Chủ tịch Trung Quốc khó thâu tóm quyền lực trước Đại hội đảng 20 (Alex Payette, Trọng Thành)

 "Chính quyền trên đầu ngọn súng" là châm ngôn của cố lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc Mao Trạch Đông. Ông Tập cũng tiếp tục đi theo đường hướng nay. 


Hơn ba tháng trước Đại hội thứ 20 của đảng Cộng Sản Trung Quốc, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn phải tiếp tục có thêm nhiều nỗ lực để bảo đảm kiểm soát được tình hình, trước thềm sự kiện chính trị quan trọng này.

xi1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong lời chúc mừng năm mới trên truyền hình vào ngày 31 tháng 12 năm 2021. (Nguồn : GT)

Trong một phân tích đăng tải trên Asialyst, trang mạng chuyên về thời sự chính trị Châu Á, nhà chính trị học Alex Payette, giám đốc Groupe Cercius, trung tâm tư vấn chiến lược và địa chính trị, nhấn mạnh đến việc các phản kháng trong nội bộ đang buộc người được coi là lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, tổng bí thư, chủ tịch nước Tập Cận Bình, phải huy động nhiều phương tiện, từ pháp lý cho đến truyền thông, hay kỷ luật nội bộ đảng, đặc biệt với mục tiêu răn đe các phe phái khác trong nội bộ. RFI xin giới thiệu một số nét chính trong bài nhận định "Chine : Xi Jinping proche d’une "victoire boiteuse" au XXème Congrès du Parti ?", Asialyst, 13/07/2022.

***

Quan chức địa phương tung hô Tập Cận Bình : Dấu hiệu "bất ổn định ngấm ngầm"

Bài phân tích của Alex Payette bắt đầu với việc mô tả không khí thành công tại các Đại hội đảng ở cấp tỉnh và các địa phương cấp dưới. Việc bầu chọn các đại biểu đi dự Đại hội đảng toàn quốc dường như diễn ra suôn sẻ, tốt đẹp. Tuy nhiên, có một điểm đặc biệt mà tác giả ghi nhận, đó là một số lãnh đạo cấp tỉnh đã bày tỏ sự trung thành với cá nhân ông Tập Cận Bình hơn mức bình thường, thông qua các tuyên bố công khai, hay qua các bài viết. Cụ thể là bí thư tỉnh tây bắc Thanh Hải, trong một bài viết công bố ngày đầu tháng 6. Bí thư tỉnh Sơn Đông, vào giữa tháng 6. Bí thư tỉnh Hồ Nam, vào cuối tháng 6. Cũng vào cuối tháng 6, lãnh đạo thành phố Thiên Tân tái khẳng định vai trò "lãnh đạo hạt nhân" (tức vị trí lãnh đạo tối cao, theo cách gọi mới trong đảng CS Trung Quốc) của ông Tập.

Thông thường, những phát biểu như trên gây ấn tượng là ông Tập có được đông đảo người trung thành tại các địa phương, đặc biệt là ở cấp tỉnh. Tuy nhiên, việc các lãnh đạo địa phương phô trương lòng trung thành với Đảng và với cá nhân nhà lãnh đạo tối cao như trên có thể coi là một con dao hai lưỡi với chính bản thân họ. Cụ thể như hồi tháng 4/2022, một lãnh đạo tỉnh Quảng Tây đã cho ra mắt một "cuốn sách Đỏ" để ca ngợi ông Tập Cận Bình. Hành động này nhắc lại phong trào sùng bái lãnh tụ Mao Trạch Đông trước đây với cuốn Mao tuyển màu đỏ ("Mao chủ tịch ngữ lục"), một hành động dễ được coi như một nỗ lực sùng bái cá nhân mới, gây phản cảm. Theo nhà nghiên cứu Alex Payette, việc diễn ra dồn dập sáng kiến cá nhân của một số lãnh đạo địa phương ca ngợi quá mức như trên là điều "bất thường" trước dịp Đại hội đảng, phần nào cho thấy không khí "bất ổn định ngấm ngầm" trong nội bộ chính quyền Trung Quốc. Bởi, thông thường một lãnh đạo "đủ mạnh" có được sự ủng hộ của các chức sắc cao cấp cấp trung ương chắc chắn sẽ không cần đến người ta phải tung hô ủng hộ rầm rộ tại các hội nghị cấp tỉnh.

Chuyên gia Alex Payette cũng đặc biệt lưu ý đến việc ông Tập Cận Bình tìm cách kiểm soát chặt hai lĩnh vực trọng yếu là quân đội và hệ thống tuyên huấn.

