5000 người thi viết chính tả trên đại lộ Champs-Élysées (Từ Thức)

 Thi viết chính tả là một trò chơi văn hóa khởi đầu cho những hội hè ngoài trời hàng năm, khi nắng ấm trở lại, đếm không xuể, trên khắp nước Pháp ; nổi tiếng nhất là ngày âm nhạc (Fêtes de la musique, 21/6, ngày nay lan khắp Châu Âu), đại hội kịch nghệ (Festival d’Avignon), với hàng ngàn ban kịch lớn nhỏ trên khắp thế giới đổ về Avignon trong suốt tháng 7 thi thố tài nghệ trên những rạp hát lộ thiên, chợ trời Lille (Foire de Lille), cuối tháng 8, khi thành phố Lille biến thành một chợ trời khổng lồ, đón tiếp hàng triệu du khách tới mua bán, trao đổi những vật dụng đủ loại, từ những dĩa hát, cuốn sách cũ, tới những bàn ghế cổ hiếm quý, những tác phẩm điêu khắc, hội hoạ đắt tiền.



Hầu như mỗi thành phố, mỗi vùng đều có một đại hội, với những nét văn hóa đặc trưng của mỗi địa phương. Đảo Corse với "Le Corso de la lavande", vinh danh một thổ sản nổi tiếng, hoa ải hương (lavande). Dax với hội đấu bò (tauromachie). Saint Louis với những cuộc tranh đua, biểu diễn tàu bè đủ loại. Metz với Fêtes de la mirabelle (trái mận vàng). Val de Loire (vùng đất của.. 3000 châteaux (lâu đài) cổ kính với hội hái nho, thưởng thức rượu đỏ. Menton với Fête de citron (chanh Menton là một đặc sản). Cordes-sur-Ciel, với Fêtes Médiévales du Grand Fauconnier làm sống lại đời sống thời trung cổ…

Người Việt nói "tháng Giêng là tháng ăn chơi", không biết có còn đúng không, nhưng mùa hè quả thực là mùa ăn chơi văn hóa của dân Pháp.

Grande dictée des Champs

Thi viết chính tả là một trò chơi rất được hưởng ứng.

Từ những cuộc thi nhỏ trong các trường học, thi viết dictée, từ 2013, đã trở thành những cuộc tranh tài với hàng ngàn người tham dự, trong các khu bình dân, tòa thị sảnh, vận động trường (thí dụ Stade de France, sân đá banh lớn nhất nước Pháp), đại học Sorbonne, trên TV, hay chính tả do phi hành gia Pierre Pesquet đọc từ hoả tiễn, khi đang bay chung quanh trái đất.

Cuộc thi viết chính tả năm nay, Grande Dictée des Champs, chiếm kỷ lục về số người tham dự : 5000 người đã được chọn qua một cuộc rút thăm, trong số gần 50.000 người ghi danh.


Những cuộc thi viết chính tả bao giờ cũng được hưởng ứng rầm rộ. Đó là cơ hội để người Pháp chứng tỏ họ còn trân trọng với chữ nghĩa, thiết tha với ngôn ngữ.

Trên 6600 mét vuông của đại lộ, trước Khải Hoàn Môn (Arc de Triomphe), cấm xe cộ, ngày 4/6, 1700 bàn nhỏ, ghế ngồi đã được bày sẵn từ 4 giờ sáng để đón tiếp ba đợt thi viết chính tả, mỗi đợt 1700 thí sinh.

Cuộc thi kéo dài suốt buổi chiều, từ 13 giờ tới 18 giờ, trong không khí hào hứng, thân mật, nhưng rất nghiêm trang khi cuộc thi bắt đầu.

Đợt đầu, chính tả văn chương cổ điển. Augustin Trapenard, đọc một bài trích từ truyện ngắn La Mule du Pape trong tuyển tập Lettres de mon moulin của Alphonse Daudet. 

Augustin Trapenard là người phụ trách chương trình văn chương La Grande Librairie trên đài truyền hình France 5. 

Những chương trình hàng ngày, hàng tuần tuần về văn chương, triết học trên TV, radios với hàng triệu khán, thính giả, có lẽ cũng chỉ có ở nước Pháp. Thí dụ, trên France Culture, chương trình về triết học : Les Chemins de la philosophie ; về văn hóa : Affaires Culturelles, Cultures Monde ; về văn chương : le Book Club ; về kịch nghệ : Théâtres et Cie, v.v.

Đợt hai, nhà văn nữ Katherine Pancol đọc một bài gọi là dictée d’aujourd’hui, chính tả với ngôn ngữ hiện đại.

Đợt thứ ba, nhà văn, cầu thủ vô địch rugby Pierre Rabadan, đọc một bài chính tả với nội dung thể thao, cho các thí sinh đa số thuộc giới trẻ.

Đem văn hóa tới đại chúng

Những cuộc thi viết chính tả công cộng có mục đích truyền bá văn hóa, cũng như triển lãm điêu khắc trên đại lộ Champs Elysées, hình nghệ thuật hay hội hoạ trên hàng rào, chung quanh vườn Luxembourg, trình diễn nhạc cổ điển ngoài đường, theo nguyên tắc "đám đông không tới với văn hóa, nghệ thuật, nghệ thuật, văn hóa, nghệ thuật đến với đám đông".

