Hệ quả nào cho Việt Nam khi bị liệt vào danh sách CPC ? (Quang Nguyên - Nguyễn Đình Thắng)
Việt Nam bị đưa vào danh sách SWL là một bước ngoặt quan trọng vì các động thái đàn áp tôn giáo của nhà nước Việt Nam từ nay sẽ bị giám sát chặt chẽ không chỉ bởi Hoa Kỳ mà còn bởi các quốc gia đồng minh và Liên Hiệp Quốc.
Hệ quả nào cho Việt Nam khi bị liệt vào danh sách cần quan sát đặc biệt về tự do tôn giáo ?
Quang Nguyên, Nguyễn Đình Thắng VNTB, 21/12/2022
Các thủ phạm phải đối mặt triển vọng bị chế tài cá nhân và chế độ tiến gần đến nguy cơ bị cấm vận.
Phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tổ chức BPSOS, về tự do tôn giáo tại Việt Nam
Quang Nguyên : Kính thưa Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng Chủ Tịch kiêm tổng Giám Đốc tổ chức BPSOS. Nhân dịp Việt Nam bị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ liệt vào danh sách cần quan sát đặc biệt về tự do tôn giáo, Special Watch List, xin Tiến sĩ vui lòng cho độc giả VNTB biết qua về quyết định này của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và hệ quả của nó thế nào đối với Việt Nam ?
Nguyễn Đình Thắng : Các thủ phạm phải đối mặt triển vọng bị chế tài cá nhân và chế độ tiến gần đến nguy cơ bị cấm vận.
Theo luật Hoa Kỳ, quốc gia hội đủ 2 trong 3 tiêu chí về đàn áp tôn giáo — nghiêm trọng, có hệ thống, liên tục — thì xứng đáng ở trong "Danh Sách Theo Dõi Đặc Biệt" (Special Watch List, viết tắt là SWL). Khi ấy, luật Hoa Kỳ đòi hỏi Bộ Ngoại giao phải báo cáo Quốc hội một cách chi tiết :
– Các sự kiện vi phạm quyền tự do tôn giáo ở quốc gia đó
– Danh tính các thủ phạm đằng sau mỗi vụ vi phạm
– Các biện pháp chế tài đã áp dụng cho từng thủ phạm
Các thủ phạm bao gồm giới chức chính quyền và những thành phần ngoài chính quyền. Các biện pháp chế tài tổng hợp bao gồm bị cấm nhập cảnh Hoa Kỳ vĩnh viễn và nếu đang ở Hoa Kỳ thì bị trục xuất – thân nhân trực hệ cũng thế ; tài sản ở Hoa Kỳ, nếu có, có thể bị đóng băng. Ngày 9 tháng 12 vừa rồi, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lần đầu công bố chế tài một sĩ quan công an Việt Nam, xem như là lời cảnh cáo nhắn gửi mọi thủ phạm.
Quốc gia hội đủ cả 3 tiêu chí thì bị chỉ định là Quốc Gia cần Quan Tâm Đặc Biệt (Country of Particular Concern, viết tắt là CPC). Các biện pháp trừng phạt đối với quốc gia CPC bao gồm nhiều nấc mà cao nhất là cấm vận.
Bị đưa vào danh sách SWL có thể hiểu là lời cảnh cáo về nguy cơ bị chỉ định CPC đến nơi.
Quan trọng không kém là yếu tố "mặt mũi". Các chế độ độc tài, do thiếu chính danh, thường đặt nặng sĩ diện. Khi Việt Nam ngồi vào "ghế nóng" của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đầu năm 2023 thì trán đã bị dán nhãn "theo dõi đặc biệt" vì đàn áp tôn giáo và "Hạng 3" về buôn người. Bẽ mặt và đáng xấu hổ.
Quang Nguyên : Chúng tôi theo dõi lâu nay thấy BPSOS có mặt trong các Hội nghị về tự do tôn giáo, đặc biệt như các Hội nghị thượng đỉnh các quốc gia về tự do tôn giáo và Hội nghị về tự do tôn giáo vùng Đông Nam Á, xin Tiến sĩ vui lòng cho biết vai trò của BPSOS trong các Hội nghị như thế này. Tại những Hội nghị thế này BPSOS đã có hành động cụ thể nào bênh vực riêng cho tự do tôn giáo Việt Nam.
Nguyễn Đình Thắng : Các Hội nghị này cấu thành một phần của "sân chơi" quốc tế nơi luật chơi công bằng và minh bạch. Mục đích của công cuộc quốc tế vận của BPSOS từ 1997 đến nay là tạo sân chơi lẫn luật chơi quốc tế ngày càng thuận lợi cho những người đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo. Một số ví dụ cụ thể trong thời gian gần đây :
1. Năm 2015, cùng với Báo cáo viên đặc biệt Liên Hiệp Quốc về Tự do Tôn giáo hay Niềm tin, một tổ chức nhân quyền khu vực và một tổ chức luật sư nhân quyền quốc tế, BPSOS khởi xướng Hội nghị Tự do Tôn giáo hay Niềm tin Khu vực Đông Nam Á (Southeast Asia Freedom of Religion or Belief Conference, gọi tắt là SEAFORB Conference). Sự kiện này được tổ chức mỗi năm ở một quốc gia Đông Nam Á với sự tham dự của hàng trăm nhà đấu tranh, chuyên gia, giới chức Liên Hiệp Quốc, giới chức chính quyền trong khu vực và quốc tế, nạn nhân làm nhân chứng…
2. Năm 2016, chúng tôi khởi xướng Bàn tròn Tự do Tôn giáo hay Niềm tin Việt Nam (Vietnam FORB Roundtable, gọi tắt là Việt NamFORB Roundtable), là diễn đàn trực tuyến hàng tháng để các thành phần quan tâm đến tự do tôn giáo ở Việt Nam trao đổi kinh nghiệm, cập nhật thông tin, và phối hợp hành động.
3. Năm 2018 và 2019, chúng tôi hỗ trợ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức Hội nghị cấp Bộ trưởng cho Tự do Tôn giáo Quốc tế (International Religious Freedom Ministerial, gọi tắt là IRF Ministerial) ở thủ đô Washington DC với sự tham gia của gần 100 quốc gia và nhiều trăm đại diện xã hội dân sự. Bị tạm ngưng 2 năm do dịch bệnh, Hội nghị cấp bộ trưởng năm 2022 được Bộ Ngoại giao Anh triệu tập đầu tháng 7 ở London.
