Bầu cử giữa nhiệm kỳ : cuộc đấu giữa Joe Biden và Donald Trump (Nhiều nguồn tin)
Một viện thăm dò dư luận đã hỏi cử tri rằng những đe dọa nền dân chủ có phải là chủ đề quan trọng hay không ? Hai phần ba trong số họ, thuộc mọi đảng phái, trả lời có.
Mỹ : Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ bắt đầu với thách thức chính trị đối với Joe Biden
Thùy Dương, RFI, 08/11/2022
Ngày 08/11/2022, cả nước Mỹ chính thức bước vào các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ để bầu lại toàn bộ Hạ Viện, 1/3 thượng Viện và một số cơ quan chính quyền địa phương. Đây là kỳ bầu cử được cho là có tác động lớn đến cách thức lãnh đạo chính phủ của tổng thống Joe Biden trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ. Vả lại, cuộc bỏ phiếu này cũng tác động đến tương lai chính trị của cựu tổng thống Donald Trump.
Người dân bỏ phiếu sớm tại Trung Tâm Westside Skill, ngày 31/10/2022, tại Baltimore, Hoa Kỳ. AP - Julio Cortez
Theo AFP, 7 giờ sáng, giờ địa phương, trên khắp nước Mỹ các phòng phiếu đã mở cửa để cử tri trực tiếp thực hiện quyền công dân của mình tại các địa điểm bỏ phiếu.
Theo truyền thống ở Hoa Kỳ, cuộc bầu cử chính thức mở ra vào ngày thứ Ba tuần đầu tiên của tháng 11. Tuy nhiên một số lượng lớn cử tri đã bỏ phiếu sớm nhiều ngày qua bưu điện, hoặc các phòng phiếu mở cửa cách nay nhiều ngày. Nếu như thách thức chủ yếu là giành đa số ở hai viện Quốc Hội thì cuộc bầu cử này còn ẩn chứa một nguy cơ khác là tranh cãi về kết quả bầu cử.
Thông tín viên Guillaume Naudin, từ Washington tường trình :
Hơn 42 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu sớm, hoặc qua bưu điện, hoặc trực tiếp đến bỏ phiếu bầu vào các thùng được chuẩn bị sẵn hay tại những điểm bầu cử đã mở cửa từ nhiều ngày trước, tùy theo một số bang. Đó là việc làm quen thuộc nhưng cũng có thể gây tranh cãi.
Ít nhất tại ba bang, trong đó có những bang quyết định, đảng Cộng Hòa đã nộp khiếu nại yêu cầu một số phiếu bầu không được tính. Phiếu bầu qua bưu điện thực ra vẫn nổi tiếng là có lợi cho cho phe Dân chủ. Một số người của phe Cộng hòa, những người vẫn khẳng định cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 là gian lận, đã cho biết sẽ không thừa nhận kết quả nếu họ không thắng.
Cần phải nói, nhìn chung các kỳ bầu cử giữa kỳ thường có kết quả bất lợi cho tổng thống đương nhiệm. Sau cú bứt phá hồi mùa hè liên quan đến hủy luật nạo phá thai, phe Dân chủ dường như đang gặp bất lợi. Phe Cộng hòa đã thành công khi đặt chủ để tranh cử vào lạm phát và tội phạm. Có vẻ như họ đang giành ưu thế. Nhưng ở tỷ lệ nào thì hôm nay các cử tri sẽ quyết định.
Cuộc vận động tranh cử ở hai phe Dân chủ và Cộng hòa diễn ra cho đến tận ngày hôm qua, với hai cuộc mít tinh lớn của tổng thống đương nhiệm Joe Biden tại bang Maryland và cựu tổng thống Donald Trump ở Ohio. Trong khi ông Joe Biden kêu gọi cử tri bằng lá phiếu của mình bảo vệ nền dân chủ thì Donald Trump úp mở sẽ ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ sắp tới vào năm 2024. Ông hứa hẹn sẽ có thông báo quan trong vào ngày 15/11 tới.
Thùy Dương
**************************
Bầu cử giữa kỳ Mỹ : Arizona, bang chiến lược đối với cả hai đảng ?
