Cô dâu VN ở Trung Quốc: 'Địa ngục khi sống với mẹ chồng'
"Bên mày còn gái Việt Nam không, tao muốn lấy một đứa." Đó là những lời mà chị Kiki (đã đổi tên), cô dâu Việt Nam lấy chồng Trung Quốc, kể rằng chị thường nghe nhất mỗi khi ai đó biết chị là cô dâu Việt.
Chị Kiki không phải là nạn nhân buôn người như nhiều trường hợp phụ nữ Việt Nam khác bị lừa qua biên giới lấy chồng Trung Quốc. Chị Kiki quen người chồng Trung Quốc qua mai mối và tự nguyện kết hôn sau một thời gian tìm hiểu. Tuy nhiên, câu chuyện làm dâu xứ người mà chị Kiki chia sẻ với BBC News Tiếng Việt không vì thế mà bớt phần ảm đạm.
"Họ thường nói cưới gái Việt Nam rất rẻ, đỡ tốn tiền còn gái Trung Quốc muốn cưới về thì phải cho tiền thách cưới cả tỷ bạc, kèm theo điều kiện phải có sẵn nhà và xe. Còn gái Việt Nam chỉ cần vài ba vạn tệ (tầm 100 triệu VND) là có được," Kiki kể với BBC qua cuộc gọi video từ Trung Quốc.
Khác xa những thành phố du lịch phồn hoa, vùng nông thôn Hoàng Cương, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, nơi chị Kiki từng ở với chồng, có những làng vẫn ra ngoài suối giặt đồ vì không có máy giặt, ăn uống chỉ có rau và trứng, "hiếm lắm mới được ăn một miếng thịt".
Và với chị, nỗi kinh hoàng nhất là sống chung với mẹ chồng.
Tình yêu qua mạng
Năm 2015, Kiki, khi đó 24 tuổi, nhận được lời mai mối của quản lý người Trung Quốc làm cùng xí nghiệp và quen được với một người đàn ông Trung Quốc.
Hai người trò chuyện qua Wechat bằng cách dùng Google dịch tự động, trong 6 tháng, cô gái sinh ra và lớn lên ở Đức Hòa Hạ, tỉnh Long An đã đem lòng yêu người đàn ông này và quyết định vượt biên sang Trung Quốc, dù hai người chưa một lần gặp mặt.
"Lúc đó dáng chồng tôi thư sinh lắm, đẹp trai nữa nên khi tình cảm nảy sinh đủ nhiều, tôi quyết định để dành tiền, sang Trung Quốc với anh." Kiki cười, nhớ lại những kỉ niệm thời mới quen chồng.
Mối tình qua mạng với những hẹn ước nhanh chóng va đập với cái nghèo mà Kiki mô tả "tôi chưa từng tưởng tượng được".
Khi qua tới Hồ Bắc, chồng Kiki đưa chị lên thành phố Vũ Hán làm tạp vụ trong nhà hàng nơi anh làm việc. Ở với nhau được một năm, gia đình kêu anh đưa chị về ra măt.
"Tới đó tôi mới tá hỏa, nhà gia đình anh rất nghèo. Tôi không bao giờ biết Trung Quốc lại có vùng nghèo đến vậy," Kiki kể.
Nhà chồng dưới quê mà Kiki mô tả có một phòng khách rất nhỏ nhưng không phải để tiếp khách mà để đặt bàn thờ. Ở bên trong có hai phòng ngủ nhỏ. Bếp thì vẫn nấu bằng lò củi và nhà vệ sinh thì nằm bên ngoài.
"Tôi cũng sốc nhưng anh hứa sẽ cố gắng, mình cũng thương nên cùng anh đi làm phụ hồ vì nghề này kiếm được tiền hơn, làm được ba năm thì hai đứa để dành được một khoản. Nhưng tiền thì anh giữ hết vì tôi không có tài khoản ngân hàng và chưa có giấy tờ hợp pháp, mà dù có giấy tờ visa diện vợ chồng thì ở Trung Quốc, vẫn không được quyền làm việc vì không có giấy phép lao động."
