Cười người hôm trước hôm sau người cười : Trung Quốc chìm trong đại dịch (Trọng Thành - Thu Hằng - Thanh Hà)
Tổ chức dữ liệu y tế Airfinity ước tính hơn 5.000 người chết/ngày tại Trung Quốc do Covid. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc gần như không thừa nhận ca tử vong nào do bệnh này kể từ khi chính sách Zero được dỡ bỏ, khiến số ca nhiễm tăng vọt.
Thống kê số ca nhiễm Covid tại Trung Quốc : Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược
Trọng Thành, RFI, 26/12/2022
Ba tuần sau khi Bắc Kinh từ bỏ các biện pháp chính của chính sách Zero Covid, Trung Quốc rơi vào tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược về thống kê số ca nhiễm.
Một bệnh viện ở tình Hà Bắc,Trung Quốc, bị quá tải do có qua nhiều ca nhiễm Covid-19 phải nhập viện ngày 22/12/2022. AP - Dake Kang
Hôm 25/12/2022, chính quyền tỉnh Chiết Giang (Zhejiang) công bố số liệu 1 triệu ca nhiễm/ngày, trong lúc Cơ quan phòng dịch CDC Trung Quốc chỉ thông báo vài ngàn ca nhiễm trên toàn quốc trong vòng 24 giờ. Hôm qua cũng là ngày Bộ Y tế Trung Quốc ngừng cung cấp số liệu về ca nhiễm Covid.
Chiết Giang – một trung tâm công nghiệp lớn của Trung Quốc - là một trong số các tỉnh hiếm hoi tại Trung Quốc tiếp tục cung cấp hàng ngày số liệu về Covid, kể cả các ca nhiễm không có triệu chứng. Hãng tin Anh Reuters dẫn lại thông báo của chính quyền tỉnh, theo đó số lượng ca nhiễm có thể đạt đỉnh trong những ngày tới, với ước tính khoảng "hai triệu ca/ngày". Tình hình dịch bệnh tại Chiết Giang theo số liệu của chính quyền địa phương trái ngược hoàn toàn với số liệu của trung ương, với chỉ 22 ca nhiễm/ngày trong thống kê mới nhất.
Bất chấp các đề nghị của Tổ chức Y tế Thế giới, cho đến nay chính quyền trung ương Trung Quốc chưa minh bạch số liệu về dịch bệnh. Báo Anh The Guardian hôm qua dẫn lại thông tin từ một cuộc họp nội bộ của ngành y tế Trung Quốc mới đây, theo đó, đã có khoảng 250 triệu người nhiễm virus tại Trung Quốc, chiếm gần 1/5 dân số nước này, kể từ đầu tháng 12 đến nay. Trong đó, riêng ngày thứ Ba 19/12, đã có thêm 37 triệu ca nhiễm mới.
Theo thẩm định của Viện nghiên cứu độc lập Capital Economics, có trụ sở tại Luân Đôn, được Reuters hôm nay trích dẫn, "Trung Quốc đang bước vào những tuần lễ nguy hiểm nhất của đại dịch", với việc đi lại tăng vọt trong thời gian Tết cổ truyền, và làn sóng đại dịch sẽ sớm tràn đến những vùng vốn chưa bị dịch nặng.
Việc Bắc Kinh đột ngột từ bỏ chính sách Zero Covid mà không có giai đoạn chuẩn bị đang đặt hệ thống y tế Trung Quốc trước thách thức lớn. Reuters dẫn lại truyền thông Nhà nước Trung Quốc, theo đó ngành y tế Trung Quốc đã phải yêu cầu nhân viên đang ốm tiếp tục đi làm, các cơ sở y tế phải điều động cả những người về hưu.
Bác sĩ Howard Bernstein, hành nghề cấp cứu từ hơn 30 năm nay, làm việc tại Bắc Kinh, cho Reuters biết "chưa bao giờ" ông chứng kiến cảnh bệnh viện quá tải đến như vậy. Bệnh nhân phần lớn là người cao tuổi và có các triệu chứng Covid, viêm phổi. Tổ chức dữ liệu y tế Airfinity ước tính hơn 5.000 người chết/ngày tại Trung Quốc do Covid. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc gần như không thừa nhận ca tử vong nào do bệnh này kể từ khi chính sách Zero được dỡ bỏ, khiến số ca nhiễm tăng vọt.