4. Năm 2021 và 2022, chúng tôi đồng tổ chức Hội nghị Thượng Đỉnh Tự do Tôn giáo (International Religious Freedom Summit, gọi tắt là IRF Summit) ở thủ đô Hoa Kỳ với mục đích huy động quần chúng để dấy lên phong trào toàn cầu bảo vệ tự do tôn giáo. Năm 2021 có 800 và năm 2022 có 1000 tham dự viên. Hội nghị năm 2023 sẽ diễn ra trong 2 ngày 31/1 và 1/2 tới đây tại Washington DC.
Vì giữ vai trò ảnh hưởng, chúng tôi đã đưa vấn đề Việt Nam vào chương trình nghị sự của các Hội nghị này và qua đó tạo cơ hội cho các cộng đồng bị bách hại ở Việt Nam bước vào sân chơi quốc tế.
BPSOS đã cùng với một số tổ chức đã chung sức ảnh hưởng luật chơi trên sân chơi quốc tế :
1. Vận động thành công Quốc hội Hoa Kỳ thông qua Luật Tự do Tôn giáo Quốc tế Frank Wolf, bổ sung cho Luật Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 1998. Luật bổ sung, hiệu lực cuối năm 2016, thiết lập danh sách SWL mà Việt Nam vừa bị Bộ Ngoại giao đưa vào.
2. Vận động thành công Quốc hội Hoa Kỳ thông qua Luật Magnitsky Toàn Cầu. Hiệu lực cuối năm 2016, luật này tăng cường các biện pháp chế tài cá nhân nhắm vào các thủ phạm đàn áp nhân quyền một cách nghiêm trọng.
3. Đầu năm 2017, tham gia liên minh hơn 100 tổ chức để cùng nhau khai thác Luật Magnitsky Toàn Cầu. BPSOS đã cung cấp danh sách 180 giới chức Việt Nam để đề nghị Bộ Ngoại giao và Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ chế tài.
4. Giữa năm 2021, tham gia liên minh của khoảng 20 tổ chức vận động chế tài các thủ phạm "đàn áp xuyên quốc gia" như sách nhiễu, đe doạ, hãm hại các người bảo vệ nhân quyền đang lưu vong hoặc thân nhân ở trong nước của họ. Biện pháp chế tài mới này được Ngoại Trưởng Antony Blinken đề xuất. Một thành viên của chi phái Cao Đài "quốc doanh" hoạt động ở Hoa Kỳ là thủ phạm đầu tiên bị đề nghị chế tài.
Quang Nguyên : BPSOS đã dành được sự hỗ trợ thế nào, cụ thể về vấn đề gì với các giới chức quốc tế và Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy tự do tôn giáo và tín ngưỡng ở Việt Nam.
Nguyễn Đình Thắng : Chúng tôi chủ trương phát triển quan hệ đối tác qua lại ngang bằng và bền vững với các cơ quan chính quyền dân chủ, các định chế nhân quyền Liên Hiệp Quốc, và các tổ chức quốc tế hơn là tìm sự hỗ trợ một chiều từ họ. Các quan hệ đối tác càng lan rộng, chúng tôi càng dễ huy động quốc tế ủng hộ công cuộc tranh đấu cho tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Cận thời điểm Bộ Ngoại giao đánh giá các quốc gia có thành tích nổi bật về vi phạm tự do tôn giáo, chúng tôi gia tăng các phép thử dành cho nhà nước Việt Nam. Một ví dụ về phép thử là dò xét thái độ của nhà nước Việt Nam khi công dân tham gia "Ngày Quốc tế 22 tháng 8" tưởng niệm các nạn nhân của bạo lực vì lý do tôn giáo hay niềm tin. Tháng 5/2019, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết thành lập ngày này với sự đồng thuận của mọi quốc gia thành viên hiện diện, trong đó có Việt Nam.
Chúng tôi kêu gọi Liên minh Quốc tế cho Tự do Tôn giáo hay Niềm tin (International Religious Freedom or Belief Alliance, gọi tắt là IRFBA) gồm 42 quốc gia, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, và một số định chế nhân quyền của Liên Hiệp Quốc theo dõi sát tình hình ở Việt Nam quanh ngày 22/8. Đúng ngày, 7 tòa đại sứ phương tây ở Việt Nam đồng loạt tuyên bố ủng hộ việc tham gia ngày quốc tế này. Đồng thời, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nêu trường hợp của Ông Nguyễn Bắc Truyển trong số 8 nạn nhân tiêu biểu cho ngày tưởng niệm.
Có 54 cộng đồng và tổ chức thuộc các tôn giáo Cao Đài, Phật Giáo, Công Giáo và Tin Lành Tây Nguyên ở Việt Nam đã tham gia ngày tưởng niệm. Chính quyền gây khó dễ, đe doạ và thậm chí trừng phạt trên một chục cá nhân. Các vi phạm đều lập tức bị báo cáo. Kết quả là 4 định chế nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đồng loạt lên tiếng phản đối chỉ 2 tuần sau đó. Giới chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và của nhiều quốc gia bày tỏ sự thất vọng.
Mục tiêu của ác phép thử như vậy là cung cấp dữ liệu cho Bộ Ngoại giao để đánh giá chính xác mức độ đàn áp tôn giáo ở Việt Nam. Kết quả là Việt Nam bị đưa vào danh sách theo dõi đặc biệt.
Quang Nguyên : Trong bản báo cáo về tự do tôn giáo quốc tế năm 2021 và năm 2022, Bộ Ngoại giao chỉ nêu đích danh tổ chức BPSOS là nguồn thông tin. Tác động và ảnh hưởng của BPSOS thế nào trong việc Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào SWL ?
Nguyễn Đình Thắng : Bộ Ngoại giao chắc chắn đã nhận thông tin từ nhiều nguồn. Bộ Ngoại giao chỉ nêu đích danh BPSOS là nguồn tin có lẽ vì thấy ở BPSOS điểm nổi bật là chúng tôi tạo cơ hội để chính các cộng đồng bị bách hại bước vào sân chơi quốc tế và báo cáo vi phạm trực tiếp với Bộ Ngoại giao một cách nhanh chóng, chính xác, chi tiết.
