Triển khai Quyền dân tộc bản địa cho trường hợp Việt Nam (Nguyễn Dominique)

Cuộc vận động nhìn nhận Quyền bản địa của các dân tộc Chăm, Tây Nguyên và Khmer Krom chính vì vậy cũng là cuộc vận động cho nhân quyền ở Việt Nam, cuộc vận động xây dựng một đất nước mà trong đó mọi người và mỗi người có tiếng nói và chỗ đứng ngang nhau trong một thể chế đa nguyên về văn hóa và chủng tộc. 


Năm 2007 đánh dấu ngày ký kết giữa 143 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc trên bản Tuyên ngôn về Quyền của Dân tộc bản địa.

cham01

Tuyên ngôn của Liên Hiệp Quốc về Quyền của Dân tộc bản địa

Dựa vào bản Tuyên ngôn đó, một liên minh gồm ba dân tộc Chăm, Tây Nguyên, Campuchia Krom thành lập Hội đồng Dân tộc bản địa Việt Nam tức là "Council of indigenous peoples in Today’s Vietnam" (CIP-TVN) có trụ sở ở Hoa Kỳ. Mục tiêu của Hội đồng là vận động và thuyết phục Nhà nước Việt Nam nhìn nhận quyền "tự quyết" và "tự quản" của các dân tộc Chăm, Tây Nguyên và Khmer Krom.

cham2

Logo Hội đồng Dân tộc bản địa Việt Nam tức là "Council of indigenous peoples in Today’s Vietnam" (CIP-TVN)

Trong suốt dòng lịch sử, dân tộc Chăm, Tây Nguyên, Khmer Krom đã có mặt từ lâu đời trên lãnh thổ Việt Nam. Họ là những dân tộc đã có công lớn trong tiến trình khai quốc từ miền Trung đến miền Nam Việt Nam, trãi dài từ tỉnh Quảng Bình cho đến mũi Cà Mau. Nước Đại Việt từ khi giành được độc lập từ thế kỷ 10, đã ly khai với miền nam Trung Quốc, từ đó bắt đầu thực thi chính sách mở rộng lãnh thổ của mình bằng cuộc Nam Tiến bắt đầu từ thế kỷ 11 đến cuối thế kỷ 19 về phía Nam. Qua cuộc Nam tiến này, các dân tộc bản địa đã sinh sống từ rất lâu đời trên những dãi đất đó đã dần dấn bị tước đoạt quyền sở hữu và canh tác đất đai mà tổ tiên của họ đã bao đời dày công xây dựng và để lại.

Dựa theo nội dung bản Tuyên ngôn của Liên Hiệp Quốc về Quyền của các dân tộc bản địa ra đời vào ngày 13/09/2007, các dân tộc Chăm, Tây Nguyên, Khmer Krom muốn được Nhà nước Việt Nam chính thức nhìn là dân tộc bản địa thật sự, tổ tiên của họ đã sinh sống từ rất lâu đời trên lãnh thổ Việt Nam, trước khi người việt đến sinh sống, do đó phải được hưởng trọn vẹn và đầy đủ những quyền dân sự và chính trị như những công dân Việt. Họ không phải là những dân tộc "thiểu số", dân tộc "ít người" hay những di dân từ những nước khác đến định cư trên lãnh thổ Việt Nam.

Từ ngày được thành lập, tháng 10/2007, Hội đồng Bản địa Việt Nam đã chọn diễn đàn Liên Hiệp Quốc ở New York (Hoa Kỳ) và Genève (Thụy Sĩ) làm địa bàn cho cuộc vận động quốc tế nhằm bảo vệ quyền bản địa của các dân tộc Chăm, Tây Nguyên và Kampuchia Krom. Từ năm 2016 cuộc vận động của Hội đồng Bản địa Việt Nam bắt đầu chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn quốc tế vận, bằng cách tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là các cấp lãnh đạo quốc gia trong tổ chức ASEAN, để hỗ trợ sự nhìn nhận là dân tộc bản địa Việt Nam do Hội đồng Bản địa Việt Nam phát động. Cụ thể là nhờ họ và qua họ thuyết phục cấp lãnh đạo Nhà nước Việt Nam tôn trọng chữ ký của mình trên bản Tuyên ngôn của Liên Hiệp Quốc về Quyền của Dân tộc bản địa.

Hiện nay cuộc vận động sự ủng hộ của giới lãnh đạo các quốc gia ASEAN -trong tiến trình thuyết phục Nhà nước Việt Nam chính thức nhìn nhận quyền bản địa của các dân tộc Chăm, Tây Nguyên và Kampuchia Krom- là mục tiêu hàng đầu của Hội đồng Bản địa Việt Nam.