Trọng Thành
***************************
Trung Quốc ngừng công bố số liệu về Covid-19
Thu Hằng, RFI, 25/12/2022
Ngày 25/12/2022, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc thông báo ngừng công bố mọi số liệu hàng ngày về số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 nhưng không đưa ra bất kỳ giải thích nào. Theo thống kê chính thức cuối cùng ngày 24/12, Trung Quốc không có ca tử vong nào trong vòng 24 giờ cho dù dịch bùng phát dữ dội, ngoài tầm kiểm soát và các nhà hỏa táng bị quá tải.
Các công nhân mặc đồ bảo hộ chuyển thi thể nằm trong quan tài vào một nhà hỏa táng ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 17/12/2022. Reuters - Alessandro Diviggiano
Theo Ủy ban Y tế Quốc gia, được AFP trích dẫn, thay vì công bố số liệu hàng ngày, "Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh (CDC) Trung Quốc sẽ công bố những thông tin liên quan đến dịch bênh nhằm mục đích tham chiếu và nghiên cứu", nhưng không nêu rõ là dưới hình thức nào và tần suất công bố dữ liệu.
Trên thực tế, từ khi chính quyền trung ương bỏ những biện pháp nghiêm ngặt trong chính sách "Zero Covid" và đặc biệt là thay đổi cách tính nạn nhân Covid-19, số liệu thống kê hàng ngày không phản ánh đúng tình hình dịch bệnh. Trên giấy tờ, Trung Quốc chỉ có 6 người chết do suy hô hấp liên quan trực tiếp đến Covid-19 từ ngày 07/12.
Người dân Trung Quốc chế nhạo sự chêch lệch giữa số liệu chính thức và số ca nhiễm thực, quan sát từ đại đa số người thân quen. Quyết định không công bố số liệu hàng ngày được một người nhận định trên mạng xã hội Weibo là "cuối cùng, họ cũng tỉnh ngộ và nhận ra rằng họ không thể lừa phỉnh người dân nữa".
Một dấu hiệu khác cho thấy chính quyền Bắc Kinh "thả nổi" dịch là cho phép Hồng Kông mở cửa đường biên với Hoa lục sau hơn 3 năm đóng cửa. Trong buổi họp báo ngày 24/12 sau khi từ Bắc Kinh trở về, trưởng đặc khu hành chính Lý Gia Siêu (John Lee) cho biết chính quyền sẽ cố gắng "dần mở cửa trở lại, một cách có tổ chức và hoàn toàn" mọi điểm ra vào giữa hoa lục và đặc khu từ giữa tháng 01/2023 và phối hợp với chính quyền thành phố Thâm Quyến lân cận để quản lý dòng người.
Theo một số tài liệu lưu hành nội bộ Trung Quốc, được CNN trích dẫn, có thể có 250 triệu người đã bị nhiễm Covid trong 20 ngày đầu tháng 12. Còn Bloomberg đưa ra con số khoảng 37 triệu ca nhiễm trong một ngày.
Thu Hằng
*****************************
Trung Quốc : Nửa triệu ca nhiễm Covid tại thành phố Thanh Đảo mỗi ngày
Thanh Hà, RFI, 24/12/2022
Trung Quốc kiểm duyệt tin thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông ghi nhận mỗi ngày có 500.000 ca dương tính với Covid-19. Bản tin của AFP ngày 24/12/2022 cho biết như trên trong lúc đài truyền hình Mỹ CNN tiết lộ một số tài liệu mật của Trung Quốc nêu lên khả năng đã có 250 triệu người bị lây nhiễm trong 20 ngày đầu tháng 12/2022. Bloomberg đưa ra con số 37 triệu trong một ngày.
