Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Chính…

Tầm quan trọng đối ngoại và đối nội từ chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Chính

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã tiến hành chuyến thăm Hoa Kỳ từ ngày 11 đến ngày 17 tháng 5, chuyến công du nước ngoài dài nhất mà ông từng thực hiện kể từ khi nhậm chức hồi tháng 4 năm 2021. Ngoài việc tham dự Hội nghị thượng định Hoa Kỳ-ASEAN, ông Chính còn có nhiều cuộc gặp gỡ và hoạt động khác nhau để thúc đẩy quan hệ Việt – Mỹ. Chuyến thăm giúp nâng cao uy tín của vị thủ tướng ở trong và ngoài nước, tạo ra một sự thúc đẩy đáng kể và kịp thời cho cả quan hệ song phương lẫn các chương trình nghị sự trong nước của ông Chính.

chinh1

Việt Nam và Hoa Kỳ đã trải qua một chặng đường dài kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1995. Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại về hàng hóa lớn thứ 10 của Hoa Kỳ. Sau một khởi đầu chậm chạp, quan hệ an ninh giữa hai cựu thù đã đạt được đà phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Từ năm 2017 đến năm 2021, Washington đã cung cấp cho Hà Nội tổng cộng 80 triệu USD hỗ trợ an ninh. Washington cũng đã chuyển giao hai tàu cảnh sát biển lớn cho Việt Nam và đang lên kế hoạch cho việc chuyển giao một chiếc thứ ba.

Tuy nhiên, kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, quan hệ song phương đã phải đối mặt với một số thách thức tạm thời vì Washington thất vọng với lập trường mập mờ của Hà Nội đối với cuộc xâm lược. Các quan chức Hoa Kỳ đã cảnh báo riêng với những người đồng cấp Việt Nam về những hậu quả tiềm tàng của việc Hà Nội từ chối lên án Nga một cách công khai, cũng như khả năng xuất hiện những phản đối từ Quốc hội Hoa Kỳ đối với những nỗ lực của Nhà Trắng nhằm thúc đẩy quan hệ với Việt Nam.

Tuy nhiên, chuyến thăm của Thủ tướng Chính đã mang lại cho Việt Nam một cơ hội để làm rõ quan điểm của mình về vấn đề Ukraine và tái khẳng định mong muốn của Hà Nội trong việc tăng cường hơn nữa quan hệ với Washington. Trước chuyến đi của ông Chính, Việt Nam thông báo sẽ viện trợ nhân đạo cho Ukraine 500.000 đô la Mỹ. Mặc dù số tiền khiêm tốn nhưng nó giúp truyền tải thông điệp về sự thông cảm của Việt Nam với Ukraine, đồng thời góp phần cải chính nhận thức sai của bên ngoài rằng Hà Nội đang đứng về phía Moscow trong cuộc xung đột.

Trong bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế vào ngày 11 tháng 5, Thủ tướng Chính tái khẳng định ‘quan điểm nhất quán của Việt Nam’ là tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, chủ quyền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, cũng như sự cần thiết phải giải quyết mọi tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình mà không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Tuyên bố này cho thấy lập trường ban đầu của Việt Nam đối với cuộc chiến Ukraine là nhằm duy trì quan hệ với Nga, chứ không phải là một sự từ bỏ các nguyên tắc chính sách đối ngoại từ trước đến nay, hay một động thái có chủ ý nhằm xa lánh phương Tây.

Để thúc đẩy quan hệ song phương, Thủ tướng Chính cũng đã gặp một số chính trị gia cấp cao của Hoa Kỳ, bao gồm Chủ tịch Thượng viện tạm quyền Patrick Leahy, Ngoại trưởng Antony Blinken, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen. Trong cuộc gặp với Thượng nghị sĩ Leahy, ông Chính đã đề xuất thành lập một nhóm các nghị sĩ Hoa Kỳ thân thiện với Việt Nam, một nỗ lực chủ động của Việt Nam nhằm vận động sự ủng hộ của lưỡng đảng Hoa Kỳ đối với quan hệ song phương.