"Trong ba năm khổ cực đó, tôi đã bỏ chạy ba lần nhưng không thành vì trong túi không có đồng nào, tiếng thì không biết, điện thoại anh cũng không cho tôi mua sim. Rồi tôi dính bầu, đến khi gần ba tháng, gia đình chồng cho 1 vạn về Việt Nam làm giấy tờ, đi chụp hình cưới, tới tháng thứ sáu thì tổ chức tiệc. Nghe vậy nhưng thực chất nó chỉ như bữa ăn bình thường, chỉ có khoảng sáu mâm, mình không được mặc áo cô dâu vì mình bầu lớn rồi, tủi hổ dữ lắm," Kiki nhớ lại.
Ngay lúc đó, Kiki thấy mình bị lừa. Nhưng chị hiểu, chồng chị thực sự muốn cưới và có con với chị, nhưng sợ chị ngại gia cảnh nên không nói thật với chị từ đầu.
Kiki không phải là nạn nhân của nạn buôn người hay lừa đảo mai mối. Nhưng chị lại là nạn nhân gián tiếp của chính sách "một con" của Trung Quốc từ năm 1979.
Với văn hóa với Nho giáo ăn sâu vào đời sống cùng với chính sách một con, nhiều gia đình đã lựa chọn phá thai - chọn nam, bỏ nữ. Hậu quả là hiện nay, Trung Quốc rơi vào tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng và kéo dài nhất" trên thế giới.
Từ đó, các cô gái ở nước láng giềng như Lào, Việt Nam, Campuchia, Myanmar thành hàng hóa cho ngành công nghiệp mai mối đầy lợi nhuận và đàn ông Trung Quốc phải đối mặt với cuộc "chạy đua tìm vợ".
Thời báo Hoàn Cầu dẫn số liệu thống kê của cuộc điều tra dân số lần thứ 7 ở Trung Quốc công bố tháng 5 năm 2021, cho thấy Trung Quốc đang "dư thừa" khoảng 30 triệu nam giới. Trong đó có 17,52 triệu nam giới trong độ tuổi kết hôn từ 20 đến 40 độc thân và có khả năng không tìm được vợ.
Ở những vùng đặc biệt nghèo hoặc vùng sâu vùng xa ở Trung Quốc như nơi Kiki ở, nhiều người đã phải tìm cách "mua" một nàng dâu từ nước ngoài, một phương thức tiết kiệm hơn rất nhiều so với việc cưới người bản địa vì của hồi môn cực kỳ đắt đỏ.
"Trung Quốc cũng có những vùng rất nghèo khổ, còn nghèo hơn ở Việt Nam mình và hầu hết phụ nữ Việt Nam qua đây đều là gả vào những vùng nông thôn cơ cực như vậy. Gái Việt Nam gả qua đây 100% thì hết 80% lấy chồng nghèo, 60% bỏ trốn vì sống không nổi," Kiki nói với BBC.
Ác mộng sống chung với mẹ chồng
Qua cuộc gọi video, chị Kiki giở mâm cơm trưa trong bếp cho tôi xem. Bữa ăn chỉ có cơm trắng, cải thìa xào, tàu hũ muối cùng với trứng chiên. Mở tủ lạnh, chị chỉ vào ba trái táo đã héo, không có những "sơn hào hải vị" thường thấy trong phim.
Kiki nói đây là những món hàng ngày chị được ăn trong suốt 7 năm qua, ngay cả trong thời gian mang bầu.
Chị kể, cuộc sống nghèo khổ không bằng việc phải sống với mẹ chồng keo kiệt. Tiền bao nhiêu kiếm được, chồng chị không đưa cho vợ mà đưa hết cho mẹ, "nên quyền sinh sát nằm hết trong tay bà".