"Chiến khu Tây Bộ" và "Hoạt động quân sự phi chiến tranh"

Quân đội là cái đích ông Tập Cận Bình nhắm đến kiểm soát trọn vẹn. Trong chuyến đi thị sát tại tỉnh Tứ Xuyên hồi đầu tháng 6, khi dừng chân ở thủ phủ Thành Đô, chủ tịch - tổng bí thư Tập Cận Bình đã không triệu tập các cuộc họp của đảng hay của chính quyền địa phương. Ngược lại, ông Tập cùng với phó bí thư Quân ủy Trung ương đã triệu tập một cuộc họp của "Chiến khu Tây Bộ" (một trong 5 đại quân khu của Trung Quốc). "Chiến khu Tây Bộ" là quân khu lớn nhất trong năm đại quân khu. Các chỉ huy quân sự và chính trị của quân khu này thường xuyên được thay thế trong những năm gần đây. Người đứng đầu "Chiến khu Tây Bộ" được thăng hàm thượng tướng dưới thời Tập Cận Bình.

"Chính quyền trên đầu ngọn súng" là châm ngôn của cố lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc Mao Trạch Đông. Ông Tập cũng tiếp tục đi theo đường hướng nay. Theo Alex Payette, ông Tập Cận Bình ắt hẳn phải dựa vào quân đội để sẵn sàng đối phó trước hết với các phe phái phản kháng trong nội bộ, có thể tập hợp thành một "mặt trận chống đối", bao gồm những người phản đối chính sách Zero Covid nghiệt ngã, người phản đối chính sách ủng hộ chính quyền Nga, bất chấp cuộc xâm lăng Ukraine, bị cộng đồng quốc tế lên án, hay chính sách khiến nền kinh tế quốc gia rơi vào khủng hoảng hiện nay.

Một tài liệu đặc biệt của chính quyền Trung Quốc vừa được công bố cách nay ít tuần về "Đề cương về các hoạt động quân sự phi chiến tranh" đã được giới quan sát nhìn nhận chủ yếu trong liên hệ với Đài Loan, như một động thái mở đường về mặt pháp lý cho một can thiệp quân sự bên ngoài lãnh thổ. Tuy nhiên, "‘Đề cương về các hoạt động quân sự phi chiến tranh" rất có thể hướng đến mục tiêu chính mang tính "chính trị nội bộ". Theo Alex Payette, tài liệu này cho phép đưa quân đội can thiệp vào các hoạt động như "chống khủng bố", "đàn áp các bạo động", "các hoạt động gây rối loạn trật tự công cộng", "kiểm soát biên giới"… Điểm được nhấn mạnh hàng đầu trong các hoạt động này là "chống khủng bố" và "chống bạo loạn".

Thay thế hàng loạt lãnh đạo Tuyên huấn 

Chuyến thị sát tại Thành Đô với việc tổ chức các cuộc họp với Chiến khu Tây Bộ và Đề cương các hoạt động "quân sự phi chiến tranh" là các ví dụ rõ ràng cho thấy ông Tập Cận Bình đang nỗ lực nắm chặt hơn nữa việc kiểm soát bộ máy vũ trang để buộc tất cả những ai bất đồng trong nội bộ phải dè chừng. Alex Payette nhấn mạnh đến một trong các đối thủ nội bộ hàng đầu trong nỗ lực này của ông Tập Cận Bình là thủ tướng Lý Khắc Cường. Quân đội có thể sẽ tiếp tục được điều động tham gia vào các hoạt động trấn áp, duy trì an ninh, như trong đợt phong tỏa Covid vừa qua tại Thượng Hải.

Về mặt tuyên huấn, chuyên gia Payette cũng chú ý đến việc Tập Cận Bình vừa bổ nhiệm mới nhiều lãnh đạo hệ thống tuyên huấn, từ lãnh đạo hệ thống phát thanh, truyền hình, cho đến Trường Đảng Trung ương. Việc bổ nhiệm Lý Thư Lỗi (Li Shulei), một trong những cận thần của ông Tập, là một chỉ dấu đáng chú ý. Mục tiêu là sẵn sàng gửi đi các tín hiệu răn đe trong nội bộ nhắm vào một số ít phương tiện truyền thông vẫn do đối thủ trong nội bộ nắm giữ như tạp chí "Bán Nguyệt Đàm" (Banyuetan) (tạp chí Bán Nguyệt Đàm do Tân Hoa Xã phát hành từ năm 1980), cũng như các quan điểm bất đồng được truyền đi qua đường tin đồn. Chuyên gia Payette dự đoán đấu tranh về ngôn luận trong nội bộ đảng Cộng Sản Trung Quốc có nhiều khả năng sẽ tiếp tục mạnh từ đây đến cuối tháng 8, đặc biệt liên quan đến những bất đồng từ phía các thành phần thuộc thế hệ Thái tử Đỏ (tức con cái các lãnh đạo cấp cao thời đầu) hay những giới chức cao cấp thuộc "chính quyền cũ" (từ dùng để chỉ vây cánh cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân).