Minh Anh, RFI, 08/11/2022
Cùng với Ohio, Georgia và Pennsylvania, bang Arizona nằm trong số bốn bang được theo dõi sát sao trong cuộc bầu cử giữa kỳ. Chính tại bang này, những nhân vật, chính khách hàng đầu, như đệ nhất phu nhân Jill Biden, cựu tổng thống Barack Obama, cựu tổng thống Donald Trump đã lần lượt ghé qua để hậu thuẫn các ứng viên của mình.
>
Một người bỏ lá phiếu vào thùng thư ở Mesa, Arizona, Hoa Kỳ, ngày 07/11/2022. AP - Matt York
Chính tại bang này, chính xác tại quận Maricopa, ở Phoenix, một trong những điểm bỏ phiếu mà ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 đã tuyên bố là kết quả đã bị gian lận.
Từ Phoenix, đặc phái viên đài RFI, Thomas Harms giải thích :
"Tại bang Arizona vào năm 2020, Joe Biden đã hơn Donald Trump 10.000 lá phiếu, tức nhỉnh hơn có 0,3%. Do vậy, phe Cộng hòa muốn phục thù, và có ý định biến bang này thành hậu cứ. Trong vòng 70 năm, bang này chỉ có hai lần bỏ phiếu cho đảng Dân chủ chiếm đa số.
Cuộc chiến hiện nay do bà Kari Lake tiến hành. Cựu phóng viên kênh truyền hình Fox New trong vòng hai thập niên giờ là phát ngôn viên cho phe chống tiêm ngừa, chống đeo khẩu trang, chống phá thai. Bà được ví như là một "Trump" phái nữ và hy vọng trở thành thống đốc bang.
Kari Lake phản đối kết quả cuộc bầu cử năm 2020, và không cho biết có chấp nhận kết quả cuộc bỏ phiếu giữa kỳ lần này hay không.
Một cuộc bỏ phiếu khác cũng được chính quyền ở Washington theo dõi kỹ, đó là chiếc ghế thượng nghị sĩ. Ứng viên đảng Dân chủ Mark Kelly, một phi hành gia, từng trúng cử năm 2020 với chỉ hơn 80 ngàn phiếu, sau khi thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain qua đời. Nếu ông Kelly thất cử, đa số ở Thượng Viện ngay lập tức nghiêng về phía đảng Cộng hòa.
Và một cuộc bầu cử nhỏ khác cần phải theo dõi tại bang Arizona, đó chính là chiếc ghế tổng chưởng lý (người đứng đầu cơ quan Tư Pháp của bang). Vị trí này có ý nghĩa chiến lược cho cuộc bầu cử vì tổng chưởng lý có quyền phản đối kết quả bầu cử. Tuy nhiên, ứng viên đảng Cộng hòa, Abe Hamadeh vẫn luôn khẳng định rằng cuộc bầu cử năm 2020 đã bị đánh cắp. Vị trí này rất có thể có một tiếng nói quan trọng cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2024".
Minh Anh
****************************
Tài phiệt Nga thừa nhận can thiệp bầu cử ở Mỹ
Reuters, VOA, 08/11/2022
Doanh nhân Nga Yevgeny Prigozhin ngày 7/11 tuyên bố đã can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Mỹ và sẽ tiếp tục làm như vậy trong tương lai. Đây là sự thừa nhận đầu tiên như vậy từ một nhân vật bị Washington nêu tên là âm mưu gây ảnh hưởng đến chính trị Mỹ.
Tỷ phú người Nga Yevgeny Prigozhin. Ảnh: AP
Trong bình luận đăng bởi dịch vụ báo chí của công ty Concord của ông trên trang VKontakte của Nga tương đương Facebook, ông Prigozhin nói : "Chúng tôi đã can thiệp (trong các cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ), chúng tôi đang can thiệp và chúng tôi sẽ tiếp tục can thiệp một cách cẩn thận, chính xác, tỉ mỉ theo cách riêng của mình vì chúng tôi biết cách làm".
Phát biểu của đồng minh thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin được đưa ra trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ, đáp yêu cầu bình luận từ một trang tin của Nga.
Ông Prigozhin nói : "Trong quá trình phẫu thuật chính xác, chúng tôi sẽ loại bỏ cả thận và gan cùng một lúc", nhưng không giải thích rõ về nhận xét khó hiểu này.
Ông Prigozhin là nhân vật thường được gọi là "đầu bếp của ông Putin" vì công ty cung cấp thực phẩm của ông điều hành các hợp đồng với Điện Kremlin. Ông đã chính thức bị cáo buộc tài trợ cho các tổ chức gây rối trên mạng có trụ sở tại Nga nhằm tìm cách ảnh hưởng đến chính trị Hoa Kỳ.
