Chuẩn bị giai đoạn hậu Ukraine (Nguyễn Gia Kiểng)

"Người Việt Nam cần rất quan tâm theo dõi cuộc chiến Ukraine bởi vì Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất của cuộc chiến này, một may mắn cho dân tộc Việt Nam nhưng lại là đòn chí tử cho chế độ cộng sản".




Cờ Ukraine được treo trên một bức tượng ở trung tâm Balakliya, ngày 10/9/2022, thuộc vùng Kharkiv, sau cuộc phản công thắng lợi của quân đội Ukraine. (Juan Barreto/AFP)


Cuộc phản công của Ukraine đã thực sự bắt đầu. Nó đã không ào ạt và dữ dội như hầu hết mọi người dự đoán, kể cả đa số các chuyên gia quân sự và địa chính trị.

Trước đây, trong mùa đông, người ta nghĩ rằng khi mùa xuân tới, thời tiết đã ấm lại và mặt đất đã khô, quân Nga sẽ tổng tấn công và quân Ukraine cũng sẽ tổng phản công. Tuy nhiên quân Nga sau nhiều thất bại đã chọn lùi về thế thủ và buộc quân Ukraine cũng phải thích nghi với tình huống mới.

Putin sẽ thảm bại và không được tha thứ

Quyết định rút về thế thủ của Putin trước hết là một thú nhận yếu kém vì người ta không rút về thế thủ khi tin rằng mình mạnh hơn đối phương. Nó cũng báo trước một thảm bại chắc chắn bởi vì mọi kinh nghiệm lịch sử đều cho thấy là không có một đoàn quân xâm lăng nào có thể phòng thủ trên đất nước người.

Hy vọng hiện nay của Putin là sẽ có thể kéo dài cuộc chiến cho đến khi các nước đồng minh của Ukraine –chủ yếu là Mỹ và Châu Âu - mất kiên nhẫn và ngừng hoặc giảm sự giúp đỡ đối với Ukraine và buộc Ukraine phải thương lượng với Nga. Nhưng đây chỉ là hy vọng cuối cùng của kẻ đã tuyệt vọng. Nga sẽ kiệt quệ và gục ngã trước khi các đồng minh của Ukraine mất kiên nhẫn. Với một GDP chỉ bằng 1,4% GDP của thế giới trước chiến tranh và đã sút giảm rất nhiều từ hơn một năm qua, Nga không có khả năng kéo dài cuộc chiến. Hơn nữa kho vũ khí và đạn dược tích lũy từ nhiều năm của Nga cũng đã cạn kiệt. Cũng đừng quên rằng Putin đã chỉ xâm lăng Ukraine vì tin rằng sẽ chiến thắng trong một vài tuần để thiết lập một chính quyền tay sai tại Kyiv. Niềm tin này bây giờ đã tan theo khói súng.

Những cuộc pháo kích từ xa vào các thành phố không hề gây kinh hoàng cho người Ukraine mà chỉ khiến họ quyết tâm hơn và được thế giới hỗ trợ mạnh hơn, đồng thời khiến Putin hiện nguyên hình như một tên tội phạm. Việc phá hủy đập Nova Kakhovka mới đây làm ngập lụt cả một vùng rộng lớn, khiến hàng trăm ngàn thường dân lâm nguy và đe dọa an ninh trung tâm điện nguyên tử Zaporijia là một tội ác mà thế giới sẽ không bao giờ tha thứ cho Putin.


