Quyền nhân thân của Phạm Đoan Trang bị chà đạp trong phiên xử phúc thẩm (Trân Văn - RFA tiếng Việt)
Do người này vẫn cố chụp nên bà Trang ngồi xuống ghế nên người này không chụp được. Thấy thế, cảnh sát hỗ trợ tư pháp đến bắt bà đứng dậy để cho phóng viên chụp hình khi phiên tòa chưa bắt đầu, khiến nhà hoạt động này cầm chai nước che mặt.
Bị cáo có thẩm quyền gì ?
Trân Văn, VOA, 29/08/2022
Sau khi cô Phạm Đoan Trang bị truy tố, tòa án cấp phúc thẩm và cũng là chung thẩm quyết định giữ nguyên hình phạt chín năm tù vì cô "tuyên truyến chống nhà nước xã hội chủ nghĩa", bất chấp phản đối, khuyên can từ nhiều phía cả ở trong lẫn ngoài Việt Nam.
Thẩm phán Lê Trí Tuệ, Phó Chánh án
Tòa án Tối cao, vừa thay mặt ngành tòa án phân trần với báo giới rằng
: "Chúng tôi không vẽ ra qui định muốn ghi âm, ghi hình
phải xin phép" (1).
Hôm 29/8/2022, ở cuộc họp báo do Văn phòng Chủ tịch
Nhà nước tổ chức để công bố "Pháp lệnh xử phạt
vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng"
mà Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam vừa thông qua trước đó mươi
ngày, ông Tuệ giải thích, việc buộc báo giới phải xin phép
ghi âm, ghi hình không phải vì muốn gây khó khăn cho hoạt động của
báo giới mà vì luật pháp buộc phải tôn trọng quyền của mọi người, do
vậy ghi âm hay ghi hình mới bị hạn chế, vi phạm sẽ bị phạt.
Lúc đầu, Dự thảo "Pháp lệnh xử phạt vi
phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng"
cấm ghi âm, ghi hình hoạt động xét xử của hệ thống tòa án.
Theo Thẩm phán Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án Tối cao :Mục tiêu tối thượng
của xét xử là đưa ra phán quyết công tâm, đúng pháp luật, không
phải dịp để truyền thông. Cho phép ghi âm, ghi hình dễ dẫn đến
sự phân tâm, kể cả Hội đồng xét xử. Chưa kể phải
bảo vệ quyền nhân thân của các đương sự liên quan đến các vụ kiện
hoặc vụ án hình sự (2).
Để minh họa cho quan điểm của Thẩm phán Nguyễn Hòa
Bình nói riêng và ngành tòa án nói chung, trang web của Quốc hội Việt
Nam đã tập hợp – giới thiệu tư liệu để chứng minh,
Anh, Mỹ đã làm như thế từ lâu nhằm ngăn cản việc xâm hại
quyền con người, cũng như vi phạm những quy định pháp luật khác (3).
Tuy nhiên do sự phản đối của hệ thống truyền thông chính thức
cũng như các "thức giả", giờ, vì "lợi ích
công cộng", cuối cùng báo giới Việt Nam vẫn có thể ghi âm,
ghi hình nếu được cho phép.
Bởi báo giới vẫn còn thắc mắc về việc phải xin phép
ghi âm, ghi hình, Thẩm phán Nguyễn Trí Tuệ lưu ý :Báo
chí có quyền của báo chí, nhưng người khác cũng có quyền của công
dân – rồi dẫn chuyện các viên chức tư pháp Nam Hàn buộc các viên chức
ngành tòa án ở Việt Nam phải xóa những tấm ảnh chụp phòng xử ở Nam
Hàn dù trong phòng chẳng có ai làm ví dụ, minh họa cho việc
thiên hạ nghiêm ngặt thế nào trước những vấn đề có liên
quan đến hoạt động xét xử.
Nhìn một cách tổng quát, biện giải của Chánh án Tòa án
Tối cao, Phó Chánh án Tòa án Tối cao, rồi các viên chức hữu trách
trong Ủy ban thường vụ của Quốc hội Việt Nam đối với hạn chế ghi âm,
ghi hình hoạt động xét xử của ngành tòa án mang dáng dấp một tiến
bộ rất đáng lưu ý về nhận thức cả với bảo vệ nhân
quyền, bảo vệ và thực thi pháp luật, chứng tỏ nỗ lực tiến tới
văn minh tư pháp nhưng có thiệt vậy không ? Dường
như là không !
