Cuộc phản công của Ukraine bao giờ hoàn tất ? (Việt Hoàng)
Trong cuộc chiến này Mỹ và EU muốn cả thế giới thấy được sự tàn bạo và phi nhân tính của Putin. Chính Putin là tội đồ, là kẻ gây ra cuộc chiến hủy diệt lớn nhất trong thế kỷ 21 chứ không phải Ukraine và phương Tây.
Ukraine đã bắt đầu phản công quân Nga chiếm đóng lãnh thổ hay chưa ? Câu trả lời: Nó đã bắt đầu từ khoảng hơn một tuần nay. Putin đã phản ứng một cách mất trí và tuyệt vọng bằng cách phá hủy đập thủy điện khổng lồ Nova Kakhovka, thuộc tỉnh Kherson do quân đội Nga kiểm soát. Mục đích của Putin là ngăn cản bước tiến phản công của quân đội Ukraine. Hành động này có thể làm cuộc phản công chậm lại 1-2 tháng nhưng kết quả cuối cùng sẽ không thay đổi.
Nga nhanh chóng đổ lỗi cho Ukraine nhưng ai còn có thể tin Nga? Đập thủy điện này do Nga kiểm soát, Ukraine chỉ có thể phá hoại bằng cách bắn tên lửa từ xa nhưng tên lửa không đủ sức phá hoại con đập. Ukraine chẳng có lý do gì để phá hoại nó. Việc bán đảo Krime của Ukraine đang bị Nga chiếm đóng bị ảnh hưởng nặng nề do thiếu nước khi đập vỡ chắc chắn không làm Putin quan tâm. Mạng người trong các chế độ độc tài chỉ là cỏ rác.
Hành động phá hoại đập thủy điện Nova Kakhovka của Nga là một tội ác nghiêm trọng chống lại người dân Ukraine.
Sau 15 tháng của cuộc chiến, tương quan lực lượng giữa Nga và Ukraine đã thay đổi. Nga từ một ‘cường quốc quân sự thứ hai trên thế giới’ đã trở thành ‘cường quốc quân sự thứ hai tại Ukraine’. Ukraine bây giờ là cửa trên, Nga là cửa dưới. Quân đội Nga đã chuyển từ thế tấn công sang phòng ngự. Sự thất bại đã quá rõ ràng. Khi một đội quân viễn chinh hùng mạnh đi xâm lược một nước khác thì bắt buộc phải ‘đánh nhanh, thắng nhanh’. Không một đội quân viễn chinh nào có thể phòng thủ lâu dài trên đất nước đối phương.
Mong muốn của Putin hiện nay là cố phòng thủ để giữ được những khu vực đã bị sát nhập một cách bất hợp pháp vào lãnh thổ Nga và sau đó là đóng băng cuộc chiến như hồi năm 2014. Ai cũng biết phòng thủ luôn có lợi thế hơn tấn công. Bên tấn công phải có lực lượng mạnh hơn bên phòng thủ ít nhất từ 3 đến 4 lần. Suốt nhiều tháng qua quân Nga đã ‘đào hào đắp lũy’ một cách vô cùng kiên cố với nhiều lớp bảo vệ nhằm đối phó với các cuộc phản công của Ukraine. Lực lượng của Nga hiện vào khoảng 300.000 quân, tương đương với Ukraine.
So sánh tương quan lực lượng giữa hai bên dựa trên 3 tiêu chí: Hỏa lực, nhân lực và trang bị vũ khí thì Ukraine đều hơn hẳn Nga. Về hỏa lực, tuy Nga hơn Ukraine về số lượng pháo binh và xe tăng nhưng chất lượng của chúng không bằng các loại vũ khí mà Mỹ và Liên Hiêp Châu Âu (EU) cung cấp cho Ukraine. Pháo binh Nga bắn bừa bãi và thường là không chính xác trong khi pháo Hamars lại có độ chính xác rất cao. Nhân lực của hai nước là tương đương nhưng chất lượng quân đội Ukraine hơn hẳn Nga vì họ có chính nghĩa, họ đang bảo vệ quê hương, bảo vệ đồng bào của họ. Trong khi đó quân Nga vừa không có chính nghĩa (vì là kẻ xâm lược) vừa ô hợp. Đội quân Wagner đánh thuê của ông trùm Prigozhin lấn áp cả quân đội chính qui của Nga và đối lập với các nhóm khác, ví dụ với đội quân Chechnya của Kadyrov. Về trang bị vũ khí thì Ukraine đã được các nước dân chủ ủng hộ rất dồi dào nên cũng vượt trội quân Nga.