Việc phá hủy đập Nova Kakhovka mới đây làm ngập lụt cả một vùng rộng lớn, khiến hàng trăm ngàn thường dân lâm nguy và đe dọa an ninh trung tâm điện nguyên tử Zaporijia là một tội ác. Roman Hrytsyna / AP

Tính toán của Putin, dựa vào kinh nghiệm chiến tranh, là tấn công khó gấp nhiều lần phòng thủ, khó gấp ba lần theo nhiều chuyên gia quân sự. Tuy nhiên tỷ lệ này không áp dụng trong trường hợp này vì quân Nga hoàn toàn rút về thế thụ động và để quân Ukraine tự do chọn lựa đánh lúc nào, nơi nào và với cường độ nào, nghĩa là nhường cho quân Ukraine ưu thế quyết định của sự bất ngờ. Hơn nữa quân Ukraine có quyết tâm của những người có lẽ phải, đấu tranh giữ nước, được thế giới ủng hộ, được kích thích bởi sự phẫn nộ trước tội ác và được trang bị với những vũ khí có phẩm chất cao, trong khi quân Nga vừa thiếu lý do để chiến đấu lại vừa ô hợp với các cấp chỉ huy -Prigozhin, Shoigu, Kadyrov, Gerasimov- công khai chửi nhau. Thảm bại của Nga là điều chắc chắn. Không ai dự đoán được một cách chính xác cuộc chiến sẽ kết thúc lúc nào nhưng nó không thể kéo dài nhiều năm bởi vì Nga chắc chắn sẽ kiệt quệ trong một tương lai gần. Cũng có khả năng quân Nga sẽ hoảng loạn và tan hàng nhanh chóng sau một vài thất bại có tính chiến lược.

Thảm bại này sẽ kết thúc chế độ Putin và tàn dư độc tài tại Nga bởi vì Putin đã đánh cuộc sự nghiệp của ông ta và tương lai của chế độ độc tài trên kết quả của cuộc xâm lăng hung bạo này.

Putin xâm lăng Ukraine để ngăn chặn và chia rẽ khối NATO, kết quả đã chỉ là khiến NATO đoàn kết hơn và lớn mạnh hơn với hai thành viên mới Phần Lan và Thụy Điển.

Putin muốn khuất phục và chư hầu hóa Ukraine, kết quả đã chỉ là khiến Ukraine dứt khoát trở thành một nước dân chủ độc lập với một quân lực hùng mạnh thách thức Nga ngay sát cạnh. Cũng nên nhắc lại là vào năm 2014, khi Nga lần đầu tiên xâm chiếm, Ukraine còn là một nước khá gần gũi với Nga ; trước đó ít lâu họ còn bầu làm tổng thống Yanukovych, một tay sai của Putin, bây giờ khuynh hướng thân Nga đã hoàn toàn và vĩnh viễn biến mất. "Tinh thần Ukraine" cũng sẽ kích thích các nước Đông Âu và Trung Á thuộc Liên Xô cũ và còn liên hệ với Nga.

Putin muốn phục hồi lại sự lớn mạnh của Liên Xô cũ, kết quả đã chỉ là khiến Liên Bang Nga cô lập và suy sụp.

Quan trọng hơn nhiều là Putin đã xâm lăng Ukraine để ngăn chặn làn sóng dân chủ đang tới gần và đe dọa chế độ độc tài của ông ta, nhưng kết quả đã chỉ là khiến làn sóng dân chủ tới sát hơn, trước khi tràn vào ngay chính nước Nga.

Tóm lại Putin đã thất bại thê thảm trên mọi mục tiêu và sẽ không được tha thứ. Một đặc tính của lịch sử Nga là các lãnh tụ có thể không bị lên án vì những tội ác rất kinh khủng –như trường hợp Ivan Kinh Khủng, Peter Đại Đế, Lenin, Stalin- nhưng không bao giờ được tha thứ nếu thua trận hay thậm chí không chiến thắng. Số phận của chế độ độc tài và của chính Putin đã được định đoạt.


Putin đã xâm lăng Ukraine để ngăn chặn làn sóng dân chủ đang tới gần và đe dọa chế độ độc tài của ông ta, nhưng kết quả đã chỉ là khiến làn sóng dân chủ tới sát hơn, trước khi tràn vào ngay chính nước Nga.