Ví dụ, cuối tháng 6 vừa rồi, Bà Nguyễn Xuân Mai, nữ Chánh trị sự Cao Đài ở Vĩnh Long, tham gia Hội nghị Thượng Đỉnh ở thủ đô Hoa Kỳ do BPSOS đồng tổ chức. Dịp này bà đã tiếp xúc nhiều giới chức lập pháp và hành pháp Hoa Kỳ kể cả Đại sứ lưu động đặc trách Tự do Tôn giáo Quốc tế Rashad Hussain, người có thẩm quyền trực tiếp về quyết định đưa Việt Nam vào danh sách SWL. Trước khi bà Xuân Mai về nước, nhiều giới chức Hoa Kỳ đã công khai gửi lời chúc an toàn với ngụ ý nhắc nhở nhà nước Việt Nam là Hoa Kỳ đang theo dõi sát chuyến trở về của nữ chức việc Cao Đài này.
Tại phi trường Tân Sơn Nhứt, Bà Xuân Mai bị công an đưa vào phòng riêng để thẩm vấn trong nhiều tiếng đồng hồ. Công an lục soát toàn thân thể của bà, xúc phạm đến phẩm giá của một phụ nữ là chức việc Đạo Cao Đài. Sự việc được báo cáo ngay cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Liên Hiệp Quốc, và Ban chỉ đạo của Hội nghị thượng đỉnh. Tất cả đều thể hiện sự bất bình.
Cuối tháng 9, Đại sứ Hussain cử 2 phụ tá trong toán tiền trạm đến Việt Nam trước khi đích thân tham gia cuộc đối thoại nhân quyền Hoa Kỳ – Việt Nam vào đầu tháng 11 ở Hà Nội. Hai vị phụ tá này đã gặp Bà Xuân Mai để lấy thêm thông tin nhằm báo cáo về Bộ Ngoại giao.
Một trong 2 vị phụ tá ấy, sau khi vừa xong cuộc đối thoại nhân quyền, đã bay thẳng từ Hà Nội đến Bali, Indonesia để tham dự Hội nghị SEAFORB do BPSOS đồng tổ chức. Tại đây, viên chức này được 2 đồng đạo của Bà Xuân Mai đến từ Việt Nam báo cáo là bà đã bị chặn tại phi trường Tân Sơn Nhứt nên không thể cùng đến Bali.
Qua cách hành xử bất chấp luật quốc gia và các cam kết quốc tế, nhà nước Việt Nam tạo chứng cứ bất lợi cho chính họ. BPSOS tạo cơ hội và cung cấp phương tiện để chính các nạn nhân đưa các chứng cứ ấy đến với quốc tế kèm với các đề nghị về hành động. Tiếng nói của ngày càng thêm nạn nhân làm nhân chứng và người hành động đã thuyết phục Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt.
Quang Nguyên : Chúng tôi được biết có nhiều tổ chức trên thế giới, trong đó có cả của người Việt, đã từng lên tiếng bênh vực tự do tôn giáo cho Việt Nam. Xin Tiến sĩ, nếu có thể được, vui lòng cho biết ảnh hưởng của họ trên quyết định này của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ?
Nguyễn Đình Thắng : Tôi biết về một số nỗ lực nhưng không biết hết. Điều này không quan trọng vì đằng nào "lên tiếng bênh vực" cũng không là cách làm của BPSOS. Thay vào đó, chúng tôi hỗ trợ để nạn nhân chuyển mình thành nhân chứng, rồi nhân chứng thành người hành động.
Nạn nhân là người có tâm thế tiêu cực, chỉ biết ta thán và cầu cứu người khác.
Nhân chứng là người đủ bản lĩnh để đứng ra ố cáo sự vi phạm và điểm mặt thủ phạm.
Người hành động là người chủ động thay đổi thân phận của chính mình bằng năng lực nội tại kèm với sự hỗ trợ từ ngoài.
Chính những nạn nhân đã trở thành nhân chứng và người hành động đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, chứ không ai khác.
Quang Nguyên : Xin vui lòng cho VNTB biết trong việc tranh đấu cho tự do tôn giáo Việt Nam, tổ chức BPSOS đã liên lạc và giúp đỡ thiết thực thế nào cho bao nhiêu cộng đồng tôn giáo ở Việt Nam ? Và những hoạt động của các cộng đồng này có ảnh hưởng thế nào đến quyết định của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ?
Nguyễn Đình Thắng : Muốn biến mình thành nhân chứng thì trước hết nạn nhân, bao gồm cá nhân và cả cộng đồng, phải ý thức được quyền của mình, biết nhà nước đã cam kết những gì với Liên Hiệp Quốc, và biết những cam kết quốc tế nào đã được "luật hóa" vào hệ thống luật quốc gia. Kế đến, họ phải nhận diện các hình thức vi phạm và biết cách báo cáo vi phạm theo tiêu chuẩn và thủ tục của Liên Hiệp Quốc.
Để hỗ trợ cho sự chuyển hóa này, từ năm 2015 chúng tôi cung ứng các khóa đào tạo ngắn hạn về luật quốc tế và luật Việt Nam liên quan đến quyền tự do tôn giáo, và cách thu thập và phối kiểm thông tin về những vụ vi phạm. Đến nay, khoảng 2 nghìn người đến từ hơn 200 cộng đồng tôn giáo và sắc tộc đã được đào tạo. Họ là nguồn thông tin cho khoảng 500 bản báo cáo vị phạm mà chúng tôi gửi cho Liên Hiệp Quốc, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, và một số quốc gia trong liên minh IRFBA cũng như chia sẻ với nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế là đối tác cận kề của chúng tôi.
Để chuẩn bị cho những người hành động, cũng từ năm 2015 chúng tôi cung ứng khóa đào tạo kéo dài 12 tháng cho khoảng 400 thành viên cốt lõi của số cộng đồng kể trên. Qua đó, họ được trang bị các kiến thức và kỹ năng để hội nhập sân chơi quốc tế và rồi phối hợp với các đối tác quốc tế để đẩy lùi dần chính sách đàn áp tôn giáo ở Việt Nam. Qua khóa đào tạo dài hạn này, học viên học cách phân tích vấn đề, tìm giải pháp, ứng xử trong các tình huống khó khăn, vận động quốc tế, liên kết, truyền thông, điều hành, đánh giá…
Dĩ nhiên, 12 tháng là thời gian chỉ đủ để tập sự. Họ cần sự hỗ trợ của các chuyên gia trong những lĩnh vực chuyên môn mà họ có khi phải mất nhiều năm hoặc nhiều thập niên để trở thành thuần thục. Để làm nhẹ gánh cho các cộng đồng tôn giáo và sắc tộc đang bị bách hại, chúng tôi hình thành các toán hỗ trợ chuyên về pháp lý, báo cáo vi phạm, phiên dịch, thông dịch, vận động quốc tế, lập hồ sơ chế tài, truyền thông… Người hành động không cần trở thành chuyên gia mà chỉ cần biết cách sử dụng sự hỗ trợ của các toán chuyên môn kể trên.
