Quá trình tái thiết kinh tế của Lý Khắc Cường có một tiền lệ nguy hiểm (Katsuji Nakazawa)
Lần gần đây nhất nhân vật số 2 của Trung Quốc sửa chữa chính sách của lãnh đạo tối cao, câu chuyện đã không kết thúc tốt đẹp.
Mao Trạch Đông và Lưu Thiếu Kỳ năm 1966, trái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường năm 2021. (Ảnh AP và Getty Images)
Tuần trước, Trung Quốc đã tổ chức một hội nghị trực tuyến về ổn định nền kinh tế. Thủ tướng Lý Khắc Cường phát biểu trước khoảng 100.000 quan chức cấp cao tại hơn 2.800 thành phố trên toàn quốc – đây là quy mô chưa từng có đối với một sự kiện như vậy.
Hội nghị được tổ chức trong lúc nền kinh tế số 2 thế giới đang lao đao sau chính sách zero covid hà khắc và cuộc đàn áp của Chủ tịch Tập Cận Bình đối với các ngành công nghiệp bất động sản và công nghệ.
Theo truyền thông chính thức của nhà nước, Lý đã nói với những người tham gia : "Những khó khăn trong tháng 3 và đặc biệt là từ tháng 4, ở một số khía cạnh và ở một mức độ nhất định, là lớn hơn những gì đã xảy ra vào năm 2020 khi dịch Covid-19 tấn công đất nước". Ông trích dẫn các chỉ số đang đi xuống về việc làm, sản xuất công nghiệp, tiêu thụ điện năng, và vận chuyển hàng hóa làm ví dụ.
Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết phải "phối hợp kiểm soát dịch bệnh với phát triển kinh tế và xã hội một cách hiệu quả cao" – một lối diễn đạt mới.
Thủ tướng Lý Khắc Cường đã nói chuyện với khoảng 100.000 quan chức cấp cao là lãnh đạo kinh tế tại hơn 2.800 thành phố trên toàn quốc. © Tân Hoa Xã Thượng Hải
Hướng đến quý 2, từ tháng 4 đến tháng 6, Lý kêu gọi các quan chức nỗ lực nhiều hơn để đảm bảo "tăng trưởng kinh tế hợp lý".
Tuy nhiên, nhiều quan chức sau khi nghe bài phát biểu của Lý đã chia sẻ riêng tư rằng chẩn đoán của thủ tướng về tình hình hiện tại còn u ám hơn các phương tiện truyền thông chính thức đưa tin.
Theo một biên bản lời phát biểu của Lý bị rò rỉ, các điểm trọng tâm trong bài phát biểu của Lý là tránh tăng trưởng âm, và đảo ngược tỷ lệ thất nghiệp đang tăng mạnh.
Cùng lúc đó, Lý cũng thông báo rằng Quốc Vụ Viện, tức chính phủ Trung Quốc, sẽ cử các đoàn thanh tra giám sát tới 12 tỉnh trong nước để ngăn chặn bất kỳ nỗ lực nào nhằm thổi phồng số liệu thống kê kinh tế.
Các quan chức địa phương đôi khi sẽ đưa ra những con số như vậy để củng cố thành tích cá nhân của họ, thông báo của thủ tướng đã nhấn mạnh sự lan tràn của vấn nạn này.
Nếu tình hình kinh tế hiện tại thực sự còn tồi tệ hơn những ngày đầu tiên của đợt bùng phát virus, thì điều đó có nghĩa là nền kinh tế rõ ràng đang ở trong vùng tăng trưởng âm. Kinh tế Trung Quốc đã giảm 6,8% theo các thước đo thực tế trong quý 1 năm 2020.
Đối mặt với tình thế khẩn cấp như vậy, Tập không còn cách nào khác là phải yêu cầu Thủ tướng Lý giúp ‘cầm máu’ nền kinh tế. Tập gần như đã gạt Lý sang một bên trong suốt 10 năm cầm quyền của mình, nhưng có lẽ giờ đây cả hai đã đạt được thỏa hiệp.
