Cuộc chiến Nga-Ukraine sắp đi vào hồi kết ? (Việt Hoàng)

Vì sao nước Nga vĩ đại lại ra nông nỗi như ngày hôm nay? Câu trả lời không phải ai cũng biết. Nước Nga được xây dựng và hình thành bởi chiến tranh và bạo lực. Nước Nga có nhiều vĩ nhân nhưng không hề có các nhà tư tưởng chính trị có tầm vóc. Chính vì thế mà nước Nga không có một tầng lớp trí thức chính trị thực sự và đúng nghĩa. 



Đánh dấu 7 tháng cuộc chiến xâm lược Ukraine, sáng 21/9/2022 Putin đã ký lệnh tổng động viên (một phần) tại nước Nga để có thêm 300.000 quân bổ xung cho chiến trường Ukraine. Điều làm nhiều người ngạc nhiên là mới cách đó mấy hôm, vào ngày 16/9/2022 trong cuộc gặp gỡ với thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bên lề hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại thành phố Samarkand, Uzbekistan thì Putin nói rất rõ rằng ‘chúng tôi sẽ làm mọi việc có thể để cuộc xung đột kết thúc càng sớm càng tốt’. Theo Putin vấn đề là ‘ban lãnh đạo Ukraine tuyên bố từ chối tiến trình đàm phán, muốn đạt được mục tiêu của họ bằng vũ lực, theo cách nói là trên chiến trường’.

Thông điệp của Putin quá rõ ràng: ‘Nước Nga muốn đàm phán với Ukraine. Mỹ và phương Tây cần gây sức ép để Ukraine ngồi vào bàn đàm phán’. Tuy nhiên lời ‘khẩn cầu’ đó của Putin đã không ai thèm nghe. Giận quá hóa liều. Putin ra lệnh tổng động viên. Sau 2 tiếng đồng hồ vé máy bay từ Nga đi các nước (không cần visa) đã được bán hết dù giá tăng cao gấp nhiều lần.

Lệnh tổng động viên của Putin có giúp thay đổi cục diện chiến trường tại Ukraine không, câu trả lời là không. Những người lính dự bị đó phải được đào tạo ít nhất là từ 3 đến 6 tháng mới có thể cầm súng ra trận. Chờ đến lúc đó thì nước Nga đã đại bại. Tuy nhiên lệnh tổng động viên sẽ làm xã hội Nga bất ổn và hoảng loạn. Các cuộc biểu tình đã nổ ra tại nhiều thành phố và hàng trăm người đã bị bắt giữ. Nên biết là từ trước đến nay Putin chỉ mới tuyển lính từ các vùng xa xôi hẻo lánh chứ chưa đụng đến người dân tại các thành phố lớn để tránh gây hoang mang cho người dân. Lệnh tổng động viên cho thấy Nga đang thua, ‘chiến dịch quân sự đặc biệt’ đã thất bại và trở thành một cuộc chiến lớn. Thường thì lệnh tổng động viên là để bảo vệ tổ quốc chứ không phải để đi xâm lược nước khác. Trong một chế độ tham nhũng và bạo lực hàng đầu thế giới thì lệnh tổng động viên sẽ là cơ hội vàng để lực lượng công an và quân đội cướp bóc và tống tiền những gia đình giàu có tại Nga có thân nhân trong độ tuổi bị bắt đi lính.

nga01

Các cuộc biểu tình đã nổ ra tại nhiều thành phố của Nga và hàng trăm người đã bị bắt giữ.

Trên mạng xã hội có chia sẻ một video clip phỏng vấn những người Nga trên đường phố rất thú vị. Khi được hỏi là có yêu nước Nga và sẵn sàng hy sinh vì nước Nga vĩ đại không thì ai cũng trả lời là có nhưng khi phóng viên xin tên tuổi và địa chỉ để gọi họ vào lính khi có lệnh tổng động viên thì tất cả đều từ chối và bỏ đi ngay lập tức. Người Nga ở các thành phố lớn không hề ảo tưởng về nước Nga vĩ đại mà họ rất thực tế, từ khi cuộc chiến nổ ra đã có 4 triệu người Nga bỏ nước ra đi.

Suốt một tháng qua cục diện trên chiến trường Ukraine đã thay đổi quan trọng. Quân đội Ukraine bắt đầu phản công và đánh bật quân Nga ra khỏi nhiều thành phố chiến lược như Izium, Kupiansk tại tỉnh Kharkiv. Quân Nga đã bỏ chạy trong vội vã và hoảng loạn để lại nhiều khí tài hiện đại và quan trọng. Đáng nói nhất là một trung tướng Nga, chỉ huy cỡ tập đoàn quân đã không kịp chạy nên bị Ukraine bắt làm tù binh. Lực lượng Nga tại Kherson cũng đang bị quân Ukraine vây chặt.

