Giải pháp cho Tây Nguyên : "Cuội" và "Nguội" (Trần Hiếu Chân)

Giải pháp cho các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, tôn giáo ở Tây Nguyên đều lặp lại điệp khúc cách đây hàng chục năm. Không chỉ "nguội" mà còn "cuội"! "Cuội" là vì, trên thực tế, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đi ngược lại chính sách "đại đoàn kết dân tộc", và giờ đây lại còn "đổ vấy" trách nhiệm cho Mỹ về biến cố xả súng ở huyện Cư Kuin.


Những người tình nghi tham gia vụ tấn công ở Đắk Lắk hôm 11/6/2023 bị bắt giữ - Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động


Đổ thừa cho Mỹ là "thất bại kép"

Theo Thiếu tướng Lê Vinh Quy, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, tính đến ngày 20/6/2023, cảnh sát Việt Nam đã bắt giữ tổng cộng 74 nghi phạm liên quan vụ xả súng tại hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, khiến chín người tử vong, thu hàng loạt quân dụng và tài liệu. Tất cả nghi phạm cầm đầu vụ này đều đã bị bắt giữ. Tuy nhiên, mới đây, Bộ Công an Việt Nam xác định thêm, vụ nổ súng ở Đắk Lắk là hoạt động khủng bố có tổ chức bao gồm thành viên thuộc một tổ chức có trụ sở ở Mỹ. Cấm các báo và trang mạng trong nước đăng tải các ý kiến bình luận về biến cố, nhưng Bộ Công an lại tự mình ra tuyên bố, trong số những người bị bắt có "đối tượng" là thành viên của một tổ chức có trụ sở tại Mỹ (1 ). Đây là một thất thố rất lớn về đối ngoại, không chỉ ảnh hưởng đến bang giao Việt – Mỹ mà còn khiến cho "nước lạ" hết sức hài lòng…

Trong phát biểu tại Hội nghị cấp cao những người đứng đầu lực lượng chống khủng bố các nước do Liên Hợp quốc tổ chức tại New York hôm 20/6, Thiếu tướng Phạm Ngọc Việt, Cục trưởng Cục An ninh nội địa (Bộ Công an) nói trong số những người bị bắt có "đối tượng là thành viên của một tổ chức có trụ sở tại Mỹ, nhận lệnh chỉ đạo từ tổ chức này xâm nhập về Việt Nam và dàn dựng vụ tấn công" (2). Tuy nhiên, ông Phạm Ngọc Việt đã không đưa ra được bằng chứng cụ thể, tổ chức ở Mỹ là tổ chức nào. 

Đây là lần đầu tiên, Bộ Công an đề cập đến vai trò của Mỹ, tuy là gián tiếp, đến vụ xả súng ở Cư Kuin. Trong tuyên bố của tướng Việt, người nghe sẽ thấy khó thuyết phục. Nếu Việt Nam có bằng chứng và địa chỉ cụ thể, Mỹ có thể ra tay hành động. Vì chống khủng bố là một quốc sách của Mỹ. Cũng chưa rõ vì sao số nghi can bị bắt giữ giữa hai ông tướng Công an Việt Nam đưa ra lại vênh nhau ? Trước đó, tại một hội nghị do Ban Tuyên giáo tổ chức hôm 16/6 tại Hà Nội, Thiếu tướng Đặng Hồng Đức, Chánh Văn phòng Bộ Công an, được VTV.vn dẫn lời nói rằng, theo đánh giá ban đầu, nguyên nhân vụ 11/6 là do âm mưu của các thế lực thù địch, một số đối tượng FULRO lưu vong kích động một số người dân tộc thiểu số chia rẽ giữa người Kinh với người thiểu số, gây mất trật tự và lấy tiếng vang ở nước ngoài (3) 

Nói đến "yếu tố nước ngoài" thiết nghĩ nên trở lại với băng ghi hình buổi thuyết trình nội bộ trong Bộ Công an của Thiếu tướng Trương Giang Long, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an Nhân dân kiêm Giám đốc Học viện Chính trị Công An Nhân dân cách đây mấy năm. Tướng Long cho biết, đến Đại hội 12, Đảng cộng sản Việt Nam mới bừng tỉnh, đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu trong mọi chính sách quốc gia. Cũng theo ông Long, các cơ quan an ninh của ta biết rất rõ Trung Quốc đã hoạt động cài cắm người vào nội bộ như thế nào. Ngay cả những bất ổn trên Tây Nguyên cũng có bàn tay Trung Quốc. Đây là vấn nạn mà các Cơ quan An ninh Việt Nam phải đối phó (4).

https://youtu.be/5CMwaYwJyHo


Không có giải pháp nào mới

Cấm tiệt báo chí trong nước điều nghiên về vụ xả súng. Tức là cũng ngăn chặn mọi nỗ lực muốn tìm hiểu thêm thực trạng của cả năm tỉnh Tây Nguyên để có cái nhìn khách quan về nguyên nhân, tác động và phương hướng khắc phục không chỉ vụ tấn công hai đồn công an, mà tất cả những vấn nạn khác vẫn còn nguyên khối của cả liên vùng cao nguyên. Trong khi đang bế tắc, được tin, Bộ Công an trong quá trình tổng kết sáu tháng công tác đầu năm 2023 có bàn về tình hình Tây Nguyên (5 ). Tin còn phấn chấn hơn thế, nhân họp cho ý kiến về đề án tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 23, Bộ Chính trị cũng có bàn về cuộc xả súng vừa qua (6 ). Nói phấn chấn là vì, một bộ phận trong xã hội nói chung vẫn còn đau đáu về những nỗi đau có lẽ không bao giờ nguôi của đồng bào Thượng, kể từ ngày Bộ Chính trị thúc đẩy dự án Bauxite Tây Nguyên phục vụ cho Trung Quốc. Tháng 3/2023, báo chí Việt Nam đã đăng tải thông tin tỉnh Lâm Đồng có nguy cơ mất 5.000 ha rừng do khai thác bauxite.