Nước Nga sắp bắt đầu một giai đoạn lịch sử mới. Bất cứ một chính quyền Nga mới nào, dù Liên Bang Nga có còn nguyên vẹn hay không, cũng chỉ có một chọn lựa duy nhất để không bị cô lập và tan rã trong hỗn loạn là chấp nhận dân chủ, một chọn lựa vừa bắt buộc vừa đúng và đáng mong ước cho nước Nga và người Nga. Sau đó nước Nga dân chủ với lãnh thổ rộng lớn và tài nguyên phong phú sẽ vươn lên mạnh mẽ.

Trung Quốc sẽ rất khốn đốn


Môi trường đã bị hủy hoại nghiêm trọng do chính sách tăng trưởng hoang dại và không thể phục hồi. Nửa nước phía Bắc Trung Quốc đang dần dần bị sa mạc hóa.

Khúc quanh lịch sử này, trọng đại nhất trong lịch sử nước Nga từ ngày lập quốc, sẽ có ảnh hưởng vô cùng lớn lên bối cảnh thế giới.

Hậu quả lớn nhất là chế độ cộng sản Trung Quốc sẽ rất khốn đốn vào giữa lúc đang khủng hoảng nặng dù vẫn cố che giấu. Trung Quốc đã tiến bộ rất nhiều sau khi mở cửa ra với thế giới nhưng không mạnh như người ta tưởng.

Hai mối nguy lớn nhất của Trung Quốc là dân số và môi trường.

Dân số đang giảm xuống và già đi nhanh chóng trong khi tuổi trẻ lại thiếu việc làm ; tỷ lệ thất nghiệp của lứa tuổi 16 – 30 là 21% theo chính quyền Bắc Kinh, 25% theo các chuyên gia.

Môi trường đã bị hủy hoại nghiêm trọng do chính sách tăng trưởng hoang dại và không thể phục hồi. Nửa nước phía Bắc đang dần dần bị sa mạc hóa. Lượng nước trung bình trên mỗi đầu người của Trung Quốc chưa bằng 1/3 mức trung bình thế giới, đã thế nước còn bị nhiễm độc.


Kinh tế, niềm hãnh diện của chế độ cộng sản Trung Quốc, đang phơi bày tình trạng bệnh hoạn. GDP (tổng sản lượng nội địa) của Trung Quốc được sửa lại nhiều lần để gần đây đưa ra con số 18.000 tỷ USD, nhưng nếu tính lại một cách nghiêm chỉnh, dựa trên những số liệu của chính Trung Quốc, thì GDP của Trung Quốc chưa tới 11.000 tỷ USD. Một số chuyên gia cũng vừa thẩm định lại kinh tế Trung Quốc và họ đưa ra con số kinh ngạc : GDP của Trung Quốc thực ra chỉ là 5.300 tỷ USD. Kinh tế Trung Quốc đang khủng hoảng nặng. Ngành xây dựng chiếm 30% GDP đang phá sản, cũng như hai ngành đóng tầu và đường sắt cao tốc. Khối nợ của Trung Quốc cao hơn 50.000 tỷ USD, gấp 3 lần con số GDP thổi phồng 18.000 tỷ USD và gấp 10 lần con số GDP mà một số chuyên gia vừa tính lại. Mô hình tăng trưởng của Trung Quốc chủ yếu dựa trên đầu tư, với số nợ không lồ này nó không thể tiếp tục.

Với sự sụp đổ chắc chắn của chế độ Putin và sự chuyển hóa của Nga về dân chủ, Trung Quốc còn sẽ phải chịu một đòn ân huệ cuối cùng : nhiên liệu. Cho tới nay, do quan hệ mật thiết giữa hai chế độ độc tài, ít ai lưu ý là Trung Quốc gần như không có dầu khí. Tình hình sẽ rất khác với một nước Nga dân chủ. Trung Quốc, nếu vẫn hung hăng duy trì chế độ độc tài sẽ trở thành một đối thủ thay vì một đồng minh và không thể trông đợi ở dầu khí của Nga nữa.