Trong bất kỳ cuộc chiến lớn nào thì việc tiến quân luôn dễ dàng hơn việc triệt thoái (rút lui). Nếu không tổ chức thật hoàn hảo thì các cuộc triệt thoái sẽ dẫn đến thất bại cho toàn quân đội. Cuộc triệt thoái của quân lực Việt Nam Cộng Hòa một cách hỗn loạn khỏi Tây Nguyên năm 1975 dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn là một ví dụ. Một đội quân viễn chinh nếu muốn dành ưu thế thì phải ‘đánh nhanh thắng nhanh’, nếu không tiến được mà phải dừng lại thì đó cũng là dấu hiệu của sự lúng túng. Việc quân Nga phải rút chạy một cách hoảng hốt đã giáng một đòn rất mạnh vào tinh thần chiến đấu của quân lính Nga và làm rung chuyển cả nước Nga.

Vì sao quân Nga không thể tiến lên được, thậm chí phải rút lui? Câu trả lời cũng khá giản dị, quân đội Nga quá lạc hậu. Nga vẫn dùng cách đánh cổ điển như cách đây 70 năm là dùng pháo binh bắn ồ ạt dọn đường sau đó bộ binh và xe tăng tiến lên. Ban đầu Ukraine phải rút lui và để mất một số thành phố vì lực lượng quá chênh lệnh sau đó họ bắt đầu tổ chức phản công và đẩy lùi quân Nga khi nhận được vũ khí hiện đại từ Mỹ và các nước dân chủ. Ngoài trọng pháo HIMARS bắn được rất xa và chính xác thì thứ vũ khí quyết định cho cuộc chiến này chính là máy bay không người lái (Drone-UAV). Máy bay không người lái đã giúp cho quân đội Ukraine trinh sát và phát hiện sớm các mục tiêu của quân Nga sau đó đánh dấu vị trí và gọi pháo tấn công. Máy bay không người lái cũng đã trực tiếp tấn công các mục tiêu nằm sâu trong khu vực Nga kiểm soát, trong đó có loại Bayrakta nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều loại khác Drone khác nhau.

nga2

Máy bay không người lái sẽ quyết định cho sự thành bại trên chiến trường Ukraine.

Sự tham gia của Drone đã giúp Ukraine chiếm ưu thế vượt trội. Các đoàn xe tiếp vận của Nga đã sớm bị máy bay không người lái phát hiện và trở thành mục tiêu cho HIMARS. Các căn cứ của quân Nga cũng bị Drone tấn công liên tục. Drone của quân đội Ukraine đã khiến quân Nga không thể tập trung được các cánh quân nhỏ lại với nhau tạo thành một đội quân lớn để tổ chức các trận đánh có qui mô. Putin và không ít người Việt Nam ủng hộ Nga đang hy vọng mùa Đông sắp đến sẽ giúp thay đổi cục diện có lợi cho Nga. Đó là một hy vọng hão huyền và không có cơ sở. Đúng là mùa đông khắc nghiệt của nước Nga đã từng giúp Nga đánh bại Napoleon lẫn Hitle trước đây nhưng khi đó Nga là nước bị xâm lược và phải tự vệ. Ngày hôm nay Nga là nước đi xâm lược nên không còn lợi thế ‘sân nhà’. Mặt trận Donbass hay Kherson cách khá xa hậu phương nên công việc đảm bảo hậu cần như vũ khí, lương thực và xăng dầu cho đội quân viễn chinh là rất khó khăn. Hơn nữa mùa đông lạnh lẽo, cây cối rụng lá khiến việc giữ bí mật cho quân Nga càng trở nên khó khăn. Máy bay không người lái của Ukraine dễ dàng phát hiện ra các vị trí đóng quân của Nga và sẽ nhanh chóng gọi pháo binh tấn công các mục tiêu đó.

