Đảng cộng sản Việt Nam đã chọn phe (Việt Hoàng)

Đã đến lúc trí thức và người dân Việt Nam nên tìm hiểu và ủng hộ cho một giải pháp khác, của một tổ chức chính trị khác ngoài Đảng cộng sản vì giải pháp cộng sản không còn là giải pháp cho đất nước.


Ngay sau khi Đại hội Đảng lần thứ 20 của Trung Quốc vừa kết thúc hôm 22/10/2022, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm đến Trung Quốc. Điều này không có gì mới trong quan hệ giữa hai đảng cộng sản và hai nhà nước Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên chuyến đi Trung Quốc lần này của ông Nguyễn Phú Trọng đã gây ngạc nhiên cho dư luận người Việt trong và ngoài nước bởi tính chất đặc biệt quan trọng của nó. Phái đoàn của ông Trọng rất hùng hậu, bao gồm đa số thành viên ban lãnh đạo đảng như Võ Văn Thưởng, Tô Lâm, Phan Văn Giang, Trương Thị Mai, Phạm Đình Trạc, Trần Thanh Mẫn (tất cả những người này đều là Ủy viên Bộ chính trị). Ngoài ra còn có Đỗ Văn Chiến (Chủ tịch Mặt trận tổ quốc), Lê Minh Hưng (Chánh văn phòng Trung ương Đảng) và Lê Minh Khái (Phó thủ tướng). Ra sân bay tiễn đoàn có cả ông Thủ tướng Phạm Minh Chính lẫn Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Ai cũng biết là ông Nguyễn Phú Trọng đang bệnh tật, không được khỏe, đi đứng khó khăn và thường xuyên vắng mặt trong những sự kiện quan trọng tại Việt Nam. Câu hỏi mà người dân thắc mắc là tại sao chuyến đi Trung Quốc của ông Nguyễn Phú Trọng lại được Đảng cộng sản Việt Nam chú trọng đặc biệt như vậy? Mục đích của họ là gì?

npt-01

Chuyến đi Trung Quốc của ông Nguyễn Phú Trọng báo hiệu một tương lai rất xấu cho Đảng cộng sản lẫn dân tộc Việt Nam.

Câu trả lời của chúng tôi đó là vận mệnh của Đảng cộng sản Việt Nam đang lâm nguy và họ cần có một chỗ dựa. Thật ra trước đây Đảng cộng sản vẫn dựa vào Trung Quốc và Nga. Nay nước Nga của Putin coi như thất bại toàn tập sau cuộc xâm lược Ukraine. Cuộc chiến này vẫn chưa kết thúc nhưng kết quả thì đã quá rõ. Nga vừa phải tháo chạy khỏi thành phố Kherson của Ukraine. Đây là thành phố duy nhất mà Nga chiếm được từ khi xâm lược Ukraine. Dù cuộc chiến này kết thúc như thế nào thì nước Nga cũng sẽ bị xóa sổ khỏi danh sách các cường quốc trên thế giới.

Việt Nam vẫn quan hệ tốt với Trung Quốc nhưng từ 10 năm qua đã có những bước tiến lớn trong quan hệ ngoại giao với các nước dân chủ (đứng đầu là Mỹ) nhờ chính sách đu dây (ngoại giao cây tre). Có những lúc quan hệ Việt – Mỹ nồng ấm đến mức ông Nguyễn Phú Trọng được mời sang Mỹ và được đón tiếp một cách nồng hậu như một nguyên thủ quốc gia tại phòng bầu dục Nhà Trắng. Đó là hồi tháng 7/2015, khi nước Mỹ thời Obama thực hiện chính sách xoay trục sang Châu Á – Thái Bình Dương. Đã xuất hiện một luồng dư luận, bắt nguồn từ trong nội bộ đảng là ‘Đảng cộng sản sẽ thoát Trung’ để quay sang Mỹ. Thực hư không rõ thế nào nhưng điều này đã làm phấn chấn tinh thần cho nhiều người Việt Nam và ngay cả với các đảng viên cộng sản. Chỉ cần vào Google gõ ‘Việt Nam cần thoát Trung’ là có ngay 240 triệu kết quả trong 0,57 giây. Ai cũng hy vọng và hồ hởi khi Đảng cộng sản có vẻ đang tách khỏi quĩ đạo của Trung Quốc để xích lại gần Mỹ. Các cuộc thăm viếng lẫn nhau giữa lãnh đạo hai nước diễn ra thường xuyên, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Mỹ tăng liên tục, năm sau cao hơn năm trước.