Quân đội Ukraine bây giờ là ‘cửa trên’ so với quân Nga. Thất bại của Nga là chắc chắn 100%.
Ukraine nhiều lần tuyên bố họ sẽ phản công vào đầu mùa xuân nhưng rồi mùa xuân đã đi qua mà vẫn chưa thấy Ukraine động tĩnh gì. Lý do, Ukraine đang cần thêm thời gian để binh sĩ hoàn thành các khóa đào tạo sử dụng các loại vũ mới và hiện đại của NATO. Ukraine cũng muốn đánh vào tâm lý của quân đội Nga khi buộc Nga lui về phòng thủ trong căng thẳng (không biết bị đối phương đánh khi nào, đánh ở đâu và đánh như thế nào…). Trong chiến tranh hiện đại không chỉ mỗi vũ khí mà còn cần đến cả chiến tranh tâm lý, truyền thông và phản gián.
Nhiều người thắc mắc không hiểu vì sao Mỹ và EU viện trợ vũ khí rất nhỏ giọt cho Ukraine thay vì viện trợ ồ ạt với số lượng lớn để Ukraine nhanh chóng đánh đuổi quân xâm lược Nga. Thật sự mọi việc không đơn giản như vậy. Ukraine chưa phải là thành viên của NATO nên họ chưa có cơ hội tiếp cận và học hỏi cách sử dụng các loại vũ khí mới và hiện đại của NATO. Cần phải có thời gian để huấn luyện binh sĩ Ukraine sử dụng các loại vũ khí đó. Sở dĩ các loại vũ khí mới như máy bay F-16 của Mỹ chưa có mặt tại Ukraine vì nó chưa sẵn sàng. Các phi công Ukraine chưa huấn luyện xong. Ukraine sẽ có tất cả các loại vũ khí cần thiết vào thời gian thích hợp để tổng phản công, đánh đuổi quân xâm lược Nga ra khỏi lãnh thổ. Lý do thứ hai cũng không kém phần quan trọng đó là cuộc chiến truyền thông của hai bên. Nga một bên và Ukraine với các nước dân chủ một bên. Với thời gian, các hành động dã man, điên cuồng và độc ác của Putin và quân đội Nga ngày càng được phơi bày trước dư luận thế giới. Các vụ tấn công của tên lửa Nga vào các khu dân cư, bệnh viện, trường học gây ra cảnh đỗ vỡ và chết chóc cho nhiều người dân vô tội diễn ra thường xuyên tại Ukraine khiến dư luận trên toàn thế giới phẫn nộ.
Việc cho nổ tung con đập Nova Kakhovka mới đây, gây ngập lụt trên diện rộng và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái càng khiến dư luận nổi giận. Đã có những ý kiến tại EU rằng NATO cần phải tham chiến trực tiếp chứ không thể để Putin lộng hành như vậy. Trong cuộc chiến này Mỹ và EU muốn cả thế giới thấy được sự tàn bạo và phi nhân tính của Putin. Chính Putin là tội đồ, là kẻ gây ra cuộc chiến hủy diệt lớn nhất trong thế kỷ 21 chứ không phải Ukraine và phương Tây.
Việc Putin hy vọng quân Nga sẽ thành công trong việc phòng thủ để đóng băng cuộc chiến này và chờ dư luận phương Tây mệt mỏi và Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ là hoàn toàn vô vọng. Tất cả các nước phương Tây đều cam kết ủng hộ Ukraine đến cùng. Dù 15 tháng đã trôi qua nhưng dư luận phương Tây không hề phản đối sự ủng hộ của chính quyền họ dành cho Ukraine. Donald Trump có khả năng cao là sẽ vào tù trước khi làm tổng thống (một lần nữa) và cho dù bất cứ ai chiến thắng trong cuộc bầu cử tới đây thì chính sách của Mỹ đối với Nga và Ukraine sẽ không thay đổi. Các gói viện trợ quân sự của chính quyền Biden dành cho Ukraine luôn bị đảng Cộng hòa ‘bác bỏ’ vì…vẫn ít.
Vũ khí quyết định sự thắng bại trên chiến trường Ukraine là Drone. Nga đã quá tụt hậu và kém cỏi trong lĩnh vực này.