Hàng ngàn người, trong một buổi, có cơ hội gặp nhau, trao đổi, trong một xã hội cá nhân chủ nghĩa, mỗi người chúi mũi vào cái smart phone của mình, sống hàng chục năm chưa hề nói vài câu với hàng xóm.



Thi viết chính tả là một cách khuyến khích sống chung, chia sẻ và hội nhập với xã hội, cũng như những ngày "hội hàng xóm" được tổ chức mỗi năm trong các thành phố. Trong vài giờ, không phân biệt giai cấp, thành phần xã hội, từ những nhà văn, nghệ sĩ nổi tiếng tới những người bình dân vô danh, người ta ngồi lại bên nhau để bày tỏ tình yêu đối với một gia sản chung là ngôn ngữ, đóng góp vào việc bảo tồn văn hóa. 

Ngôn ngữ là một cá tính, một thứ ID, thẻ căn cước, của một dân tộc, một cái gạch nối, một cây cầu giữa các công dân. Ngôn ngữ bị phá hoại, đe doạ, cái sợi dây vô hình ấy rạn nứt, xã hội rã rời...

Căn bệnh của thời đại

Với thời đại internet, smart phone, twitter, truyền hình, lớp trẻ sao lãng với chữ nghĩa, với chính tả, trong khi cái mầu nhiệm, duyên dáng của mỗi ngôn ngữ là những luật lệ, đôi khi hóc búa, đôi khi bất thành văn, đôi khi ngoại lệ.

Theo một cuộc nghiên cứu của Bộ Giáo Dục Pháp, khả năng viết chính tả của học sinh càng ngày càng tệ. 

Thí nghiệm với học sinh CM2 (10, 11 tuổi, năm mẫu giáo cuối cùng), với cùng một bài dictée 67 chữ, số lỗi trung bình năm 1978 là 10.7, dần dần lên tới 14 năm 2017, lên 18 năm 2015, và 19.4 năm 2021.

Hai nhận xét :

Thứ nhất : các cháu gái giỏi chính tả hơn các cháu trai. Thứ hai : trình độ xuống cùng với chỗ đứng xã hội ( ằng cấp, lợi tức, nghề nghiệp…) của cha mẹ.

Trình độ chính tả xuống, không phải chỉ trong giới trẻ, ít học. Ban giám khảo các cuộc thi vào những đại học danh tiếng, uy tín nhất, như Science-Po hay ENA cũng ngạc nhiên khi thấy những lỗi bất ngờ, cả về chính tả lẫn văn phạm, của nhiều thí sinh. Đó là một căn bệnh thời đại.

Những người tham dự La grande dictée des Champs chợt nhớ lại là viết cho đúng chính tả, văn phạm không phải dễ. 

Tiếng Pháp vốn rất nhiêu khê, phải thận trọng với accords nom-adjectif (giống cái, giống đực, số nhiều, số ít), với accords sujet-verbe (động từ thay đổi theo chủ từ, theo quá khứ, hiện tại, tương lai, theo trạng thái: chuyện thực, hay giả tưởng, ước muốn hay mệnh lệnh).

Trong đoạn văn Alphonse Daudet, chữ lices trong câu "les rues jonchées de fleurs, tapissées de hautes lices", dễ lộn với chữ lys, nghĩa khác nhau nhưng phát âm như nhau. Chữ trois quarts, thường không có dấu gạch nối (trait d’union), nhưng trong nội dung bài dictée thứ 3, phải có dấu gạch nối (-) ở giữa, trois-quarts.

Sự thực, ngôn ngữ nào cũng có cái rắc rối của nó. Tiếng Việt với dấu ngã, dấu hỏi, chữ s, chữ x, chữ d, chữ gi... cũng cực kỳ nhiêu khê với nhiều người. Chỉ cần đọc báo chí, sách vở ngày nay, kể cả sách giáo dục, viết vội vàng để gõ đầu trẻ kiếm tiền.

Một cặp người Pháp, sắp sang Việt Nam làm việc, nhờ tôi dạy Việt ngữ. Tôi nói : chuyện đầu tiên là các dấu sắc, huyền, hỏi, ngã. Những chữ ma, mạ, má, mả, mà chỉ đọc sai, viết sai sẽ có nghĩa khác hẳn. Họ ráng tập vài giờ, rồi chào thua, đầu hàng vô điều kiện 

Thi viết chính tả cũng là một cách khuyến học, chống nạn mù chữ. Ngay cả ở một quốc gia giầu có, tiến bộ như nước Pháp, nơi học đường miễn phí, và bắt buộc, từ 3 tới 16 tuổi, vẫn còn 7% người trưởng thành bị coi là mù chữ.

Hy vọng

Hy vọng ở Việt Nam một ngày nào đó, người ta cũng tổ chức những cuộc thi viết chính tả lớn, ngoài trời, trong một thời đại chữ nghĩa bị hành hạ hàng ngày trên báo chí, thời đại của ông bộ trưởng giáo dục nói ngọng. 

Việc đó không khó, không tốn kém gì, chỉ cần đôi chút ý thức, đôi chút quan tâm tới tương lai đất nước. Một cách giải trí, ý nghĩa hơn nhậu nhẹt, xếp hàng làm shopping, hay "đi bão" sau một trận đá banh. 

Cũng mong, nhưng điều này chắc khó thực hiện, là các bài chính tả có nội dung văn hóa, không phải chỉ nhai đi nhai lại "tư tưởng Bác Hồ".

Paris tháng 6/2023

Từ Thức

(23/06/2023)