Điểm báo Pháp - Từ lưỡng cực sang đa cực (RFI)

 

Từ lưỡng cực sang đa cực, thế giới rối loạn vì luật của kẻ mạnh

Le Figaro ngày 20/11/2023 cho rằng Tập Cận Bình đang phải trả giá vì thách thức Mỹ quá sớm. Le Monde nhận định trước đây người ta ngỡ rằng thế giới đa cực - trong đó quyền lực và ảnh hưởng được chia sẻ giữa một số cường quốc - là phương thuốc cho những xung đột địa chính trị. Nhưng nay thực tế cho thấy đa cực lại là độc dược, vũ lực đang đứng trên luật pháp.

Vượt sông Dniepr : Thành công của Ukraine

Trên chiến trường Ukraine, Les Echos ghi nhận "Kiev loan báo một loạt thành công bên kia bờ sông Dniepr bị chiếm đóng". Trong lúc Nga liên tục tấn công ở miền đông, quân đội Ukraine đã vượt qua sông và thiết lập nhiều điểm đóng quân tại đây. Từ nhiều tuần qua, đã có tin đồn về sự hiện diện của các chiến binh Ukraine ở bờ bên kia sông Dniepr đang bị Nga chiếm tại tỉnh Kherson. Hôm Chủ nhật Kiev xác nhận đã đẩy lùi được quân Nga từ 3 đến 8 kilomet, thắng lợi lớn nhất của quân đội Ukraine kể từ nhiều tháng.

Chỉ huy lực lượng Hải quân Ukraine loan báo đã giáng cho quân Nga bên kia bờ sông những đòn nặng nề, tiêu diệt 1.200 lính, phá hủy 24 xe tăng và 48 xe thiết giáp. Nếu con số này là chính xác, quân Nga bị mất hẳn một lữ đoàn. Chiến dịch ở tả ngạn sông Dniepr vẫn tiếp diễn, bộ tổng tham mưu Ukraine cho biết trong vòng 24 giờ đã đẩy lùi được 12 cuộc tấn công của Nga.

Chiến dịch trên bộ mở rộng sang nam Gaza

Liên quan đến Trung Đông, La Croix chạy tít lớn "Gaza, cảnh báo nhân đạo". Phải sơ tán để tránh oanh tạc và đang thiếu thức ăn, nước uống, người dân Gaza chờ đợi viện trợ nhân đạo đang bị chặn lại ở Rafah. Le Monde giải thích "Gaza : Hamas đã áp đặt quyền bá chủ như thế nào". Vụ khủng bố Israel hôm 07 /10 là kết quả của một tiến trình rất dài về quân sự và chính trị. Với thời gian, các thủ lãnh Hồi giáo lợi dụng thất bại của các đối thủ trong đàm phán hòa bình để đóng vai người đại diện cho quyền lợi Palestine. Không hề quan tâm đến hậu quả cho Gaza và cư dân, nhánh quân sự của Hamas dựa vào bạo lực cực độ để qua mặt Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO).

Sáu tuần sau khi bắt đầu chiến dịch, quân đội Israel bắt đầu mở rộng sang phía nam Gaza, nơi đang có đông đảo người tị nạn. La Croix mô tả, cứ mỗi 10 mét lại thấy những lá cờ Israel. Dọc theo vùng duyên hải không còn cư dân, thông điệp là rất rõ : khu vực đang dưới sự kiểm soát của Israel. Le Monde cho biết, cũng như những ngày đầu chiến dịch ở phía bắc, từ 15/11 phi cơ Israel đã thả truyền đơn yêu cầu dân làng Bani Suheila tìm nơi ẩn trú bên ngoài Khan Younis. Cựu cố vấn an ninh quốc gia Yaakov Amidror giải thích, sở dĩ phải tiếp tục tiến về phía nam vì "các chỉ huy Hamas đã chạy trốn thay vì chiến đấu, nhiều người hiện ở miền nam nên chúng tôi không thể để họ thoát được".