Trong đại dịch Covid-19, Mỹ là quốc gia viện trợ vắc-xin nhiều nhất cho Việt Nam và điều đó đã giúp ngăn chặn đại dịch bùng phát và không kéo dài như bên Trung Quốc. Đỉnh điểm của mối quan hệ nồng ấm Việt – Mỹ là chuyến thăm Việt Nam của bà Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris hồi tháng 8/2021. Mục đích của chuyến đi này là để nâng cấp mối quan hệ Việt – Mỹ từ ‘đối tác chiến lược’ lên thành ‘đối tác chiến lược toàn diện’. Tuy nhiên mong muốn đó từ hai phía đã không thành vì sự can thiệp của Trung Quốc. Chỉ vài tiếng trước khi chuyên cơ của bà Kamala Harris hạ cánh xuống Nội Bài thì đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, Hùng Ba đã ‘yêu cầu’ gặp thủ tướng Phạm Minh Chính để nhắc lại cam kết của Hà Nội là ‘không liên kết với nước này để chống lại nước kia’. Cuộc gặp gỡ vội vàng và nội dung của nó đã được báo chí Việt Nam công khai ngay lập tức.

npt-2

Quan hệ Việt – Mỹ ngày càng trở lên lạnh nhạt sau cuộc thăm Việt Nam của bà Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris hồi tháng 8/2021.

Bắt đầu từ hôm đó quan hệ Việt – Mỹ ngày càng trở lên lạnh nhạt. Khi cuộc chiến xâm lược Ukraine diễn ra thì Việt Nam đã công khai đứng về phía Nga và Putin khi 3 lần bỏ phiếu trắng tại Liên Hợp Quốc trong việc lên án cuộc xâm lược trắng trợn, vi phạm nghiêm trọng các công ước quốc tế của Putin. Kết quả của hành động chọn phe đó là Mỹ đã hủy hai cuộc thăm viếng Việt Nam, một của ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hồi tháng 8/2022 và mới đây là của tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 12/11/2022 khi ông đến Campuchia tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN. Việc ông Biden hứa sẽ đến Việt Nam trong một thời điểm thích hợp chỉ là ngôn ngữ ngoại giao. Hơn nữa sức khỏe và tuổi tác không cho phép ông Biden di chuyển thường xuyên và xa xôi như vậy. việc ông Phạm Minh Chính nói Việt Nam không chọn phe cho thấy, một là nội bộ Đảng không còn đồng thuận nên ‘ông nói gà, bà nói vịt’ hai là họ ‘nói một đằng, làm một nẻo’ như bản chất của họ từ xưa đến nay.

Cuộc chiến Nga – Ukraine đã, đang và sẽ thay đổi hoàn toàn trật tự thế giới đúng như nhận định và phân tích của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Dù cuộc chiến vẫn chưa kết thúc nhưng những tác động sâu sắc của đó đối với thế giới thì quốc gia nào cũng có thể cảm nhận được. Kinh tế suy thoái, lạm phát cao, sản xuất suy giảm đang đe dọa sự ổn định của nhiều quốc gia và cuộc sống của mỗi người dân. Theo nhận định của ông Achim Steiner, Giám đốc chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) hôm 10/11 thì có đến 54 quốc gia thuộc nhóm ‘đang phát triển’ có thể bị phá sản và vỡ nợ nếu không được hỗ trợ khẩn cấp. Tình trạng khan hiếm xăng dầu tại Việt Nam là dấu hiệu báo trước cho một cuộc khủng hoảng kinh tế trong nay mai.

Đại dịch Covid-19, cuộc chiến xâm lược Ukraine của nước Nga và nhất là phong trào dân túy bùng phát trên khắp thế giới thời gian qua đã đặt dấu chấm hết cho phong trào toàn cầu hóa xô bồ, duy lợi nhuận, bất chấp nhân quyền và đạo đức. Việc Mỹ và các nước dân chủ đem các nhà máy quan trọng về chính quốc và chuyển các nhà máy còn lại từ Trung Quốc sang các nước đồng minh dân chủ là một tiến trình bắt buộc và không thể đảo ngược.

Việc Đảng cộng sản Việt Nam chọn phe đứng về phía Trung Quốc qua chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng sẽ khiến Việt Nam trả giá đắt. Nền kinh tế bắt đầu xấu đi: Bất động sản đóng băng, tiền nội tệ mất giá, ngân hàng thiếu tiền, chứng khoán giảm sâu, các nhà máy bắt đầu sa thải công nhân vì không có đơn đặt hàng mới…cộng thêm các vụ bắt bớ liên tục các doanh nghiệp lớn là những gì mà người dân đang chứng kiến. Tuy nhiên khó khăn và khủng hoảng đang chờ Việt Nam ở phía trước. Việt Nam là nước có kim ngạch xuất nhập khẩu cao một cách bất thường khi chiếm hơn 200% GDP, điều này có nghĩa là Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào bên ngoài. Việt Nam không còn làm chủ nền kinh tế của mình và sẽ phải gánh chịu những hậu quả xấu không phải do mình gây ra.

npt-3

Nền kinh tế Việt Nam bắt đầu có vấn đề.

Cơ hội ‘nghìn năm có một’ của Việt Nam đã bị Đảng cộng sản phá hỏng và đánh mất khi họ chọn đứng về phe các nước độc tài thay vì dân chủ hóa đất nước để gia nhập vào hàng ngũ các nước văn minh và phát triển. Đảng cộng sản Việt Nam đã vì quyền lợi của mình mà đi ngược lại nguyện vọng của người dân và lợi ích của đất nước. Ý thức hệ cộng sản đã thắng thế và đang nhấn chìm dân tộc Việt Nam xuống bùn đen. Giải pháp cho đất nước không thể đến từ Đảng cộng sản. Người dân Việt Nam sẽ phải trả giá đắt để nhận ra điều đó.