Ông Chính cũng sử dụng chuyến đi để huy động sự hỗ trợ và các nguồn lực để giúp thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của Việt Nam sau hai năm gặp khó khăn do Covid-19. Năm 2020, tăng trưởng GDP của Việt Nam tụt xuống còn 2,9%. Năm ngoái, con số này tiếp tục giảm xuống còn 2,6% – mức thấp nhất kể từ khi Việt Nam bắt đầu tiến hành các cải cách kinh tế vào cuối những năm 1980. Vai trò lãnh đạo của ông Chính trong hoạt động ngoại giao vắc xin đã giúp Việt Nam đạt tỷ lệ tiêm chủng cao trong vòng sáu tháng, giúp Việt Nam có thể mở cửa nền kinh tế từ tháng 11 năm 2021. Nhưng khó khăn vẫn còn nhiều và Việt Nam cần nhiều cải cách và nguồn lực hơn nữa để làm mới động lực tăng trưởng.

Trong chuyến thăm, ông Chính đã tham dự một hội nghị với các doanh nghiệp Mỹ do Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN tổ chức, gặp gỡ lãnh đạo Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới cũng như nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ, bao gồm Intel, Apple, Google, Microsoft, Boeing, Blackstone, KKR và Bank of America. Thủ tướng cũng đã có một cuộc thảo luận với các chuyên gia tại Trường Harvard Kennedy về tăng trưởng kinh tế bền vững và định hướng phát triển của Việt Nam trong thế kỷ 21.

Dự định của ông Chính là huy động các nguồn lực tài chính và công nghệ từ các tổ chức tài chính quốc tế và các nhà đầu tư Hoa Kỳ, đặc biệt là các công ty công nghệ cao, để giúp phục hồi nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực như phát triển cơ sở hạ tầng, số hóa nền kinh tế, phát triển chuỗi cung ứng công nghệ cao và nâng cấp nguồn nhân lực cho nền kinh tế Việt Nam.

Trong khi đó, cuộc gặp với các chuyên gia của Trường Harvard Kennedy là nhằm đảm bảo sự hợp tác từ các cơ sở nghiên cứu của Hoa Kỳ nhằm giúp cải thiện năng lực quản trị của Việt Nam. Về cơ bản, đây là một nỗ lực nhằm nâng cấp ‘phần mềm’ quản trị quốc gia để tối đa hóa hiệu quả của ‘phần cứng’ cơ sở hạ tầng và năng lực chế tạo mới mà Việt Nam dự kiến ​​s có được trong tương lai.

Ông Chính cũng có thể có những cân nhắc chính trị khác. Do Đại hội đại biểu toàn quốc tiếp theo của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ được tổ chức vào đầu năm 2026, "đường băng" là khá ngắn để giúp ông Chính có thể chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh quyền lực sắp tới. Cùng với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, ông Chính được coi là một trong hai ứng viên hàng đầu cho vị trí tổng bí thư của Đảng. Trong trường hợp nỗ lực đó không thành công, ít nhất ông Chính cũng muốn giữ nguyên vị trí hiện tại. Tuy nhiên, tham vọng của ông có thể sẽ phải đối mặt với những thách thức đáng kể. Những dấu hiệu ban đầu cho thấy các đối thủ dường như đã bắt đầu tìm cách làm suy yếu vị thế chính trị của ông. Chẳng hạn, hồi cuối tháng 4, nhà chức trách đã khởi tố bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, chủ tịch một công ty được cho là có quan hệ thân thiết với ông Chính, về tội gian lận trong đấu thầu và tham nhũng.

Do đó, việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và củng cố thành tích kinh tế của Thủ tướng Chính trong ba năm tới sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với triển vọng chính trị của ông. So với các mục tiêu chính sách đối ngoại, kết quả kinh tế từ chuyến thăm Hoa Kỳ và các hành động tiếp theo để thực hiện hóa chúng sẽ có ý nghĩa ngang bằng, nếu không muốn nói là lớn hơn, đối với cá nhân ông Chính và những người ủng hộ. Nền kinh tế Việt Nam đang gặp phải những thách thức lớn. Nếu những nỗ lực của ông Chính trong lĩnh vực này thành công, không chỉ ông Chính có thể cải thiện triển vọng chính trị của mình mà nền kinh tế Việt Nam nói chung cũng sẽ được hưởng lợi.

Lê Hồng Hiệp

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 18/05/2022

Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên Fulcrum.sg, chuyên trang bình luận các vấn đề quốc tế của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute), Singapore.