phẩm giá người Việt Nam. Văn hóa Việt Nam trong giai đoạn này, gần như không còn gì để gọi tên văn hóa. Ngoài hàng trăm ngàn cái chết gây ra cho dân chúng, những văn nhân - thi sĩ biến thành những "chiến sĩ cách mạng" để tiêu diệt văn hóa Việt Nam và tận diệt ngay cả đồng chí lẫn nhau.

Giai đoạn hai : Sau 1975, đây là thời điểm Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ. Tính đại diện văn hóa của Việt Nam trong giai đoạn này, thông qua hành vi của Bên Thắng Cuộc đối với những người dân miền Nam với các thảm nạn : Đổi tiền - Tù cải tạo đối với người lính Việt Nam Cộng Hòa, - Thuyền nhân - Đánh tư sản mại bản - Bài trừ văn hóa phẩm đồi trụy. Giai đoạn này, không chỉ đánh sập nền kinh tế hai mươi năm của Việt Nam Cộng Hòa mà nó đánh tan luôn văn hóa Việt Nam Cộng Hòa. Khi Hòn Ngọc Viễn Đông bể vụn dưới gót chân anh Giải Phóng quân - dộng ầm ầm trên các con đường thơ mộng của Sài Gòn xưa, cũng là lúc văn hóa Sài Gòn bị "bóp cổ" cho đến chết, qua nhiều hình thức man rợ từ thứ văn hóa bên kia vĩ tuyến : xởn quần ống loe - xởn tóc thanh niên để dài - nhảy đầm là đồi trụy và nhạc vàng cùng phim ảnh - băng dĩa đổ thành đống bên vỉa hè, rồi bị đốt trụi không thương tiếc.

Giai đoạn ba : Sau 1995, đây là cột mốc Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận và lập lại bang giao với Việt Nam. Tính đại diện của văn hóa ở giai đoạn này thể hiện qua các lĩnh vực : Sản xuất, kinh doanh, đầu tư - Du lịch, du học - Xuất khẩu lao động. Giai đoạn ba kéo dài đến hiện nay. Có thể nói kinh tế phát triển hơn nhờ bãi bỏ cấm vận của Hoa Kỳ là yếu tố quan trọng nhứt, từ các loại vốn liếng hàng tỷ đô la Mỹ đổ vô Việt Nam - thứ mà ngày "giải phóng miền Nam - thống nhứt đất nước", Bên Thắng Cuộc dạy cho "những con người mới xã hội chủ nghĩa" loại "văn hóa phỉ nhổ" mang tên "đế quốc Mỹ". Dĩ nhiên, văn hóa theo đó cũng có khởi sắc một chút. Tuy nhiên, sự khởi sắc không khác gì đóa phù dung sớm nở tối tàn, rồi thay bằng sự sa sút thảm hại và trầm trọng về văn hóa. Đặc biệt, hàng trăm ngàn người đi xuất khẩu lao động mỗi năm, đem về hàng tỷ đô la Mỹ nhưng bị thế giới đánh giá rất thấp về văn hóa, thông qua bảng xếp hạng Passport - mới nhứt - theo báo Tuổi Trẻ ra ngày 12/01/2024 cho biết [2] : Passport Việt Nam giảm 5 bậc và đứng hạng 87/104 quốc gia xếp hạng. Đặc trưng văn hóa của giai đoạn này là một nền văn hóa lai căng, đua đòi, vong bản.

Văn hóa Việt Nam dưới sự cai trị của Đảng cộng sản Việt Nam trong gần một trăm năm qua là một nền văn hóa không có nguồn cội, bởi vì dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, vốn chỉ có đấu tranh giai cấp - chuyên chính vô sản. Trong Tư Bản Luận của Các Mác, hoàn toàn không bàn về xây dựng văn hóa theo một mô thức nào hay theo tư tưởng nào.

Văn hóa Việt Nam dưới sự cai trị của Đảng cộng sản Việt Nam ngoài không có nguồn cội, nó không có tính nhân đạo, không có lòng nhân ái. Văn hóa Việt Nam gần một trăm năm qua, dưới sự cai trị của Đảng cộng sản Việt Nam là một nền "văn hóa lạc loài".

Dùng văn hóa trong quản trị quốc gia, để chúng dân biết thương yêu đồng bào và đạt được tinh thần "đại đoàn kết dân tộc" - Mục tiêu cao nhứt của Đảng cộng sản Việt Nam, xem ra vẫn còn xa diệu vợi...

Nguyễn Ngọc Già

Nguồn : RFA, 13/03/2024

[1] https://damrong.lamdong.dcs.vn/hoc-tap-lam-theo-tu-tuong-ho-chi-minh/tas...

[2] https://tuoitre.vn/viet-nam-giam-5-bac-trong-bang-xep-hang-ho-chieu-nam-...