Chiến dịch đốt lò: Bắt nữa để làm gì ? (Quốc Bảo)
Tầng lớp doanh nhân được thai nghén và trưởng thành trong chế độ đang bị dập nát. Làm sao có thể dùng nghị quyết và súng để áp đặt kế hoạch phát triển.
“Đốt lò” là biệt ngữ mà ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dùng để chỉ việc phòng, chống tham nhũng trong nội bộ Đảng. Khi đốt lò, sẽ có thi hành các đại án, bắt các lãnh đạo cao cấp của chế độ và sân sau của họ. Nhưng những gì đang diễn ra trong lòng chế độ và xã hội Việt Nam cho thấy việc tiếp tục đốt lò đồng nghĩa với Đảng đang thiêu chính mình.
Việc bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch công ty Vạn Thịnh Phát bị bắt hay chưa thì người dân không biết. Chỉ biết có lệnh khởi tố bắt tạm giam bà Lan, đại gia mới nhất bị đưa lên giàn thiêu. Người dân chỉ cần biết đến thế để thoả mãn tâm lý. Sau đó, các vụ bắt đại gia cũng trở thành tin giải trí trong một xã hội bát nháo các loại giá trị. Tài sản của các đại gia sau đó sẽ được xử lý thế nào để đúng với ý nghĩa của cụm từ “tịch thu sung công”? Không ai được biết. Và chính Đảng đang đốt lò, nhưng cũng không biết bao giờ mới xong và đốt để làm gì. Chống tham nhũng chỉ là khẩu hiểu của ông Trọng, ko ai còn tin và biết làm thế nào ngoài bắt và bắt. Sự thanh trừng và chiếm đoạt lại tài sản mới là ý nghĩa chính. Nhưng hai ý nghĩa này, đã bị đánh mất. Đảng cộng sản quá vụng về trong quá trình đốt lò và họ đang tự đẩy nhanh quá trình xuống vực.
Chiến dịch đốt lò của ông Trọng đã bắt giữ rất nhiều quan chức cao cấp và đại gia nhưng kết quả sẽ là gì? Có chống được tham nhũng không? Câu trả lời là: Không. (Ảnh: Cựu bộ trưởng Y tế và cựu chủ tịch Hà Nội)
“Đảng cộng sản Việt Nam không nắm được xương sống của quá trình phát triển kinh tế. Họ cũng không đóng góp công sức bằng chính sách. Súng không thay được tiền và công nghệ. Súng và quyền có thể đoạt ngân hàng nhưng không thể đoạt được cách vận hành. Dù các đại gia Việt Nam chủ yếu là giữ đất, nhưng cũng từ đất, họ nắm rất nhiều lực lượng lao động qua việc tái đầu tư vào một vài lĩnh vực sản xuất khác (một vài thôi, Việt Nam không có sản xuất cơ bản và thị trường nội địa). Chiếc áo giáp đã được mặc. An toàn tuyệt đối thì không, nhưng an toàn hơn những ai đang bị vắt kiệt lẫn bị thanh trừng thì có”. Tạm gọi họ là các đại gia ‘hạng A’. Khi viết những dòng này một năm trước, lúc Covid-19 đang tàn phá xã hội Việt Nam, người viết cho rằng Đảng vẫn phải ‘giữ kẽ’ với các đại gia ‘hạng A’ này vì chưa kịp chuẩn bị cho hậu Covid-19.
Vậy mà một năm sau, các đại gia ‘hạng A’ cũng không còn giữ được an toàn sau chiếc áo giáp. Các tỉ phú ‘vượng ích’, những người có thể khá an tâm với khối tài sản và lực lượng lao động mình nắm, ảnh hưởng được một phần cấu trúc xã hội, cũng đã bị tống vào lò. Nhưng đây là diễn biến rất đặc thù của các chế độ cộng sản sau các cơn khủng hoảng lớn: Không có kế hoạch giải quyết.
Làm sao có thể có kế hoạch vĩ mô với một nhóm người đặt vị thế chính trị của họ lên trên vị thế quốc gia. Đảng cộng sản không chuẩn bị được việc thu hồi tài sản và vận hành tài sản đó để phát triển kinh tế. Họ bị quán tính và sức ép chính họ tạo ra trong bài chống tham nhũng: Vẫn cứ phải bắt và bắt liên tục. Tầng lớp doanh nhân được thai nghén và trưởng thành trong chế độ đang bị dập nát. Làm sao có thể dùng nghị quyết và súng để áp đặt kế hoạch phát triển.
