Tính độc lập của tòa án Hoa Kỳ (Nhã Duy)

Thẩm phán Bruce Reinhart từng là một công tố viên và luật sư pháp đình, được tín nhiệm và nổi tiếng là một thẩm phán rất thận trọng và uy tín tại khu vực Palm Beach, Florida, nơi có khu nghỉ mát Mar-a-Lago. 


Sau vụ khu nghỉ mát Mar-a-Lago của Donald Trump bị FBI khám xét có trát tòa, truyền thông cánh hữu và người ủng hộ Trump đưa hay dẫn lại những mẩu tin với hàng tít rằng, thẩm phán ký trát xét nhà là một người từng ủng hộ tài chánh cho cựu tổng thống Obama.

toananmy0

Các thẩm phán liên bang Hoa Kỳ thường minh định, họ là những thẩm phán độc lập và phán quyết dựa trên hiến pháp và pháp luật, bất kể được ai bổ nhiệm.

Những mẩu tin một nửa sự thật này rõ ràng muốn hướng vụ xét nhà thành một hành động chính trị và do người của phía đảng Dân chủ thực hiện. Nhưng như các thẩm phán liên bang Hoa Kỳ thường minh định, họ là những thẩm phán độc lập và phán quyết dựa trên hiến pháp và pháp luật, bất kể được ai bổ nhiệm.

Thẩm phán Bruce Reinhart ký trát xét nhà là một thẩm phán tòa hành chánh (magistrate court). Các thẩm phán này không được tổng thống Hoa Kỳ bổ nhiệm mà do các thẩm phán liên bang phỏng vấn và chọn lựa. Đây là những tòa hành chánh và dân sự địa phương, ký lệnh xét nhà, đóng tiền tại ngoại, hỗ trợ pháp lý cho các thẩm phán liên bang. Trong một số trường hợp đặc biệt, các tòa này cũng có thể giải quyết một vài vấn đề hình sự không nghiêm trọng.

Thẩm phán Bruce Reinhart từng là một công tố viên và luật sư pháp đình, được tín nhiệm và nổi tiếng là một thẩm phán rất thận trọng và uy tín tại khu vực Palm Beach, Florida, nơi có khu nghỉ mát Mar-a-Lago.

Ông từng đóng góp vào quỹ tranh cử cho ứng viên cả hai đảng, không chỉ góp riêng cho tổng thống Obama mà cả cho Jeff Bush thuộc đảng Cộng Hòa khi ra tranh cử tổng thống với số tiền nhỏ, từ vài trăm đến một ngàn đô la. Việc ký trát tòa trong khu vực hành chánh của ông không chỉ là trách nhiệm mà còn dựa vào những bằng chứng khả tín do FBI đưa ra, đúng theo thủ tục pháp lý và hành chánh.

Nếu xét thêm, các phán quyết của tòa liên bang trong việc buộc Donald Trump giao nộp hồ sơ thuế cho Quốc hội sẽ hiểu hơn về tính độc lập của tòa án  Mỹ.

Sau các  tranh luận giữa đôi bên, Thẩm phán Trevor McFadden do chính Donald Trump bổ nhiệm đã phán quyết Quốc hội có quyền xem hồ sơ thuế của Trump tại tòa sơ thẩm liên bang hồi tháng 12 năm trước.

Phía luật sư của Donald Trump kháng án, hồ sơ được chuyển lên tòa phúc thẩm D.C để hai bên tiếp tục tranh cãi. Sau 8 tháng xem xét, tòa phúc thẩm D.C vừa tuyên bố giữ nguyên quyết định tòa sơ thẩm, với sự đồng thuận tuyệt đối của cả ba thẩm phán. 

Tòa phúc thẩm D.C được xem là uy tín và quyền lực bậc nhất trong các tòa liên bang, chỉ theo sau Tối Cao Pháp Viện, do vị trí địa lý và khu vực hành chánh nằm ngay tại trung tâm quyền lực của Hoa Kỳ. Tòa án này thường phúc thẩm các vụ án liên quan đến chính phủ cùng các cơ quan hành pháp để bảo đảm luật hành pháp và hiến pháp đã được phán quyết công minh và đúng luật. Họ không chịu áp lực từ bất cứ cá nhân hay đảng cầm quyền nào.

Hai trong ba thẩm phán tại tòa phúc thẩm quan trọng này là Thẩm phán David Sentelle và Karen Henderson được Tổng thống Ronald Reagan thuộc đảng Cộng hòa bổ nhiệm và Thẩm phán Robert Wilkins do Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm.

Có thể nhiều phần phía Donald Trump sẽ tiếp tục kháng án lên Tối Cao Pháp Viện nhưng điều này nếu có xảy ra thì cũng là cách kéo dài thời gian. Bởi sau hai phán quyết của tòa liên bang, có lẽ sẽ không có nhiều cơ hội để Tối Cao Pháp Viện tái xét.

Tòa liên bang là nơi cuối cùng xem xét tính hợp pháp của các vụ án dựa theo hiến pháp và luật pháp Hoa Kỳ, bất chấp chúng do ai đưa ra, có mang mục tiêu chính trị hay đảng phái hay không. Bộ Tư pháp hay FBI cũng chỉ là các cơ quan hành pháp, chịu trách nhiệm và phán quyết cuối cùng của nhánh tư pháp, tức các tòa án liên bang Hoa Kỳ.

Một số người Việt, trong lẫn ngoài nước vốn chịu một hệ thống pháp luật mà tòa án chỉ là nơi thừa hành và hợp pháp hóa các bản án do nhà cầm quyền đưa ra nên suy diễn hệ thống pháp luật Hoa Kỳ theo hiểu biết và kinh nghiệm như vậy.

Nếu đây là vụ án chính trị và lạm quyền để tấn công vào phía đối lập, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã không bị người dân cùng không ít chính khách chỉ trích là đã quá chậm chạp trong việc đưa những kẻ phạm tội ra trước ánh sáng công lý trong gần hai năm qua. Họ đã có thể vội vàng truy tố trước rồi đợi tòa phân xử sau, đó là sự lạm quyền và đã không xảy ra. 

Các dấu hiệu và diễn biến thời cuộc sau những cuộc điều tra phức tạp và thận trọng đã cho thấy nền tảng dân chủ và pháp luật nước Mỹ tưởng như chao đảo hay dẫu chưa hoàn hảo, thì cuối cùng, vẫn đang tiếp tục thực hiện vai trò cùng trách nhiệm của nó một cách độc lập.

Đó là sự khác biệt.

Nhã Duy

(10/08/2022)