Khoảng hơn 90% số cộng đồng với quyết tâm thay đổi đã chứng kiến sự thay đổi : người dân bản lĩnh hơn và chính quyền e dè hơn. Khi nạn nhân thoát khỏi tâm thế nạn nhân để trở thành nhân chứng và người hành động, chính quyền càng đàn áp thì càng rước lấy thiệt hại : sản sinh thêm nhân chứng và người hành động, và tạo thêm chứng cứ để họ sử dụng trên sân chơi quốc tế. Kết quả là quốc tế càng quan tâm, càng can thiệp, và càng đối tác thường xuyên hơn với các cộng đồng bị bách hại, đồng thời càng sẵn sàng để chế tài cá nhân các thủ phạm và trừng phạt cả chế độ.
Quang Nguyên : Xin cho biết vai trò của các lãnh đạo tôn giáo trong việc đấu tranh cho tự do tôn giáo ? Tiến sĩ có đề nghị gì ?
Nguyễn Đình Thắng : Các lãnh đạo tôn giáo có thể ảnh hưởng tích cực và cũng có thể tác động tiêu cực đến việc đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo.
Cách đây 2 năm, một tổ chức chuyên về nghiên cứu được tài trợ bởi Bộ Ngoại giao Na Uy để tìm hiểu cách đối phó của các cộng đồng tôn giáo ở Việt Nam trước sự đàn áp. BPSOS giới thiệu họ với các thành phần tín đồ đa dạng của hầu hết các tôn giáo ở Việt Nam, ngoại trừ các tổ chức tôn giáo "quốc doanh".
Cuộc nghiên cứu kết luận rằng, các tôn giáo có hệ thống tổ chức chặt chẽ theo hàng dọc lại thường yếu bản lĩnh và kém năng lực đối phó, Theo tôi, đó là vì 4 nhược điểm :
1. Tín đồ chỉ biết vâng phục nên thường theo đuôi và ỉ lại vào các chức sắc. Khi người dẫn dắt vững chãi trước thử thách thì các tín đồ mạnh dạn theo sau. Còn như người dẫn dắt nhu nhược thì các tín đồ co cụm và hãi sợ. Biết rõ điểm yếu này, nhà cầm quyền chỉ cần kiểm soát người dẫn dắt là khống chế toàn thể tín đồ.
2. Người dẫn dắt, do thiếu điểm tựa an toàn khi các tín đồ của họ yếu bản lĩnh và thiếu năng lực, dễ bị áp lực bởi chính quyền.
3. Do tâm lý bị vây bủa, tôn giáo ấy thường tự cô lập với các cộng đồng khác tôn giáo và trở thành đơn độc trước cường quyền.
4. Cơ cấu tổ chức sơ cứng và cách suy nghĩ đóng khung nên khó thay đổi, chuyển hóa.
Ngược lại, cũng theo cuộc nghiên cứu, những tôn giáo gồm nhiều nhóm nhỏ liên kết hàng ngang thì :
1. Các tín đồ đồng cam cộng khổ để tồn tại vì không có ai cho họ núp bóng, theo đuôi.
2. Họ chịu khó học hỏi để thức thời và để thay đổi thân phận.
3. Họ dễ chuyển hóa vì chẳng phải xin phép ai, chờ lệnh ai.
4. Vì cơ cấu tổ chức lỏng lẻo nên họ uyển chuyển và dễ tuỳ cơ ứng biến.
Đó là lý do chúng ta thấy có nhiều người Cao Đài, người Tây Nguyên theo đạo Tin Lành và, ở chừng mực nào đó, người Hmong theo đạo Tin Lành xuất hiện trên sân chơi quốc tế hơn hẳn các tôn giáo lớn. Trong tổng số khoảng 500 bản báo cáo mà chúng tôi đã chuyển cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong 7 năm qua, có đến 70 – 75% đến từ các nhóm Cao Đài và Tin Lành Tây Nguyên, khoảng 15% đến từ cộng đồng Hmong theo đạo Tin Lành. Trong số người tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn của chúng tôi, chỉ khoảng dưới 5% là tín đồ của các tôn giáo "lớn".
Quang Nguyên : Chúng tôi được biết chi phái Cao Đài hiện diện ở Tòa Thánh Tây Ninh được nhà nước dựng nên, họ có đầy đủ ban bệ, hành chánh đạo và các chức sắc, trong khi đó Cao Đài chính truyền chỉ còn những Bàn Trị Sự, với một số Chánh trị sự, nhưng tại sao dưới áp lực nặng nề của nhà nước và chi phái Tây Ninh những Hội Thánh Em Cao Đài 1926 vẫn đứng vững ? Tại Hoa Kỳ họ đã phá được âm mưu tiếm danh đạo Cao Đài của ông Nguyễn Thành Tám đang được nhà nước đỡ đầu tại Tòa Thánh Tây Ninh ? Tiến sĩ có kỳ vọng gì vào các Hội Thánh Em, Cao Đài Chính Truyền, tại Hoa Kỳ nói riêng, tại Việt Nam và trên thế giới nói chung ? Làm sao họ có thể hợp nhất thành một Khối Nhơn Sanh ? Họ phải làm sao để có thể phát triển và lấy lại cơ đạo như họ mong muốn ?
Nguyễn Đình Thắng : Nhà nhân chủng học Margaret Mead từng nói : Chớ hồ nghi rằng một nhóm nhỏ những người có ý thức và quyết tâm có thể thay đổi thế giới ; quả vậy, đó là cách duy nhất [sự thay đổi thế giới] đã xảy ra. Đạo Cao Đài có một nhóm nhỏ tín đồ chân truyền có ý thức và quyết tâm ; họ chịu khó học hỏi, chấp nhận hy sinh công, của để từng bước đẩy lùi Chi Phái Cao Đài do đảng cộng sản dựng lên năm 1997 và được nhà nước bảo hộ.
Điều này không ngẫu nhiên. Thánh Lệnh của Đức Hộ Pháp dạy rằng khi hội thánh bị "cốt", các chức sắc bị bắt hoặc bị khống chế thì các "tín đồ quèn" lập tức phải thay mặt hội thánh và công cử người lãnh đạo để phục hồi hội thánh và bảo vệ cơ đạo. Và đã có một số "tín đồ quèn" như vậy.
