Ứng viên tổng thống Pháp Le Pen và mưu đồ hủy hoại Nhà nước pháp quyền
Cuộc tranh cử tổng thống Pháp năm 2022 bước vào vòng hai. Hai ứng cử viên lọt vào chung kết - ứng viên - tổng thống mãn nhiệm Emmanuel Macron và ứng viên cực hữu Marine Le Pen - đối đầu trên nhiều lĩnh vực, từ cải cách hưu trí đến cương lĩnh kinh tế, sức mua… Cuộc cải cách chạm đến nguyên tắc Nhà nước pháp quyền dường như ít được cử tri bình thường chú ý, nhưng được coi là trận chiến then chốt, theo giới chuyên gia.
Ứng cử viên đảng Tập Hợp Dân Tộc (Rassemblement national - RN), bà Marine Le Pen, chủ trương sửa đổi Hiến pháp thông qua trưng cầu dân ý, đưa quy tắc « ưu tiên người Pháp » (« préférence nationale ») vào Hiến pháp. Theo nhiều chuyên gia, việc thúc đẩy trưng cầu dân ý để sửa đổi Hiến pháp nhằm đạt mục tiêu này, là một hành động tấn công, nhằm hủy diệt nền móng của nguyên tắc Nhà nước pháp quyền tại Pháp.
Nhiều người lo ngại, nếu bà Le Pen đắc cử, chủ trương thiết lập một « nền dân chủ phi tự do » bài ngoại, với cuộc « cách mạng trưng cầu dân ý » của ứng viên tổng thống cực hữu sẽ dẫn đến nhiều đảo lộn xã hội lớn tại Pháp, đồng thời đặt nước Pháp vào thế xung đột với nguyên tắc Nhà nước pháp quyền của Liên Âu, như điều đang diễn ra với Hungary và Ba Lan. RFI tổng hợp thông tin về chủ đề này.
***
1/ Dự án cải cách liên quan đến nguyên tắc Nhà nước pháp quyền thông qua một cuộc « cách mạng trưng cầu dân ý » của ứng cử viên Marine Le Pen cụ thể ra sao ?
Ngày 12/04/2022, ngày thứ hai của vòng hai cuộc tranh cử tổng thống Pháp, ứng viên Marine Le Pen có một cuộc họp báo tại thị trấn Vernon, tỉnh Eure, vùng Normandie, miền tây nước Pháp. Vernon được coi là một trong những điểm khởi phát của phong trào phản kháng Áo Vàng (bùng lên cuối năm 2018, để phản đối chính sách tăng thuế xăng dầu, mà chính quyền rút cục phải hủy bỏ. Cuộc tranh đấu chống tăng giá xăng dầu được đông đảo người Pháp ủng hộ). Tại địa điểm Vernon mang tính biểu tượng này, bà Le Pen đã công bố nhiều biện pháp cụ thể liên quan đến nguyên tắc Nhà nước pháp quyền.
Mục tiêu nhắm tới của ứng cử viên tổng thống cực hữu là các cử tri đã bỏ phiếu bầu cho ứng cử cánh tả Jean-Luc Mélenchon (về thứ ba trong vòng một cuộc bầu cử tổng thống, ngày 10/04). Một khẩu hiệu chủ yếu được bà Le Pen đưa ra là « Cách mạng trưng cầu dân ý », sẽ được thực thi, nếu đắc cử. Theo tuần báo Le Point (ngày 12/04), « Cách mạng trưng cầu dân ý » vốn là một chủ đề thiết thân với đông đảo cử tri của lãnh đạo đảng Nước Pháp Bất Khuất (LFI) Jean-Luc Mélenchon.
« Cách mạng trưng cầu dân ý », theo bà Le Pen, cụ thể là gì ? Ứng cử viên Tập Hợp Dân Tộc chủ trương tạo điều kiện cho việc tổ chức dễ dàng các cuộc trưng cầu dân ý theo sáng kiến công dân (Référendum d’initiative citoyenne), chỉ cần có đủ số lượng 500.000 chữ ký của cử tri. Các cuộc trưng cầu dân ý có thể dẫn đến việc thông qua một luật mới, hủy bỏ hay sửa đổi một luật hiện hành. Bà Le Pen dự kiến sẽ sửa đổi Hiến pháp để tạo điều kiện cho việc trưng cầu dân ý về « tất cả các chủ đề ».