Vào tháng 7, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã treo thưởng lên tới 10 triệu đô la cho thông tin về ông Prigozhin liên quan đến "can thiệp vào cuộc bầu cử của Hoa Kỳ". Ông ta bị Hoa Kỳ, Anh và Liên hiệp Châu Âu chế tài.
Prigozhin, người từng ngồi tù 9 năm thời Liên Xô vì tội trộm cướp và các tội danh khác trước khi bắt đầu kinh doanh trong những năm 1990, lâu nay không xuất hiện rầm rộ. Nhưng năm nay, ông đã lên tiếng nhiều hơn, bao gồm cả việc chỉ trích các hoạt động của các tướng lĩnh Nga ở Ukraine.
Vào tháng 10, sau cuộc phản công thành công của Ukraine ở khu vực Kharkiv, ông Prigozhin kêu gọi tước huy chương các chỉ huy quân sự của Nga và "đẩy họ ra trận với vũ khí tấn công và đôi chân trần".
Công ty Wagner
Vào tháng 9, ông thừa nhận đã thành lập công ty đánh thuê Wagner liên kết với Điện Kremlin, đang hoạt động ở Syria, Châu Phi và Ukraine. Ông Prigozhin trước đó đã kiện các nhà báo vì đã đưa tin rằng ông có liên hệ với Wagner.
Thứ sáu tuần trước, Wagner đã mở một trung tâm công nghệ quốc phòng ở St Petersburg, một bước tiến xa hơn của ông Prigozhin để làm nổi bật các uy tín quân sự của ông.
Moscow không giấu giếm sự kiện rằng họ muốn Hoa Kỳ chấm dứt hỗ trợ quân sự cho Ukraine và gây áp lực buộc Kyiv phải đạt được một thỏa thuận hòa bình với Nga hầu dẫn đến nhượng bộ lãnh thổ.
Trong lúc truyền thông nhà nước Nga đã dành sự khinh miệt đối với Tổng thống Joe Biden và Đảng Dân chủ về mọi thứ, từ hồ sơ kinh tế đến chính sách Ukraine, các chuyên gia chính sách đối ngoại thân cận với Điện Kremlin không cho rằng cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ngày 8/11 tại Mỹ sẽ nghiêng về phía có lợi cho Nga.
Mặc dù một số đảng viên Cộng hòa ở Mỹ phản đối việc tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine, nhưng quan điểm từ Moscow là viện trợ sẽ tiếp tục đổ vào bất kể ông Biden có mất quyền kiểm soát Quốc hội hay không.
Ông Fyodor Lukyanov, biên tập viên của tạp chí ‘Nga trong các Vấn đề Toàn cầu’, nói với cổng thông tin trực tuyến rbc.ru rằng : "Quốc hội cũ sẽ ngồi đến tháng 1 và sẽ thông qua một gói viện trợ quân sự khá nghiêm túc (viện trợ quân sự cho Ukraine) trước khi kết thúc".
"Khi đó, nhiều khả năng sẽ có các cuộc đàm phán phức tạp và kéo dài hơn (về viện trợ). Có lẽ viện trợ như vậy sẽ ít thường xuyên hơn một chút. Nhưng về cơ bản quan điểm đồng thuận là Nga nên bị làm suy yếu càng nhiều càng tốt bằng cách hỗ trợ Ukraine".
Bình luận về những âm mưu tung tin thất thiệt của Nga nhằm gây ảnh hưởng cuộc bầu cử Mỹ, ông Sam Greene, giáo sư chính trị Nga tại Đại học King ở London, cho biết ông nghĩ mục tiêu là cố gắng định hình chương trình nghị sự về Ukraine mà đảng Cộng hòa của Mỹ sẽ theo đuổi sau cuộc bỏ phiếu.
Ông Greene viết trên Twitter : "(Mục đích là) khiến căn cứ (Đảng Cộng hòa) kêu gọi rút bớt sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Ukraine".
Nhưng ông cho rằng đó là một yêu cầu khó thực hiện vì Đảng Cộng hòa thiếu quan điểm hợp nhất về cuộc chiến Ukraine.
