Những Evergrande và tương lai nào cho Tập Cận Bình

Với khối nợ 300 tỷ USD, Evergrande không có khả năng trả và Bắc Kinh ra lệnh cho Evergrande trả những khoản đáo hạn, ít nhất là phải trả tiền lãi. Không khác gì ra lệnh cho một bệnh nhân cần được giải phẫu phải khỏe mạnh ngay tức khắc.

Theo các nhà bình luận thì cuộc khủng hoảng này là cuộc khủng hoảng trong nội bộ Trung Quốc. Những bình luận này cần phải được nghi ngờ một cách thận trọng. Họ cho rằng tiền nợ của Evergrande tuy là 300 tỷ nhưng nhũng công ty của nước ngoài chỉ cho Evergrande vay 20 tỷ nên không đáng lo và không đáng kể, do đó sự phá sản của Evergrande sẽ không ảnh hưởng tới thế giới.

evergrande1

Không ảnh chụp hôm 18/09/2021 cho thấy Khu Du lịch Văn hóa Evergrande ở thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Việc xây dựng dự án đã tạm dừng. (Ảnh Vivian Lin / AFP / Getty)

Có thực Evergrande chỉ nợ nước ngoài 20 tỷ đô la ?

Có một sự thực là Evergrande chỉ vay các ngân hàng Trung Quốc, nhưng các ngân hàng của Trung Quốc khác với các ngân hàng của nước ngoài. Các ngân hàng của Mỹ hay Pháp khi gởi tiền thì khoản tiền lãi ở mức rất thấp, cao lắm là 5% (mức tối đa). Ở Đức, khi gửi tiền vào ngân hàng không những có đồng lãi nào mà còn phải trả thêm phí điều hành. Trong khi đó, khi gởi tiền vào các ngân hàng của Trung Quốc khoản tiền lãi trung bình là 7%, và đây là bí quyết thành công của các ngân hàng để thu hút số tiền nhàn rỗi từ các định chế tài chính quốc tế. Các quỹ đầu tư có dư tiền ở nước ngoài đã gửi tiền vào các ngân hàng Trung Quốc với mức vãng lai là 1%, nhưng nếu ký thác định kỳ thì lãi suất có thể lến tới từ 5 đến 7%, thậm chí 8%. Rõ ràng là có lời to, các ngân hàng quốc tế đều công bố những mức lợi nhuận cao trong những năm vừa qua, những cổ phần viên đã nhận được những cổ tức hậu hĩnh. Qua cách thức này, các ngân hàng nước ngoài và các quỹ đầu tư quốc tế đua nhau gửi tiền vào các ngân hàng Trung Quốc để thu lãi, và các ngân hàng Trung Quốc lấy số tiền đó cho các định chế sản xuất, xây dựng Trung Quốc vay. Tuy rằng Evergrande không vay trực tiếp từ nước ngoài nhưng những số tiền vay từ các định chế tài chính Trung Quốc phần lớn đều là tiền vay của nước ngoài.

Nếu nhìn vào con số tiền lãi đáo hạn mà Evergrande phải thanh toán trước cuối tháng 9/2021 vừa qua, theo bản nợ được công bố, thì tổng số tiền lãi phải trả là 120 triệu USD, trong đó 36 triệu là nợ của các ngân hàng Trung Quốc và 84 triệu là nợ của nước ngoài. Nợ nước ngoài gấp 2 lần nợ trong nước, nên sự cố sụp đổ của Evergrande ảnh hưởng đến sinh hoạt tài chính của nước ngoài là điều tất nhiên. Tuy nhiên sự cố này không gây tai hại nhiều với thế giới nhưng báo hiệu một sự suy sụp dây chuyền trong toàn bộ sinh hoạt kinh tế Trung Quốc nói chung.

Nền kinh tế Trung Quốc hoạt động được chủ yếu là nhờ vào vay nợ trong nước và vay nợ nước ngoài. Nếu không vay được nợ nữa thì Bắc Kinh sẽ làm gì, Trung Quốc sẽ ra sao ?

Để có vốn hoạt động, các công ty Trung Quốc tạo vốn dưới hai hình thức : 1. phát hành và bán cổ phiếu ; 2. đi vay. Có 2 hình thức vay, một là vay của các ngân hàng, hai là phát hành trái phiếu lãi suất cao với hứa hẹn chết ráng chịu.

