Bí ẩn quanh vụ khinh khí cầu Trung Quốc bay trên vùng trời Mỹ (Nhiều nguồn tin)
Việc hoãn chuyến đi của ông Blinken, đã được ông Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí vào tháng 11/2022, là đòn giáng mạnh vào nổ lực hòa hoãn mà nhiều người coi đây là cơ hội để ổn định mối quan hệ đang ngày càng rạn nứt giữa hai nước, theo nhận định của Reuters.
Mỹ bắn hạ khí cầu nghi là do thám của Trung Quốc
Reuters, VOA, 05/02/2023
Máy bay chiến đấu F-22 của quân đội Mỹ đã bắn hạ một khí cầu tình nghi là khí cầu do thám của Trung Quốc khi nó dạt ra tới ngoài khơi bờ biển của bang South Carolina vào ngày thứ Bảy, khép lại những diễn biến kịch tính vốn đã thu hút sự chú ý về mối quan hệ đang xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc.
Khí cầu nghi là do thám của Trung Quốc dạt ra biển sau khi bị bắn rơi ngoài khơi bờ biển Surfside Beach, South Carolina, Mỹ, ngày 4 tháng 2 năm 2023.
"Chúng tôi đã hạ nó thành công và tôi muốn khen ngợi các phi công của chúng ta đã làm nhiệm vụ đó", Tổng thống Joe Biden nói.
Ông Biden cho biết ông đã ra lệnh bắn hạ khí cầu này vào ngày thứ Tư, nhưng Lầu Năm Góc khuyến nghị chờ khinh khí cầu này bay tới một nơi thuận lợi, như ngoài biển rộng, để có thể bị bắn hạ mà không gây thiệt hại gì cho cư dân sinh sống phía dưới.
Vài máy bay chiến đấu và máy bay tiếp liệu đã tham gia vào nhiệm vụ này, nhưng chỉ một chiếc - chiến đấu cơ F-22 - khai hỏa bằng một tên lửa AIM-9X duy nhất, một quan chức quân sự cao cấp của Mỹ cho biết. Khí cầu bị bắn rơi cách bờ biển Mỹ khoảng sáu hải lý.
Vụ bắn hạ xảy ra ngay sau khi chính phủ Mỹ ra lệnh dừng các chuyến bay đi và đến từ ba sân bay ở South Carolina - Wilmington, Myrtle Beach và Charleston - vào thời điểm đó với lý do một "nỗ lực an ninh quốc gia" không được tiết lộ. Các chuyến bay đã tái tục vào chiều ngày thứ Bảy.
Khí cầu này đã được phát hiện lần đầu tiên khi bay vào vùng nhận dạng hàng không của Mỹ vào ngày 28 tháng 1, trực tiếp vào không phận Canada ba ngày sau đó, rồi bay vào không phận Mỹ ngày 31 tháng 1, một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết.
Các quan chức Mỹ chỉ tiết lộ cho công chúng biết sự hiện diện của khí cầu này bên trên nước Mỹ vào ngày thứ Năm 2 tháng 2. Washington gọi đây là một "vụ vi phạm rõ ràng" chủ quyền lãnh thổ của Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin loan báo vụ bắn hạ trước tiên, nói rằng khí cầu đang được Trung Quốc sử dụng "trong nỗ lực do thám các địa điểm chiến lược trên lục địa của Mỹ".
Một nhiếp ảnh gia của Reuters chứng kiến vụ bắn hạ cho biết một luồng hơi trắng phát ra từ một chiếc máy bay phản lực, va vào khí cầu nhưng không có vụ nổ nào. Sau đó nó bắt đầu rơi xuống.
Quân đội Mỹ đã ngay lập tức bay tới điểm rơi của khinh khí cầu thu hồi những dụng cụ dọ thám mà khí cầu mang theo, các quan chức Mỹ cho biết.
Một nhiếp ảnh gia của Reuters ở khu vực Myrtle Beach có thể nhìn thấy khí cầu bay trên đầu, với hai máy bay phản lực quân sự của Mỹ bay kèm bên cạnh.
Trung Quốc nói họ lấy làm tiếc về một "khinh khí cầu" được sử dụng cho mục đích khí tượng dân sự và các mục đích khoa học khác đã đi lạc vào không phận Mỹ.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày thứ Bảy nói việc "khinh khí cầu" bay vào không phận Mỹ là một tai nạn bất khả kháng, đồng thời cáo buộc các chính trị gia và truyền thông Mỹ lợi dụng tình hình này để làm mất uy tín của Bắc Kinh.