"Một nửa muốn chỉ trích mạnh mẽ ông Biden vì ủng hộ Ukraine, nửa còn lại là vì cho rằng chưa ủng hộ đủ cho Ukraine", ông Greene nói.
Nguồn : VOA, 08/11/2022
***************************
Mỹ : Bóng dáng cuộc đấu tay đôi Biden-Trump trong cuộc bầu cử giữa kỳ
Anh Vũ, RFI, 07/11/2022
Chiến dịch vận động bầu cử giữa nhiệm kỳ 2022 tại Hoa Kỳ được ghi dấu ấn bằng sự xuất hiện bất bình thường của cựu tổng thống Donald Trump cũng như của tổng thống đương nhiệm Joe Biden. Cuộc bỏ phiếu lần này giống như một cuộc trưng cầu dân ý kép cho hai ông Biden-Trump.
Ảnh ghép : Hai đối thủ cựu tổng thống Donald Trump và đương kim tổng thống Mỹ Joe Biden. AP
Có một chút không khí của năm 2020 ở năm 2022 này. Ngày 08/11 tới, nước Mỹ sẽ bước vào cuộc bầu cử giữa kỳ : Đây là cuộc bầu cử lập pháp và một số cơ quan chính quyền địa phương, cho phép tổng kết đánh giá kết quả nửa đầu nhiệm kỳ của tổng thống đương quyền. Tuy nhiên, trong số các chủ đề xuất hiện trên trang nhất báo chí Mỹ, không ít vấn đề liên quan đến Donald Trump cũng như là Joe Biden được đặt ra.
Theo thông lệ, một khi đã rời khỏi căn phòng Bầu Dục ở Nhà Trắng rồi thì các cựu nguyên thủ Mỹ vẫn thường khá im hơi lặng tiếng. Họ thường thích các kỳ nghỉ dưới ánh mặt trời, các hội nghị được trả tiền hậu hĩnh hay lo lập thư viện tổng thống hơn là các ồn ào chính trị ở Washington.
Từ khi thất bại trong kỳ bầu cử 2020 mà ông cũng chưa hề thừa nhận, vị tỷ phú tổng thống Donald Trump đã rút vào im lặng nhưng là chỉ trên Twitter và Facebook. Ông vẫn tiếp tục huy động người ủng hộ mình qua các thông cáo báo chí trên mạng xã hội riêng Truth Social. Ông Donald Trump để rộng cửa ra ứng cử vào Nhà Trắng năm 2024. Ông liên tiếp tham dự các cuộc mít tinh, tung hô những nhân vật ông ủng hộ đang nhắm tới những chiếc ghế trong Quốc hội.
Kỳ bầu cử này, ông Trump vận động cho nhiều ứng viên ủng hộ thuyết âm mưu cho rằng ông bị đánh cắp chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, như trường hợp nhà văn J.D Vance. Trái lại, một số người từ chối theo cuộc chơi của ông thì bị thất bại ngay từ cuộc bầu bán sơ bộ trong đảng, như dân biểu đảng Cộng hòa của bang Wyoming, bà Liz Cheney.
Nhưng dù ông Trump không muốn để người ta nói về mình cũng không được. Từ mùa hè này, các vụ việc liên quan đến ông tích tụ thêm. Vụ FBI khám tư dinh Mar-a-Largo ở Florida, thu giữ các thùng tài liệu xếp hạng bí mật quốc phòng của Nhà Trắng. Từ đó đến giờ, cuộc chiến của các luật sư giữa Donald Trump và bộ Tư Pháp diễn ra gay gắt.
Nhưng rắc rối pháp lý của ông vẫn không dừng lại ở đó. Chưởng lý bang New York, bà Letticia James hôm 21/09 đã thông báo các vụ kiện dân sự chống lại Donald Trump và một vài người con của ông trong một điều tra về thuế của công ty Trump Organization.
Cuối cùng, ủy ban điều tra của Quốc hội về vụ tấn công điện Capitol hôm 06 tháng Giêng 2021 đã mở phiên điều trần trực tiếp hôm 13/10. Sự kiện này đã gợi lại cho người dân dân Mỹ những ý đồ đảo chính của vị cựu tổng thống của họ.
Vậy nhưng ông Trump vẫn khăng khăng. Bị gọi ra trình diện trước ủy ban, Donald Trump ngay ngày hôm sau đã trả lời bằng một thông cáo gay gắt rằng : "Với hàng trăm triệu đô la chi cho cái việc mà nhiều người coi là trò hề và cuộc truy cùng diệt tận (…) các vị đã không dành dù chỉ là một chốc lát để xem xét gian lận bầu cử ồ ạt đã xảy ra trong cuộc bầu cử tổng thống 2020 (…)".
