Trung ương 6 bế mạc què quặt (Phạm Trần)

"Què quặt" vì không có gì mới, toàn những vấn đề cũ đã thất bại trong nhiều năm được lặp lại. Riêng trong công tác nhân sự được thảo luận với đề án bổ nhiệm 3 chức danh gồm : Tổng Kiểm toán Nhà nước và phê chuẩn các chức danh Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng Giao thông vận tải tại kỳ họp của Quốc hội, khai mạc ngày 20/10/022. 


Sau 7 ngày gọi là "làm việc khẩn trương, nghiêm túc và đầy tinh thần trách nhiệm", Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII của Đảng cộng sản Việt Nam đã bế mạc què quặt ngày 09/10/2022.

hoinghi1

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên bế mạc sáng 9/10/2022. Ảnh : Trọng Đức/TTXVN

"Què quặt" vì không có gì mới, toàn những vấn đề cũ đã thất bại trong nhiều năm được lặp lại. Riêng trong công tác nhân sự được thảo luận với đề án bổ nhiệm 3 chức danh gồm : Tổng Kiểm toán Nhà nước và phê chuẩn các chức danh Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng Giao thông vận tải tại kỳ họp của Quốc hội, khai mạc ngày 20/10/022.

Người dự kiến được bổ nhiệm vào chức Tổng Kiểm toán nhà nước là ông Ngô Văn Tuấn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình, căn cứ vào quyết định của Bô Chính trị.

Bộ trưởng Y tế mới sẽ về tay bà Đào Hồng Lan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế . Bà Lan nguyên là Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh.

Riêng chức danh Bộ trưởng Giao thông Vận tải, hiện do ông Nguyễn Văn Thể là Bộ trưởng từ năm 2017 sẽ có người mới.

Thảo luận và nghị quyết

Theo chương trình đề ra, có 5 lĩnh vực đã được thảo luận và ban hành Nghị quyết gồm :

1. Về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.

2. Về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

3. Về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

4. Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

5. Về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị.

Ông Trọng khoe

Về tình hình Kinh tế, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khoe : "Trong bối cảnh, tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến mới, nhanh chóng và phức tạp, gây ra không ít khó khăn, thách thức lớn hơn so với dự báo, nhưng do có sự lãnh đạo sáng suốt, sát sao, kịp thời của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ; sự đồng hành và giám sát có hiệu quả của Quốc hội ; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, bài bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ; sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành ; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ : Vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả".

Tuy nhiên, ông Trọng cũng nói phải đề cao cảnh giác trước bệnh dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới ; giữ vững ổn định kinh tế ; kiểm soát lạm phát, bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước và đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế.

Thất bại lớn nhất của ông Trọng là đã không giữ được lời hứa đưa Việt Nam thành nước "công nghiệp hóa vào năm 2020". Vì vậy, Hội nghị Trung ương 6 đã lùi mục tiêu lại 10 năm sau vào năm 2030, có tầm nhìn đến năm 2045. Nhưng không ai biết liệu Đảng cộng sản Việt Nam có thành công hay tiếp tục thất bại.

Về mục tiêu thứ 4 : "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam", ông Tổng bí thư Trọng lại khoe : "Ban Chấp hành Trung ương nhất trí cao việc ban hành Nghị quyết về "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới" với mục tiêu tổng quát là : "Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo ; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán ; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ có hiệu quả quyền con người, quyền công dân ; quyền lực nhà nước là thống nhất…".

Câu nói này cũng giống như lời tuyên truyền Việt Nam "quá độ lên chủ nghĩa xã hội" và thực hiện nền "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa". Nhưng từ cuối năm 2013, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh đã nói : "Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm".

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược cũng nói : "Chúng ta là nền kinh tế thị trường duy nhất trên thế giới lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo, làm kinh tế thị trường bị biến dạng, gia tăng vai trò can thiệp hành chính của Nhà nước" (Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 04/05/2014).

Vì vậy khi ông Trọng cho biết Trung ương 6 đã nhất trí "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo trong giai đoạn mới" thì ai cũng biết ông đang nói tào lao.

Bởi lẽ, nhà nước do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo không hề là của dân, do dân và vì dân mà là "của đảng, do đảng và vì đảng" 100% từ Trung ương xuống cơ sở với tham nhũng ngập đầu. Nhân dân không có quyền chọn người lãnh đạo, không được bầu cử và ứng cử tự do, không được lập đảng đối lập, và không được ra báo thì "dân chủ" ở đâu ?

Trên lĩnh vục tư pháp, tuy đảng nói hoàn toàn độc lập nhưng lại do "đảng lãnh đạo". Các phiên tòa xử, nhất là trong các vụ án chính trị và xử những ngưởi đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo thì từ quan tòa đến công tố viên đều là người của đảng. Các luật sư bào chữa tư nhân bị hạn chế đối chất nhân chứng và không được cung cấp, hay cung cấp thiếu các văn kiện điều tra của Công an. Đặc biệt, thân nhân của những "tù nhân chính trị và đấu tranh tư tưởng" không được tham dự phiên tòa, mặc dù Chính phủ nói "xử công khai".

Về mục tiêu 5 : "Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị", ông Nguyễn Phú Trọng lại khoe : "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay". Nhưng Trung ương lại quyết định tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước ưu tiên trong công tác : "Vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ; bảo đảm sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng và bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

Toàn là khẩu hiệu và tuyên truyền. Đảng cộng sản Việt Nam đã làm công tác này từ khóa đảng XI năm 2011, ngay sau khi ông Nguyễn Phú Trọng lên chức Tổng bí thư. Nhưng Chủ nghĩa cộng sản đã chết ngay trên quê hương sinh ra nó ở Nga từ năm 1991, sau 70 năm cai trị hà khắc và đã giết hại hàng trăm triệu người khắp Thế giới.

Ở Việt Nam, từ khi ông Hồ Chí Minh du nhập chủ nghĩa này vào trong nước năm 1930 và thành lập đảng, Việt Nam đã biến thành bãi chiến trường cho tham vọng cường quyền và độc tài của những người đi theo chủ nghĩa cộng sản.

Ngày nay, sau 36 năm gọi là "đổi mới" từ năm 1986, Việt Nam, tuy đã thoát đói nhưng vẫn nghẻo nàn và lạc hậu. Đại đa số nhân dân ngót 100 triệu người vẫn chậm tiến so với các dân tộc láng giềng. Đảng cộng sản Việt Nam đã sa lầy từ năm này qua năm khác. Khuyết điểm và thất bại cứ chồng lên nhau nên nếu muốn "đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng" thì đảng phải chứng minh bằng những việc làm cụ thể, không phải những lời nói suông.

Đảng cũng cần giải thích tại sao chế độ được gọi là "siêu việt" mà lại có "một số không nhỏ cán bộ, đảng viên "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa", quay lưng lại với chủ nghĩa cộng sản và đảng cầm quyền.

Vì vậy, nếu cứ tiếp tục rêu rao sáo ngữ "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ" thì Việt Nam sẽ mãi mãi chúi đấu xuống cát.

Phạm Trần

(10/10/2022)