Thông thường các trái phiếu phát hành có mức lãi suất từ 3 đến 5%, riêng Evergrande phát hành trái phiếu với lãi suất có lúc lên tới 13,5%, sức nào chịu nổi ? Trường hợp Evergrande này cũng giống như trường hợp Tăng Minh Phụng trước đây, lãi suất được đẩy tới 15% nên ai cũng ham bỏ tiền cho vay. Năm 2003 Tăng Minh Phụng bị xử bắn, thế là... huề cả làng. Công ty Evergrande cũng như nhiều công ty Trung Quốc khác, vay và phát hành trái phiếu với lãi suất rất cao. Đầu năm ngoái, một công ty qui mô nhỏ hơn Evergrande là HNA (Hainan Airlines) phá sản năm 2021 và hiện nay Bắc Kinh đang sử dụng kịch bản đó cho Evergrande.

Hiện tại Evergrande có 1.300.000 căn hộ đang xây, trong đó có một số đã bán và chưa bán. Evergrande còn một công ty Năng Lượng Mới đã đầu tư vào đó 83 tỷ, ngoài ra còn khách sạn, các công tư sản xuất rượu bia... và một đội bóng. Số công nhân chính thức của Evergrande là trên 200.000 người, nếu tính thêm những công ty sống nhờ Evergrande như cung cấp dịch vụ thì con số công nhân lên tới khoảng 3 triệu người. Bây giờ Evergrande được yêu cầu bán các công ty con với giá phá sản thì cùng lắm cũng chỉ được 20 tỷ. Theo dự đoán, nếu Evergrande tuyên bố phá sản thì sẽ có 200 ngân hàng nhỏ ở Trung Quốc phá sản theo. Và nếu lựa chọn sau cùng là gia tăng vận tốc phá sản như mong muốn của Bắc Kinh hiện nay thì sẽ có rất nhiều công ty đầu tư hạ tầng và bất động sản lớn khác của Trung Quốc cũng tuyên bố phá sản theo hoàn cảnh với hệ quả là cả hệ thống ngân hàng lớn nhỏ sẽ quỵt nợ và Trung Quốc sẽ co cụm lại để tự sinh tồn. Bắc Kinh hy vọng rằng với dân số 1,4 tỷ thì tự Trung Quốc đã là một thế giới cho nên nếu co cụm thì xã hội Trung Quốc vẫn có thể tồn tại được, và trong sung túc.

Có thể đây là những toan tính của Tập Cận Bình, nhưng những toan tính này có an toàn cho Trung Quốc không ? Bắc Kinh lý luận rằng nếu Trung Quốc co cụm lại và vẫn giữ được tỷ trọng ngoại thương từ 20 đến 30% như hiện nay thì có thể cầm cự được trong một thời gian vì mức sống của người dân không đến nỗi tệ, cũng còn khá hơn những năm 80.

Trước những khó khăn kinh tế trên toàn cầu và Trung Quốc nói riêng, đầu tháng 7/2021, Bắc Kinh có đưa ra một chương trình dưới tên gọi "Phồn Vinh Chung" nhằm san sẻ những sung túc cùng khó khăn đồng đều trên đất nước. Có lẽ Chủ tịch Tập Cận Bình đã quên lời cảnh báo của Thủ tướng Ôn Gia Bảo vào năm 2009 : Nếu không giữ được mức tăng trưởng 8% thì Trung Quốc sẽ bạo loạn. Hiện nay những dự báo tăng trưởng của Trung Quốc và quốc tế đều dưới chỉ số này.

evergrande2

Tập Cận Bình quảng bá ‘Giấc mộng Trung Hoa’. Ảnh : Chinese fonts design

Nhìn lại lịch sử

Vào năm 1850 Trung Quốc xảy ra nạn đói, dân chúng miền Nam bị bóc lột quá đáng đã nổi dậy cùng Hồng Tú Toàn thành lập nước Thái Bình. Nhà Thanh đã áp dụng biện pháp tàn sát, đi tới đâu tàn sát tới đó. Và họ đã tàn sát 70% dân số 3 tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông và Vân Nam. Riêng tỉnh Quý Châu thì số dân bị tàn sát lên tới 90%.

Các vua chúa thời trước của Trung Quốc thì có thể làm vậy nhưng Bắc Kinh ngày nay không thể làm như vậy, vì dân trí của người Trung Quốc đã được nâng cao và nhận thức về con người cũng gia tăng cùng tỷ lệ. Gần đây dư luận quốc tế đã điểm mặt Bắc Kinh đối xử vô nhân đạo với người Uyghur ở Tân Cương, nhưng ở thế kỷ 21 này Bắc Kinh không thể đối xử tàn bạo hơn với cư dân đất Tân Cương như dưới thời các vua chúa trước đó. Bắc Kinh không thể tiêu diệt hết dân cư Tân Cương, cũng như Tây Tạng và Nội Mông, dù rất muốn.