Israel cố gắng chứng minh Hamas dùng bệnh viện vào mục đích quân sự

Còn tại khu vực bệnh viện Al-Shifa, Le Figaro Libération đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của nỗ lực nhằm chứng minh Hamas dùng cơ sở y tế làm bình phong cho hoạt động quân sự. Không chỉ chiến đấu bằng hỏa tiễn, phi cơ và xe tăng thế hệ mới nhất, quân đội Israel còn phải tham gia một trận chiến mang tính biểu tượng. Được các công ước Genève bảo vệ, nhưng bệnh viện Al-Shifa được cho là nơi ẩn giấu sở chỉ huy dưới lòng đất và có thể cả những con tin.

Israel phải chứng minh sự độc ác của phe Hồi giáo đồng thời cho thấy chỉ nhằm đối phó với quân khủng bố chứ không phải thường dân. Nhưng năm ngày đã trôi qua mà chưa có những bằng chứng quan trọng, ngoài những hình ảnh đầu tiên về các ba lô chứa súng AK47 và các băng đạn, quần áo rằn ri. Đến thứ Sáu, một video được công bố cho thấy tại khu vực bệnh viện rộng đến 20 hecta đã tìm được vũ khí và thiết bị tình báo gần khu chiếu xạ, chất nổ ở khu bác sĩ nội trú, súng đạn, phòng thẩm vấn tại khu tim mạch. Và cuối ngày hôm qua, Chủ nhật 19/11, quân đội đưa ra những bằng cớ cụ thể hơn, từ các camera giám sát của bệnh viện : hôm 07/10 các con tin được đưa vào ngay sau vụ khủng bố.

Đây là những hình ảnh đầu tiên về con tin còn sống, ngoài các video tuyên truyền của Hamas. Có thể thấy trước hết là nhiều chiếc xe, những chiếc Toyota mui trần màu trắng đã được sử dụng trong vụ tấn công đẫm máu, thậm chí có cả hai chiếc Jeep quân sự Israel, chạy vào đậu trong bệnh viện. Tiếp theo, hai con tin, theo phát ngôn viên quân đội Daniel Hagari, là một người Nepal và một người Thái Lan, bị những người vũ trang đưa vào. Nhân viên y tế có vẻ thản nhiên khi các chiến binh Hamas ra vào, không hề che giấu vũ khí và con tin bị áp tải. Một con tin đi được, người kia dường như bị thương phải nằm trên cáng. Sau khi đưa vào phòng, lập tức những người vũ trang đứng canh cửa.

Cũng theo ông Hagari, nữ quân nhân Noa Marciano 19 tuổi bị đưa vào và bị sát hại ngay trong bệnh viện này. Một loạt phim quay tại chỗ cho thấy lối vào địa đạo gần bức tường phía bắc bệnh viện, trong một ga-ra chứa một chiếc xe mui trần và vũ khí. Đường hầm sâu 10 mét, chạy dài 50 mét dẫn đến một cánh cửa chống đạn được cho là sở chỉ huy. Tại khu phố Rimal ngay trung tâm thành phố Gaza, quân đội khẳng định "phá hủy 35 lối vào địa đạo và nhiều vũ khí, tiêu diệt một số tên khủng bố".

Mỹ và Trung Quốc tạm "hưu chiến"

Về quan hệ Mỹ-Trung, Les Echos trong bài "Trung Quốc - Hoa Kỳ : Một giai đoạn tạm ngưng" nhận định, yếu tố thời gian đối với mỗi bên tỏ ra quan trọng hơn bao giờ hết, trước nhất về chính trị. Từ một thập niên qua, Mỹ vẫn coi Bắc Kinh là đối thủ và người cạnh tranh hàng đầu trên thế giới. Thời chiến tranh lạnh, mục tiêu của Washington là cô lập Liên Xô và chờ cho chế độ cộng sản tự sụp đổ. Sự chờ đợi có nguy cơ kéo dài trong trường hợp Trung Quốc. Ngược với Liên Xô, Trung Quốc là thế lực toàn cầu. Ý thức hệ đang trở thành kẻ thù tệ hại nhất cho Bắc Kinh, nhưng ngoại trừ một biến cố to lớn, chế độ Trung Quốc chưa thể nào tan rã.