Bộ Quốc phòng Nga vừa đưa ra con số thiệt hại của phía Nga là gần 6.000 binh lính tử trận còn phía Ukraine thì thiệt hại gấp 10 lần. Sự dối trá này không thuyết phục được ai. Nếu chỉ thiệt hại ít như vậy thì việc gì Nga phải tổng động viên để có thêm 300.000 quân? Một sự kiện gây chú ý cho dư luận đó là việc ông chủ công ty lính đánh thuê Wagner, một người bạn thân của Putin là Yevgeny Pligozhin đã vào các nhà tù công khai tuyển quân với lời hứa sẽ trả lại tự do cho họ sau 6 tháng chiến đấu ở Ukraine và sẽ xử bắn những ai đào ngũ. Sự việc này rất nghiêm trọng vì trong bất cứ một quốc gia nào cũng không được phép thành lập các đội quân riêng ngoại trừ quân đội quốc gia. Việc ông chủ một công ty tư nhân lại có quyền đi vào các nhà tù tuyển quân là điều không thể chấp nhận và hoàn toàn vô pháp. Ông ta lấy quyền gì để trả tự do cho các tù nhân và ông ta nhân danh ai để cho mình cái quyền xử bắn các tù nhân nếu họ đào ngũ? Rõ ràng nước Nga đã không còn luật pháp và quân đội Nga đã trở thành một đội quân ô hợp và trộm cướp. Đội quân gồm những tù nhân đủ loại này sẽ trở nên nguy hiểm dường nào khi trong tay họ có súng và không bị ràng buộc với bất cứ giá trị đạo đức nào?

Yevgeny Prigozhin, ông chủ Wagner là một kẻ bất hảo, từng bị kết án nhiều năm tù vì tội trộm cướp. Sau khi ra tù Prigozhin mở một nhà hàng và khá thành công. Putin là một khách hàng thường xuyên tại quán này và nhanh chóng trở nên thân thiết với Prigozhin. Sau khi Putin lên cầm quyền thì Prigozhin trở thành ‘đầu bếp của Putin’ với rất nhiều quyền lực. Putin sử dụng công ty Wagner để đàn áp các tiếng nói đối lập và sau đó bành trướng ra cả nước ngoài. Điều đáng nói là tại sao Putin lại thân thiết với một kẻ bất hảo như vậy? Rõ ràng là ‘ngưu tầm ngưu, mã tầm mã’, những kẻ bất hảo luôn tìm đến với nhau.

nga3

Yevgeni Prigozhin, ông chủ Wagner trực tiếp vào các nhà tù để tuyển lính với lời hứa trả tự do cho họ sau 6 tháng chiến đấu ở Ukraine.

Trong tháng qua một loạt xung đột biên giới nổi lên tại các quốc gia vùng Trung Á thuộc ảnh hưởng Nga cũng khiến Putin đau đầu như Azerbaijan với Armenia, Kyrgyzstan với Tadjikistan. Kazakhstan, một quốc gia lớn và quan trọng cũng đang có dấu hiệu muốn thoát khỏi quĩ đạo Nga. Trước đây khi Nga còn hùng mạnh thì mọi bất đồng trong khu vực đều bị Nga trấn áp và quản lý nay vì Nga đang sa lầy tại Ukraine nên các nước này trỗi dậy và muốn thành toán mọi ân oán trong lịch sử. Nếu họ có đủ viễn kiến dân chủ thì họ sẽ tìm cách đối thoại với nhau để giải quyết các bất đồng tồn đọng còn nếu không thì chiến tranh là điều tất yếu. Dù chọn cách nào thì đó cũng là dấu hiệu xấu đe dọa sự tồn vong của ‘thế giới Nga’ hậu Liên Xô.

Cuộc gặp gỡ lạnh nhạt của Tập Cận Bình với Putin tại thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) khi ông Tập không nhắc gì đến Ukraine cho thấy sự rạn nứt giữa hai cường quốc độc tài đang muốn thay đổi trật tự thế giới. Cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ, hai cường quốc Châu Á mà Putin đang trông đợi đứng về phía Nga đã công khai chỉ trích cuộc chiến của Putin tại Ukraine và Putin đã phải thừa nhận sự ‘quan ngại’ đó. Một điều bất lợi cho Nga là khi quay lưng với Mỹ và EU thì sự phụ thuộc của Nga vào Trung Quốc sẽ ngày càng lớn và điều đó không hề dễ chịu chút nào. Nga suy yếu sẽ là cơ hội vàng để Trung Quốc lấn sâu vào các nước Trung Á vốn là sân sau của Nga với nhiều tài nguyên phong phú. Bắc Triều Tiên, một đồng minh hiếm hoi của Putin cũng vừa lên tiếng bác bỏ việc cung cấp vũ khí cho quân đội Nga.

