Mọi phép lạ đều vô ích đối với tâm hồn nô lệ (Trần Quốc Việt - Elizabeth Wilson)
Câu chuyện của họ là tấm gương cho ta thấy hình ảnh của chính chúng ta - những người Việt mang tâm hồn nô lệ sau hàng chục năm sống dưới chế độ cộng sản. Phép lạ duy nhất cứu chúng ta chính là chúng ta - những người nô lệ phải gột sạch hoàn toàn tâm tưởng nô lệ ra khỏi tâm hồn mình trước khi cùng nhau cất bước trên con đường thiên lý muôn vàn gian khổ để giành lại tự do.
Phép lạ duy nhất cứu chúng ta chính là chúng ta
Trần Quốc Việt, 24/06/2022
Mọi phép lạ đều vô ích đối với tâm hồn nô lệ.
Theo Kinh Thánh, tâm hồn nô lệ của người dân Do Thái đeo theo từng bước chân đến tự do qua sa mạc của họ. Di sản tinh thần nô lệ như tảng đá lớn vẫn đè nặng và kìm hãm tinh thần của họ suốt dọc theo con đường gian khổ dưới bóng chở che của Chúa. Họ tự do về thể xác nhưng nô lệ về tinh thần. Mọi phép lạ của Chúa mà họ chứng khiến vẫn không thể nào vén nổi đám mây nô lệ in bóng xuống tâm hồn họ từ bao đời.
Họ sợ hãi khi thấy vó ngựa của vua Pharaoh đuổi sát đến nơi. Họ quay sang Moses, người mà Chúa đã chọn để dẫn dắt dân tộc mình về miền đất Hứa, trách ông nặng lời :
"Bên Ai Cập không có đủ mồ chôn hay sao, mà ông lại đưa chúng tôi vào chết trong sa mạc ? Ông làm gì chúng tôi vậy, khi ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai Cập ? Đó chẳng phải là điều chúng tôi từng nói với ông ở bên Ai Cập sao ? Chúng tôi đã bảo : Cứ để mặc chúng tôi làm nô lệ Ai Cập !"
Rồi khi gặp cảnh thiếu thốn dọc đường, họ mơ về ánh lửa bập bùng bên bữa ăn dưới màn đêm nô lệ :
"Phải chi chúng tôi chết bởi tay Đức Chúa trên đất Ai Cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thỏa thuê. Nhưng không, các ông lại đưa chúng tôi ra khỏi đó mà vào sa mạc này, để bắt chúng tôi phải chết đói cả lũ ở đây !"
"Ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai Cập để làm gì ? Có phải là để cho chúng tôi, con cái chúng tôi, và súc vật của chúng tôi bị chết khát hay không ?"
"Ai sẽ cho chúng ta có thịt ăn đây ? Nhớ thuở nào chúng ta ăn cá bên Ai Cập mà không phải trả tiền, rồi nào dưa gang, dưa bở, nào hẹ, nào hành, nào tỏi. Còn bây giờ đời ta tàn rồi, mọi thứ đó hết sạch, chỉ còn thấy man-na thôi".
Mỗi lần họ than thở, ta thán về bao khó khăn và trở ngại thì Chúa đều thực hiện những phép lạ để nâng đỡ tiếp bước chân tự do của họ. Dù họ có sức mạnh của Chúa nhưng họ không có ý chí của chính mình. Họ không mơ đến tương lai mới của miền đất Hứa của tự do mà hồn cứ mơ tưởng đến những ngày tồn tại dưới ách nô lệ : "Bên Ai Cập chúng ta sướng biết mấy ! Chúng tôi ra khỏi Ai Cập để làm gì ?"
Rồi khi buộc phải chiến đấu để mở đường đi, tinh thần chủ bại của bao nhiêu năm nô lệ làm chùn chân, nản lòng họ. Rồi cuối cùng họ quay lưng lại với chính Chúa :
"Phải chi chúng tôi chết ở bên đất Ai Cập, hoặc phải chi chúng tôi chết trong sa mạc này cho xong ! Sao Chúa lại đem chúng tôi vào đất này để chúng tôi ngã gục dưới lưỡi gươm, để vợ con chúng tôi bị giặc bắt ? Chúng tôi trở về Ai Cập có tốt hơn không ?... Chúng ta hãy đặt lên một người cầm đầu và trở về Ai Cập".
Trước bao than thở, oán thán, bi quan của đoàn người mang xiềng xích nô lệ trong tâm hồn lê bước theo sau lưng mình, Moses khổ tâm đến mức phải cất tiếng than với Chúa :
"Sao Ngài làm khổ tôi tớ Ngài ? Tại sao con lại không đẹp lòng Ngài, khiến Ngài đặt gánh nặng tất cả dân này lên con ? Có phải con đã cưu mang tất cả dân này không ? Có phải con đã sinh ra nó không mà Ngài lại bảo con : "Hãy bồng nó vào lòng, như vú nuôi bồng trẻ thơ, mà đem vào vùng đất Ta đã thề hứa với cha ông chúng ?... Một mình con không thể gánh cả dân tộc này được nữa, vì nó nặng quá sức con. Nếu Ngài xử với con như vậy, thì thà giết con đi còn hơn - ấy là nếu con đẹp lòng Ngài ! Đừng để con thấy mình phải khổ nữa !"