Khí cầu bị nghi là khí cầu do thám của Trung Quốc đã khiến Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hoãn chuyến thăm Trung Quốc trong tuần này vốn dự kiến bắt đầu vào ngày thứ Sáu.
Việc hoãn chuyến đi của ông Blinken, đã được ông Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí vào tháng 11/2022, là đòn giáng mạnh vào nổ lực hòa hoãn mà nhiều người coi đây là cơ hội để ổn định mối quan hệ đang ngày càng rạn nứt giữa hai nước, theo nhận định của Reuters.
Trung Quốc mong muốn có một mối quan hệ ổn định với Mỹ để họ có thể tập trung vào nền kinh tế của mình, vốn đang điêu đứng vì chính sách zero-Covid hiện đã bị bãi bỏ và các nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi Trung Quốc vì lo ngại điều mà họ sợ nhất là Nhà nước quay lại can thiệp trực tiếp vào thị trường.
Lầu Năm Góc ngày thứ Sáu rói rằng một khí cầu khác của Trung Quốc đã được quan sát thấy tại Châu Mỹ la-tinh, nhưng không thông báo chính xác tại địa điểm.
(Reuters)
************************
Khinh khí cầu do thám : Quan hệ Mỹ-Trung rơi xuống một cấp độ mới
Barbara Plett Usher, BBC, 04/02/2023
Thậm chí trước khi Ngoại trưởng Anthony Blinken hoãn chuyến đi đến Bắc Kinh, mối quan hệ Mỹ - Trung đã xuống đến mức thấp nhất chưa từng có.
Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden có cuộc gặp mặt trực tiếp tại Thượng đỉnh G20 vào tháng 11/2022 ở Indonesia
Chỉ một ngày trước khi ông Blinken đến Trung Quốc tình trạng xuống cấp này đã trở nên rõ rệt, một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc đã bay qua bầu trời bang Montana, khiến những căng thẳng mà ông Blinken muốn giải quyết trỗi dậy.
Cuối cùng thì Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố chiếc khinh khí cầu không người lái được dùng trong hoạt động nghiên cứu thời tiết và đã bị chệch khỏi lộ trình dự kiến. Sự thể hiện tiếc nuối sau đó cho thấy Bắc Kinh không muốn vụ việc gây ảnh hưởng đến chuyến công du của vị ngoại trưởng Mỹ - lần đầu tiên trong 5 năm qua.
Nhưng đã có sự tổn hại. Vài giờ sau lời xin lỗi từ phía Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Mỹ đã hoãn chuyến đi. Trong bối cảnh sự rạn nứt trong mối quan hệ lan rộng, chuyến công du, trên hết là một lý do để ăn mừng. Thế nhưng hiện nay điều còn sót lại là cảm giác một cơ hội to lớn đã bị đánh mất.
Ngay từ đầu, giới chức Mỹ đã nêu rõ chuyến đi không phải về sự đột phá. Mà là về trao đổi. Ông Blinken muốn "tránh cạnh tranh biến thành xung đột".
"Một trong những cách thực hiện là đảm bảo bạn thật sự có đường dây liên lạc tốt," ông phát biểu hồi tháng rồi, kêu gọi "thiết lập những thanh chắn đường ray trong mối quan hệ".
Điều này có nghĩa là phục hồi các liên hệ thường xuyên và thiết lập các tiêu chuẩn làm việc.
Tôi nghĩ mục tiêu [là] căn bản đẩy nhanh cuộc Chiến tranh Lạnh này đến giai đoạn cải thiện, và kết quả là tránh được một cuộc Khủng hoảng Tên lửa Cuba," Jude Blanchette, chuyên gia về Trung Quốc từ Center for Strategic and International Studies (CSIS) cho biết.
Hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã trải qua một hành trình không dễ dàng.
Kỷ nguyên chiến tranh thương mại của cựu Tổng thống Trump, căng thẳng liên quan đến Đài Loan và một Trung Quốc ngày càng muốn khẳng định vị thế dưới thời của Tập Cận Bình đã làm chệch hướng mối quan hệ song phương trong những năm gần đây. Và mối quan hệ này đã tiếp tục xấu đi khi Trung Quốc từ chối lên án Nga liên quan đến cuộc xâm lược Ukraine.
Sau đó là cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Thượng đỉnh G20 hồi tháng 11/2022.