Cùng với việc ký lệnh tổng động viên Putin thông báo tổ chức ‘trưng cầu dân ý’ để sát nhập các vùng đất đã chiếm đóng tại Ukraine vào Nga và sau đó đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ các vùng ‘lãnh thổ’ đó. Hành động của Putin vô cùng ngang ngược, bất chấp sự thật, lẽ phải, luật pháp quốc tế và đạo đức. Việc đe dọa dùng vũ khí hạt nhân của Putin có biến thành sự thật hay không? Theo chúng tôi khả năng đó là rất thấp dù vậy nó cũng là mối nguy cho cả thế giới. Chỉ một kẻ điên khùng và tuyệt vọng mới nghĩ như thế. Putin và đám quan chức Nga rất giàu có, tài sản và con cháu ở khắp thế giới. Người giàu thường sợ chết. Putin dù được bảo vệ rất cẩn mật nhưng đi đâu cũng phải mặc áo giáp chống đạn. Ngay cả khi Putin cùng đường ra lệnh tấn công hạt nhân thì các cấp dưới chưa chắc đã tuân lệnh. Họ không muốn chết và họ không có lý do gì để chết. Qui trình tấn công hạt nhân rất phức tạp và liên quan nhiều bộ phận chứ không phải do một mình Putin quyết định.

Với tất cả những gì đang diễn ra thì chúng ta có thể thấy được sự thất bại không thể tránh khỏi của Putin. Nước Nga sẽ thua trong cuộc chiến này và đế quốc Nga sẽ tan rã thành nhiều quốc gia độc lập. Thời đại của Putin sẽ chấm dứt. Tuy nhiên tương lai của nước Nga ra sao vẫn còn là một câu hỏi. Việc các tổ chức dân chủ đối lập Nga không hề có ý kiến hay tiếng nói gì suốt 7 tháng qua là một điều đáng lo ngại. Rõ ràng đối lập dân chủ Nga vẫn không hề có đội ngũ, tổ chức và bất cứ dự án chính trị nào cho đất nước. Nếu Putin bị phế truất thì lực lượng nào sẽ lên cầm quyền ở Nga? Nước Nga sẽ thay đổi về hướng dân chủ hay tiếp tục là một nước độc tài?

nga5

Nước Nga có đủ mọi thứ để có thể trở thành một siêu cường nhưng họ thiếu một thứ quyết định đó là các nhà tư tưởng chính trị, một tầng lớp trí thức chính trị và một dự án chính trị.

Vì sao nước Nga vĩ đại lại ra nông nỗi như ngày hôm nay? Câu trả lời không phải ai cũng biết. Nước Nga được xây dựng và hình thành bởi chiến tranh và bạo lực. Nước Nga có nhiều vĩ nhân nhưng không hề có các nhà tư tưởng chính trị có tầm vóc. Chính vì thế mà nước Nga không có một tầng lớp trí thức chính trị thực sự và đúng nghĩa.

Tầng lớp trí thức Nga cũng không khác gì tầng lớp trí thức Việt Nam và Trung Quốc. Họ sinh ra để làm công cụ cho bạo quyền chứ không phải để lãnh đạo và hướng dẫn quần chúng. Thiếu tư tưởng chính trị, thiếu nhân sự chính trị và các tổ chức chính trị dân chủ đứng đắn là nguyên nhân khiến nước Nga không thể có dân chủ và tự do. Nước Nga dù thuộc về Châu Âu nhưng lại gần gũi với văn hóa Khổng giáo, cũng bất dung và tôn sùng bạo lực. Người Nga không có văn hóa đối thoại, mọi bất đồng đều được giải quyết bằng bạo lực. Chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và tâm lý nước lớn cũng là những lý do khiến nước Nga chìm đắm trong ảo tưởng một siêu cường không có đối thủ.

Các chế độ độc tài đều gây họa cho chính dân tộc họ và nếu là một cường quốc thì họ sẽ gây họa cho cả nhân loại. Không có nhà độc tài nào là sáng suốt. Các chế độ độc tài không có khả năng sửa sai vì vậy họ phải ngoan cố đến cùng trong sai lầm dù biết nó dẫn đến sự tiêu vong. Putin cũng không nằm ngoài qui luật đó. Cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine là cuộc chiến tự hủy diệt. Sự sụp đổ của nước Nga là không thể tránh khỏi. Người dân Việt Nam nên theo dõi và rút ra những bài học cho chính mình và dân tộc mình. Thế giới đang thay đổi và Việt Nam cũng sẽ thay đổi.

Việt Hoàng

(24/9/2022)