Câu chuyện Càn Long dùng Hòa Thân như một nơi giữ ngân khố quốc gia cho đời nhà Thanh được một số người trích dẫn như một chiêu bài cao tay của Đảng trong ‘nuôi’ các đại gia. Thực tế đó là việc so sánh vô cùng hài hước. Hình thức kinh tế, việc lưu trữ tài sản của Hoà Thân khác các đại gia Việt. Và kinh tế bây giờ có cấu trúc khác hẳn thời Càn Long. Dễ hiểu là tài sản Hòa Thân thanh khoản và tái sử dụng dễ hơn nhiều so với các đại gia thế kỷ 21 này ở Việt Nam, vốn phi tập trung, thiếu minh bạch và thiếu cả tính hiệu quả với một nền kinh tế thiên về dịch vụ, bất động sản và sản xuất nhỏ lẻ.
Rồi các phe phái cũng tan tác. Không phe phái nào đủ thời gian và tiền bạc để thiết lập địa vị chính trường. Covid-19 đã tàn phá ghê gớm xã hội Việt Nam, nhưng địa chính trị thế giới mới quyết định sự hình thành các phe phái thời cộng sản. Thực tế Đảng cộng sản Việt Nam đã không còn được Trung Quốc hậu thuẫn. Cả xã hội Việt Nam đang gánh chịu những khó khăn vô cùng lớn về mọi mặt từ ách cai trị giai đoạn cuối của Đảng cộng sản.
Cả xã hội Việt Nam đang gánh chịu những khó khăn vô cùng lớn về mọi mặt từ ách cai trị giai đoạn cuối của Đảng cộng sản. (Ảnh: Người dân TP.HCM xếp hàng mua xăng)
Lời hứa đầu tư vào Việt Nam từ các nước dân chủ vốn là một lời hứa có điều kiện. Và nhiều khả năng chỉ là hứa suông trong vài năm tới. Đảng không thể xây dựng được nền kinh tế có trọng tâm sản xuất vì nó quá thiếu lương thiện và chẳng thể tạo ra một nền kinh tế minh bạch, giàu tinh thần học hỏi công nghệ để đảm bảo tiêu chuẩn sản phẩm. Nếu mở rộng được gia công trong bối cảnh khó khăn chung thế này, lợi nhuận sẽ chỉ là tối thiểu và chỉ đảm bảo được một phần công ăn việc làm cho công nhân.
Biến cố chính trị với đất nước không còn xa, có thể tiên liệu trong 5 năm đổ lại. Lúc này, trong từng bộ ngành đang cố hết sức để cải thiện “làm thật”. Họ cũng cố gắng để “làm thật”. Nhưng nguồn lực và con người đâu mà làm. Càng làm càng rối và càng mau vỡ chế độ vì những mâu thuẫn không bao giờ giải quyết được. Một số Bộ, ngành đang cố gắng trong 2 năm nữa, sẽ dọn dẹp sạch sẽ những bất cập để “làm cho ra làm”. Khi Đảng cố gắng tự cải tiến, nó sẽ càng sớm vỡ. Nhất là khi các nước dân chủ đang liên kết lại để nâng cấp khái niệm liên minh dân chủ ở cả phương diện thế chế và kinh tế. Sự nâng cấp này sẽ thay đổi hệ thống chính trị toàn cầu.
Nếu Nguyễn Xuân Phúc nắm được ghế Tổng Bí thư, việc này sẽ làm tan vỡ rất nhanh chế độ với những mâu thuẫn đầy rẫy và công khai trên mạng truyền thông. Mà nếu không, thì dù ai chăng nữa thay ông Trọng, thì đó cũng là người duy nhất trong lịch sử Đảng, không nhận được bất kỳ sự chống lưng nào từ nước ngoài, không có bất kỳ năng lực lí luận hay thậm chí cuồng tín về hệ tư tưởng nào. Bài tính dựa vào Nga cũng đã phá sản khi Nga xâm lăng Ukraine và thất bại. Ai lên thay ông Trọng cũng tự biến mình thành con mồi của tất cả các thế lực trong nội bộ Đảng xâu xé. Không còn ai thực sự có đủ uy tín nên ông Trọng cứ phải ngồi mãi ở ghế Tổng Bí thư.
Vậy thì càng đốt lò, Đảng càng tự đẩy mình vào thế đối đầu với chính những lực lượng sắp lâm nguy cộng sinh với nhau. Và khi nền kinh tế bị khủng hoảng, họ sẽ không thể làm gì khác ngoài buông xuôi. Khẳng định lại một điều mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã đề cập nhiều lần: Giải pháp cho đất nước không bao giờ tới từ trong lòng chế độ cộng sản.
Quốc Bảo
(10/10/2022)