Hòa-Giải và Hòa-Hợp Dân-Tộc (Dòng Sông Việt)
Hòa-Giải và Hòa-Hợp Dân-Tộc là những điều mà chúng ta sẽ làm: Hiện tại chúng ta nêu gương và tuyên truyền, khi tham chính chúng ta sẽ ban hành các chính sách.
Các chương I và II và III của tài liệu ‘Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai’ đã phác họa một bức tranh tổng thể về bối cảnh thế giới và trong nước, trong dòng chảy của lịch sử. Điều quan trọng nhất của những chương này là đã minh định, mục đích tranh đấu của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là rộng lớn hơn nhiều so với vấn đề Quốc – Cộng mới chỉ nảy sinh vài chục năm gần đây. Tất nhiên là với tầm nhìn sâu rộng đó, Tập Hợp sẽ có đầy đủ các câu trả lời cho các vấn đề cụ thể, nhưng vấn đề là ở chỗ, dùng một tầm nhìn sâu rộng để tranh luận với những người còn đang mắc kẹt trong một vấn đề hạn hẹp là một điều bất khả thi, một điều thường được mô tả bằng hình ảnh “không ở trên cùng một trang sách của cùng một quyển sách”.
Những vấn đề hạn hẹp mà nhiều người còn đang mắc kẹt trong đó, nghiêm trọng nhất là vết thương hận thù Quốc - Cộng và vũng lầy những "giá trị" Nho giáo.
Sau khi đã phác họa một bức tranh tổng thể, tài liệu ‘Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai’ bắt đầu đi vào chi tiết bằng chương IV – Nền tảng tư tưởng cho kỷ nguyên dân chủ. Tập Hợp luôn đề cao tầm quan trọng của vấn đề tư tưởng.
“Đồng thuận căn bản của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên gồm năm điểm sau đây:
1. đất nước phải được quan niệm như một tình cảm, một không gian liên đới và một tương lai chung;
2. thể chế chính trị cho Việt Nam là dân chủ đa nguyên;
3. tinh thần chỉ đạo của cố gắng làm lại đất nước là hòa giải và hòa hợp dân tộc;
4. tổ chức xã hội Việt Nam phải thể hiện một cách thật quả quyết những giá trị tiến bộ;
5. cố gắng phát triển kinh tế phải đặt trên nền tảng kinh tế thị trường và sáng kiến cá nhân”.
Trong năm điểm nói trên, có lẽ 4 điểm, 1 và 2 và 4 và 5, là không gây tranh cãi, bởi vì nếu không đứng trên căn bản Đất Nước, không muốn Dân Chủ Đa Nguyên, Tiến Bộ, Tự Do Cá Nhân, thì sẽ không còn cần gì để đối thoại thêm với nhau nữa. Chỉ có điểm 3, Hòa-Giải và Hòa-Hợp Dân-Tộc, bằng một cách nào đó đã gây ra nhiều tranh cãi.
Hãy bắt đầu từ góc độ Chính-tả: Trình tự đúng của các chữ là và phải là: Hòa-Giải và Hòa-Hợp Dân-Tộc. Góc độ Chính-tả ở đây sẽ có những ý nghĩa như sau:
- Hòa-Giải diễn ra trước, sau đó mới có thể Hòa-Hợp.
- Hòa-Giải là để Hòa-Hợp, để cùng nhau xây dựng một tương lai chung.
- Hòa-Giải và Hòa-Hợp là vì tương lai của Dân-Tộc, do đó phải diễn ra trên bình diện Dân-Tộc.
Tiếp theo là góc độ Ngữ-pháp: Hòa-Giải và Hòa-Hợp có thể là những Danh-từ (Nouns), với Dân-Tộc là Tính-từ (Adjective) bổ nghĩa cho những Danh-từ đó, trong chừng mực đây là những mục tiêu mà Tập Hợp hướng tới, trước mắt và hy vọng là chỉ trong ngắn hạn (vì chẳng lẽ chúng ta cứ mãi mãi phải đối mặt với vấn đề này?).
Hòa-Giải và Hòa-Hợp Dân-Tộc là những điều mà chúng ta sẽ làm: Hiện tại chúng ta nêu gương và tuyên truyền, khi tham chính chúng ta sẽ ban hành các chính sách.
“Do hoàn cảnh lịch sử, chất liệu nhân xã của chúng ta đã bị tổn thương nặng nề. Những đổ vỡ đòi hỏi một thời gian hàn gắn rất lâu dài, do đó tinh thần căn bản của mọi chính sách cho nhiều thế hệ tới sẽ phải là Hòa-Giải và Hòa-Hợp Dân-Tộc”.