Trong bối cảnh hiện nay, các quan chức nào mạo hiểm cố tình thảo luận về các vấn đề chính trị nội bộ của đảng trong công luận, hay trong các nhóm nhỏ, sẽ có nguy cơ bị Ủy Ban Kỷ Luật của đảng "viếng thăm".

Quan hệ với các doanh nghiệp tư nhân : Đe dọa lơ lửng

Chuyên gia Alex Payette đặc biệt chú ý đến một số tín hiệu mạnh khác của Tập Cận Bình gởi đến các phe phái khác. Ngày 17/06, Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Trung Quốc họp, với chủ đề chính là tiếp tục áp dụng lượt thứ 8 điều tra về tham nhũng trong nội bộ đảng. Thông điệp rất rõ ràng : các quan chức của đảng phải chịu trách nhiệm cả về các hành vi của những người trong gia đình, cụ thể liên quan đến các hoạt động "doanh nghiệp tư nhân". Các cán bộ lãnh đạo – trước khi được thăng chức – sẽ phải rút ra khỏi các hoạt động kinh tế tư nhân, và có nghĩa vụ khai báo về các liên hệ mà họ biết của các thành viên trong gia đình (bố mẹ, vợ chồng, con cái) với các hoạt động kinh doanh tư nhân.

Theo chuyên gia Payette, điều vốn được coi là bình thường tại phương Tây đã gây ra một cơn chấn động trong nội bộ đảng Cộng Sản tại Trung Quốc. Đây được coi là hành động tấn công có chủ đích nhắm vào thế hệ "Thái tử Đỏ", và những người trung thành với Giang Trạch Dân, đặc biệt trong đó có có nhiều trùm tài phiệt, nắm giữ quyền lực lớn trong kinh tế từ những năm 1990. Đe dọa treo lơ lửng này có khả năng buộc nhiều nhân vật cộm cán phải im tiếng trước thềm Đại hội đảng.

Ba vụ án

Chuyên gia Payette cũng đặc biệt chú ý đến ba phiên tòa quan trọng, trong đó có vụ xử tỉ phú Tiêu Kiến Hoa (Xiao Jianhua) ("mất tích" cách nay 5 năm), người có liên hệ mật thiết với nhiều chức sắc cao cấp và vụ cựu thứ trưởng Công An Tôn Lập Quân (Xun Lijun), bị bắt cách nay hai năm (vụ thứ ba là vụ xử cựu bộ trưởng Tư Pháp Phó Chính Hoa – Fu Zhenghua).

Vụ xử tỉ phú Tiêu Kiến Hoa ngay trước thềm Đại hội đảng nhắc lại hai vụ án chấn động, vài tháng trước các Đại hội đảng lần trước : vụ Bạc Hy Lai năm 2012 (Đại hội 18), và vụ Tôn Chính Tài 2017 (Đại hội 19). Vụ Tiêu Kiến Hoa – được đưa ra đúng vào lúc chế độ cộng sản Trung Quốc bắt đầu áp dụng lượt điều tra về tham nhũng thứ 8 trong nội bộ - đe dọa đưa nhiều quan chức cao cấp vào nhà tù Tần Thành (Qincheng), Bắc Kinh (Tần Thành là nơi giam giữ tù nhân chính trị và quan chức cao cấp).

Ba vụ xử nói trên được đưa ra trước Đại hội đảng gửi đi tín hiệu gì ? Theo chuyên gia Payette, có nhiều thông điệp. Bên cạnh thông điệp răn đe rõ ràng, cũng có cả thông điệp hòa dịu. Việc cựu thứ trưởng công an họ Tôn được giảm đi tội danh "lập phe phái" chống đối, và việc tội danh về "kinh tế" được nhấn mạnh, có thể được coi như một cử chỉ khoan dung từ phía lãnh đạo tối cao. Phán quyết từ các vụ án này có thể mang lại nhiều chỉ dấu về quan hệ giữa các phe phán trong nội bộ chế độ chính trị Trung Quốc.