Hai nhà lãnh đạo đã thể hiện mong muốn tránh xung đột và giảm độ nóng trong ngôn từ.
Và ông Blinken đã muốn thiết lập dựa trên nền tảng này.
Chiến đấu cơ Mỹ lượn quanh khinh khí cầu do thám được phát hiện trên bầu trời Mỹ - Ảnh minh họa
Thậm chí trước vụ khinh khí cầu, sự chuyển biến là về giọng điệu, hơn là vấn đề cốt lõi.
Người Mỹ tiếp tục cứng rắn với các hạn chế kinh tế và mở rộng quân sự trong khu vực, điều khiến Bắc Kinh giận dữ.
Trong tuần qua, Nhật Bản và Hà Lan được cho đã đạt một thỏa thuận với Washington nhằm giới hạn việc xuất khẩu thiết bị sản xuất chip cao cấp đến Trung Quốc.
Điều này sẽ chỉ là một bước đi mới nhất của Mỹ để hạn chế việc Bắc Kinh có thể tiếp cận công nghệ chip bán dẫn mang tính nhạy cảm, cắt quốc gia này ra khỏi chuỗi cung ứng microchip.
"Điều này cho thấy Mỹ đã có lập trường cứng rắn hơn trong vấn đề chuyển giao công nghệ, cố gắng có được sự tham gia của các đồng minh," Giáo sư Chris Miller, chuyên về lịch sử quốc tế nói, người đã viết một quyển sách về căng thẳng Mỹ-Trung liên quan đến công nghệ chip.
Và trong vài ngày vừa qua, quân đội Mỹ tuyên bố đang mở rộng sự hiện diện tại Philippines - một trong những động thái tăng cường liên minh trong vùng khi Mỹ đã tự định vị đối phó với Trung Quốc trước quan ngại ngày càng gia tăng liên quan đến một cuộc xung đột có thể xảy ra với Đài Loan.
Nhưng chính quyền của Tổng thống Biden vẫn muốn hội đàm.
Ông Blanchett nói Nhà Trắng nghĩ đây là một thời điểm tốt để làm điều này, bởi vì Nhà Trắng đã có được một quãng thời gian củng cố sức mạnh với phe diều hâu tại Quốc hội Mỹ liên quan đến Trung Quốc, bằng cách thiết lập một đường hướng cứng rắn liên quan đến Bắc Kinh, vượt xa hơn các bước do cựu Tổng thống Donald Trump đã tiến hành.
Thay vào đó, vụ khinh khí cầu đã trao cho phe Cộng hòa một sự gợi mở để đi đầu trong nghĩa vụ đòi hỏi có hành động chống lại việc Trung Quốc "ngang nhiên phớt lờ chủ quyền của Mỹ".
Giới chức Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh rằng họ sẽ không từ bỏ, và các tiếp xúc ngoại giao vẫn tiếp tục thiết lập một cuộc gặp khác.
Barbara Plett Usher, Phóng viên Ngoại giao của BBC
Phần tường thuật bổ sung do Tessa Wong thực hiện.
***********************
Khinh khí cầu do thám của Trung Quốc đổi hướng bay trên không phận miền Trung Hoa Kỳ
Reuters, VOA, 04/02/2023
Khinh khí cầu do thám của Trung Quốc đã thay đổi hướng đi và hiện đang bay về phía đông ở độ cao khoảng 18.300 mét trên miền trung Hoa Kỳ, thể hiện khả năng cơ động, quân đội Hoa Kỳ cho biết ngày 3/2.
Khinh khí cầu do thám của Trung Quốc đã thay đổi hướng đi và hiện đang bay về phía đông ở độ cao khoảng 18.300 mét trên miền trung Hoa Kỳ (ảnh chụp ngày 1/2/2023).
Tiết lộ về khả năng cơ động của khinh khí cầu do thám trực tiếp thách thức khẳng định của Trung Quốc rằng khinh khí cầu này chỉ là một khí cầu dân sự đi lạc vào lãnh thổ Hoa Kỳ sau khi bị chệch hướng.
"Chúng tôi biết đây là khinh khí cầu (do thám) của Trung Quốc và có khả năng cơ động", Chuẩn tướng Không quân Patrick Ryder nói trong một cuộc họp báo tại Ngũ Giác Đài, từ chối cho biết chính xác nó được cung cấp năng lượng như thế nào hoặc ai ở Trung Quốc đang điều khiển đường bay của nó.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 1/2 quyết định không bắn hạ khinh khí cầu lúc nó bay ngang Montana vì quan ngại của quân đội Mỹ về khả năng làm vương cãi các mảnh vỡ, theo các giới chức Hoa Kỳ.