Đem lập luận của các viên chức hữu trách trong lĩnh vực
tư pháp, lập pháp đối với hạn chế ghi âm, ghi hình hoạt động
xét xử của ngành tòa án đặt bên cạnh phiên xử phúc thẩm
cô Phạm Đoan Trang cũng mới diễn ra tại Hà Nội sẽ thấy,
chuyện biện giải nhằm đề cao nhân quyền, bảo vệ và thực thi
pháp luật của những viên chức hữu trách đứng đầu hệ thống
tư pháp, lập pháp hoàn toàn không đại diện cho nhận thức của họ. Họ nói
vậy nhưng không phải vậy !
Bởi vậy nên thẩm phán chủ tọa phiên xử cô Phạm Đoan
Trang mới lờ đi, không đếm xỉa đến đề nghị của luật
sư bào chữa cho cô Trang, để hai phóng viên được phép tác nghiệp
trong phiên xử ghi hình thoải mái dù điều đó trái với ý muốn
của Trang (3).
***
Trước kia, cho dù không có chủ trương hạn chế ghi âm,
ghi hình các bị đơn của những vụ kiện, bị cáo của những vụ án,
dẫu báo giới có thể khai thác thoải mái hình ảnh, thông tin
cá nhân của bị đơn, bị cáo như làm show nhưng thỉnh thoảng,
hệ thống tòa án vẫn có "tiến bộ đột xuất" trong
nhận thức về nhân quyền nên mạnh dạn vận dụng các qui định của pháp
luật để bảo vệ quyền con người của một số bị đơn, bị cáo.
Các tòa án thường cậy đến nhân quyền khi xét xử những bị đơn,
bị cáo thuộc dạng đặc biệt...
Chẳng hạn hồi tháng 8/2019, khi xử ông Nguyễn Hữu Linh,
Viện phó Viện Kiểm sát Đà Nẵng bị truy tố vì "dâm
ô với trẻ em", Thẩm phán Nguyễn Thị Thanh Thảo khi ấy
là Phó Chánh án Tòa án quận 4 – Thành phố Hồ Chí
Minh đã yêu cầu báo giới không được chụp ảnh ông Linh
trong phòng xử vì ông Linh "yêu cầu như vậy".
Theo lệnh Tòa, công an đã vây quanh ông Linh để che chắn,
giúp ông bảo vệ hình ảnh khi ông rời phòng xử, rồi tiếp tục che
chắn như thế cho tới khi ông Linh lên xe riêng rời khỏi
tòa án (4).
Chẳng hạn hồi tháng 01/2020, khi xét xử vụ án "vi
phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản, đất đai
của nhà nước" xảy ra tại Đà Nẵng, Thẩm phán Trần Nam
Hà của Tòa án Hà Nội đã "đề nghịcác
cơ quan báo chí đưa tin trung thực, tôn trọng quyền cá nhân của
bị cáo theo đúng Luật Báo chí và Luật An ninh mạng" vì
ông Phan Văn Anh Vũ phàn nàn, đại ý :Cha mẹ ông không khai
sinh ông là "Vũ Nhôm", Viện Kiểm sát và báo chí không
có quyền gọi như vậy (5).
Chẳng hạn hồi tháng 9/2020, khi xử vụ ông Đoàn
Thanh Tùng kiện Prudential (một tập đoàn quốc tế chuyên cung cấp dịch
vụ bảo hiểm nhân thọ) "đơn phương chấm dứt hợp đồng
lao động" và đòi Prudential bồi thường thiệt hại, Thẩm phán
Nguyễn Hườn của Tòa án tỉnh Đắk Lắk đã ra lệnh cho bao giới "không
được quay phim, chụp ảnh trong phòng xử án" đồng thời ra lệnh
cho lực lượng công an bảo vệ tòa án giám sát báo giới, buộc báo giới
phải thực thi lệnh này (6).