Ngành Công an chưa chắc trong vòng kiểm soát

Thêm một chỉ dấu, mà theo nhà nghiên cứu Payette, cho thấy Tập Cận Bình khó khăn trong việc nắm trọn vẹn quyền lực, đó là việc thay thế bộ trưởng Công An. Quyết định có vẻ như khá bất ngờ, vì trước đó bộ trưởng tiền nhiệm vẫn được coi là chắc chắn tại vị. Dường như lần đầu tiên, ông Tập đưa được người thực sự thân tín nắm bộ Công An, ông Vương Hiểu Hồng (Wang Xiaohong). Việc bổ nhiệm diễn ra ngày 24/06 chỉ ít tuần sau khi bùng nổ vụ rò rỉ tài liệu quy mô lớn liên quan đến các đàn áp tại Tân Cương (các tài liệu Xinjiang Files – Hồ sơ Tân Cương - được liên minh của 14 cơ sở truyền thông quốc tế tung ra ngày 24/05/2020).

Các tài liệu rò rỉ trong nội bộ đảng Cộng Sản Trung Quốc cho thấy hệ thống đàn áp quy mô lớn nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ, và mệnh lệnh trực tiếp xuất phát từ cá nhân lãnh đạo tối cao họ Tập (theo chính một văn bản do bộ trưởng Công An tiền nhiệm Triệu Khắc Chí [Zhao Kezhi] ký tên). Chuyên gia Payette nhấn mạnh : vụ rò rỉ quy mô về Tân Cương có thể là hệ quả của "các đấu đá nội bộ". Tiếp theo đó là vụ rò rỉ thông tin liên quan đến gần tỉ dân Trung Quốc (từ bộ máy công an thành phố Thượng Hải), diễn ra chỉ 6 ngày sau khi Vương Hiểu Hồng nhậm chức.

Vụ tử vong bất ngờ đầu tháng 7 do "bệnh" của lãnh đạo Công An tỉnh Hồ Bắc (Lưu Tỉ Văn - Liu Wenxi), chỉ ít tuần sau khi được bổ nhiệm, cũng cho thấy có thể có sự đối đầu dữ dội giữa các phe phái, mà quan chức nói trên là một nạn nhân. Bởi thông thường sức khỏe của những người sắp được bổ nhiệm vào các chức vụ cao cấp là điều được theo dõi rất chặt chẽ tại Trung Quốc. Ông Lưu Tỉ Văn được bổ nhiệm với sứ mạng lập lại trật tự, sau khi bùng lên vụ hành hung "Đường Sơn Thị" (tỉnh Hồ Bắc), địa điểm nổi tiếng với nhóm tội phạm, nạn tham nhũng, và giới chức địa phương "ỳ trệ". Cựu lãnh đạo Công An tỉnh Hồ Bắc vốn được coi là một nhân vật thân tín với tân bộ trưởng Công An Vương Hiểu Hồng.

Kịch bản "Giang Trạch Dân" ?

Căn cứ trên các yếu tố vừa quan sát, chuyên gia Payette dự báo kịch bản có nhiều xác xuất trở thành hiện thực là Tập Cận Bình sẽ phải có nhiều thỏa hiệp với các phe phái chống đối. Phe Tập Cận Bình giương cao "thanh gươm" của các quy định nội bộ và của Ủy Ban Kỷ Luật, "trong lúc các phe phái khác tăng cường các tuyên truyền phản đối. Tuy nhiên hiện tại chưa bên nào dám vượt qua lằn ranh đỏ như Chu Vĩnh Khang hồi 2012 (nguyên ủy viên thường vụ Bộ Chính Trị, bộ trưởng Công An họ Chu bị bắt hồi 2014)". Lợi ích chung của các bên là "tránh sự sụp đổ của đảng". Ông Tập vẫn sẽ được tung hô và tiếp tục nắm quyền tại Đại hội 20, nhưng sẽ phải chuẩn bị cho kịch bản rút dần, rút một cách an toàn ra khỏi vị trí lãnh đạo tối cao, tương tự như Giang Trạch Dân trước đây.

Alex Payette

Nguyên tác : "Chine : Xi Jinping proche d’une "victoire boiteuse" au XXème Congrès du Parti ?", Asialyst, 13/07/2022.

Trọng Thành tóm lược

Nguồn : RFI, 19/07/2022