Chi phái Cao Đài 1997 thì ngược lại. Là công cụ để kiểm soát tôn giáo Cao Đài, nó được tổ chức theo cơ cấu quyền lực cứng ngắc từ trên xuống : chức sắc cấp dưới phải tuân phục cấp trên, người trên cùng phải tuân phục nhà nước. Trong tâm thế của kẻ chỉ biết tuân phục, họ kém bản lĩnh, yếu năng lực, lười học hỏi. Nếu bước vào sân chơi quốc tế, họ hoàn toàn thất thế trước số nhỏ "tín đồ quèn" đã qua đào tạo.
Sự thật này được minh hoạ bởi một bài hoc đau đớn cho Chi Phái 1997. Năm 2014, văn phòng đại diện của họ ở Hoa Kỳ đăng ký với Bộ Thương Mại tên chung của Đạo Cao Đài làm thương hiệu riêng của chi phái. Đầu năm 2018, BPSOS khám phá ra việc làm động trời này và báo động với các tín đồ Cao Đài chân truyền mà chúng tôi quen biết. Một nhóm nhỏ các tín đồ Cao Đài quyết tâm giành lại danh xưng cho toàn đạo. Chúng tôi hỗ trợ họ về kỹ thuật và phần lớn luật sư phí để yêu cầu Bộ Thương Mại huỷ giấy phép cấp thương hiệu cho chi phái "quốc doanh". Tháng 7 năm 2019, Bộ Thương Mại rút giấy phép sau khi phối kiểm thấy rằng chi phái do nhà nước Việt Nam dựng lên không phải Đạo Cao Đài.
Để khôi phục hội thánh và phục hưng cơ đạo, các nhóm Cao Đài không nhất thiết phải tập hợp thành một khối ngay lúc này. Họ có thể đi theo những con đường riêng để đạt mục đích chung. Cuối năm ngoái, chúng tôi thu thập các ý kiến khác biệt của nhiều nhóm Cao Đài và tổng hợp lại thành bản "đại sách lược". Đại sách lược bao hàm mọi sách lược cần thiết để giải quyết rốt ráo một vấn nạn. Yếu tính của đại sách lược là phục vụ tầm nhìn dài lâu, tác động đến mọi căn nguyên của vấn nạn, huy động mọi nguồn lực, và cho phép quyền biến theo thời thế. Một nhóm Cao Đài có thể tiếp tục những gì mình làm nếu chúng phù hợp với đại sách lược, hoặc chọn một hoặc vài công tác từ bản đại sách lược để thực hiện.
Quang Nguyên : Riêng với Cao Đài Chính Truyền 1926, cách nào họ có thể lợi dụng SWL lấy lại các thánh thất và Tòa Thánh.
Nguyễn Đình Thắng : Quan trọng và cấp thiết hơn đòi tài sản là khẳng định quyền tự do tôn giáo. Bản đại sách lược vừa kể vạch ra các việc phải thực hiện để làm tiền đề cho việc lấy lại Tòa Thánh và các thánh thất : trước hết phải đẩy lùi các hành vi đàn áp thô bạo của chính quyền và vô hiệu hóa Chi Phái 1997 trong vai trò công cụ đàn áp ; kế đến, vận động quốc tế thừa nhận khối tín đồ Cao Đài chân truyền ; tiếp theo là khôi phục Hội Thánh Cao Đài ; cuối cùng mới yêu cầu nhà nước trả lại Tòa Thánh và các thánh thất cho Hội Thánh vì rõ ràng Chi Phái 1997 không là Đạo Cao Đài nên không thể tiếp tục chiếm dụng tài sản của tôn giáo này.
Quang Nguyên : Không riêng gì Đạo Cao Đài, nhiều tôn giáo khác cũng bị nhà nước cộng sản tịch thu đất đai, tài sản. Họ có thể lợi dụng tình thế này để đòi lại ?
Nguyễn Đình Thắng : Việt Nam bị đưa vào danh sách SWL là một bước ngoặt quan trọng vì các động thái đàn áp tôn giáo của nhà nước Việt Nam từ nay sẽ bị giám sát chặt chẽ không chỉ bởi Hoa Kỳ mà còn bởi các quốc gia đồng minh và Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, muốn vận dụng thời cơ, phải có sách lược và chương trình hành động cụ thể.
Một ví dụ về sách lược và chương trình hành động cụ thể có thể rút ra từ cuộc tranh đấu thành công của các giáo dân ở Giáo xứ Cồn Dầu, Đà Nẵng. Sau 11 năm đấu tranh có sách lược, họ đã thành công trong việc đòi bồi thường tài sản bị nhà nước cưỡng chế và đồng thời bảo vệ sự trường tồn của xứ đạo. Đó là trước đây, khi Việt Nam chưa bị đưa vào danh sách SWL. Với bước ngoặt mới đây, khoảng thời gian có thể được rút ngắn đáng kể.
Tôi đã viết nhiều bài phân tích về sách lược tổng quát lẫn chương trình hành động cụ thể dành cho Giáo xứ Cồn Dầu. Các nhóm khác nên nghiên cứu và rồi "biến tấu" cho phù hợp với từng hoàn cảnh.
Quang Nguyên : Tương tự Đạo Cao Đài bị nhà nước dựng nên chi phái 1997 lũng đoạn chính truyền, Phật giáo Việt Nam cũng bị nhà nước chia ra bằng cách dựng nên cái gọi là Giáo hội Phật giáo Việt Nam và ép buộc các giáo hội Phật giáo khác phải gia nhập. Có một số chùa hay tu sĩ trước thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã không chịu gia nhập, họ bị chính quyền đàn áp, có chùa bị phá bỏ, bị cho là bất hợp pháp vì không thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thưa Tiến sĩ nghĩ sao về việc này ?
Nguyễn Đình Thắng : Tình trạng của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất khá giống với Đạo Cao Đài nhưng chưa nghiêm trọng bằng. Nhà nước loại bỏ Hội Thánh Cao Đài đầu thập niên 1990 và năm 1997 lập ra một chi phái Cao Đài mới để thay thế thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị xóa sổ năm 1981 và nhà nước ngay lập tức dựng lên Tăng đoàn Phật Giáo Việt Nam (sau này đổi thành Giáo hội Phật Giáo Việt Nam) để thay thế. Đến nay, giáo hội này chưa dám ngang nhiên hành hung các tăng sĩ và phật tử hoặc kéo đám đông đến chiếm chùa của bên Phật giáo Thống nhất, hoặc công khai lập văn phòng đại diện ở hải ngoại như Chi phái 1997.
Do tình cảnh khá giống nhau, bên Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất nên tìm hiểu và tiếp thu các bài học hay của các tín đồ Cao Đài có ý thức và quyết tâm và biến tấu cho phù hợp với hoàn cảnh đặc thù của mình.