Trong khi sự chú ý tập trung vào Donald Trump với những phát ngôn lạc điệu và những cáo buộc không chứng cứ thì việc soi xét kết quả của Joe Biden bị đẩy xuống hàng thứ 2. Chuyên gia chính trị Mỹ J. Miles Coleman, thuộc Đại học Virginira bình luận : "Người ta thường hay nói về các kỳ bầu cử giữa kỳ như là một cuộc trưng cầu dân ý đối với tổng thống đương nhiệm. Một cách logic thì như vậy sẽ có hại cho phe Dân chủ vì ông Joe Biden không phải là một tổng thống được lòng dân".
Tỷ lệ tín nhiệm của dân chúng đối với tổng thống Mỹ hiện nay chỉ đạt khoảng 42,5%, sau khi bị rơi xuống 37% trong mùa hè qua. Nhưng theo chuyên gia J. Miles Coleman, sự xuất hiện quá nhiều của Donald Trump có thể sẽ lại "cứu" phe Dân chủ : "Ông Trump càng xen nhiều vào cuộc bầu cử này, thì ông càng nhắc lại cho các cử tri dao động lý do tại sao họ đã bỏ phiếu cho Biden".
Có hay không cơ sóng Cộng hòa ?
Nhưng cuộc bầu cử giữa kỳ này cũng được nhìn nhận như là một cuộc trưng cầu dân ý cho cả hai ông Trump và Biden. Doug Schwart, giám đốc viện thăm dò dư luận của Đại học Quinnipiac nhận xét đó là điều khá bất thường của các kỳ bầu cử giữa kỳ. "Theo truyền thống thì kết quả bầu cử giống như một phán xét về hiệu quả của chính quyền Joe Biden và đảng của ông. Nhưng điều đó đã thay đổi, bởi nhiều cử tri trong đầu vẫn nghĩ đến Donald Trump. Cách đây 6 tháng, phần lớn các nhà quan sát chính trị dự báo sẽ có một đợt sóng lớn của phe Cộng hòa hệt như người ta đã thấy sau hai năm Donald Trump hay Barack Obama lên cầm quyền. Giờ đây, những nhà quan sát đó nhận thấy làn sóng có thể sẽ không lớn đến như dự báo, dù vẫn có".
Cuối cùng các nhà phân tích nhận định phe Dân chủ vẫn còn cơ hội giữ được một đa số sít sao ở Thượng Viện. Hiệu ứng "Trump" đối với kỳ bầu cử giữa kỳ có thể tác động đến cuộc bầu cử sơ bộ trong đảng Cộng hòa chọn ứng viên tranh cử tổng thống 2024, theo ông Miles Coleman.
Dân chủ, con dao hai lưỡi
Joe Biden và ê-kíp của ông nắm rõ cơ hội này. Trong khi phe Cộng hòa cố gắng quy trách nhiệm cho Joe Biden về tình trạng lạm phát chưa từng có hoành hành ở Mỹ cũng như phần còn lại của thế giới, đương kim tổng thống Mỹ vận động tranh cử bằng chủ đề cứu vớt nền dân chủ. Hôm 01/09, ông Biden đã khẳng định : "không có chỗ cho bạo lực chính trị" trong một cuộc mít tinh ở Philadelphia, nơi đã ra đời tuyên ngôn độc lập và Hiến pháp Mỹ.
Có điều chủ đề dân chủ là con dao hai lưỡi. Trước tiên, vì đó không phải là chủ đề ưu tiên của cử tri Mỹ lúc này. "Lạm phát và nạo phá thai chắc chắn mới là những thách thức lớn hơn", ông Miles Coleman khẳng định. Theo ông, mỗi người nhìn nhận theo cách khác nhau cụm từ. Ông phân tích :
"Một viện thăm dò dư luận đã hỏi cử tri rằng những đe dọa nền dân chủ có phải là chủ đề quan trọng hay không ? Hai phần ba trong số họ, thuộc mọi đảng phái, trả lời có. Nhưng thực tế các diễn giải khá rộng. Nếu các vị theo đảng Dân chủ, bạn sẽ nghĩ ngay tới vụ tấn công điện Capitol hôm 06/11/2021 hay đến Donald Trump và những hành vi manh nha độc đoán của ông ta. Nếu là người của Cộng hòa, bạn nghĩ ngay tới gian lận bầu cử".