Năm 2016, Liên Hiệp Quốc tổ chức hội nghị lần thứ 9 về Quyền của Dân tộc bản địa tại Genève từ ngày 11 đến 15/7/2016. Đây là diễn đàn quốc tế dành cho hàng trăm phái đoàn đến từ những quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc, các đại diện của hội đồng nhân quyền, các chuyên gia bản địa trên thế giới và các tổ chức hội đoàn phi chính phủ vận động cho quyền của các dân tộc bản địa, trong đó có phái đoàn của Hội đồng Bản địa Việt Nam gồm 4 thành viên : Thach Tan Dara (Khmer Krom, trưởng phái đoàn), Nay Rong (Tây Nguyên), Po Dharma (Chăm) và Nguyễn Dominique (Chăm).

cham1

Đại diện Hội đồng bản địa Việt Nam tham dự Hội nghi lần thứ 9 của Liên Hiệp Quốc về Quyền của Dân tộc bản địa tại Genève ngày 12/7/2016

Trên diễn đàn của Liên Hiệp Quốc từ ngày 11 đến 15/7/2016, mỗi hội đoàn trên thế giới chỉ có 5 phút để trình bày quan điểm của mình. Đối với phái đoàn bản địa Việt Nam (Chăm, Tây Nguyên và Khmer Krom), đây là 5 phút vàng ngọc để được biết đến và nhân cơ hôi nêu ra những nguyên vọng chính đáng của mình nhằm yêu cầu Chính phủ Việt Nam thực thi 3 điều sau đây :

1. Công nhận người Chăm, Tây Nguyên và Khmer Krom là thành phần dân tộc bản địa chứ không phải dân tộc thiểu số.

2. Hoàn trả hay bồi thường cho người Chăm, Tây Nguyên và Khmer Krom những đất đai của họ mà Nhà nước Việt Nam đã quốc hữu hóa một cách bất hợp pháp sau năm 1975.

3. Ban hành một đạo luật dành cho người Chăm, Tây Nguyên và Khmer Krom được hưởng các quyền tự quyết và tự quản về kinh tế, xã hội, văn hóa và giáo dục.

Sau khi Diễn đàn về Quyền của Dân tộc bản địa kết thúc vào ngày 15/7/2016, phái đoàn Hội đồng dân tộc bản địa Việt Nam đã tiếp xúc với một số cơ quan trực thuộc Liên Hiệp Quốc đặc trách về các quyền công dân và quyền bản địa có mặt tại Genève từ ngày 16 đến 20/7/2016 nhằm trình bày và giải thích những nguyện vọng chính đáng của mình một cách chi tiết và cụ thể hơn. Có thể nói đây là cuộc vận động ngoại giao tầm vóc quốc tế đầu tiên của Hội đồng bản địa các dân tộc Chăm, Tây Nguyên và Khmer Krom trong mục tiêu tìm hậu thuẩn quốc tế để Nhà nước Việt Nam nhìn nhận những quyền cơ bản của dân tộc bản địa đã ghi trong bản Tuyên ngôn của Liên Hiệp Quốc về Quyền của dân tộc bàn địa mà chính quyền Việt Nam đã long trọng ký tên.

Cuộc vận động đòi được nhìn nhận quyền dân tộc bản địa là một tiến trình đòi hỏi nhiều nghị lực, sức lực, vật lực và thời gian. Đây là một cuộc đấu tranh hòa bình và bất bạo động cho mục tiêu cao cả là kêu gọi sự nhìn nhận quyền dân tộc bản địa không chỉ cho dân tộc Chăm, Tây Nguyên và Khmer Krom mà cho tất cả những dân tộc "thiểu số" khác đã sinh sống từ lâu đời trên lãnh thổ Việt Nam.

Cuộc vận động nhìn nhận Quyền bản địa của các dân tộc Chăm, Tây Nguyên và Khmer Krom chính vì vậy cũng là cuộc vận động cho nhân quyền ở Việt Nam, cuộc vận động xây dựng một đất nước mà trong đó mọi người và mỗi người có tiếng nói và chỗ đứng ngang nhau trong một thể chế đa nguyên về văn hóa và chủng tộc.

Nói tóm lại, đây là cuộc vận động cho tình anh em tìm lại. Chúng tôi hy vọng đón nhận sự ủng hộ tích cực của những người Việt Nam trong và ngoài nước cho mục tiêu cao cả này.

Nguyễn Dominique

(13/02/2023)