Kiki nhớ lại: "Mang bầu mà mình luôn thấy tủi thân vì thèm ăn, nhưng nhà chồng không cho ăn, thịt hay hải sản đều bị cấm vì mẹ chồng bảo không tốt cho thai nhi. Chỉ quanh đi quẩn lại có mấy món như cháo trắng, cải thìa, các thể loại trứng. Mùa đông lạnh cóng, tôi không có đồ ấm nhưng bà cũng không mua cho tôi bộ nào mà bắt tôi mặc quần áo của chồng, với lý do mua lúc mang bầu rồi sau này đẻ xong bỏ uống."
"Tôi làm ra tiền nhưng không được giữ, không được mua sắm gì cho bản thân. Khi đó, tôi hổ thẹn tới mức không dám đi dự đám cưới người quen. Tôi nói với chồng thì anh dẫn đi mua cái đầm 180 NDT, về chỉ dám nói mua 100 NDT, vậy mà bà còn chửi lên xuống."
"Có lẽ vì thiếu ăn nên tôi bị thai hành khiến đau nửa. Rốt cuộc tôi bị khó sanh, phải mổ, rất đau đớn vì tôi không đủ sức rặn. Nên giờ nghĩ cảnh bầu bì tôi rất ớn, tôi nói chồng, tôi chỉ sanh trừ khi không ở với mẹ chồng nữa."
Lúc sinh con được một tháng, chị Kiki kể rằng mẹ chồng bắt chị phải ngưng cho con bú.
"Bà bắt tôi cho con uống sữa hộp vì sợ bé mến mình quá rồi sau này mình ôm con trốn về Việt Nam. Tôi ấm ức đủ đường vì suốt thời gian chăm con, mẹ chồng lúc nào cũng gây áp lực. Bà coi tôi là lạc hậu, không biết chăm con. Sau này tôi mới hiểu, những lời bà nói có cội rễ từ sự coi thường người Việt Nam đã ăn sâu vào trong tâm tưởng người Trung Quốc." Kiki giải thích.
"Bé con nhà tôi dù tuổi ăn tuổi lớn nhưng bà chỉ cho nó ăn cháo trắng đậu đỏ, trứng, cải thìa, rong biển và đậu hũ vì sợ ăn ngon quen miệng lại đòi. Lâu lâu con bé mới được một hai cái bánh, uống sữa. Nhiều khi thấy cảnh vậy tôi chỉ biết nuốt nước mắt vào trong."
Nghỉ thai sản ba tháng, Kiki phải đi làm phụ hồ lại cùng chồng, cháu ở nhà với bà nội.
"Con bé được 7,8 tháng thì mẹ chồng đi xin quần áo về, đồ người ta cho bị rách đáy nhưng bà vẫn đem về rồi lấy quần lót may vào chỗ rách. Mà đồ Trung Quốc cũng rẻ chứ đâu mắc mỏ gì. Tôi đi làm thấy cảnh đó, chịu không nổi. Tôi cầm cái quần vừa khóc vừa đưa cho chồng coi. Con gái mình đã không được ăn ngon như người ta, giờ mặc đồ rách cái đũng quần cũng phải mặc."
"Ban đầu tôi có sự hối hận khi qua Trung Quốc, nhưng tôi không sợ khổ, sợ cực vì tôi biết chồng thương tôi. Nhưng tôi sợ mẹ chồng. Bà tính toán từng li từng tí, ngay cả với cháu mình. Máy lạnh không bao giờ được mở, tủ lạnh để hai ba ngày là bà rút điện. Trong đại dịch, khẩu trang y tế dùng một lần nhưng bà bắt tôi giặt rồi xài lại. Nói chung, cuộc sống ở đây không bước lên là vào xe hơi, bước xuống là đến nhà hàng sang trọng như người ta khoe trên mạng," Kiki kể.
BBC chưa có điều kiện kiểm chứng độc lập những thông tin này.
'Săn' gái Việt về làm dâu
Tân Hoa Xã ước tính có hơn 100.000 phụ nữ Việt Nam kết hôn với đàn ông Trung Quốc. Con số này vượt xa số lượng các nước khác trong khu vực, như Campuchia chỉ có 7.000 cô dâu.