Cuộc chiến Nga-Ukraine đã làm thức tỉnh thế giới. Sau khi Liên bang Xô Viết cáo chung năm 1991 thì tất cả các nước dân chủ đều cho rằng thế giới từ nay trở đi sẽ không còn chiến tranh nữa. NATO gần như đã chết ‘lâm sàng’ (theo lời tổng thống Pháp Macron). Trừ Mỹ, tất cả các nước EU đều cắt giảm chi tiêu quân sự, vũ khí họ sản xuất chỉ để xuất khẩu là chính. Sau khi cuộc chiến nổ ra, chính quyền Đức đã chi 100 tỉ Euro cho quốc phòng, đây là một con số rất lớn. Các nước khác cũng vậy. Thụy Điển, Phần Lan nhanh chóng lấy quyết định gia nhập khối NATO. Một cuộc chạy đua vũ trang đã bắt đầu. Tâm lý chuẩn bị cho chiến tranh đã quay lại với thế giới và điều này khó có thể thay đổi sau một thời gian ngắn. Nga sẽ kiệt quệ và gục ngã là đương nhiên. Quốc gia thứ hai tiếp theo Nga sẽ kiệt quệ và gục ngã trong cuộc chạy đua vũ trang này chính là Trung Quốc.
Trung Quốc là đồng minh thân thiết và quan trọng nhất của Nga nhưng Tập Cận Bình đã bỏ mặc Putin. Ngoài việc lợi dụng sự thất thế của Nga để tranh thủ mua dầu giá rẻ và bán hàng hóa tiêu dùng cho Nga thì Trung Quốc đã không hề cung cấp vũ khí cho Putin như các nước dân chủ đã và đang giúp Ukraine. Ngay cả khi Trung Quốc nhảy vào tham chiến cùng Nga thì kết quả của cuộc chiến cũng không thay đổi. Trung Quốc biết tự lượng sức mình. Sự sụp đổ của nước Nga sẽ khiến Trung Quốc khốn đốn vì bị cô lập. Hai trụ cột của phe độc tài đã bị mất đi một. Trung Quốc phụ thuộc rất lớn vào Nga về năng lượng. Nếu nước Nga tan rã và làn sóng dân chủ thứ Tư tràn đến Nga thì tương lai của Trung Quốc càng trở nên đen tối.
Một nỗi lo lớn của dư luận là khi cùng đường Putin sẽ tiến hành một cuộc chiến tranh hạt nhân chống lại thế giới. Khả năng này, nếu có, cũng chỉ là một phần triệu. Những kẻ độc tài thường ham sống sợ chết. Tay chân thân tín của Putin đều là tỉ phú đô la, họ sẽ không đời nào chịu chết cùng Putin. Hơn nữa để khởi động cuộc chiến hạt nhân không hề đơn giản. Phải bao gồm nhiều mắt xích và nhiều lớp. Suốt thời gian qua chắc chắn Mỹ và EU đã loại trừ được nguy cơ này bằng cách chặt đi một mắt xích trong nhiều mắt xích, một lớp trong nhiều lớp đó để Putin dù có muốn cũng không thể kích hoạt được chiến tranh hạt nhân. Phương pháp đó không có gì mới, nó bao gồm việc mua chuộc, phân hóa và răn đe những người nắm trong tay chìa khóa để kích hoạt kho vũ khí hạt nhân. Mặt khác, các kho vũ khí này luôn được giám sát chặt chẽ và có thể Mỹ đã chuyển cho phía Nga thông điệp là họ sẽ tấn công phủ đầu khi Nga mở cửa hầm chứa các kho vũ khí hạt nhân.
Có ý kiến cho rằng Putin sẽ không bao giờ chịu thua, ông ta sẽ tìm mọi cách để giữ những vùng đất đã chiếm được của Ukraine bởi vì nếu chấp nhận thua trận tại Ukraine thì đồng nghĩa với việc Putin sẽ bị lật đổ và có thể bị mất mạng. Lịch sử nước Nga không có chỗ cho một vị Sa hoàng mềm yếu và thua cuộc. Bạo lực và dối trá là bản chất của nước Nga. Độc giả nên đọc bài phỏng vấn của nhà văn Nga, 62 tuổi, đang sống lưu vong ở Thụy Sĩ, Mikhail Shishkin về nước Nga (được Nguyễn Đức Thành chuyển ngữ) ‘Đế quốc Nga sẽ tan rã và thời kỳ hậu Putin sẽ đầy bạo lực’. Tất nhiên là Putin không muốn thua nhưng vấn đề ở đây không phải là muốn hay không muốn, chịu hay không chịu mà nó hoàn toàn phụ thuộc vào kết quả trên chiến trường. Trong cuộc chiến này Putin không có cửa thắng dù chỉ là một phần trăm. Khi thua thì phải chấp nhận những điều kiện do bên thắng cuộc áp đặt. Không ai muốn lên bàn mổ nhưng khi bị mắc bệnh, để cứu lấy tính mạng thì tất cả đều phải chấp nhận nằm lên bàn mổ.