Các mục tiêu có thể được thực hiện thông qua việc phổ cập biện pháp trưng cầu dân ý của ứng cử viên Le Pen thì có nhiều. Hàng loạt vấn đề hệ trọng có thể được đưa ra xem xét, để thay đổi, cụ thể như cải cách thể chế bầu cử, thời gian của nhiệm kỳ tổng thống, việc thiết lập trở lại hay không án tử hình, hay các quan hệ giữa nước Pháp với Liên Hiệp Châu Âu… Tuy nhiên, vấn đề đưa quy tắc « ưu tiên người Pháp » vào Hiến pháp được coi là « điểm then chốt » trong toàn bộ cương lĩnh tranh cử của bà Le Pen (Les Échos, ngày 05/04/2022).
Tính chất « cách mạng » qua trưng cầu dân ý – hay tính chất gây đảo lộn lớn lao của chủ trương này – được thể hiện qua việc phổ biến hình thức thực thi quyền lực trực tiếp của đa số cử tri (hay nói cách khác là mở rộng phạm vi thẩm quyền của « nền dân chủ trực tiếp »). Nhưng cũng thể hiện đặc biệt rõ qua ý đồ bổ sung quy tắc « ưu tiên người Pháp » vào Hiến pháp, quy tắc mà nhiều chuyên gia, nhà quan sát, nhận định sẽ dẫn đến sự hủy diệt của nguyên tắc Nhà nước pháp quyền tại Pháp.
2/ Vì sao nói việc đưa quy tắc « ưu tiên người Pháp » vào Hiến pháp dẫn đến việc hủy diệt nguyên tắc Nhà nước pháp quyền ?
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài France 2, hôm nay, 14/04, ứng cử viên Le Pen khẳng định tôn trọng Hiến pháp Cộng Hòa Pháp. Ứng viên cực hữu khẳng định : « Chế độ chính trị mà tôi trung thành là nền Đệ ngũ Cộng Hòa, là Hiến pháp. Tôi tuân thủ Hiến pháp. Tôi chỉ đề xuất là cử tri Pháp mang lại một số thay đổi, một vài bổ sung cho Hiến pháp hiện hành, nhưng bất luận thế nào Hiến pháp sẽ không thay đổi, và sự vận hành của các định chế Nhà nước của chúng ta cũng sẽ không thay đổi ». Trước đó, ứng viên Le Pen cũng chỉ ra giới hạn của việc thực thi các quyết định qua trưng cầu dân ý, đó là quyết định của đa số cử tri có thể bị đình chỉ với « quyết định phối hợp giữa tổng thống và Quốc Hội ».
Trên thực tế, động thái trấn an, xoa dịu nói trên của ứng cử viên Le Pen hoàn toàn không qua mắt được giới chuyên gia. Nhật báo Le Monde, trong bài xã luận mang tựa đề « Trưng cầu dân ý theo đề xuất của Marine Le Pen, một sự đoạn tuyệt với các nguyên tắc của nền cộng hòa » (ngày 13/04), nhấn mạnh là : việc đưa nguyên tắc « ưu tiên người Pháp » vào Hiến pháp (thay đổi mà bà Le Pen coi chỉ như « một điều chỉnh ») trên thực tế « làm đảo lộn hoàn toàn nền móng của Nhà nước pháp quyền », « hủy diệt » Hiến pháp của nước Cộng Hòa Pháp. Và đây là điều cần phải được tố cáo.
Le Monde giải thích : việc « ưu tiên người Pháp », phân biệt đối xử giữa người Pháp và người nước ngoài, là hoàn toàn trái ngược với nguyên tắc mọi người bình đẳng trước pháp luật. Nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật là điều phân biệt một chế độ dân chủ với một chế độ độc đoán. Đây chính là « nguyên tắc cho phép bảo vệ nền hòa bình trong xã hội, dựa trên việc giải quyết các bất đồng dựa trên các quy tắc được áp dụng chung cho tất cả ». Và Hiến pháp, bộ luật mẹ của một nền dân chủ, pháp quyền, cho phép tổ chức các định chế trong xã hội theo hướng này.
