Chủ tịch Trung Quốc đánh cược uy tín vào chính sách zero-Covid

Biến thể Omicron của Covid-19 biến Thượng Hải thành một thành phố chết. Là tủ kính kinh tế đem về đến 4% GDP của Trung Quốc mà lại có những tiếng gào thét vì đói ăn. Đấy là những hình ảnh mà một tháng trước kể cả những người giàu trí tưởng tượng nhất cũng không thể nghĩ đến. 


QUẢNG CÁO

Vào lúc đang trở thành ổ dịch lớn nhất trên toàn quốc, với hơn 20.000 ca nhiễm mỗi ngày, đương nhiên Thượng Hải bị phong tỏa trong những điều kiện nghiêm ngặt theo đúng chủ trương zero-Covid chủ tịch Tập Cận Bình đã đặt ra ngay từ khi dịch bùng lên ở Vũ Hán cuối 2019.

Đối với người dân Trung Quốc, về mặt kinh tế, lệnh phong tỏa nghiêm ngặt mà Trung Quốc áp dụng trên toàn quốc khiến không biết bao nhiêu người mất việc làm tại một quốc gia mà hệ thống an sinh xã hội gần như không có. Kế tới về mặt xã hội, khi Thượng Hải hay Thâm Quyến trở thành những thành phố ma, người già, những người bệnh tật không được tiếp tế lương thực, thuốc men : những người này không chết vì Covid-19 thì cũng chết đói, chết khát hay vì những căn bệnh khác.

Tính đến ngày 15/04/2022, ba phần tư các thành phố lớn tại Trung Quốc đã bị phong tỏa ở những cấp độ khác nhau. Những cáo buộc chính quyền « điên rồ » « hy sinh nhân dân » không làm Bắc Kinh thay đổi chính sách chống dịch. Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhắc lại chủ trương zero-Covid là bất di bất dịch. 

Trong bối cảnh mùa thu này diễn ra Đại Hội Đảng Cộng Sản và ông Tập muốn tại chức thêm một nhiệm kỳ thứ ba, thì đây là một nước cờ « đầy bất trắc ».

Jean Philippe Béja, cựu giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Gia Pháp CNRS, giảng dậy tại trường Khoa Học Chính Trị Paris quan niệm rằng, « thành phần lãnh đạo ở Thượng Hải không phải lúc nào cũng ngoan ngoãn ủng hộ ông Tập Cận Bình ». Làn sóng phẫn nộ ở Trung Quốc có nguy cơ như « vết dầu loang » trong lúc mà ông Tập vẫn khăng khăng từ chối sống chung với dịch.

Vậy thì nhân vật quyền lực nhất Trung Quốc phải làm gì để thoát khỏi bế tắc đó ? Các chuyên gia Pháp cho rằng, đây là một bài toán khó.

Chuyên gia về Trung Quốc đương đại, Michel Bonnin, Trường Cao Đẳng Khoa Học Xã Hội EHESS của Pháp giải thích : chủ tịch Trung Quốc đặt hết uy tín của mình vào chiến dịch zero-Covid, xem đó là kim chỉ nam, là lá chắn bảo vệ dân số nước đông dân nhất địa cầu. Giờ đây ông Tập trong thế « đâm lao thì phải theo lao ».

Thế nhưng cái khó ở đây là nếu dịch bệnh kéo dài, chính quyền trung ương có đủ can đảm để tiếp tục phong tỏa Thượng Hải nữa hay không ? Áp dụng tiếp các biện pháp chống dịch « triệt để nhất » sẽ đẩy thành phố giàu có này vào cảnh kiệt quệ, và đừng quên rằng cả thế giới đều nhìn về Thượng Hải hơn hẳn bất cứ nơi nào khác tại Hoa Lục.

Trái lại nếu Bắc Kinh có ý định « thả lỏng » các biện pháp chống dịch cho 25 triệu dân Thượng Hải thì đây cũng không phải là thượng sách. Bởi vì sẽ có nhiều tỉnh thành khác vốn đang rất bất mãn về chính sách zero-Covid rồi cũng sẽ vùng lên đòi được đối xử như Thượng Hải. Trong kịch bản đó, Michel Bonnin cho rằng ông Tập Cận Bình « mất cả đôi đàng ».

Một là trong trường hợp ngừng kiểm soát khắt khe để « vỡ trận » về mặt y tế, thì yếu kém của hệ thống y tế Trung Quốc lại càng rõ ràng hơn nữa. Thống kê về số người bệnh hay ca tử vong sẽ khiến công luận đặt câu hỏi về hiệu quả của vac-xin Trung Quốc về những chiến dịch tuyên truyền liên quan đến tỷ lệ tiêm chủng và biện pháp bắt dân chúng xét nghiệm hàng loạt.

Thất bại thứ nhì là về mặt chính trị. Chẳng vậy mà Bắc Kinh đã huy động 50.000 nhân viên cảnh sát đến Thượng Hải để kiểm soát dân tình, huy động một đội ngũ hùng hậu các chuyên gia tin học để sàng lọc những tin nhắn với nội dung « trái chiều » trên các mạng xã hội như Alex Payette, cơ quan tư vấn Cercius, trụ sở tại Montréal, ghi nhận trong một bài viết đăng trên tạp chí Asialyst. Theo chuyên gia này, có lẽ một phần tương lai chính trị của ông Tập Cận Bình đang được đặt ở Thượng Hải. Có thể công luận Trung Quốc hiện nay sợ các biện pháp chống dịch của Bắc Kinh hơn là bản thân virus corona. Nhưng đối với Đảng và cá nhâ ông Tập, rõ ràng là chủ trương zero-Covid là một công cụ trong cuộc đấu đá nội bộ ở đỉnh cao cơ quan quyền lực Bắc Kinh.

Nguồn tin RFI Tiếng Việt