Phe Dân chủ biết rõ là họ không thể thuyết phục được những người ủng hộ nhiệt thành Donald Trump. Nhưng để giữ được cơ may ở Thượng Viện, họ chủ yếu nhắm tới các cử tri độc lập, ôn hòa, những người vẫn thường chuyển phe này sang phe khác qua tùy theo các kỳ bầu cử và đó là những người mà nhắc đến hình ảnh của Donald Trump là làm họ phát ngấy. Cho dù những người này rất không hài lòng về chính sách của Joe Biden và về tình trạng lạm phát phi mã, nhưng nhắc lại vụ tấn công ngày 06 tháng Giêng có thể sẽ khiến họ không bỏ phiếu cho Cộng hòa. Phe Dân chủ sẽ có câu trả lời sau ngày 08/11 tới.
(Nguồn : france24.com)
Anh Vũ
*************************
Bầu cử giữa kỳ Mỹ : Biden và Trump vận động ở New York và Florida
Thu Hằng, RFI, 07/11/2022
Tại Mỹ, tổng thống Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump tiếp tục lên tuyến đầu trong ngày cuối cùng vận động bầu cử giữa kỳ ngày 08/11/2022, với kết quả được dự báo rất sít sao. Trước đó, ông Joe Biden đã đến New York, còn cựu tổng thống Donald Trump vận động ở bang Florida hôm 06/11.
Ảnh minh họa : Trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ, Điện Capitol tại Washington, ngày 04/11/2022. AP - J. Scott Applewhite
Theo kết quả nhiều cuộc thăm dò, được Reuters trích dẫn, đảng Cộng hòa có thể kiểm soát Hạ Viện, còn Thượng Viện vẫn chưa rõ. Chỉ cần kiểm soát được một viện ở Quốc hội, đảng Cộng hòa có thể cản trở chương trình nghị sự của tổng thống Dân chủ Joe Biden và khởi động các cuộc điều tra có khả năng gây bất lợi.
Ngoài bầu cử lập pháp, cử tri Hoa Kỳ còn tham gia nhiều cuộc bầu cử tại địa phương. Thông tín viên RFI Guillaume Naudin tại Washington giải thích những thách thức trong cuộc bầu cử giữa kỳ lần này :
"Một phần lớn Nghị Viện sẽ được bầu lại. Trước tiên là toàn bộ 435 ghế ở Hạ Viện tại điện Capitol ở Washington, tiếp theo là 35 trên 100 ghế ở Thượng Viện. Các cuộc vận động được cho là mang tính quyết định ở các bang Pennsylvania, Ohio, Arizona hay Gieorgia. Việc chiếm được đa số có thể chỉ phụ thuộc vào một trong những cuộc bầu cử ở những nơi này. Đảng Dân chủ hiện chiếm đa số ở Thượng Viện và Hạ Viện nhưng với tỉ lệ rất sát sao. Vì thế, cuộc bầu cử lần này cho phép phác họa không gian chính trị trong hai năm tới, cho đến kỳ bầu cử tổng thống năm 2024.
Ngoài ra, kỳ bầu cử lần này còn bầu ra thống đốc của 36 bang và lãnh thổ. Đây là điểm quan trọng bởi vì đời sống chính trị ở Hoa Kỳ rất phi tập trung : Các thống đốc có nhiều quyền lực lớn, một số người là những gương mặt nổi bật trên phạm vi quốc gia và có tham vọng tranh cử tổng thống.
Tiếp theo, phải chú ý đến cuộc bầu cử vào các vị trí tổng thư ký bang. Trong nhiều trường hợp, chính họ là người xác nhận kết quả bầu cử tổng thống. Một số ứng viên là người theo ông Donald Trump từ chối kết quả bầu cử, khẳng định là cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 đã bị đánh cắp. Đặc biệt là nhiều người cho biết sẽ không thừa nhận kết quả bầu cử lần này, cũng như năm 2024 nếu kết quả đó không phù hợp với họ. Điều này sẽ đặt ra vấn đề thực sự về dân chủ trong tương lai.