Quang Nguyên : Mới đây có một số tăng ni, phật tử ở một ngôi chùa đi làm từ thiện, họ không bị chính quyền làm khó dễ vì họ không xưng danh hiệu Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Một số đồng tình với họ, chỉ cần làm từ thiện giúp đồng bào còn danh xưng giáo hội không cần nêu lên. Một số đánh giá đó là tiêu cực. Cá nhân Tiến sĩ nghĩ sao về việc này ?
Nguyễn Đình Thắng : Thực ra, không thể biết được cách làm bất kỳ việc gì là đúng hoặc sai nếu như không rõ mục đích và thiếu sách lược để đạt mục đích. Sách lược ấy phải bao gồm chương trình hành động rõ rệt với các mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn. Bằng không thì chỉ là ước nguyện mông lung chứ chưa phải sách lược.
Nếu mục đích là phục hoạt giáo hội thì tôi không thấy việc làm từ thiện mà không xưng danh hiệu có chỗ nào trong một sách lược để đạt mục đích ấy.
Quang Nguyên : "Bất chấp đàn áp của chính quyền trong nước và chia rẽ nội bộ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ‘vẫn sẽ tìm mọi cách để duy trì hoạt động âm thầm’ để chờ đợi khi điều kiện chín muồi sẽ phục hưng hoạt động" Một số vị lãnh đạo của Giáo hội ở hải ngoại nói VOA". Thưa Tiến sĩ nghĩ sao về ý kiến này ?
Nguyễn Đình Thắng : Lời phát biểu ấy khá mơ hồ nên tôi chỉ có thể nói chung như thế này.
Trong một thời gian, các tín đồ Cao Đài từng ẩn mình theo kế hoạch để gầy dựng năng lực, phát triển các mối liên kết, và tạo thế đứng trên trường quốc tế. Khi ấy, họ vẫn khai thác các yếu tố thuận lợi trong mọi hoàn cảnh để thay đổi tình thế. Khi năng lực khá phát triển và thế đứng khá vững chãi, họ ngày càng công khai thực thi niềm tin tôn giáo để làm phép thử cho nhà nước Việt Nam và cho Chi Phái 1997. Trước đó, họ đã sắp xếp nhân sự để theo dõi tình hình, làm báo cáo, và làm truyền thông.
Ẩn mình có sách lược mang ý nghĩa chủ động, khác với ẩn mình vì bó tay, bất lực.
Quang Nguyên : Cùng số phận với đạo Cao Đài nhưng tại sao nhìn có vẻ như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất hiện nay không có hoạt động mạnh mẽ như các Hội Thánh Em của đạo Cao Đài cả trong nước lẫn ngoại quốc ? Hội Thánh Em Cao Đài có vẻ được quốc tế lưu tâm hơn, tiếng nói của họ mạnh hơn ? Những vụ đàn áp của chính quyền đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tệ hại hơn, như vụ phá chùa Liên Trì cũng dễ bị qua đi, tại sao ? Đạo Cao Đài thường xuyên có những báo cáo chính quyền vi phạm tôn giáo của họ lên Liên Hiệp Quốc, trong khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất dù bị vi phạm nhiều nhưng ít thấy có báo cáo ? Tiến sĩ có nghĩ là họ chờ đến có "điều kiện chín muồi" để phục hoạt ? Theo Tiến sĩ, điều kiện chín muồi của họ là gì ? Họ có thể ngồi chờ nó đến ?
Nguyễn Đình Thắng : Xin phép trả lời thế nào là chín muồi trước. Tình hình chín muồi là khi một cộng đồng tôn giáo hay một giáo hội đạt trình độ lực và thế đã phát triển đủ để bảo vệ tín đồ và cơ sở của mình, huy động được quốc tế làm trợ lực khi phải đối phó tình huống ngặt nghèo, và nương được thế quốc tế để ép nhà nước tuân thủ luật quốc gia và các cam kết quốc tế.
Muốn thế thì giới lãnh đạo phải có tầm nhìn sáng suốt, có sách lược đào tạo nhân sự giỏi trong mọi lĩnh vực cần thiết, liên kết ngày càng rộng trong xã hội, đối tác ngày càng chặt với quốc tế, vận dụng các yếu tố thời cơ thuận lợi, sẵn sàng ứng phó các tình huống bất lợi, và từng bước dành lại không gian an toàn cho tín đồ thực thi niềm tin tôn giáo.
Sách lược ấy phải có các mục tiêu rõ ràng, cụ thể để đo lường tiến triển ở từng giai đoạn. Chẳng hạn, về lực thì mục tiêu có thể là bảo vệ được các cơ sở tôn giáo của giáo hội để không bị đập phá, chiếm dụng ; bảo vệ được tín đồ khi họ bị sách nhiễu, đe doạ ; về thế thì mục tiêu có thể là có tiếng nói ở các diễn đàn quốc tế, có sự hợp tác chặt chẽ của những cơ quan và tổ chức quốc tế, được thừa nhận bởi cộng đồng quốc tế. Với các tiêu chí cụ thể như thế, cả người trong cuộc và người ngoài có thể đánh giá thực lực và thế đứng của một cộng đồng tôn giáo hay một giáo hội đang ở mức nào.
Về câu hỏi là có nên tạo thời cơ hay chỉ ngồi chờ, nó nhắc nhở một câu nói của người Mỹ : "Khi thời cơ gõ cửa, nếu không sẵn sàng để mở cửa đón chào thì nó sẽ ra đi". Câu tự vấn là, mình đã hoặc có làm gì để dẫn thời cơ đến trước cửa nhà ? Câu tự vấn đi kèm là, mình đã hoặc có làm gì để sẵn sàng chào đón khi thời cơ đang đứng trước cửa nhà ? Cả hai câu tự vấn đòi hỏi sự lương thiện và lòng dũng cảm để tự trả lời.
Quang Nguyên : Theo Tiến sĩ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất nên phải làm gì để tránh bị đàn áp và phát triển tiến đến việc nhà nước Việt Nam phải công nhận Giáo hội ngang hàng với Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Nguyễn Đình Thắng : Thường tình, làm gì mà có lợi thì người ta càng làm tới ; ngược lại, nếu bị thiệt hại thì người ta bớt lại.