Bệnh viện Nhân dân số 5 tại thành phố Trùng Khánh, tây nam Trung Quốc : Bệnh nhân Covid -19 phải nằm ở hành lang, ngày 23/12/2022. AFP - Noel Celis
Hãng tin Pháp trích dẫn một quan chức y tế trong của thành phố Thanh Đảo hôm 23/12 cho biết "mỗi ngày có thêm từ 490 ngàn đến 530 ngàn" bệnh nhân Covid. Thành phố ven biển này có hơn 10 triệu dân. Dịch bệnh đang trong giai đoạn "lây lan nhanh trước khi đạt đến đỉnh dịch". Cũng nguồn tin trên dự phóng "tỷ lệ lây nhiễm sẽ còn tăng thêm 10 % trong hai ngày nghỉ cuối tuần".
Phát biểu này được đăng trên báo chí địa phương nhưng bài báo đã lập tức bị kiểm duyệt trong ấn bản sáng nay 24/12. AFP lưu ý các con số nói trên đều đã bị xóa khỏi bài báo. Bộ Y Tế Trung Quốc ghi nhận trong 24 giờ qua trên toàn quốc có thêm 4.103 ca bệnh, nhưng không một ai tử vong. Vẫn theo thống kê của Bộ Y tế Trung Quốc, cả tỉnh Sơn Đông có thêm 31 bệnh nhân Covid.
Các giới chức y tế tại một số nơi như Hải Nam, hay Đông Hoản (tỉnh Quảng Đông) thì liên tục báo động "đỉnh dịch" cận kề. Đông Hoản dự phóng sẽ có đến thêm 300.000 ca nhiễm Covid-19 trong những ngày sắp tới. Thành phố Thượng Hải kêu gọi dân chúng đón Giáng Sinh ở trong nhà và ghi nhận 40.000 ca "sốt cao".
Covid : Trung Quốc thiếu thuốc giảm sốt
Một thực tế không thể chối cãi là trước làn sóng "sốt cao" này, dân Trung Quốc đua nhau đi mua thuốc giảm sốt. Chính quyền trưng dụng các công ty dược phẩm để tập trung vào việc sản xuất thuốc cho hàng trăm triệu người phải đối mặt với Covid.
Thông tín viên Stéphane Lagarde từ Bắc Kinh cho biết :
"Đợt huy động lần này làm mọi người nhớ đến thời kỳ hồi mùa xuân 2020 khi mà Trung Quốc thiếu khẩu trang và trang thiết bị bảo hộ chống dịch. Một số dây chuyền có thể hiếu hụt lao động do nhân viên bị nhiễm Covid. Thế nhưng số còn lại phải được huy động. Ít nhất 12 tập đoàn dược phẩm được lệnh "bảo đảm cung cấp những loại thuốc thiết yếu". Một số nhà sản xuất thuốc là những công ty quốc doanh đã được lệnh hoạt động 24 giờ trên 24. 160 chi nhánh của tập đoàn Sinophar lao vào một cuộc chạy đua ngày đêm để khắc phục hiện tượng thiếu thuốc điều trị.
Những hộp thuốc kháng virus của ngoại quốc, đặc biệt là thuốc của hãng Mỹ Pfizer bắt đầu được bán trên một số các mạng internet với cái giá trên trời. Nhưng vẫn chư đủ vì nhiều hiệu thuộc trong thành phố không nhận được hàng. Điều đó tạo nên một làn sóng hoảng loạn. Dân chúng đua nhau đi mua thuốc. Làn sóng dịch đang tạo nên không khí hốt hoảng và mọi người đi mua thuốc bừa bãi trước khi bị lôi vào vòng xoáy của khủng hoảng y tế.
Theo Sina Finance, hiện tại, dân Trung Quốc tiêu thụ 400 triệu viên thuốc Ibuprofen mỗi ngày. Đây chỉ là một thí dụ cho thấy nhu cầu rất lớn để mua thuốc giảm sốt, giảm đau. Nhiều hiệu thuốc trên internet từ nhiều ngày qua thông báo không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.