Bắc Kinh chỉ mới bỏ tù không kết tội 1,5 triệu người Uyghur (Hồi giáo) trong những trại tập trung lớn mà đã có hàng chục nghìn người chết. Những hành động vô nhân đạo này đã bị những quốc gia dân chủ lớn phương Tây và Nhật Bản lên án và làm áp lực buộc Bắc Kinh phải nương tay. Tin tức về những vụ giam cầm và cưỡng ép lao động khổ sai bị ngay cả dư luận trong nước lên án. Và chính đây mới là nỗi lo sợ của Bắc Kinh.

Nhìn lại quá khứ, những cuộc nổi loạn đến từ quần chúng luôn đẫm máu : quan quân thẳng tay tàn sát dân cư nổi loạn, dân cư nổi loạn cũng thẳng tay tiêu diệt và trừng trị dã man những dòng họ quan liêu lãnh đạo. Cái vòng luẩn quẩn này chỉ chấm dứt khi bị các đế quốc hàng hải phương Tây đánh bại nhà Thanh và bảo hộ vùng biển phía đông Trung Quốc trong nửa cuối thế kỷ 19. Ngày nay cuộc hưu chiến này đang tới hồi kết thúc.

Những bất công mà các cấp lãnh đạo Đảng cộng sản gây ra cho dân chúng Trung Quốc đã đạt tới đỉnh điểm sự chịu đựng. Từ thập niên 1980 đến nay, dân chúng Trung Quốc chấp nhận hy sinh và lao động cật lực để xuất khẩu thu về ngoại tệ và góp phần xây dựng một Trung Quốc phồn vinh và thịnh vượng, qua đó mức sống của họ cũng được nâng cao : ăn đủ no áo đủ mặc, rồi sau đó dư ăn dư mặc và có thể đi du lịch nước ngoài. Nhưng từ khi Tập Cận Bình lên cầm quyền, với Giấc mộng Trung Hoa, xã hội Trung Quốc như đang sống trở lại thời vua chúa. Con đường tơ lụa chẳng khác nào Vạn lý trường thành, người dân Trung Hoa bị trưng dụng để xây đường dựng cảng trên khắp thế giới với đồng lương rẻ mạt và làm việc như những nô lệ.

Giờ đây, sau những đợt dịch Covid-19, tham vọng bành trướng của Trung Quốc đã bị khựng lại vì… hết tiền. Những đại công ty xây dựng như Evergrande chỉ là một trong những ví dụ. Ngành đường sắt được coi là chủ bài để bành trướng đã gần như bế tắc : không có đơn đặt hàng, những tuyến đường sắt và những toa tàu dài hàng cây số đang bị gỉ sét vì không được sử dụng. Ngành đóng tàu viễn dương, niềm kiêu hãnh của Bắc Kinh, coi như phá sản vì không có đơn đặt hàng. Những dàn khoang dò tìm dầu khí ngoài khơi đã án binh bất động, và nhân công đang trong tình trạng thất nghiệp vì kết quả tìm được không đủ trang trải chi phí hoạt động. 

Những sự cố này đang đào sâu hố ngăn cách giàu nghèo giữa phần đất phía đông cạnh bờ biển phát triển và vùng nội địa nghèo nàn đang bị sa mạc hóa. Do nghèo khó, dân cư nội địa đi tìm việc ở những thành phố cạnh bờ biển phía đông. Nay những tỉnh phía đông này đang gặp phải khó khăn, hãng xưởng đóng cửa và buộc phải sa thải nhân công mà đa số đến từ các tỉnh nội địa. Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc đang đau đầu tìm biện pháp trấn an dân chúng, xoa dịu sự bất mãn giữa nông thôn và thành thị, giữa giới có học và thành phần lao động chân tay. Nhưng dân trí và nhận thức của xã hội Trung Quốc cũng đã thay đổi, họ không còn ngây thơ tin theo những gì Đảng cộng sản hứa hẹn. 