***
Sau khi cô Phạm Đoan Trang bị truy tố, tòa án
cấp phúc thẩm và cũng là chung thẩm quyết định giữ nguyên
hình phạt chín năm tù vì cô "tuyên truyến chống nhà nước
xã hội chủ nghĩa", bất chấp phản đối, khuyên can từ nhiều phía cả ở trong
lẫn ngoài Việt Nam (7).
Đối chiếu cách hành xử của hệ thống tòa án với
Phạm Đoan Trang và những Nguyễn Hữu Linh, Phan Văn Anh Vũ,
rõ ràng trong nhận thức của hệ thống tư pháp nói riêng, hệ thống
chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam nói chung, những
dâm ô, lũng đoạn chính sách - lũng đoạn kinh tế để tham
nhũng thì người hơn những NGƯỜI dám chỉ trích hệ thống chính trị,
hệ thống công quyền tại Việt Nam, hỗ trợ đồng bào hiểu biết tường
tận hơn về quyền của họ và nghĩa vụ của nhà nước.
Đánh giá thế nào khi các viên chức lãnh đạo hệ thống
tòa án, những viên chức lãnh đạo cơ quan lập pháp vừa biện giải
cho việc cần hạn chế ghi âm, ghi hình hoạt động xét xử của
ngành tòa án để bảo vệ các quyền căn bản của con người, bảo
vệ việc thực thi luật pháp, vừa làm thinh khi đại diện Viện Kiểm sát
thực thi quyền công tố chất vấn cô Trang : "Bị cáo
có thẩm quyền gì, lấy tư cách nào mà quan tâm và báo cáo về môi
trường, về tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam ?" (8) là quyền
của từng người, riêng kẻ viết bài này chỉ muốn nhắn những viên chức hữu
trách : Cổ nhân bảo "nhất nghệ tinh, nhất thân
vinh", khoác áo nào thì ráng diễn cho tròn vai đó, đừng
ráng kiêm thêm công việc "thợ vẽ", càng vẽ càng vụng về làm
thiên hạ mửa khan !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 29/08/2022
Chú thích :
(3) https://quochoitv.vn/chuyen-quay-phim-chup-anh-tai-toa-o-mot-so-quoc-gia
(4) https://zingnews.vn/nguyen-huu-linh-yeu-cau-bao-ve-hinh-anh-tai-toa-post981868.html
(5) https://tienphong.vn/toa-de-nghi-khong-goi-phan-van-anh-vu-bang-biet-danh-vu-nhom-post1161086.tpo
(7) https://www.voatiengviet.com/a/nha-bao-pham-doan-trang-bi-y-an-chin-nam-tu/6716106.html
************************
Tự tiện chụp hình Phạm Đoan Trang trước tòa : Quyền nhân
thân trong vụ án chính trị bị vi phạm !
RFA, 29/08/2022
Nhà báo Phạm Đoan Trang trong phiên tòa phúc thẩm vừa qua từ
chối cho phép phóng viên báo Nhà nước chụp ảnh hay quay phim, tuy nhiên hình ảnh
của nhà báo này sau đó vẫn được nhiều tờ báo đăng tải. Hành vi này theo pháp lệnh
mới có thể bị phạt tiền từ bảy triệu đến 15 triệu đồng.
Nhà hoạt động Phạm Đoan Trang - Facebook Phạm Đoan Trang
Văn phòng Chủ tịch nước sáng 29/8 họp báo công bố Pháp lệnh
Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, trong đó
quy định phạt hành chính đối với hành vi : ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người
tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của họ trong phiên tòa xét xử vụ án
dân sự, vụ án hành chính ; không tuân theo sự điều hành của Chủ toạ phiên tòa về
hoạt động ghi âm lời nói, ghi hình ảnh trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự.
Luật sư Nguyễn Văn Miếng, người thường bào chữa trong các
phiên tòa xử người bất đồng chính kiến cho biết, quyền nhân thân của các bị cáo
cụ thể là quyền của cá nhân đối với hình ảnh thường bị vi phạm bởi phóng
viên báo Nhà nước hay phóng viên báo-truyền hình Công an.