Ngũ Giác Đài dự trù khinh khí cầu sẽ tiếp tục di chuyển trên không phận Hoa Kỳ trong vài ngày nữa, tướng Ryder nói, từ chối suy đoán về những lựa chọn nào mà quân đội Hoa Kỳ có thể phát triển trong thời gian đó trong lúc người ta đang đồn đoán không biết Tổng thống Biden sẽ ra lệnh phá hủy hoặc có thể thu giữ khinh khí cầu hay không.
Tướng Ryder cho biết quân đội Hoa Kỳ sẽ không chỉ định vị trí chính xác của khí cầu bay ở miền trung Hoa Kỳ, nói rằng ông không muốn tham gia vào chu kỳ cập nhật "từng giờ".
Thượng nghị sĩ Roger Marshall từ Kansas nói khinh khí cầu do thám bay qua phía đông bắc bang của ông và nhân viên của ông đang liên lạc với các quan chức thực thi pháp luật.
"Tôi lên án bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm theo dõi người Mỹ. Tổng thống Biden phải bảo vệ chủ quyền của Hoa Kỳ", ông Marshall đăng trên Twitter.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã hoãn chuyến thăm Trung Quốc dự kiến bắt đầu vào ngày 3/2.
"Sau khi tham khảo với các đối tác liên ngành cũng như với Quốc hội, chúng tôi đã kết luận rằng các điều kiện hiện tại không phù hợp để Ngoại trưởng Blinken tới Trung Quốc," một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao nói với các phóng viên.
"Chúng tôi đã ghi nhận tuyên bố lấy làm tiếc của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nhưng sự hiện diện của khinh khí cầu này trong không phận của chúng tôi rõ ràng là vi phạm chủ quyền của chúng tôi cũng như luật pháp quốc tế và không thể chấp nhận được điều này đã xảy ra", quan chức này nói.
"Sáng sớm nay, Ngoại trưởng Mỹ đã chuyển cho Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị rằng chuyến đi cần phải hoãn lại. Nhưng Ngoại trưởng Mỹ cho biết rằng ông ấy sẽ lên kế hoạch đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sớm nhất có thể khi điều kiện cho phép".
ABC News trước đó đã trích dẫn một quan chức Hoa Kỳ nói rằng ông Blinken không muốn làm tình hình trở nên quá mức bằng cách hủy bỏ chuyến thăm của mình, nhưng cũng không muốn sự kiện khinh khí cầu chi phối các cuộc họp của ông với các quan chức Trung Quốc.
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Tom Cotton đã kêu gọi ông Blinken hủy bỏ chuyến đi của mình, trong khi cựu Tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump, một ứng cử viên tổng thống được tuyên bố cho năm 2024, đã đăng "Bắn hạ khinh khí cầu !" trên nền tảng truyền thông xã hội Truth của ông.
Trong một tuyên bố ngày 3/2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết khinh khí cầu này được dùng cho mục đích khí tượng dân sự và các mục đích khoa học khác và họ lấy làm tiếc là khinh khí cầu đã đi lạc vào không phận Hoa Kỳ.
Mất cơ hội ?
Việc hoãn chuyến đi của ông Blinken, vốn đã được Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý vào tháng 11 năm ngoái, là một đòn giáng mạnh vào những người ở cả hai bên, những người coi đây là cơ hội quá hạn để ổn định mối quan hệ ngày càng rạn nứt. Chuyến thăm cuối cùng của một ngoại trưởng Hoa Kỳ tới Trung Quốc là vào năm 2017.
Trung Quốc mong muốn có một mối quan hệ ổn định với Hoa Kỳ để họ có thể tập trung vào nền kinh tế của mình, vốn đang bị vùi dập bởi chính sách zero-COVID hiện đã bị bãi bỏ và bị các nhà đầu tư nước ngoài ngó lơ vì lo ngại nhà nước tái can thiệp vào thị trường.
Trong những tháng gần đây, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo thế giới, tìm cách thiết lập lại quan hệ và giải quyết những bất đồng.
Ông Daniel Russel, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về Châu Á dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, cho biết ông không thấy lý do chiến lược nào để hủy bỏ chuyến đi.