Vậy Hòa-Giải và Hòa-Hợp cũng có thể là, và nên là những Động-từ (Verbs), cũng vẫn với Dân-Tộc là Trạng-từ (Adverb) bổ nghĩa cho những Động-từ đó. Hòa-Giải và Hòa-Hợp Dân-Tộc là những điều mà chúng ta sẽ làm: Hiện tại chúng ta nêu gương và tuyên truyền, khi tham chính chúng ta sẽ ban hành các chính sách.
Lưu ý rằng, hàn gắn những đổ vỡ và làm lành những tổn thương, như những đổ vỡ và tổn thương mà đất nước của chúng ta đã từng phải chịu đựng, khó có thể là công việc có thể hoàn thành nhanh chóng trong một vài thế hệ. Nhưng điều đó chỉ để thấy rằng, đó quả thật là điều đáng để phấn đấu.
Năm 1802 đã có thể là một cơ hội của Hòa-Giải và Hòa-Hợp Dân-Tộc, và vua Gia Long cũng đã có gần đủ những tố chất để Hòa-Giải và Hòa-Hợp Dân-Tộc, ví dụ như tha thứ cho binh lính và trọng dụng nhân tài của kẻ thù cũ, cởi mở trong các mối quan hệ trong nước và quốc tế… Điều duy nhất ngăn cản cơ hội trở thành hiện thực là Nho giáo, điều mà vua Gia Long cho là cần thiết để củng cố thành quả của mình.
Năm 1945 đã có thể là một cơ hội của Hòa-Giải và Hòa-Hợp Dân-Tộc, sau một thời gian “Pháp đã còng tay Việt Nam và dẫn vào thời đại mới”, trí thức Việt đang học hỏi và trưởng thành trên nhiều mặt, rồi Thế chiến II kết thúc để lại những khoảng trống… Đáng tiếc là mọi sự còn chưa chín muồi để có thể lấp đầy những khoảng trống đó một cách đúng đắn. Tệ hơn nữa, chỉ vì một chút xíu chưa trưởng thành đầy đủ đó mà đất nước, thay vì quẹo đúng đã quẹo sai đi vào thảm họa.
Năm 1975 đã có thể là một cơ hội của Hòa-Giải và Hòa-Hợp Dân-Tộc, nhưng nói cho cùng đó chỉ là tiếp nối của những gì đã bị bỏ lỡ, bị nhầm lẫn từ năm 1945, cộng thêm với việc tầng lớp trí thức Việt đã bị tiêu diệt hoàn toàn, cả về nghĩa đen và nghĩa bóng. (Cũng có thể nói một cách khác rằng, từ năm 1954, đất nước có một nửa quẹo sai và một nửa quẹo đúng, nhưng tốc độ của cái sai nhanh hơn nhiều so với cái đúng, cho nên kết cục rồi cũng như đã thấy).
Hòa-Giải và Hòa-Hợp Dân-Tộc là điều không thể có được bằng sự cầu xin của kẻ yếu.
Những người chủ trương Dân-Chủ và Đa-Nguyên và Tiến-Bộ theo những cách khác nhau, thậm chí mâu thuẫn với nhau, phải Hòa-Giải với nhau trước, để Hòa-Hợp cùng nhau thành một lực lượng đủ mạnh để khuất phục bạo quyền. Lực lượng mạnh mẽ này không phải được nuôi dưỡng bằng lòng hận thù, không bao giờ củng cố quyền lực bằng cách “nhổ cỏ tận gốc”.
Khi Dân-Chủ, Đa-Nguyên và Tiến-Bộ đã đủ mạnh thì bạo quyền, và cả những mầm mống của bạo quyền, sẽ phải bị tiêu diệt, nhưng đó là theo nghĩa bóng, tức là những tư tưởng và thể chế nào đó tạo điều kiện cho bạo quyền sinh sôi nảy nở sẽ phải bị tiêu diệt, chứ không phải theo nghĩa đen là những kẻ xấu cụ thể nào đó. Số phận của những kẻ xấu cụ thể nào đó chỉ là những việc của cá nhân kẻ đó, sẽ phải trả lời trước một phiên tòa công bằng về những tội ác cụ thể của mình. Chính quyền của Dân-Chủ và Đa-Nguyên và Tiến-Bộ lúc đó sẽ thực thi mọi chính sách trên nền tảng Hòa-Giải và Hòa-Hợp Dân-Tộc.
Hòa-Giải và Hòa-Hợp Dân-Tộc, khác với tất cả những biến đổi lịch sử từ trước tới nay vốn chỉ là “được ăn cả ngã về không”, “được làm vua thua làm giặc”, zero-sum… sẽ là giải pháp win-win cho tất cả các bên, mở lối thoát cho cả những trường hợp tuyệt vọng nhất để cuối cùng, mọi việc đều có thể được giải quyết một cách công bằng trong hòa bình.
Dòng Sông Việt
(17/5/2023)