Luật sư Miếng nói với Đài Á Châu Tự Do như sau :
"Trong tất cả những phiên tòa về án an ninh quốc gia,
nói chung là án về chính trị, hầu như những hình ảnh đó (hình ảnh về bị cáo-
PV) là đều do báo của Nhà nước hoặc cơ quan an ninh họ cho người vào để chụp
hình làm tư liệu cho việc truyền thông của họ".
Ông dẫn chứng bằng phiên tòa phúc thẩm xử nhà hoạt động Phạm
Đoan Trang bởi Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội ngày 25/8 vừa qua.
Ông cho biết khi bà Trang mới được đưa vào phòng xử án, tay
vẫn còn bị còng thì đã có một phóng viên quay video và một phóng viên chụp
hình. Khi người chụp hình giơ máy ảnh lên chụp bà Trang, bà đã phản đối, nói
không được chụp hình.
Do người này vẫn cố chụp nên bà Trang ngồi xuống ghế nên người
này không chụp được. Thấy thế, cảnh sát hỗ trợ tư pháp đến bắt bà đứng dậy để
cho phóng viên chụp hình khi phiên tòa chưa bắt đầu, khiến nhà hoạt động này
cầm chai nước che mặt.
Vị luật sư này cho biết, trong quá trình xử án, phóng viên
nêu trên lại xông đến chụp hình bà Trang, buộc thân chủ của ông lớn tiếng phản
đối với toà. Bên tòa có nói rằng đây là phiên tòa công khai nên phóng viên hoạt
động để phục vụ truyền thông.
Đến lúc này nhóm bốn luật sư bào chữa lên tiếng bảo vệ cho
quyền nhân thân của thân chủ, buộc chủ toạ phiên tòa phải yêu cầu hai phóng
viên không được chụp hình.
Luật sư Miếng cho biết các luật sư đề nghị chủ toạ phiên tòa
yêu cầu xoá các tấm hình đã chụp. Tuy nhiên, sau khi phiên tòa chấm dứt, các
hình ảnh đó vẫn tràn lan trên báo chí Nhà nước để nguồn Thông tấn xã Việt Nam.
Luật sư Miếng đánh giá về phản ứng của chủ toạ phiên tòa :
"Tôi thấy đây là là việc tiến bộ trong phiên xét xử
Đoan Trang. Hội đồng xét xử cũng như Viện kiểm sát ban đầu không quan tâm đến
việc này (việc chụp hình vi phạm quyền nhân thân- PV) nhưng trước yêu cầu chính
đáng của Đoan Trang và các luật sư, họ đã phải chấp nhận".
Luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong các luật sư bào chữa cho
bà Trang trong phiên phúc thẩm bình luận trên trang Facebook cá nhân rằng, với
việc hai phóng viên chụp hình nhà hoạt động nổi tiếng này rồi phát tán trên báo
chí Nhà nước sau đó, quyền nhân thân về hình ảnh của thân chủ đã bị lờ tảng
ngay tại cơ quan bảo vệ pháp luật.
Một luật sư nhân quyền không nêu tên cho rằng, việc bảo vệ
quyền riêng tư trong phiên tòa không có sự phân biệt, pháp luật không cho phép
ai đó được làm ảnh hưởng tới quyền hình ảnh của người khác, trừ một số trường hợp
đặc biệt. Ông này nhận định qua tin nhắn như sau :
"Một người dù có bị xét xử trước pháp luật thì việc
này cũng không ảnh hưởng tới quyền của họ đối với hình ảnh cá nhân. Do đó
việc phóng viên không được cho phép mà tự ý chụp, sử dụng hình ảnh của chị
Trang là sai. Hội đồng xét xử không lên tiếng, ngăn chặn việc xâm phạm
là chưa làm tròn trách nhiệm".
Trong buổi họp báo công bố pháp lệnh có hiệu lực từ ngày
1/9, Phó chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Trí Tuệ nói : "Báo chí có
quyền của báo chí, những người khác cũng có quyền công dân. Khi thực hiện quyền
của người này thì không được xâm phạm quyền của người khác, đó là nguyên tắc".
Nguồn : RFA, 29/08/2022