Đối mặt với tình trạng khẩn cấp, Tập (trái) không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nhờ Lý giúp cứu nền kinh tế. © Tân Hoa Xã/Kyodo/Getty Images
Điều kỳ lạ của hội nghị trực tuyến khổng lồ nói trên là nó gần như không được đưa tin trên các phương tiện truyền thông chính thức. Điều đó đã trở thành chủ đề bàn tán trong giới chính trị và quan chức, cũng như trong dân thường.
Con số 100.000 – quả thực rất ấn tượng đối với một hội nghị trực tuyến – không được truyền thông nhà nước công khai, nhưng đã bị phát hiện và đưa tin bởi các hãng truyền thông tư nhân, theo đó gây tranh cãi trên toàn quốc.
Hội nghị chỉ là câu chuyện thứ năm trong chương trình thời sự chính vào buổi tối trên Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc do nhà nước điều hành.
Hôm sau, tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng chỉ đăng tin về sự kiện này ở trang năm.
Thay vào đó, truyền thông nhà nước lựa chọn những tin tức kém thú vị hơn nhiều về Tập để làm câu chuyện chính trong ngày, và rõ ràng là bộ phận tuyên truyền của Đảng Cộng sản đã ban hành những chỉ thị mạnh mẽ để tránh đưa tin về hội nghị.
Cư dân mạng bắt đầu đặt câu hỏi trên mạng xã hội : tại sao một sự kiện 100.000 người lại chỉ là câu chuyện số 5 trong ngày. Một số người lưu ý rằng hội nghị trực tuyến này có sự tham dự của thủ tướng và bốn phó thủ tướng Trung Quốc, cùng với các quan chức cấp nội các phụ trách quân đội và cảnh sát – thường là loại tin tức sẽ được săn đón.
Tuy nhiên, những bài phê bình trên mạng đã lần lượt bị cơ quan kiểm duyệt xóa bỏ.
Ẩn sau sự bất mãn của cư dân mạng là sự ủng hộ rộng rãi dành cho Lý, và những lời chỉ trích gián tiếp đối với Tập và những người mà họ coi là tay sai của ông, những người mà họ tin rằng đã đặt chính trị lên trên cuộc sống của người dân, và để mặc cho nền kinh tế sa sút.
Tình huống này thật ra lại nguy hiểm cho Lý. Ngay cả khi bản thân thủ tướng không có ý định làm suy yếu Tập, ông có thể sẽ trông giống như một quan chức cấp cao đang tìm cách hãm hại nhà lãnh đạo hàng đầu.
Một đảng viên lớn tuổi đã có một giải thích thú vị về những gì đang diễn ra. "Anh sẽ có thể hiểu được tình hình nếu hồi tưởng lại ‘Hội nghị Bảy nghìn Cán bộ’ được tổ chức vào năm 1962".
Năm đó, hội nghị được tổ chức bí mật của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản đã quy tụ 7.000 quan chức cấp cao từ các tỉnh và khu tự trị, cũng như các xí nghiệp và quân đội.
Hội nghị lớn này thảo luận về Đại Nhảy vọt (1958-1962), một chiến dịch do Mao Trạch Đông lãnh đạo, vốn đã phá hủy nền kinh tế nông thôn và được cho là đã khiến hàng chục triệu người chết đói.
Lưu Thiếu Kỳ và Mao Trạch Đông vào năm 1962. Một hội nghị được tổ chức bí mật vào năm đó đã quy tụ 7.000 quan chức cấp cao trên khắp đất nước. © Getty Images
Hội nghị đã khép lại bước chuyển hướng thiên tả thất bại của chính sách kinh tế và bắt đầu quá trình tái thiết nền kinh tế.
Số lượng người tham gia hội nghị là nhiều chưa từng có vào thời điểm đó. Nhưng sự kiện không hề được công bố rộng rãi.