Việc ứng viên Le Pen muốn áp đặt nguyên tắc « ưu tiên người Pháp » vào trong Hiến pháp mang lại một đảo lộn chưa từng có, chống lại những nguyên tắc nền tảng của Cộng Hòa Pháp, từ Tuyên ngôn Nhân quyền 1789 (nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật), Lời nói đầu của Hiến pháp 1946 (cấm kỳ thị nguồn gốc xuất thân), và Hiến pháp hiện hành có từ năm 1958, nhắc lại các nguyên tắc nền tảng nêu trên. Le Monde nhấn mạnh là, ngay cả chính quyền Vichy (1940 – 1944), vốn được coi là một chế độ chuyên quyền, cũng không dám « ưu tiên người Pháp » đến mức hủy bỏ nguyên tắc quyền có quốc tịch theo nơi sinh (Droit du sol / Jus soli).
Theo nhiều chuyên gia, việc áp dụng quy tắc « ưu tiên người Pháp » có thể khiến cho các quy định pháp lý của Liên Âu, mà nước Pháp đã chấp thuận, không còn trở nên bắt buộc tại Pháp, và từ đó dẫn đến việc chia ly với Liên Âu. Một « Frexit » trên thực tế, cho dù ứng cử viên Le Pen không tuyên bố chủ trương rời khỏi Liên Âu (như trước đây), với mục tiêu không khiến đông đảo cử tri Pháp phản đối.
3/ Việc sửa đổi Hiến pháp mà ứng cử viên Le Pen đề xuất có khả năng thực thi hay không ?
Chủ trương sửa đổi Hiến pháp, để đưa vào quy tắc « Ưu tiên người Pháp », thông qua con đường trưng cầu dân ý nói trên, vấp phải rất nhiều cản trở của hệ thống luật pháp hiện hành tại Pháp, trước hết là về phương diện Hiến pháp. Ứng viên Le Pen đã đề xuất một dự luật mang tên « Công dân, bản sắc (dân tộc) và Nhập cư », nhằm đưa ra trưng cầu dân ý hướng tới sửa đổi Hiến pháp. Cương lĩnh tranh cử của bà Le Pen nói rõ, nếu đắc cử, sẽ sửa Hiến pháp « để đưa các điều khoản liên quan đến người nước ngoài và về quốc tịch vào, để luật quốc gia đứng trên luật quốc tế ».
Đài Pháp France Inter tổ chức cuộc đối thoại ngày 12/04 với ứng cử viên Le Pen về chủ đề này (bài « Có thể sửa đổi Hiến pháp bằng trưng cầu dân ý không? Những gì Marine Le Pen không nói »). Cũng như nhiều luật gia khác, đài France Inter nhấn mạnh là việc sửa đổi Hiến pháp thông qua trưng cầu dân ý phải được thực hiện thông qua điều 89 của Hiến pháp. Điều khoản 89 quy định : nội dung được đưa ra trưng cầu dân ý trước đó phải được Hạ Viện và Thượng Viện phê chuẩn. Đây là thể thức mà bà Marine Le Pen muốn tránh né, bởi cho dù Hạ Viện có được đa số thuộc về cực hữu (trong cuộc bầu cử tháng 6/2022 tới), thì đảng của Le Pen cũng không kiểm soát được Thượng Viện, nơi cánh hữu hiện chiếm đa số, để có thể thực hiện được sự thay đổi nói trên.
Trong trường hợp bà Le Pen sử dụng điều thứ 11 của Hiến pháp, để tổ chức trưng cầu dân ý nhằm đưa quy tắc « ưu tiên người Pháp » vào Hiến pháp, lãnh đạo cực hữu sẽ làm trái với Hiến pháp về mặt thể thức. Chưa kể đến việc Hội đồng Bảo hiến sẽ thổi còi phản đối một nội dung hoàn toàn đi ngược lại với các nguyên tắc nền tảng của Hiến pháp Cộng Hòa Pháp. Kể từ năm 2000, Hội đồng Bảo hiến Pháp có thẩm quyền xem xét tính hợp hiến của các sắc lệnh triệu tập tổ chức trưng cầu dân ý (tức về mặt thể thức), trong đó có tính hợp hiến của nội dung dự luật sẽ được đưa ra trưng cầu dân ý (tức về mặt nội dung) (*).