"Tôi mà ra đường, người ta biết là người Việt Nam thì hay bị hỏi: "Bên mày còn gái Việt Nam không, tao muốn lấy một đứa," Kiki thuật lại khi nói đến chuyện người Trung Quốc tìm vợ.
"Họ thường nói cưới gái Việt Nam rất rẻ, ví dụ như cưới một cô Trung Quốc thì tốn 800 triệu đến 1 tỷ VND mà còn phải mua nhà mua xe. Còn Việt Nam chỉ cần bỏ ra 300 triệu thôi, không cần mua gì nữa hết. Nếu qua mai mối thì gia đình Trung Quốc sẽ chi khoảng 15-20 vạn (525-00 triệu VND). Theo đó, ông mai, bà mối sẽ đưa cho gia đình cô dâu 1 vạn (35 triệu VND), làm giấy tờ hết 1 vạn nữa. Còn bao nhiêu họ hưởng hết. Nó như là bán người một cách hợp pháp vậy."
"Gọi là lừa bán vì bà mai hay vẽ ra viễn cảnh cuộc sống màu hồng bên Trung Quốc: có xe, có nhà, được chồng cung phụng. Nhưng thực sự qua đây lại sống không bằng chết, phải ở vùng nông thôn. Có những nhà xây tầng là thiệt nhưng vì trợ giúp của chính phủ chứ họ vẫn nghèo, cái nhà trống trơ, thậm chí không có máy giặt, phải xuống suối để giặt quần áo." Kiki mô tả vùng chị ở.
Không chỉ đối mặt với đời sống nghèo khổ, Kiki kể, nhiều chị em gái Việt Nam còn bị coi họ như máy đẻ:
"Các cô dâu Việt quay đây một hai năm đầu là bị chồng ép ở nhà để đẻ được đứa con. Sau đó họ đi làm ăn xa biệt tích, một năm về hai ba lần. Còn nàng dâu Việt phải chịu cảnh một mình ở nhà với ba mẹ chồng, tủi khổ lắm. Ăn uống thiếu thốn, bị coi khinh và mắng chửi."
"Tôi thấy mình còn may mắn. Nhiều người sinh không được con là bị đánh đập, bạo hành, thậm chí bị chồng đem bán cho nhà thổ để lấy tiền cưới vợ khác. Có người khổ quá buộc phải ra làm "hàng quay", không về ở với chồng nữa mà giấu tiền rồi bỏ trốn. Cũng có người lừa những gia đình Trung Quốc, ôm tiền thách cưới bỏ chạy. Có người thì ôm con bỏ trốn, quẫn quá họ bán luôn con để có tiền về Việt Nam."
"Vì những vụ việc như vậy mà bên này, người ta đồn với nhau là gái Việt Nam không xài được. Họ viết trên mạng là gái Việt Nam lừa đảo. Như trong khu nhà tôi, chỉ còn hai cô dâu Việt trụ lại, 5,6 người khác tôi biết đều chạy hết. Cũng vì vậy mà đình chồng không cho tôi giữ tiền vì sợ tôi cũng bỏ trốn," Kiki giải thích.
"Nó được chồng mua với giá rẻ"
Đó là lời những người hàng xóm mới của Kiki xì xào sau lưng chị bằng tiếng địa phương.
"Những người đó biết tôi người Việt Nam nên không nói tiếng phổ thông nhưng tôi nghe vẫn hiểu, họ nói kiểu xách mé là: Ờ, chắc nó được chồng nó mua với giá rẻ."
"Tôi hay được hỏi tôi những câu như: Việt Nam của mày có cơm ăn không, có đường xá đô thị không, có tivi máy lạnh không vì trong đầu họ, người Việt Nam rất lạc hậu. Đó cũng là điều mẹ chồng tôi luôn nghĩ nên bà bảo tôi không biết cách dạy con."
Khi Kiki bắt đầu nói thạo và đọc được chữ Trung Quốc, chị thường lên TikTok hay các trang mạng Trung Quốc chơi. Ai ngờ lại rơi vào cuộc "đấu khẩu" với những người Trung Quốc.