Độc giả rất nên đọc bài phỏng vấn của nhà văn Nga, 62 tuổi, đang sống lưu vong ở Thụy Sĩ, Mikhail Shishkin về nước Nga (được Nguyễn Đức Thành chuyển ngữ) ‘Đế quốc Nga sẽ tan rã và thời kỳ hậu Putin sẽ đầy bạo lực’.
Quay trở lại với cuộc phản công của Ukraine. Mặc dù kẻ phòng thủ luôn lợi thế hơn phe tấn công nhưng ngược lại phe tấn công có những ưu thế đó là họ có quyền chọn địa điểm và thời gian để tấn công. Trên một mặt trận kéo dài hơn 1200 km, Nga không đủ quân để trải đều nên Ukraine sẽ chủ động tấn công Nga ở những điểm yếu, phòng bị kém. Việc Ukraine hỗ trợ ‘quân đoàn tự do Nga’ để kéo dài chiến tuyến tại tỉnh Belgorod là nhằm mục đích đó. Các cuộc phản công gần đây mới chỉ để thăm dò lực lượng Nga, sau đó Ukraine sẽ dốc một lực lượng gấp 5-10 lần để chọc thủng những khu vực mà họ muốn. Ukraine cũng không cần phải đánh chiếm tất cả các khu vực dọc theo chiến tuyến mà chỉ cần đánh thắng vài địa điểm với chiến thắng áp đảo là cũng đủ làm cho quân Nga hoảng loạn, rã hàng và tháo chạy. Xin nhắc lại, một đội quân xâm lược không có lý do hay động cơ để chiến đấu đến cùng như những người đang bảo vệ tổ quốc của họ.
Cuộc phản công của Ukraine sẽ kéo dài bao lâu? Theo chúng tôi đến cuối năm nay cuộc chiến có thể chấm dứt với chiến thắng dành cho Ukraine. Tôi không đi sâu vào chi tiết của cuộc phản công như Ukraine sẽ đánh ở đâu, đánh như thế nào, bao nhiêu người lính sẽ hy sinh…vì đó chỉ là tiểu tiết. Điều quan trọng nhất là kết quả sau cùng, Ukraine chắc chắn sẽ chiến thắng. Một trật tự thế giới mới sẽ được hình thành, thế giới sẽ chia thành hai cực, độc tài và dân chủ. Nước Nga sẽ tan rã và Trung Quốc sẽ rất khốn đốn. Càng ngày các nước dân chủ sẽ nhận ra rằng việc hợp tác làm ăn với các nước độc tài chỉ giúp cho chúng mạnh lên và trở thành mối đe dọa cho hòa bình thế giới.
Một nạn nhân của cuộc chiến này là Việt Nam. Với tinh thần ‘chọn phe chứ không chọn lẽ phải’, Việt Nam đã đứng về phía Nga và Trung Quốc trong các cuộc bỏ phiếu tại Liên Hợp Quốc về các vấn đề liên quan đến Nga và Ukraine. Hành động chống dân chủ này khiến Việt Nam đang phải trả giá, các công ty đa quốc gia không những không đến Việt Nam mà ngay cả các công ty đang làm ăn ở Việt Nam cũng tìm cách rút khỏi đây. Đảng cộng sản Việt Nam sẽ sớm rơi vào bế tắc, chia rẽ và khủng hoảng khi cả ‘bố Nga’ lẫn ‘mẹ Tàu’ lâm vào tình trạng kiệt quệ và gục ngã. Đảng cộng sản Việt Nam sẽ trở thành đứa con côi cút, lạc lõng trong một trật tự thế giới mới. Sự ù lì và ngoan cố của họ khi quyết đi theo con đường độc tài và chuyên chế của Trung Quốc sẽ bị làn sóng dân chủ cuốn trôi.
Người dân Việt Nam không nên bi quan và bỏ cuộc vì lịch sử thế giới đã bước sang một trang mới với sự cáo chung của các nước độc tài còn sót lại. Cùng nhau chia sẻ một dự án chính trị khả thi của một tổ chức chính trị dân chủ đứng đắn để có được đồng thuận dân tộc là hành động cần thiết nhất trong lúc này. Đảng cộng sản Việt Nam không còn là giải pháp cho đất nước. Phải có một giải pháp mới thay thế cho giải pháp cộng sản đã lỗi thời và bế tắc.
Việt Hoàng
(12/6/2023)