Cuối cùng Chúa không cho những tâm hồn nô lệ này vào Đất Hứa. Họ không xứng đáng vào Đất Hứa. Họ phải lang thang và vùi thây trong sa mạc suốt 40 năm trời cho tới khi không còn nọc độc nô lệ trong tâm hồn.
Người Do Thái chịu cảnh nô lệ ở Ai Cập trong 430 năm và rồi lang thang trong sa mạc 40 năm để trút bỏ tâm hồn nô lệ của 430 năm ấy.
Câu chuyện của họ là tấm gương cho ta thấy hình ảnh của chính chúng ta - những người Việt mang tâm hồn nô lệ sau hàng chục năm sống dưới chế độ cộng sản. Phép lạ duy nhất cứu chúng ta chính là chúng ta - những người nô lệ phải gột sạch hoàn toàn tâm tưởng nô lệ ra khỏi tâm hồn mình trước khi cùng nhau cất bước trên con đường thiên lý muôn vàn gian khổ để giành lại tự do.
Đoàn người Việt tương lai ấy mà chắc có lẽ đa phần là những thế hệ sau này không còn mang tâm hồn nô lệ như bao thế hệ cha anh sẽ tiến về Đất Hứa của Tự do. Họ đi không phải dưới bóng lãnh tụ mà đi theo nhịp đập của Tự do rộn ràng trong lòng mỗi người. Sau lưng họ dưới bóng hoàng hôn là bao nắm xương của hàng triệu tâm hồn nô lệ đã tan vào cát bụi của sa mạc thời gian.
Trần Quốc Việt
(24/06/2022)
Chú thích :
Những đoạn trong dấu ngoặc kép (") trích từ Kinh Cựu Ước qua bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ.
**********************
Nô tài
Elizabeth Wilson, The Times Literary Supplement, 01/11/2013
Elizabeth Wilson thuật lại hồi tưởng của Flora Litvinova về lần đến thăm nhà soạn nhạc vào năm 1956, lúc xe tăng Xô Viết tiến vào Budapest. Litvinova và chồng nói rất say mê về cuộc triển lãm của Picasso đang diễn ra tại Mạc tư khoa, và về cuốn phim gần đây quay cảnh nhà danh họa đang vẽ tranh "ngay trước mắt chúng ta".
Tranh của Picasso vẽ Stalin
Shostakovich cắt ngang lời họ : "Đừng nói với tôi về hắn, thằng khốn nạn... Vâng, Picasso, thằng khốn nạn ấy, ca tụng chính quyền Xô Viết và chế độ cộng sản chúng ta trong lúc những kẻ tôn sùng hắn ở đây bị trấn áp, bị theo dõi liên tục, và không được phép làm việc".
Litvinova xen vào : "Nhưng những người tôn sùng ông cũng bị trấn áp và theo dõi đấy thôi".
Cuộc triển lãm tranh của Picasso ở Mạc Tư Khoa năm 1956.
Shostakovich : "Đúng thôi, tôi cũng là thằng khốn nạn, tên hèn nhát vân vân, nhưng tôi đang sống trong tù. Chị có thể hiểu cho rằng tôi đang sống ở trong tù, và tôi rất lo sợ cho con cái mình và bản thân. Nhưng hắn sống trong tự do, hắn không phải nói láo... Cái gã Picasso ấy, có ai khiến hắn phải mở miệng nói đâu ? Tất cả bọn họ Hewlett Johnsons, Picasso, và Joliot Curies, bọn họ đều là lũ ăn hại. Họ sống trong thế giới mà rõ ràng có những vấn đề, nhưng họ tự do nói sự thật và tự do làm việc, và họ có thể làm những gì theo tiếng gọi lương tâm của họ.
Chim hòa bình của Picasso
Còn con chim hòa bình đáng ghê tởm của Picasso nữa ! Tôi ghét cay ghét đắng nó ! Tôi khinh bỉ nô lệ tư tưởng nhiều như tôi khinh bỉ nô lệ thể xác".
Elizabeth Wilson
Nguyên tác : "Shostakovich ¹ : A Life Remembered", trích từ lá thư của Paul Trewhela gởi tuần báo The Times Literary Supplement, 01/11/2013. Tựa đề của người dịch.
Trần Quốc Việt dịch
Chú thích
¹ Dimitri Shostakovich (1906-1975) là nhà soạn nhạc Nga lừng danh thế giới.