"Tôi rất ghét những người Trung Quốc nói gái Việt Nam rẻ tiền. Có người ác ý đăng hình ảnh những vùng nghèo của Việt Nam lên các trang Trung Quốc để bôi nhọ, câu like. Họ nói người Việt Nam nghèo, nói là chỉ cần cầm ba vạn tệ (105 triệu đồng) qua Việt Nam là thành tỷ phú. Họ bảo người Việt Nam quên ơn người Trung Quốc, nói mình giành đất phía Nam với họ, chiếm Móng Cái, chiếm quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa."
Kiki trầm giọng, chị nói mình từng có lúc bế tắc vì bị những người xung quanh khinh thường. Ra đường thì bị hỏi những câu khiếm nhã, lên mạng thì bị sỉ vả. Giơ cho tôi xem một tin nhắn lưu trong điện thoại, Kiki giải thích:
"Gái Trung Quốc họ đay nghiến mình dữ lắm, nói những người đàn ông giàu có thì đời nào lấy gái Việt Nam. Họ còn khuyên tôi nên biết thân biết phận, chỉ có đàn ông Trung Quốc nghèo mới đi cưới gái Việt Nam. Tôi không bao giờ xóa đi tin nhắn này. Lâu lâu vẫn đem ra cho chồng đọc và coi đó là động lực."
Khi BBC thực hiện bài phỏng vấn này, Kiki đã rời vùng nông thôn cùng gia đình chồng chuyển vào sống trong một chung cư, gần với đô thị hơn.
Chị đi học nghề và làm móng dạo và đã bắt đầu được giữ tiền. Nhưng dù ở trong căn nhà kiên cố hơn, gần với thế giới văn minh hơn thì bữa cơm hàng ngày vẫn là trứng, tàu hũ muối, cải thìa. Tới mức, khi tôi hỏi chị có còn thèm đồ Việt Nam không, Kiki lắc đầu cười bảo:
"Người ta có câu hát, ăn bông điên điển nở, nghiêng mình nhớ đất quê. Tôi giờ không còn nhớ rõ mùi vị ra sao nữa. Chắc chỉ còn trong ký ức."
Phụ nữ Đồng bằng sông Cửu Long kết hôn với người nước ngoài
Theo thống kê của Việt Nam, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là khu vực có số lượng phụ nữ kết hôn với người nước ngoài nhiều nhất Việt Nam.
Trong 10 năm (2008 - 2018), vùng này đã có khoảng 70.000 phụ nữ lấy chồng nước ngoài.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn được cho là nguyên nhân chính thúc đẩy người phụ nữ muốn dùng hôn nhân di cư là cách thoát nghèo.
ĐBSCL thường xuyên bị thiên tai, nguyên nhân chính dẫn đến cuộc sống bấp bênh của người nghèo.
ĐBSCL là một trong những điểm nóng trên toàn cầu về biến đổi khí hậu, dễ bị tổn thương bởi những hiện tượng biến đổi khí hậu diễn ra từ từ như nước biển dâng, xâm nhập mặn lẫn các hiện tượng biến đổi khí hậu diễn ra đột ngột như bão và lũ.
Một diễn tiến liên quan là tình trạng di cư lao động ở ĐBSCL ngày càng lớn - nơi này có tỷ lệ xuất cư cao nhất Việt Nam và là vùng duy nhất trên toàn quốc có tỷ lệ tăng dân số chỉ 0,1% trong giai đoạn 2009 - 2019.
Kết quả điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho biết ĐBSCL có khoảng 17,3 triệu người, tăng 1 triệu người so với năm 2009.
Khảo sát này cũng chỉ ra ĐBSCL có chỉ số già hóa dân số cao nhất so với các vùng khác ở Việt Nam.
Video cuộc trò chuyện về đời sống và hoàn cảnh của Kiki sẽ được BBC đăng tải sau bài viết.
Nguồn tin BBC Tiếng Việt