Hệ quả kéo theo là cùng với việc tăng tốc sản xuất, Trung Quốc, đã ngừng xuất khẩu một phần các loại thuốc ra thế giới. Hơn thế nữa Trung Quốc nhập thêm thuốc men của nước ngoài. Cộng đồng người Hoa ở hải ngoại được kêu gọi đi vơ vét thuốc gửi về cho gia đình".
Thanh Hà
********************************
Khoảng 5.000 người Trung Quốc chết mỗi ngày vì Covid
Trọng Thành, RFI, 24/12/2022
Trái ngược hoàn toàn với số liệu người chết vì bệnh Covid gần bằng không tại Trung Quốc, truyền thông quốc tế hôm 23/12/2022, đồng loạt dẫn lại thẩm định của một công ty dữ liệu y tế : Có đến một triệu ca nhiễm mỗi ngày trong thời điểm hiện tại ở Trung Quốc, và số tử vong là khoảng 5.000 người/ngày.
Trong một toa metro ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, người dân đeo khẩu trang phòng dịch. Ảnh chụp ngày 19/12/2022. © Noel Celis / AFP
Hãng tin Mỹ Bloomberg dẫn lại số liệu của công ty Airfinity, trụ sở tại Luân Đôn, dự báo tình hình có thể trầm trọng hơn nhiều trong những tuần tới. Vào tháng Giêng 2023, có thể đến 3,7 triệu ca nhiễm/ngày. Tiếp theo đó là đỉnh dịch thứ hai vào đầu tháng 3, với khoảng 4,2 triệu ca nhiễm. Đỉnh dịch này được dự đoán trùng với thời gian số người đi lại tăng vọt nhân dịp Tết cuối tháng 1/2023.
Hôm 21/12, công ty dữ liệu y tế quốc tế Airfinity cũng ra một thông báo nhấn mạnh đến "tương phản cao độ" giữa thực tế lây nhiễm virus tăng vọt, sau khi Trung Quốc dỡ bỏ hàng loạt biện pháp chủ yếu của chính sách Zero Covid, với số liệu chính thức. Hôm qua, theo báo cáo của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, chỉ có thêm 3.696 ca nhiễm mới trên toàn quốc, và không có ai tử vong vì Covid.
Nhiều hãng tin và cơ quan truyền thông quốc tế, như AP, Reuters và Financial Times cuối tuần qua cũng ghi nhận tình trạng các lò hỏa táng và nhà tang lễ quá tải tại nhiều nơi ở Trung Quốc. Theo Reuters, hôm thứ Tư 22/12, có khoảng 40 xe tang xếp hàng dài bên ngoài một lò hỏa táng ở Bắc Kinh.
Tình trạng bệnh dịch lây lan mạnh, trong lúc chính quyền không có phương án đối phó, khiến dược phẩm thiếu thốn nghiêm trọng. Hôm qua, hãng tin Pháp AFP cho biết đã nhận được thông tin từ khoảng 10 nhà thuốc tại nhiều khu vực khác nhau, cho biết đến "cả thuốc hạ sốt cũng cạn kiệt". Theo AFP, chính quyền Trung Quốc vừa phải ra quyết định trưng dụng sản phẩm của hàng trăm công ty dược phẩm để đối phó với tình trạng khủng hoảng dược phẩm hiện nay.
Mỹ đề nghị giúp Trung Quốc vac-xin và kêu gọi Bắc Kinh chia sẻ thông tin
Theo AFP, sau Tổ chức Y tế Thế giới, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong cuộc họp báo hôm qua đã kêu gọi chính quyền Trung Quốc minh bạch thông tin về dịch bệnh Covid, và đề nghị sẵn sàng hỗ trợ Trung Quốc về vac-xin. Tỷ lệ tiêm chủng thấp, đặc biệt ở nhóm người cao tuổi, và phần nào là hiệu lực thấp của vac-xin được coi là một nguyên nhân hàng đầu khiến Trung Quốc dễ bị tổn thất nặng nề do Covid. Cho đến nay, chính quyền Bắc Kinh từ chối nhập khẩu vac-xin nước ngoài để tiêm chủng cho dân trong nước.
Trọng Thành