Trước kia, chương trình tăng trưởng hoàng dại, bất chấp con người và môi trường của Đặng Tiểu Bình đã giúp Trung Quốc vượt lên sự nghèo nàn để có tiến bộ. Người dân Trung Quốc có thể cày cấy, trồng trọt không những đủ ăn mà còn xuất khẩu sang các nước khác để thu về ngoại tệ. Trung Quốc đã trở thành cơ xưởng sản xuất và xuất khẩu cho cả thế giới về hàng công nghiệp thông dụng, công ăn việc làm thừa mứa và mức sống người Trung Quốc được gia tăng đáng kể. Giờ đây sau những năm khai thác cạn kiệt tài nguyên đất và nước, bức tranh sung túc trong những năm 1980 đang bị xóa dần, một nửa Trung Quốc từ phía bắc sông Dương Tử đến phía tây cận Tân Cương và dãy Hi Mã Lạp Sơn đang bị cằn cỗi vì thiếu nước, không khí ô nhiễm, các chứng bệnh nan y hoành hành... 

Vấn đề là xã hội Trung Quốc ngày nay là không thể quay trở lại thời kỳ 1980, cho dù mức sống đã được nhân lên gấp hai. Người Trung Quốc đã quen với xã hội tiêu thụ, họ không thể sống trong thiếu thốn về vật chất cũng như không có đồng lương. Bóng ma thời Chiến Quốc ngày xưa đang lộ diện, vùng đất phía tây nghèo nàn đang bất mãn với vùng đất phía đông sống trong sung túc. Trong thâm tâm những người như Tập Cận Bình, nếu chịu khó đọc lại sử của chính đất nước mình thì phải tự kinh hoàng. 

Kinh nhiệm lịch sử của các triều đại cai trị tại Trung Quốc rất là ác nghiệt, nhất là vào cuối thời. Các triều đại Hán, Tấn, Tùy, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh đều sụp đổ trong biển máu, cả hoàng tộc bị tiêu diệt. Chính vì thế mà của vị vua anh minh của Trung Quốc đều tìm cách được chôn cất bí mật để không bị phe thắng trận đào mộ phóng uế, như Tần Thủy Hoàng. Những nhà khảo cổ về văn minh và văn hóa Trung Hoa đã rất chật vật khi truy tìm dấu vết các vương triều cầm quyền trước triều đại đương quyền, bởi vì một lý do hiển nhiên và dễ hiểu : các chế độ đương quyền đều tìm cách xóa hết mọi dấu vết của chế độ cầm quyền trước đó : lăng mộ, di tích kiến trúc và gia tộc. 

Một thí dụ : Việt Nam là nước theo văn hóa Trung Hoa. Dưới thời nhà Nguyễn, không một lăng mộ nào của những tiên vương trước tồn tại, những gia toohc cầm quyền trước phải tự đổi tên đổi họ đẻ không bị tru di. Trước đó dưới thời các triều Lê, Lý, Trần cũng thế, không một lăng mộ nào của vương triều trước đó còn nguyên vẹn. Sau ngày 30/4/1975, chế độ cộng sản đã san bằng và xóa sổ nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi ở Sài Gòn, vì đây là nới chôn cất những vị tiền nhân lãnh đạo miền Nam. Gần đay đang có phong trào xét lại công lao của của vị tiền nhân khai phá miền Nam như Lê Văn Duyệt và Phan Thanh Giản. Phải chăng Hà Nội muốn xóa sổ ký ức của người miền Nam ?

evergrande3

Ảnh Getty/CC/WorldPost illustration

Trở lại với tình hình Trung Quốc hiện nay, sự suy yếu, nếu không muốn nói là sự sụp đổ gần kề, của Tập Cận Bình và của Đảng cộng sản Trung Quốc rất khó che đậy. Thế giới ngày nay đã khác, nhất cử nhất động gì của Trung Quốc cũng đều được phát hiện và thông tin liền tức thì.

Tập Cận Bình có đi quá xa không khi vắt cạn kiệt tài nguyên nhân vật lực để thực hiện Giấc Mộng Trung Hoa vượt quá khả năng. Làm sao đào ra tiền để trả những món nợ lên đến 40.000 tỷ USD, trên 300% PIB của Trung Quốc, chỉ để thỏa mãn tham vọng cá nhân muốn thống trị thế giới và đàn áp những quốc gia nhỏ yếu thế hơn ?

Người ta chờ ngày Tập Cận Bình phải trả lời trước dân chúng Trung Quốc về những món nợ khổng lồ khó trả này. Ngày tàn của Tập Cận Bình chắc không đến nỗi tàn bạo như các triều đại trước bị xử tử hay tru di tam tộc nhưng chắc chắn sẽ vô cùng bi đát.

Trần Khánh Ân

(05/04/2022)