Về bản chất Trung Quốc, cũng như Liên Xô trước đây và Liên Bang Nga bây giờ, không phải là một quốc gia mà một đế quốc, nghĩa là một tập thể nhiều nước phục tùng một trung ương và đặt nền tảng trên một ý thức hệ chung, dù do tự nguyện hay bị áp đặt. Khi ý thức hệ đó bị đào thải, ngay cả để nhường chỗ cho một ý thức hệ khác tốt đẹp hơn, thì đế quốc không còn lý do tồn tại và sẽ tan vỡ thành nhiều khối hay nhiều nước, như sự sụp đổ của các đế quốc trước đây và của Liên Xô gần đây đã chứng tỏ. Đế quốc Trung Hoa sở dĩ tồn tại được cho tới nay vì đã giữ nguyên được ý thức hệ Khổng Giáo. Chế độ cộng sản thực ra cũng chỉ là một văn bản mới của Khổng Giáo, nền tảng chung của cả hai vẫn là bác bỏ tự do cá nhân và quyền con người, những giá trị bắt buộc của thời đại mới. Vấn đề của Trung Quốc là bắt buộc phải thay đổi chế độ nhưng lại không thể thay đổi chế độ mà vẫn còn toàn vẹn.

Sự suy sụp của một đế quốc thường kéo dài rất lâu chứ không nhanh chóng như một số người nghĩ, nhưng điều chắc chắn là trong một tương lai gần, Trung Quốc sẽ lâm vào khủng hoảng sống còn trong một thời gian dài và sẽ không còn là một đe dọa hay một chỗ dựa cho bất cứ nước nào.

Chuẩn bị cho giai đoạn hậu Ukraine

Người Việt Nam cần rất quan tâm theo dõi cuộc chiến Ukraine, bởi vì Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất của cuộc chiến này, một may mắn cho dân tộc Việt Nam nhưng lại là đòn chí tử cho chế độ cộng sản.

Đảng Cộng Sản Việt Nam đã được thành lập năm 1930 như một phân bộ của Quốc Tế Cộng Sản (hay Đệ Tam Quốc Tế, hay Quốc Tế 3) hai năm sau Đại hội 6 của Quốc Tế Công Sản năm 1928, trong đó các thành viên đã long trọng tuyên bố chỉ có một tổ quốc duy nhất là Liên Xô. Đảng Cộng Sản Việt Nam đã ra đời, đã chiến thắng và cướp được chính quyền nhờ Liên Xô. Đối với Liên Xô và hậu thân của nó là Liên Bang Nga hiện nay, Đảng Cộng Sản Việt Nam mang ơn sinh thành và nuôi dưỡng. Đa số các cấp lãnh đạo cộng sản Việt Nam được đào tạo tại Nga. Đảng Cộng Sản sắp mất một đồng minh quan trọng, một người cha và một người thầy. Một vấn đề rất nhức nhối, không chỉ cho Đảng Cộng Sản mà cho cả đất nước Việt Nam, là vũ khí của Việt Nam hiện nay phần lớn do Nga cung cấp. Nguồn cung cấp này sẽ không còn, hay ít nhất sẽ sút giảm đáng kể, khi Nga đã chuyển hóa về dân chủ. Phải gấp rút tìm một giải pháp thay thế.

Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng sẽ mất luôn chỗ dựa Trung Quốc. Cho tới nay dù có lúc đã từng xung đột với Trung Quốc nhưng những người lãnh đạo Đảng Cộng Sản luôn luôn lấy Trung Quốc làm mẫu mực. Niềm tin nền tảng của họ là không cần trí tuệ -vì thế họ đàn áp trí thức thẳng tay- chỉ cần làm theo Trung Quốc là xong. Chính sách nào Trung Quốc áp dụng thì chỉ một thời gian ngắn sau Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng rập khuôn theo. Họ đang rập khuôn theo Trung Quốc trong niềm tin là phải kiên trì chủ nghĩa Mác-Lênin và đặt những người tuyên giáo vào địa vị lãnh đạo cao nhất. Bắc Kinh đưa Hồ Cẩm Đào, rồi Tập Cận Bình làm tổng bí thư đảng thì Việt Nam cũng đưa Nguyễn Phú Trọng và đang chuẩn bị cho Võ Văn Thưởng. Cũng vì theo Bắc Kinh và trung thành với Nga mà chính quyền cộng sản Việt Nam đã liên tục bỏ phiếu trắng theo Trung Quốc thay vì lên lên án cuộc xâm lăng hung bạo và đẫm máu của Nga vào Ukraine trong các biểu quyết tại Liên Hiệp Quốc. Thái độ này đã gây thất vọng lớn cho các nước dân chủ và thất vọng sẽ trở thành phẫn nộ sau những tội ác ngày càng lớn của Putin trong thế tuyệt vọng, như việc phá hủy đập Kakhovka vừa rồi.

Cho tới nay chế độ cộng sản Việt Nam đã được các nước dân chủ ưu đãi vì họ cần tranh thủ ít nhất sự trung lập của Việt Nam trước mối nguy Trung Quốc. Hậu quả của cuộc chiến Ukraine -với sự sụp đổ của chế độ Putin tại Nga và sự cô lập trong khủng hoảng của Trung Quốc sau đó- là Trung Quốc không đáng lo ngại nữa và nhu cầu tranh thủ Việt Nam cũng không còn. Việt Nam rất có thể sẽ mất đi phần lớn các nguồn đầu tư và sự ưu đãi trên các thị trường lớn.

Cho tới nay và ngay trong lúc này, nhóm lãnh đạo thủ cựu ngoan cố của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã chọn con đường tệ hại cho đất nước và cho tương lai của chính Đảng Cộng Sản. Họ đã loại những người bị coi là không đủ giáo điều ra khỏi các chức vụ chủ tịch nước, phó thủ tướng, bộ trưởng. Họ vừa ra Nghị Quyết 96 "lấy phiếu tín nhiệm" để có thể loại bỏ lập tức những người có khuynh hướng đổi mới thể chế ra khỏi các vai trò lãnh đạo. Họ đã loại trừ hơn 25.000 đảng viên vì có biểu hiện tự diễn biến tự chuyển hóa. Đàn áp những người bất đồng chính kiến cũng đang gia tăng một cách hung bạo. Thay vì tham gia vào tiến trình dân chủ hóa họ đã điên cuồng chống lại. Họ đã chọn làm nạn nhân thay vì tác nhân của một thay đổi bắt buộc phải đến và sắp đến. Họ chọn đêm đen và ngõ cụt. Nhưng dù ngoan cố đến đâu họ cũng không ngăn chặn được đà tiến của đất nước về dân chủ vì không có gì mạnh bằng một xu thế đúng và đã chín muồi. Nhóm lãnh đạo thủ cựu ngoan cố đang tự cô lập ngay trong Đảng Cộng Sản.


Nghị Quyết 96 "lấy phiếu tín nhiệm" có thể loại bỏ lập tức những người có khuynh hướng đổi mới thể chế ra khỏi các vai trò lãnh đạo.

Các chế độ tàn bạo thường kết thúc một cách đột ngột và tàn bạo. Ngay từ bây giờ chúng ta phải nhất quyết không để thảm kịch này xảy ra và khiến đất nước chìm vào hỗn loạn. Mọi người Việt Nam tâm huyết, nhất là những người dân chủ, cần chuẩn bị tinh thần ngay từ bây giờ cho một thay đổi lớn có thể xảy ra sớm hơn mọi dự đoán. Cuộc chuyển tiếp về dân chủ phải diễn ra trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, trong tình anh em tìm lại và trong ý chí xẩy dựng và chia sẻ một tương lai chung.

Phải cảnh giác. Lịch sử đang gõ cửa.


                                                              Nguyễn Gia Kiểng 17/6/2023