Ông nói : "Mỹ có những vấn đề lớn hơn nhiều để đối đầu với Trung Quốc hơn là một khinh khí cầu do thám, và việc mất đi sự giao tiếp cấp cao này sẽ cản trở nỗ lực tạo nền tảng cho mối quan hệ".
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã trở nên xấu đi trong những năm gần đây, đặc biệt là sau chuyến thăm của nguyên Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tới Đài Loan vào tháng 8 năm ngoái, đã thúc đẩy các cuộc tập trận quân sự đầy kịch tính của Trung Quốc gần hòn đảo tự trị này.
Giá trị tình báo có giới hạn
Một quan chức Mỹ cho biết khinh khí cầu được đánh giá là có "giá trị bổ sung hạn chế từ góc độ thu thập thông tin tình báo".
Một quan chức Mỹ nói đường bay của khinh khí cầu sẽ bay qua một số địa điểm nhạy cảm nhưng không cho biết chi tiết. Căn cứ Không quân Malmstrom ở Montana là nơi đặt 150 hầm chứa phi đạn đạn đạo xuyên lục địa.
Sân bay Billings, Montana, đã ban hành lệnh ngưng hoạt động ở mặt đất khi quân đội huy động các khí tài bao gồm máy bay chiến đấu F-22 trong trường hợp ông Biden ra lệnh bắn hạ khinh khí cầu.
Những quả khinh khí cầu như vậy thường hoạt động ở độ cao 24.000-37.000 mét, cao hơn nhiều so với giao thông hàng không thương mại. Máy bay chiến đấu hiệu suất cao nhất thường không hoạt động trên độ cao 24.000 mét, mặc dù các máy bay do thám như U-2 bay từ 24.000 mét trở lên.
Các nhà phân tích và ngoại giao cho biết, từ các vệ tinh do thám quân sự trong không gian cho đến máy bay tình báo điện tử tiên tiến và tàu ngầm, Hoa Kỳ thường xuyên triển khai một loạt phương tiện để theo dõi quá trình xây dựng quân đội của Trung Quốc. Trung Quốc thường phàn nàn về việc theo dõi của Hoa Kỳ, bao gồm cả việc triển khai tàu hoặc máy bay gần các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc.
Các vệ tinh do thám của Trung Quốc mang các cảm biến tương tự như những gì mà các quan chức Mỹ tin là có trên khinh khí cầu do thám, đặt ra câu hỏi về lý do tại sao Bắc Kinh lại mạo hiểm thực hiện một hành động trắng trợn như vậy trước thềm một sự kiện ngoại giao lớn.
Tuy nhiên, các quan chức cho biết khinh khí cầu do thám Trung Quốc đã thực hiện một đường bay có thể mang nó qua một số địa điểm nhạy cảm như các căn cứ quân sự, bao gồm cả ở Montana, nơi đặt các hầm chứa phi đạn đạn đạo xuyên lục địa.
(Reuters)
Nguồn : VOA, 04/02/2023
**************************
Khinh khí cầu Trung Quốc trên lãnh thổ Mỹ : Bắc Kinh phản công
Thanh Hà, RFI, 04/01/2023
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 04/02/2023 tố cáo Hoa Kỳ lợi dụng vụ khinh khí cầu nhằm "bôi nhọ hình ảnh của Trung Quốc". Trước đó, Bắc Kinh nhìn nhận đây là "một sự cố nghiêm trọng" và cam kết "kiểm tra thêm thông tin" về vụ một "quả khinh khí cầu" của Trung Quốc bay trên không phận bang Montana gần các cơ sở quân sự của Hoa Kỳ.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hoãn chuyến công du Bắc Kinh sau vụ khinh khí cầu Trung Quốc thâm nhập không phận Mỹ. Ảnh minh họa ngoại trưởng Mỹ tại Nusa Dua, Bali, Indonesia, ngày 09/07/2022. AP - Stefani Reynolds
Ngành ngoại giao Trung Quốc thay đổi thái độ sau khi bộ trưởng Antony Blinken thông báo hủy chuyến công du Bắc Kinh dự trù diễn ra trong hai ngày 05-06/02.