Việc Hoa Kỳ đặt Việt Nam vào danh sách SWL là bước ngoặt quan trọng vì nhà nước Việt Nam giờ đây phải cân nhắc lợi, hại. Trước đây, họ đàn áp các tôn giáo một cách vô tội vạ. Nay chính các cộng đồng bị bách hại có triển vọng làm cho thủ phạm phải đối mặt với các biện pháp chế tài cá nhân và chế độ với nguy cơ bị cấm vận. Điều này được nữ Chánh Trị Sự Cao Đài Nguyễn Xuân Mai diễn đạt khi được hỏi ý nghĩ về việc Việt Nam bị đưa vào danh sách SWL :
"Cá nhân tôi không cảm thấy đó là niềm vui. Nhưng đó là cái giá mà nhà nước Việt Nam phải nhận khi đã không lắng nghe và đối thoại với chúng tôi. Chúng tôi chỉ mong rằng nhà nước Việt Nam sớm tỉnh ngộ, tôn trọng nhân quyền của người dân để chính chúng tôi có dịp được báo cáo với quốc tế về sự tiến bộ của nhà nước Việt Nam. Nếu được như vậy, tôi nghĩ, không chỉ chúng tôi vui mừng mà có lẽ tất cả những ai yêu chuộng tự do và nhân quyền đều vui sướng".
Muốn khai thác tình hình Việt Nam đang trong danh sách SWL, thì một cộng đồng tôn giáo hoặc một giáo hội phải từ bỏ tâm thế nạn nhân, đào tạo nhân sự cho giỏi để chủ động bước vào sân chơi quốc tế. Khi đã được quốc tế thừa nhận qua các quan hệ đối tác bền chặt và năng lực nội tại của cộng đồng hoặc giáo hội đã phát triển tương đối vững mạnh thì đó là căn cứ để tiến đến việc đòi hỏi nhà nước Việt Nam công nhận.
Quang Nguyên : Cuối cùng xin Tiến sĩ vui lòng cho biết các tôn giáo nên khai thác cơ hội bấp bênh của Việt Nam trong tình trạng bị nằm trong SWL, có thể bị liệt hạng tệ hại nhất CPC, để tranh đấu giành thêm tự do ?
Nguyễn Đình Thắng : Tôi vừa có buổi họp với vài chục điểm nhóm Tin Lành người Thượng ở Tây Nguyên. Tôi hỏi họ câu hỏi tương tự, thì nhận được các ý kiến như sau :
– Xây dựng thêm nữa nội lực của cộng đồng bằng cách tự trau dồi, luyện tập, thực hành
– Đào tạo đội ngũ nhận sự rành rẽ về luật quốc gia và các công ước quốc tế liên quan đến quyền tự do tôn giáo
– Giải thích và động viên để giúp tín đồ giảm dần sự sợ hãi và tăng ý thức về quyền con người và quyền công dân
– Sử dụng các biện pháp pháp lý để bảo đảm nhà nước phải thực sự tôn trọng quyền tự do tôn giáo theo Hiến Pháp và luật pháp Việt Nam cũng như các cam kết quốc tế
– Đào tạo đội ngũ nhân sự chuyên, sẵn sàng báo cáo mọi vi phạm theo đúng tiêu chí và thủ tục của Liên Hiệp Quốc
– Lập danh sách các thủ phạm liên quan đến từng vụ vi phạm để giúp Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cứu xét biện pháp chế tài
– Tiếp cận các hội thánh khác, các cộng đồng tôn giáo bạn để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm hay và hỗ trợ qua lại cho nhau
– Tăng cường truyền thông để giải thích cho đồng đạo rằng quốc tế đang quan tâm và theo dõi, rằng Việt Nam đang bị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ giám sát, và Hoa Kỳ đã cảnh cáo các giới chức Việt Nam về biện pháp chế tài
– Tham gia các Hội nghị và các bàn tròn tự do tôn giáo khu vực và quốc tế, thiết lập quan hệ đối tác với các cơ quan Liên Hiệp Quốc, các cơ quan chính quyền trong Liên Minh IRFBA, và các tổ chức tranh đấu cho quyền tự do tôn giáo cấp khu vực và cấp quốc tế
Tôi xin chuyển đạt các ý kiến này thay câu trả lời.
Quang Nguyên : Trân trọng cảm ơn Nguyễn Đình Thắng.
Quang Nguyên thực hiện
Nguồn : VNTB, 21/12/2022
***************************
Việt Nam : Hệ quả khi bị đưa vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt của Hoa Kỳ vì đàn áp tôn giáo
Machsongmedia, 05/12/2022
Ngày 2/12, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken công bố quyết định đưa Việt Nam vào Danh Sách Theo Dõi Đặc Biệt (Special Watch List, SWL). Đây hẳn là cú "sốc" lớn thứ 2 cho Việt Nam trong vòng chưa đầy 5 tháng. Ngày 19 tháng 7 vừa qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã xếp Việt Nam vào Hạng 3, là hạng tệ nhất, về buôn người, với nguy cơ chính phủ bị cấm vận và cá nhân các giới chức chính quyền bị chế tài.
Đoàn Việt Nam tại Hội nghị Thượng Đỉnh Tự do Tôn giáo Quốc tế, Washington DC, ngày 28/06/2022 (ảnh BPSOS)
Nguồn gốc của danh sách SWL
Đạo Luật Tự do Tôn giáo Quốc tế Frank Wolf, được Quốc hội thông qua và Tổng thống ký ban hành ngày 16/12/2016, thiết lập danh sách SWL mà trước đó không hề có.
Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế ban hành năm 1998 chỉ có danh sách Quốc Gia Quan Tâm Đặc Biệt (Country of Particular Concer, CPC) dành cho những quốc gia vi phạm quyền tự do tôn giáo một cách có hệ thống, nghiêm trọng và vẫn tiếp diễn. Quốc gia bị chỉ định là CPC phải đối mặt các biện pháp trừng phạt mà nặng nhất là cấm vận. Việt Nam đã 2 năm bị đưa vào danh sách CPC : 2005 và 2006.
Do Việt Nam cam kết cải thiện chính sách về tôn giáo, Hoa Kỳ đã rút Việt Nam khỏi danh sách CPC năm 2007. Nhiều tổ chức tranh đấu cho quyền tự do tôn giáo, kể cả BPSOS, và nhiều vị dân biểu Hoa Kỳ cho rằng Hành Pháp Hoa Kỳ thời Tổng thống Bush (con) đã rút Việt Nam khỏi danh sách CPC quá sớm. Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (US Commission on International Religious Freedom, USCIRF), do Quốc hội thành lập năm 1998 như một cơ quan tư vấn độc lập cho cá Hành Pháp lẫn Lập Pháp Hoa Kỳ, trong suốt 15 năm qua liên tục đề nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lập luận rằng mức độ vi phạm tự do tôn giáo ở Việt Nam chưa đến mức phải đưa vào danh sách CPC. Và đó là khiếm khuyết lớn của đạo luật năm 1998 : Chỉ có CPC hoặc không CPC, và thế nào là chạm ngưỡng CPC thì lại hoàn toàn do Bộ Ngoại giao quyết định. Đó là lý do Việt Nam và một số quốc gia đã thoát bị chỉ định CPC dù có hành vi đàn áp tôn giáo nặng nề.