Trong lúc một số luật gia cho rằng ứng cử viên Marine Le Pen có thể « thiếu hiểu biết » về Hiến pháp (ý kiến của chuyên gia về công pháp Patrick Wachsmann, đại học Strasbourg, trong bài « Marine Le Pen et l’Etat de droit : ce que les juristes disent de son projet de révision des institutions », Le Monde, 13/04/2022), giáo sư Anne Levada, chuyên về luật Hiến pháp (Đại học Paris 1 Panthéon-Sorbonne), nêu khả năng lãnh đạo đảng cực hữu có thể cố tình sử dụng điều 11 Hiến pháp để tổ chức trưng cầu dân ý sửa đổi Hiến pháp nhằm « lách luật », như chính bà Le Pen từng công khai tuyên bố. Trong trường hợp bà Le Pen, với tư cách tổng thống, cố tình chống lại các phán quyết của Hội Đồng Bảo Hiến, một hành động vi hiến như vậy có thể coi như một mưu toan đảo chính (Hiến pháp), dẫn đến việc « phế truất » tổng thống (Bài « Anne Levade : ‘‘Si Marine Le Pen décidait de passer outre les décisions du Conseil constitutionnel, on serait à la limite du coup d'Etat’’ », Les Echos, ngày 13/04/2022).
Điều cần nhấn mạnh là dự kiến đưa quy tắc « ưu tiên người Pháp » vào Hiến pháp có thể hủy hoại nguyên tắc nền tảng của Nhà nước pháp quyền, trong cương lĩnh của lãnh đạo cực hữu Mặt Trận Dân Tộc, dường như ngày càng trở nên khó nhận thấy hơn với đông đảo công chúng. Theo nhiều nhà quan sát, Marine Le Pen đã tìm cách thay đổi rất nhiều nội dung trong cương lĩnh tranh cử, khiến bộ mặt của chính trị gia cực hữu này trở nên « bình thường hóa », dễ dàng được đông đảo cử tri chấp nhận hơn, cho dù điểm cốt lõi của ý thức hệ cực hữu dân tộc chủ nghĩa bài ngoại đã là điều không thay đổi.
Bài xã luận « Trưng cầu dân ý theo đề xuất của Marine Le Pen, một sự đoạn tuyệt với các nguyên tắc của nền cộng hòa » của Le Monde nhận xét: Dự án sửa đổi Hiến pháp để đưa một số điều khoản khẳng định tính dân tộc chủ nghĩa vào Hiến pháp, của ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen, là một dự án kích động tinh thần người Pháp trên hết, kích động hận thù, bạo lực, thúc đẩy người dân – với chiêu bài nhân dân là « chủ thể quyền lực tối cao duy nhất » (« seul souvrain ») - chống lại nguyên tắc Nhà nước pháp quyền, giải thể Nhà nước pháp quyền. Đây là một dự án chính trị nguy hiểm, cần được « đưa ra ánh sáng », lên án triệt để và « làm thất bại ».
Ghi chú
(*) Chính trị gia Marine Le Pen thường nhắc đến kinh nghiệm của tổng thống Charles de Gaulle trước đây (nguyên thủ Pháp từ 1959 đến 1969), người đã từng sử dụng điều 11 Hiến pháp để tiến hành trưng cầu dân ý sửa đổi Hiến pháp, chống lại quan điểm của Hội đồng Bảo hiến. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Hội đồng Bảo hiến chỉ là một cơ quan tư vấn, phán quyết của Hội đồng Bảo hiến về tính hợp hiến hay vi hiến không có tính bắt buộc như hiện nay (bài « Có thể sửa đổi Hiến pháp bằng trưng cầu dân ý không? Những gì Marine Le Pen không nói », France Inter, ngày 12/04/2022).
Nguồn tin RFI Tiếng Việt