Trong cuộc điện đàm ngày 03/02 với đối tác Trung Quốc, ngoại trưởng Mỹ giải thích hoãn "vô thời hạn" chương trình đến Bắc Kinh do "thời điểm không thích hợp" sau "hành vi vô trách nhiệm" của phía Trung Quốc. Ở đầu dây bên kia, cựu ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, vừa được chỉ định vào chức vụ chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại trung ương Đảng, nhấn mạnh rằng "Trung Quốc luôn tôn trọng lãnh thổ và không phận của tất cả các quốc gia có chủ quyền". Bắc Kinh đồng thời coi những cáo buộc vừa nêu là "không có cơ sở".
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc sáng nay 04/02 tố cáo "một số giới chức chính trị và truyền thông Hoa Kỳ khai thác sự cố này để tấn công và làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc". Để gỡ thể diện, thông cáo cho biết thêm : cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ đều không chính thức thông báo chuyến công du Bắc Kinh của ông Blinken.
Theo thông tín viên Stéphane Lagarde từ Bắc Kinh, việc Mỹ hủy chuyến công du của ngoại trưởng Blinken đến Bắc Kinh khiến Trung Quốc thất vọng nên đã thay đổi thái độ, chuyển sang thế phản công.
"Ngành ngoại giao Trung Quốc thừa nhận đây là một quả khinh khí cầu của Trung Quốc và cụ thể, "vật thể này mang tính dân sự", không người lái, có nhiệm vụ "chủ yếu nghiên cứu về hiện tượng khí hậu".
Thông cáo của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao giải thích thêm khinh khí cầu đã thâm nhập lãnh thổ Hoa Kỳ, bị gió ở trên cao đẩy ra khỏi hành trình như dự tính. Theo Bắc Kinh đây là một trường hợp "bất khả kháng". Từ ngữ được sử dụng nhằm rũ bỏ một phần trách nhiệm trước những cáo buộc thâm nhập lãnh thổ Hoa Kỳ - do đây là hiện tượng ngoài ý muốn, như khi xảy ra thiên tai. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết thêm là sẽ "tiếp tục cung cấp thông tin với phía Mỹ và giải quyết đúng đắn tình huống bất ngờ này".
Trước đó, Bắc Kinh cũng đã thông báo sẽ kiểm tra thêm thông tin, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế. Nhưng những lời lẽ lấy làm tiếc nói trên, và phải nói đây là một thái độ hiếm thấy từ phía chính quyền Trung Quốc, đã không ngăn cản ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hoãn chuyến công du Bắc Kinh. Chuyến đi này nhẽ ra là nhằm hàn gắn bang giao Mỹ - Trung đã xấu đi trong thời gian gần đây".
Thanh Hà
*************************
Một khinh khí cầu "do thám" thứ hai của Trung Quốc được phát hiện trên Châu Mỹ La tinh
Thanh Phương, RFI, 04/02/2023
Một khinh khí cầu "do thám" thứ hai của Trung Quốc đã được phát hiện trên không phận Châu Mỹ La tinh, theo thông báo của Lầu Năm Góc hôm 03/02/2023. Diễn tiến mới này gây thêm căng thẳng cho quan hệ Mỹ-Trung, khiến ngoại trưởng Antony Blinken phải đình hoãn vô thời hạn chuyến đi Bắc Kinh.
Khinh khí cầu "do thám" của Trung Quốc bay trên Billings, bang Montana, Mỹ, ngày 01/02/2023. © AP/Larry Mayer
Hôm 02/02, Hoa Kỳ cũng đã thông báo phát hiện một khinh khí cầu mà Trung Quốc gọi là "bóng thám không" trên không phận nước Mỹ. Mặc dù Bắc Kinh đã "lấy làm tiếc" về vụ xâm phạm "không cố ý" không phận Hoa Kỳ, chính quyền tổng thống Joe Biden vẫn cho vụ này là "không thể chấp nhận được".
Từ New York, thông tín viên Carrie Nooten tường trình :
"Antony Blinken cho biết ông ghi nhận những lời lấy làm tiếc của Trung Quốc. Ông đã nói điều đó với đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị, nhưng vẫn lên án "một hành động vô trách nhiệm và một sự xâm phạm chủ quyền của Hoa Kỳ".
Vụ này đủ để phá hỏng mục tiêu của chuyến đi được coi là chuyến viếng thăm đánh dấu sự xích lại gần nhau. Đây là lần đầu tiên một ngoại trưởng Mỹ đặt chân đến Bắc Kinh. Nhưng ông Blinken cũng cố làm dịu tình hình, khẳng định là các đường dây liên lạc với Trung Quốc vẫn để mở.