Để điều chỉnh, Dân biểu Christopher Smith (Cộng hòa, New Jersey) đã đưa vào đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế Frank Wolf năm 2016 điều khoản thiết lập danh sách SWL. Dù theo Bộ Ngoại giao một quốc gia chưa chạm ngưỡng CPC nhưng gần chạm ngưỡng này thì phải đưa vào danh sách SWL để theo dõi một cách sát sao. Nếu sau một thời gian vẫn không cải thiện thì đó là căn cứ để bị chỉ định CPC.
Theo dõi đặc biệt nghĩa là sao ?
Đối với quốc gia trong danh sách SWL, Bộ Ngoại giao, thông qua phái bộ Hoa Kỳ ở quốc gia đó, phải theo dõi sát sao và kiểm tra các báo cáo vi phạm quyền tự do tôn giáo để phối kiểm xem :
1. Các vi phạm này có đạt mức nghiêm trọng không – nghiêm trọng là các hành vi như :
1.1. Tra tấn, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm
1.2. Giam giữ thời gian dài không có cáo buộc chính đáng
1.3. Bắt cóc hoặc thủ tiêu
1.4.Khước từ quyền sống, quyền an toàn cá nhân
2. Sự vi phạm có tính hệ thống, chẳng hạn như xuất phát từ chính sách nhất quán từ trung ương, hay không.
3. Sự vi phạm có kéo dài và còn tiếp diễn không.
Nếu hội đủ 3 yếu tố trên thì quốc gia trong danh sách SWL sẽ bị chỉ định là CPC.
Việc chỉ định CPC này có thể xảy ra một khi việc phối kiểm hoàn tất. Chẳng hạn, chỉ định CPC có thể xảy ra chỉ vài tháng sau khi một quốc gia bị đưa vào danh sách SWL.
Báo cáo Quốc hội
Đối với quốc gia trong danh sách SWL, Bộ Ngoại giao hàng năm phải cung cấp cho Quốc hội danh sách các vi phạm nghiệm trọng, danh tính của những thủ phạm đằng sau mỗi vi phạm, và biện pháp chế tài đã áp dụng đối với từng thủ phạm.
Các biện pháp chế tài này bao gồm :
1. Cấm nhập cảnh thủ phạm và cả vợ, chồng, con và cha mẹ của thủ phạm vĩnh viễn. Những ai đang ở Hoa Kỳ thì bị trục xuất và vĩnh viễn không được quay trở lại Hoa Kỳ.
2. Đóng băng tài sản ở Hoa Kỳ, nếu có, của thủ phạm.
Thủ phạm bao gồm giới chức chính quyền và các tác nhân ngoài chính quyền, như thành viên của các tổ chức "quần chúng tự phát" hoặc của các tổ chức tôn giáo "quốc doanh" làm công cụ đàn áp của chính quyền, hoặc các cá nhân đóng vai âm binh cho nhà nước ném đá giấu tay trong chính sách bách hại tôn giáo.
Các tham dự viên Hội nghị SEAFORB ở Bali, Indonesia, ngày 7/11/2022 (ảnh BPSOS)
Cách nào để khai thác cơ hội
Trong 7 năm qua, BPSOS đã đào tạo khoảng 2 nghìn thành viên của khoảng 200 cộng đồng tôn giáo và cộng đồng bản địa ở Việt Nam về cách viết báo cáo vi phạm quyền tự do tôn giáo và nhân quyền nói chung. Với sự hỗ trợ của BPSOS, họ đã hoàn tất hơn 500 bản báo cáo gửi Liên Hiệp Quốc, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Ủy hội USCIRF, và nhiều tòa đại sứ Phương Tây ở Việt Nam.
BPSOS cũng đã tạo cơ hội và phương tiện cho hàng trăm nhân sự của các cộng đồng này tiếp xúc các tòa đại sứ và tòa tổng lãnh sự ở Việt Nam và các phái đoàn quốc tế thăm viếng Việt Nam, tham gia các diễn đàn về tự do tôn giáo ở tầm vóc khu vực hoặc quốc tế, mà gần đây nhất là chuỗi hội luận trực tuyến về Đạo Cao Đài (tháng 12/2021) và Tin Lành Tây Nguyên (tháng 3/2022), Hội nghị thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo Quốc tế ở thủ đô Hoa Kỳ (cuối tháng 6/2022) và Hội nghị Tự do Tôn giáo hay Niềm tin Khu vực Đông Nam Á ở Bali, Indonesia (đầu tháng 11/2022).
Sự lên tiếng và hiện diện của chính các nạn nhân là nhân chứng đã góp phần đáng kể cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ khi quyết định đưa Việt Nam vào danh sách SWL.
Mục tiêu kế tiếp là giữ Việt Nam trong danh sách SWL và rồi bị chỉ định CPC trừ khi nhà nước Việt Nam thực sự tuân thủ các cam kết quốc tế về tôn trọng quyền tự do tôn giáo của người dân. Muốn thế, sách lược của chúng tôi bao gồm :
1. Tăng đáng kể đội ngũ được đào tạo kỹ lưỡng để theo dõi tình trạng đàn áp tự do tôn giáo và báo cáo các vị phạm với Liên Hiệp Quốc, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Ủy hội USCIRF và quốc tế nói chung.
2. Lọc ra 12 – 15 hồ sơ tiêu biểu mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã quan tâm trước đây để làm phép thử về những cam kết cải thiện của nhà nước Việt Nam.
3. Tạo cơ hội và phương tiện cho nhiều hơn nữa các nạn nhân làm nhân chứng để tiếp xúc trực tiếp với quốc tế.
4. Thu thập thông tin về thủ phạm, kể cả giới chức chính quyền và các "tác nhân ngoài chính quyền", để cung cấp cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhằm cứu xét biện pháp chế tài.
Ngoài ra, chúng tôi cũng kêu gọi các cộng đồng bị bách hại, các tổ chức tôn giáo, các cá nhân bảo vệ nhân quyền thực hiện song song với chúng tôi các sách lược kể trên.