Cuối cùng, cử tri Mỹ cũng sẽ bầu ra các dân biểu địa phương, cảnh sát trưởng và cho ý kiến về các cuộc trưng cầu dân ý địa phương, hiện có 4 cuộc trưng cầu dân ý về quyền nạo phá thai. Tóm lại là có rất nhiều điểm cần theo dõi trong kỳ bầu cử lần này".
Thu Hằng
**************************
Obama cảnh báo về không khí chính trị 'nguy hiểm' trước bầu cử giữa kì
VOA, 06/11/2022
Cựu Tổng thống Barack Obama cảnh báo về những chia rẽ đang góp phần tạo nên "bầu không khí nguy hiểm" trong chính trường Mỹ khi ông vận động cho các ứng cử viên Đảng Dân chủ vào ngày thứ Bảy, ba ngày trước cuộc bầu cử giữa kì sẽ xác định quyền kiểm soát Quốc hội.
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama vận động trên sân khấu cho John Fetterman (phải), ứng cử viên Đảng Dân chủ tranh cử ghế Thượng viện Hoa Kỳ đại diện bang Pennsylvania, ở Pittsburgh, Pennsylvania, Mỹ, ngày 5/11/2022.
Những tên tuổi lớn nhất trong chính giới của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa - ông Obama, Tổng thống Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump - có mặt tại bang Pennsylvania ngày thứ Bảy với hi vọng xoay chuyển tình thế trong cuộc đua hệ trọng vào Thượng viện Mỹ giữa ứng cử viên đảng Dân chủ John Fetterman và bác sĩ nổi tiếng Mehmet Oz của đảng Cộng hòa.
Phát biểu trước những người ủng hộ ở trung tâm thành phố Pittsburgh, ông Obama nói cuộc tấn công có động cơ chính trị nhắm vào Paul Pelosi, chồng của Chủ tịch Hạ viện theo đảng Dân chủ, Nancy Pelosi, là sản phẩm của những lời lẽ thù hận.
"Thói quen chà đạp các đối thủ chính trị, nói những điều điên rồ, nó tạo ra một bầu không khí nguy hiểm", ông Obama nói, không trực tiếp nhắc tới đến những người theo đảng Cộng hòa. "Có những chính trị gia ra sức không phải để gắn kết mọi người lại với nhau mà để kích động sự chia rẽ và khiến chúng ta tức giận và sợ hãi lẫn nhau chỉ vì lợi ích của riêng họ".
Phe Cộng hòa cho rằng phe Dân chủ cũng tham gia vào bạo lực chính trị, dẫn ra các cuộc biểu tình chống kì thị chủng tộc rộng khắp đã làm rung chuyển đất nước vào năm 2020. Họ chỉ trích phe Dân chủ không tập trung vào lạm phát và tội phạm, hai trong số các mối quan tâm chính của cử tri, theo hầu hết cuộc thăm dò ý kiến.
Trong một dòng tin đăng trên Twitter sáng ngày thứ Bảy, ông Oz chỉ trích ông Fetterman và ông Biden không hỗ trợ đầy đủ ngành năng lượng trong nước và cam kết sẽ chống lạm phát nếu đắc cử.
"Trong tư cách Thượng nghị sĩ tiếp theo của quý vị, tôi sẽ tập trung vào các vấn đề quan trọng đối với cử tri ở tất cả các cộng đồng, bao gồm cả hạ giá đối với mọi thứ, từ khí đốt đến hàng tạp hóa", ông viết.
Cuộc đua vào Thượng viện ở Pennsylvania là một trong ba cuộc tranh cử hệ trọng, cùng với Georgia và Nevada, sẽ quyết định liệu phe Dân chủ có giữ được thế đa số hết sức sít sao của họ trong Thượng viện hay không, cũng như quyền chuẩn thuận những người được ông Biden đề cử vào các chức vụ từ Nội các của ông lên tới Tòa án Tối cao.
Các chuyên gia dự báo bầu cử phi đảng phái và các cuộc thăm dò cho thấy phe Cộng hòa có nhiều cơ may giành quyền kiểm soát Hạ viện, trong khi Thượng viện vẫn ở thế bất phân thắng bại. Kiểm soát dù chỉ một viện cũng sẽ cho phe Cộng hòa quyền ngăn chặn chủ trương lập pháp của ông Biden và khởi động các cuộc điều tra có thể gây tổn hại.
Nguồn : VOA, 06/11/2022