Cuộc chiến Nga – Ukraine gần như là một ‘tiểu thế chiến’ khi có hơn 40 nước ủng hộ và đứng về phía Ukraine, trong khi đó có ít nhất là Iran và Bắc Triều Tiên đã gửi vũ khí giúp Nga chống lại Ukraine. Dù có viện trợ và giúp đỡ Nga hoặc Ukraine hay không thì tất cả các nước đều phải có lập trường và thái độ rõ ràng trong cuộc chiến này, tức là phải chọn phe. Đường lối ngoại giao cây tre, gió thổi chiều nào nghiêng chiều đấy của Đảng cộng sản không còn đất để dụng võ khi Liên Hợp Quốc liên tục tổ chức bỏ phiếu để các nước tỏ rõ thái độ và lập trường của mình. Trong chuyến ghé thăm Việt Nam hôm 13/11 trên đường đi dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Indonesia, thủ tướng Đức Olaf Scholz nhắc lại ‘chúng tôi mong muốn VN phải có quan điểm rõ ràng hơn trong cuộc xung đột Nga – Ukraine’. Quan điểm của Việt Nam như thế nào thì cả thế giới đều đã biết, phát biểu của thủ tướng Đức là muốn Việt Nam thay đổi lập trường và đứng về phía các nước dân chủ. Nên biết Đức là đầu tàu kinh tế và là trụ cột của Liên Hiệp Châu Âu (EU), là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn và quan trọng nhất của Việt Nam.

Cuộc chiến Nga – Ukraine là một cuộc chiến ý thức hệ, không chỉ có Mỹ và EU đứng về phía Ukraine mà là tất cả các nước dân chủ trên thế giới như Nhật, Úc, Canada, Singapore…đều đứng về phía Ukraine. Sau Nga sẽ đến lượt Trung Quốc và đó không phải là cuộc thư hùng giữa Mỹ và Trung Quốc mà là cả thế giới dân chủ với Trung Quốc. Thời kỳ hữu hảo, hợp tác làm ăn với nhau, bất chấp thể chế chính trị, đạo đức và lẽ phải giữa các nước độc tài và dân chủ đã chấm dứt. Việt Nam dù không muốn nhưng cũng phải chọn phe và họ đã chọn phe. Đảng cộng sản không chọn đứng về phía các nước dân chủ vì nhiều lý do, thứ nhất họ luôn đặt quyền lợi của họ lên trên lợi ích của nhân dân, thứ hai là Trung Quốc đã nắm giữ được rất nhiều bí mật động trời của Đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc dùng các bí mật thâm cung bí sử đó để khống chế ban lãnh đạo Đảng cộng sản.

npt-4

Trung Quốc khống chế được Đảng cộng sản Việt Nam vì họ nắm giữ được nhiều bí mật động trời ?

Chuyến đi Trung Quốc của ông Nguyễn Phú Trọng được tổ chức một cách trọng thể chưa từng có cho thấy Đảng cộng sản Việt Nam, một lần nữa chấp nhận hoàn toàn thần phục và đứng về phía Trung Quốc. Tuy nhiên kết quả sẽ không như Đảng cộng sản mong muốn, Trung Quốc không thể giúp gì cho Việt Nam. Ra đón và tiễn đoàn Việt Nam chỉ có ông Lưu Kiến Siêu, một ủy viên trung ương Đảng của Trung Quốc. Trong các cuộc gặp gỡ với ông Nguyễn Phú Trọng thì ngoài quốc kỳ hai nước ra còn có cờ đỏ búa liềm, biểu tượng của chủ nghĩa cộng sản. Một thông điệp rất rõ ràng của Trung Quốc gửi đến Việt Nam và thế giới: Chúng tôi chỉ gắn kết với nhau bởi ý thức hệ cộng sản.

Trung Quốc đã và đang khủng hoảng, điều này không còn che dấu được ai. Trung Quốc không còn tiền để cứu cả Sri-Lanka và Lào thì làm sao cứu được Việt Nam. Ông Nguyễn Xuân Phúc mấy hôm nay phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi để cầu cạnh các doanh nghiệp Mỹ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên ông sẽ nhận được rất nhiều các lời hứa còn thực hiện thì chắc phải đợi đến…tết Công gô. Ngay cả công ty Samsung Việt Nam cũng đang có kế hoạch giảm sản lượng sản xuất tại Việt Nam từ 50-60% xuống 40% trong năm 2023. Nên biết doanh thu của Samsung Việt Nam năm 2021 là hơn 74 tỉ USD, chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Đã đến lúc trí thức và người dân Việt Nam nên tìm hiểu và ủng hộ cho một giải pháp khác, của một tổ chức chính trị khác ngoài Đảng cộng sản vì giải pháp cộng sản không còn là giải pháp cho đất nước.

Việt Hoàng

(20/11/2022)