Quyết định che giấu tin tức là nhằm bảo vệ uy tín của Mao. Việc các phương tiện truyền thông không chính thức đưa tin về hội nghị trực tuyến năm 2022 cũng gợi lên những quan ngại tương tự.
Thế nhưng, Hội nghị Bảy nghìn Cán bộ còn có một phần tiếp theo kinh hoàng.
Sau hội nghị năm 1962, Chủ tịch Trung Quốc lúc bấy giờ là Lưu Thiếu Kỳ đã trở thành động lực thúc đẩy quá trình tái thiết kinh tế. Nhưng khi Mao giành lại quyền lực thông qua Cách mạng Văn hóa (1966-1976), Lưu đã trở thành mục tiêu số 1.
Ông bị khai trừ khỏi đảng, bị gán cho là kẻ phản bội, bị tra tấn liên tục, và cuối cùng phải mất mạng.
Các chính sách thiên tả được đưa ra trong vài năm qua theo sáng kiến của Tập đôi khi được mô tả là "tiểu Đại Nhảy vọt" vì chúng bỏ qua các nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế.
Những chính sách đó đang bắt đầu được chỉnh sửa theo sáng kiến của Lý, dù chỉ là điều chỉnh âm thầm.
Nhưng nếu Tập vẫn là nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc tại đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản vào mùa thu này, thì luôn có khả năng các chính sách thiên tả của ông sẽ xuất hiện trở lại với hình thức thậm chí còn cực đoan hơn sau vài năm nữa.
Khi nhìn lại, lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc cho thấy chính sách kinh tế và tranh giành quyền lực là hai mặt của một đồng xu. "Tiểu Đại Nhảy vọt" của Tập hẳn sẽ không dễ dàng bị dẹp bỏ.
Trong cuộc họp trực tuyến 100.000 người, Lý cho biết Trung Quốc sẽ công bố hướng dẫn triển khai chi tiết cho một gói các biện pháp kinh tế nhằm ổn định ang trưởng vào cuối tháng 5.
Thượng Hải đã kết thúc hai tháng phong tỏa vào thứ Tư, nhưng chính sách zero covid của Trung Quốc vẫn tiếp tục phủ bóng đen lên nền kinh tế quốc gia. © Getty Images
Trung Quốc có kế hoạch huy động tất cả các tổ chức chính quyền trung ương và địa phương, cùng các công ty nhà nước, cũng như đẩy nhanh việc thực hiện các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm cả việc nối lại quá trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Qua đó, Trung Quốc đặt mục tiêu tránh tăng trưởng âm trong quý 2, và sau đó đạt được sự phục hồi với tốc độ nhanh chóng trong quý 3. Nếu mọi việc suôn sẻ, kết quả ấy sẽ đưa nền kinh tế quay trở lại với mục tiêu tăng trưởng hàng năm của chính phủ, khoảng 5,5% vào năm 2022, Lý hy vọng.
Thượng Hải đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa kéo dài hai tháng vào thứ Tư, nhưng chính sách zero covid sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế ở nhiều vùng khác nhau của đất nước.
Cục Thống kê Quốc gia đã công bố hôm thứ Ba rằng chỉ số nhà quản trị mua hàng, hay PMI, đối với lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đang nằm dưới 50, tức ngưỡng suy thoái – tháng thứ ba liên tiếp tính đến tháng 5 này.
Ngoài ra, thị trường bất động sản lao dốc cũng đang đặt gánh nặng lên nền kinh tế.
Trong giai đoạn này, rất khó để vẽ ra một bức tranh lạc quan về nền kinh tế Trung Quốc. Và do đó, mặt còn lại của đồng xu – cuộc chiến giành quyền lực – sẽ còn tiếp diễn.
Katsuji Nakazawa
Nguyên tác : "Premier Li’s economic rebuild has a dangerous precedent ", Nikkei Asia, 02/06/2022
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 07/06/2022
Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cao cấp của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.