Trước mắt, ưu tiên đối với ông, là quả khinh khí cầu Trung Quốc phải rời khỏi không phận Hoa Kỳ. Nhất là vụ này đã gây phản ứng mạnh trong chính giới Mỹ và có thể trở thành vấn đề gây thêm đối đầu giữa phe Dân chủ và phe Cộng hòa.
Trong khi vào hôm trước, nhà chức trách Hoa Kỳ cho rằng không cần bắn rơi quả bóng ở độ cao 18.000 mét, nhiều nghị sĩ phe đối lập nay đã công khai yêu cầu phải bắn hạ quả bóng đó. Trên mạng xã hội Truth Social của ông, cựu tổng thống Trump cũng yêu cầu như vậy".
Thanh Phương
***********************
Trung Quốc nói khinh khí cầu do thám bay qua Mỹ là thiết bị thời tiết
Kelly Ng, BBC, 03/02/2023
Trung Quốc cho biết khinh khí cầu do thám được phát hiện trên bầu trời Mỹ là một "khí cầu dân sự" của Trung Quốc đã đi chệch khỏi lộ trình dự kiến.
Khinh khí cầu của Trung Quốc bị tình nghi là do thám được phát hiện trên thành phố Billings ở bang Montana
Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết họ tin rằng khinh khí cầu, được nhìn thấy trên các khu vực nhạy cảm trong những ngày gần đây, thực tế là một thiết bị "giám sát tầm cao".
Nhưng trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nó được sử dụng "chủ yếu cho mục đích khí tượng".
Trung Quốc "lấy làm tiếc về việc xâm nhập ngoài ý muốn" của khinh khí cầu vào không phận Hoa Kỳ, tuyên bố nói thêm.
Theo các quan chức, vật thể này đã bay qua Quần đảo Aleutian của Alaska rồi qua Canada trước khi xuất hiện trên bầu trời thành phố Billings ở Montana hôm thứ Tư. Montana là nơi đặt một số hầm chứa tên lửa hạt nhân của Hoa Kỳ.
Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết Hoa Kỳ quyết định không bắn hạ khinh khí cầu vì mối nguy hiểm do các mảnh vỡ rơi xuống gây ra, và việc sử dụng hạn chế bất kỳ thông tin tình báo nào mà thiết bị này có thể thu thập được. Tuy nhiên, chính phủ đã chuẩn bị máy bay chiến đấu trong trường hợp vật thể này phải bị bắn hạ.
Tuyên bố của Trung Quốc cho biết khinh khí cầu bị gió bất ngờ thổi bay khỏi lộ trình. "Bị tác động bởi Westerlies và với khả năng tự điều khiển hạn chế, khinh khí cầu đã đi chệch hướng quá xa so với kế hoạch. Phía Trung Quốc lấy làm tiếc về việc khinh khí cầu này vô tình đi vào không phận Hoa Kỳ vì lý do bất khả kháng".
Tuyên bố gọi vụ việc là một "tình huống bất ngờ" và cho biết Bắc Kinh sẽ tiếp tục liên lạc với phía Hoa Kỳ.
Hôm thứ Sáu (3/2), Canada cho biết họ đã triệu tập đại sứ Trung Quốc về vụ việc và sẽ tiếp tục "bày tỏ mạnh mẽ" lập trường của mình với các quan chức Trung Quốc.
Các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ đã đưa tin về khinh khí cầu có kích thước bằng ba chiếc xe buýt.
Trong cuộc họp báo hôm thứ Năm tại Lầu Năm Góc, các quan chức quốc phòng Mỹ từ chối tiết lộ vị trí hiện tại của khí cầu và không cung cấp thông tin nó được thả đi từ đâu
Họ nói thêm rằng khinh khí cầu "dường như lơ lửng trong một khoảng thời gian dài hơn" so với những khinh khí cầu khác mà Hoa Kỳ đã theo dõi trong vài năm qua.
Ban đầu, Trung Quốc cảnh báo chống lại "những phỏng đoán và thổi phồng vấn đề" trong khi họ đang làm việc để "xác minh" các báo cáo về khinh khí cầu, trong khi cơ quan truyền thông nhà nước Hoàn cầu Thời báo cáo buộc Hoa Kỳ làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa hai nước.
Bất chấp lời giải thích của Trung Quốc, vụ việc có khả năng làm gia tăng căng thẳng trước thềm chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vào tuần tới. Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên đến đất nước này của một ngoại trưởng dưới thời chính quyền Biden.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ sẽ có mặt tại Bắc Kinh để hội đàm về nhiều vấn đề, bao gồm an ninh, Đài Loan và Covid-19.