Tại cuộc họp hôm 16/6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "nhấn mạnh trong phát biểu kết luận", yêu cầu "quan tâm phát triển toàn diện khu vực miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng khó khăn, giữ vững ổn định chính trị… củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước". Nhưng lấy đâu ra niềm tin này, khi kể từ 1975, chính sách "Đại đoàn kết dân tộc" của Việt Nam luôn luôn nói một đằng làm một nẻo… (7). Trong đó, sai lầm lớn nhất là, chỉ dựa vào bạo lực, đàn áp, cưỡng bách nên đã gặp hết thất bại này đến thất bại khác. Bài học Bauxite Tây Nguyên là một trong những bài học đau xót không chỉ đối với đồng bào Tây Nguyên mà còn đối với toàn quốc gia – dân tộc. Vấn đề Tây Nguyên tồn tại hàng trăm năm nay, dưới nhiều chính thể : phong kiến, thực dân, cộng hòa, cộng sản… Mỗi chính thể từng cố gắng đưa ra giải pháp, có những giải pháp giữ được tình hình yên ổn trong thời gian nhất định. Nhưng dưới thời cộng sản toàn trị, người dân bản địa hầu như mất hết, họ cảm thấy hoàn toàn bế tắc trên mọi phương diện, vì Đảng đã phản bội lại lời hứa đưa ra cho đồng bào Tây Nguyên trong thời kỳ kháng chiến (8).

Trong một bản tin gồm 1.000 từ, "khối đại đoàn kết dân tộc" được nhắc đi nhắc lại 12 lần, cho thấy, Bộ Chính trị tiếp tục mở rộng bức màn dối trá của vấn đề Tây Nguyên. Sau khi đọc toàn văn phát biểu của TBT Nguyễn Phú Trọng dài hơn 4.200 từ, tại hội nghị Đảng ủy Công an trung ương hôm 15/6, một nỗi thất vọng tràn trề thay cho niềm hứng khởi ban đầu đi tìm kiếm thông tin. Nỗi thất vọng càng lớn hơn khi được tiếp cận với ý kiến của Bộ Chính trị về quá trình thực hiện "khối đại đoàn kết dân tộc" (9 ). Tất cả đều "vũ như cẩn", đúng như "cách nói lái" (một hình thức chơi chữ của dân gian)… mọi chuyện "vẫn như cũ". Nghe ý kiến của thế hệ trẻ thấy thật đau lòng. Một nick name là Mike Nguyen "tuýt" thế này: "Thế hệ trẻ sinh đẻ ở Âu châu sau này thường thắc mắc tại sao ở thế kỷ 21 rồi, Việt Nam vẫn có một chế độ rất lạ lùng là cấm đoán người dân đủ mọi chuyện, không được nói nghịch ý hay chê bai chính quyền, không được đòi hỏi dân chủ, nhân quyền, không được theo đạo này đạo kia, không được phản đối chính sách của nhà nước, không được chế giễu một ông Bộ trưởng Công an lấy tiền thuế dân ăn thịt bò dát vàng…" (10 ).

Theo tin của BBC, trong số bị can bị bắt giữ nói trên, 11 người được cho là đã thiệt mạng trong các đợt truy quét của chính quyền. Nói với BBC News tiếng Việt từ Đan Mạch, giáo sư Oscar Salemink, người có nhiều công trình nghiên cứu về Tây Nguyên và từng được Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc mời viết báo cáo sau vụ bạo động tại Tây Nguyên năm 2001 "Việt Nam: Các nhóm thiểu số bản địa ở Tây Nguyên", nhận định rằng: Người Tây Nguyên – bị tước đoạt đất đai và phải di cư do người Kinh tràn đến – đang tạo thành một bộ phận nhân khẩu học nghèo nhất Tây Nguyên. Trong khi đó, mục sư A Ga, một người Tây Nguyên hiện đang tỵ nạn tại Mỹ thì tuyên bố rằng, mầm mống bất ổn đã tồn tại từ lâu giữa người đồng bào miền núi với chính quyền Cộng sản và cộng đồng người Kinh (11 ). Nhà nước đổ cho người Thượng tội danh khủng bố, nhưng chính Nhà nước đã khủng bố họ, buộc họ phải tự tìm cách giải thoát, thông qua tự phát và sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, của Liên hợp quốc. Tóm lại, tuyên bố bắt giữ các nghi phạm liên quan đến vụ xả súng ở huyện Cư Kuin, Đảng cộng sản Việt Nam đã tiếp tục che giấu những tội ác của họ ở Tây Nguyên bằng điệp khúc muôn đời "đại đoàn kết dân tộc", đồng thời đổ vấy cho Mỹ đã chứa chấp khủng bố nên mới dẫn đến vụ xả súng. Đây rõ ràng là một "thất bại kép": Gắp lửa bỏ tay người, làm hỏng bang giao Việt – Mỹ vào hồi cao trào, đồng thời có thể đẩy lùi việc nâng cấp "Quan hệ đối tác chiến lược" mà hai bên đã lên kế hoạch?

Trần Hiếu Chân

Nguồn : RFA, 24/06/2023.