Điểm mới là những cán bộ Trung Quốc sống và làm việc cho các công ty phương Tây nhưng thân nhân vẫn ở Hoa lục, lại có hơi hướng chỉ trích, có vẻ như trong thâm tâm họ vẫn biết rằng "có gì đó đang thối rữa" trong nước Trung Hoa mới - như câu nói của Hamlet. Trước đây giới tinh hoa chấp nhận dành lãnh vực chính trị cho các nhà lãnh đạo.

Quan hệ Mỹ-Trung trở nên phức tạp hơn từ lúc tăng trưởng không còn là mục tiêu hàng đầu. Ngược với Moskva, Bắc Kinh không chờ đợi "thiên sứ" Donald Trump. Sự hung hăng của ông Trump với Trung Quốc, chưa kể đến cách nói thô bạo, đã để lại những kỷ niệm đáng buồn. Và một Trump II chỉ có thể tệ hại hơn Trump I.

Washington bận rộn với hai cuộc chiến, Bắc Kinh cũng không muốn phiêu lưu

Với tỉ lệ tăng trưởng chỉ còn phân nửa và sự biến mất một cách kịch tính của một số quan chức, Bắc Kinh liệu có thể tự cho phép phiêu lưu đối ngoại cộng thêm vào bất ổn nội bộ ? Tuy Tập Cận Bình đôi khi nói năng như Vladimir Putin, ông ta không hành động như ông chủ điện Kremlin mà khôn khéo, thận trọng hơn.

Về phía Mỹ, yếu tố thời gian cũng có một vai trò nhưng không cấp bách. Tập Cận Bình đã 70 tuổi và không thể cai trị vĩnh viễn. Sau ông Tập, liệu có thể quay trở lại với chế độ lãnh đạo tập thể, thực dụng như thời Đặng Tiểu Bình ? Khi tái khẳng định với một nhà báo ở San Francisco rằng vẫn coi Tập Cận Bình là "nhà độc tài", tổng thống Biden nói ra một sự thật hiển nhiên nhưng quan trọng, tuy kém ngoại giao. Trung Quốc không chỉ là đối thủ mà còn đối địch về ý thức hệ, thế nên cần cải thiện liên lạc trực tiếp. Từ khi ông Tập lên cầm quyền và sự trở lại của ý thức hệ cộng sản, Trung Quốc đang đùa với lửa trên Biển Đông. Một sự cố dẫn đến chiến tranh luôn có thể xảy ra mà hai nước nhất thiết phải tránh.

Mỹ không hề ảo tưởng về thực chất và tham vọng bành trướng của chế độ Bắc Kinh, nhưng không muốn cùng lúc có đến ba cuộc chiến tranh. Hai cuộc chiến ở Ukraine và Gaza có thể giúp Đài Loan có thêm thời gian ? Lịch sử sẽ trả lời. Duy trì một hệ thống quốc tế trong đó hội nhập Trung Quốc thay vì loại trừ, đồng thời giúp nước Mỹ vẫn là số 1 thế giới, theo Ryan Hass, cựu viên chức phụ trách Châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia, là chính sách về Trung Quốc của Hoa Kỳ.

Thách thức Mỹ quá sớm, Tập Cận Bình phải trả giá

Trên trang Ý kiến của Le Figaro, tác giả Nicolas Baverez nhận thấy dù không có họp báo và thông cáo chung sau cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ và chủ tịch Trung Quốc ở thượng đỉnh APEC, nhưng đôi bên đã mở lại kênh liên lạc giữa quân đội. Bên cạnh đó là cùng thỏa thuận chống buôn lậu fentanyl – loại ma túy làm trên 75.000 người chết mỗi năm tại Hoa Kỳ, thảo luận về việc hạn chế sử dụng trí thông minh nhân tạo nhất là với vũ khí nguyên tử.

Những bước tiến này không nhiều, vì mỗi bên đều giữ nguyên quan điểm về Đài Loan. Về căn bản, không có gì thay đổi. Sự đối địch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là toàn diện, trong khuôn khổ chiến đấu chống lại những đế quốc độc tài. Bắc Kinh không từ bỏ chủ nghĩa toàn trị kỹ thuật số, chính sách bành trướng cũng như tham vọng qua mặt Hoa Kỳ, xây dựng trật tự thế giới hậu phương Tây. Hoa Kỳ vẫn tiếp tục chiến lược ngăn chặn Trung Quốc về kinh tế, công nghệ và quân sự - điểm đồng thuận duy nhất giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.