Kelly Ng
************************
Mỹ phát hiện khinh khí cầu Trung Quốc gần các cơ sở quân sự
Thanh Hà, RFI, 03/02/2023
Trung Quốc phải chăng đã tung khinh khí cầu để dọ thám Mỹ và Canada ? Lầu Năm Góc ngày 02/02/2023 tiết lộ đã phát hiện một quả khinh khí cầu của Trung Quốc gần các cơ sở nhạy cảm của quân đội Mỹ. Tổng thống Joe Biden đã tham khảo quân đội về khả năng bắn hạ "vật thể" lạ, nhưng đã dừng lại do nguy cơ các mảnh vỡ có thể rơi xuống những khu dân cư. Canada cũng cho mở điều tra về "khả năng xảy ra một sự cố tương tự".
Ảnh lấy từ các mạng xã hội : Một khinh khí cầu trên bầu trời Billings, bang Montana, Hoa Kỳ, ngày 01/02/2023. Chase Doak via Reuters - Chase Doak
Bắc Kinh kêu gọi các bên "kềm chế" và khẳng định đang "nghiên cứu" các thông tin trên, đồng thời khẳng định Trung Quốc luôn "tôn trọng luật pháp quốc tế", "không xâm phạm lãnh thổ và không phận của một quốc gia có chủ quyền".
Hãng tin Mỹ AP trích lời một quan chức cao cấp của bộ Quốc Phòng cho biết khinh khí cầu đã được phát hiện tại bang Montana "từ một vài ngày qua", gần căn cứ không quân Malmstrom. Đây là nơi đặt ba dàn phóng tên lửa xuyên lục địa của Hoa Kỳ.
Một quan chức trong quân đội Mỹ, Patrick Ryder, đặc trách về báo chí, nhấn mạnh hiện tại quả khinh khí cầu nói trên "không phải là một mối đe dọa về mặt quân sự hay đối với các cư dân Mỹ trong khu vực". Ông nói thêm cách nay vài năm một hiện tượng tương tự từng xảy ra.
Chính quyền Biden cho biết làm mọi cách để bảo đảm công cụ dọ thám nói trên không thu thập được những thông tin nhạy cảm. Các hoạt động tại phi trường quốc tế bang Montana Billings Logan đã bị gián đoạn trong hai giờ đồng hồ, từ 1 giờ 30 đến 3 giờ 30 ngày Thứ tư 01/02/2023. Theo AP, đó là khoảng thời gian trong khi chờ đợi Nhà Trắng tính đến giải pháp "quân sự". Nhưng kịch bản đó rốt cuộc đã không xảy ra như giải thích của thông tín viên RFI từ New York, Carrie Nooten :
Một quả khinh khí cầu trắng từ nhiều ngày qua bay trên bầu trời Mỹ ở độ cao hơn các tuyến không lưu của những chuyến bay thương mại. Bộ Tư lệnh Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ của Hoa Kỳ đã theo dõi hoạt động của vật thể bay này. Quả khinh khí cầu được phát hiện trên bầu trời bang Montana, gần các căn cứ quân sự và cơ sở chiến lược được sử dụng để phóng tên lửa. Mỹ cũng đã huy động cả chiến đấu cơ để theo dõi khinh khí cầu này. Washington quả quyết đây là một hoạt động dọ thám do Bắc Kinh tiến hành, và đây cũng không phải là lần đầu tiên một một vật thể bay của Trung Quốc lai vãng trên bầu trời Mỹ.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã tham khảo ý kiến bộ trưởng quốc phòng Lloyd Austin về khả năng bắn hạ quả khinh khí cầu nói trên. Nhưng có nguy cơ là các mảnh vỡ rơi xuống những khu dân cư. Cân nhắc hậu quả đó với những thông tin mà Washington cho là không quan trọng lắm mà quả khinh khí cầu này có thể đã thu thập được, rốt cuộc chính quyền đã dừng tay. Tuy nhiên Hoa Kỳ đã nêu bật mức độ nghiêm trọng của vụ việc với phía Trung Quốc. Sự cố này chắc chắn sẽ là một chủ đề mà ngoại trưởng Mỹ, Antony Blinken sẽ đề cập đến trong chuyến công du tại Bắc Kinh vào ngày Chủ nhật và Thứ hai tới.
Thanh Hà