Tập Cận Bình phải trả giá đắt cho việc thách thức quá sớm Hoa Kỳ - được cho là đang suy tàn sau khủng hoảng tài chánh năm 2008, chiến tranh Iraq và Afghanistan, thụ động trước việc Nga chiếm Crimea, để yên cho Nga và Iran cứu vớt chế độ Damascus… Thế nhưng GDP của Mỹ vẫn gấp đôi Trung Quốc, tăng trưởng và hiệu suất cao hơn, quyền lực mềm của Hoa Kỳ tìm lại sự thu hút.

Washington trong chiến tranh ở Ukraine và Gaza đã chứng tỏ sức mạnh quân sự và ngoại giao, quay lại Châu Âu và Trung Đông một cách ngoạn mục, nhắc nhở rằng quân đội Mỹ vẫn là vô địch thế giới về sức mạnh cũng như chất lượng, kinh nghiệm chiến đấu, mạng lưới đồng minh và căn cứ quân sự rộng lớn. Như vậy thế kỷ 21 không phải là thế kỷ Trung Hoa như dự báo, các đế quốc độc tài mà Trung Quốc đứng đầu không phải là bất khả chiến bại. Các nền dân chủ sẽ chiếm lợi thế khi biết áp dụng những chiến lược lâu dài, điều này tùy thuộc và ý nguyện người dân và sự sáng suốt của các nhà lãnh đạo.

"Thế giới đau ốm vì đa cực"

Nhìn chung đối với tiến sĩ Jean-Yves Hortebise trên Le Monde, "Thế giới đang đau ốm vì đa cực". Trước đây ngỡ rằng đa cực là phương thuốc cho những xung đột địa chính trị, nhưng nay ý tưởng về một thế giới trong đó quyền lực và ảnh hưởng được chia sẻ giữa một số cường quốc, lại chứng tỏ nhiều khiếm khuyết.

Thế giới lưỡng cực từng được ví như "rối loạn lưỡng cực", chứng bệnh mà bệnh nhân khi thì hưng phấn khi lại trầm cảm. Từ hai chục năm qua, các tổ chức quốc tế không ngừng cổ vũ cho một thế giới đa cực. Tháng 9/2020, 111 nhà lãnh đạo các nước tại Liên Hiệp Quốc ủng hộ "sự cần thiết của một thế giới bình đẳng và bền vững hơn".

Ba năm sau, tại diễn đàn Con đường tơ lụa mới diễn ra hôm 17/10 tại Bắc Kinh, những cánh cửa mạ vàng được mở ra cho tội phạm chiến tranh Vladimir Putin. Vài tuần trước đó, một tội phạm khác là Bachar Al Assad cũng đã được Tập Cận Bình đón tiếp theo nghi lễ cấp nhà nước, kết thúc tình trạng cô lập của Damascus. Hàng ngàn người Palestine bị giết hại ở Syria đối với Bắc Kinh chừng như không có cùng giá trị đối với những người Palestine chết ở Gaza.

Sau thời kỳ lưỡng cực, địa chính trị trở nên rối loạn : Taliban quay lại Afghanistan, đảo chánh liên tục ở Châu Phi, Nga xâm lăng Ukraine, xung đột Israel-Palestine tái diễn với mức độ dữ dội hơn bao giờ hết, người Armenia lại bị tấn công, Bắc Triều Tiên gia tăng chương trình nguyên tử, Trung Quốc lại đụng độ với Philippines trên Biển Đông. Vũ lực đứng trên luật pháp. Không có cảnh sát lẫn quân đội để bảo vệ, tiếng nói của các định chế quốc tế rơi vào khoảng không.

Đa cực vừa là thuốc chữa vừa là độc dược. Nếu tất cả mọi người đều có quyền có tiếng nói, thì tiếng nói của ai sẽ là luật pháp ? Archimède từng nói : "Hãy cho tôi một điểm tựa và một đòn bẩy, tôi sẽ nâng lên cả trái đất". Nhưng nay không còn điểm tựa nào và ai nấy đều muốn dùng đòn bẩy, khiến không còn ai có thể nâng trái đất lên để cổ súy cho hòa bình.

Thụy My