Putin sẽ tấn công Ukraina hay thoái lui ? (Đỗ Xuân Cang)
Putin đã “thành công” trong việc lôi kéo NATO và Mỹ vào cơn khủng hoảng giả tạo của mình. Mục đích quan trọng của Putin là điều quân và thiết lập các khu căn cứ quân sự và tăng cường lực lượng trên vùng biên giới phía nam để bảo vệ Belarus. Nga đã mất Ukraina nên không thể để mất thêm Belarus.
Thế giới đang nóng nên trước sự leo thang căng thẳng tại biên giới Nga - Ukraina. Việc leo thang chiến tranh đã khiến NATO, Mỹ và thế giới rơi vào trạng thái căng thẳng với nguy cơ chiến tranh có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Ngoài việc tập trung lực lượng quân sự áp sát biên giới Ukraina với những cuộc tập trận dồn dập kéo thêm cả Belarus vào vòng xoáy thì những tuyên bố hung hãn trên truyền thông, không thông qua con đường ngoại giao từ phía Putin là hết sức ngược ngạo.
Nga yêu cầu NATO cũng như Mỹ trả lời bằng văn bản bảo đảm sẽ không mở rộng về phía Đông và không được tiếp nhận Ukraina làm thành viên, bằng không thì xung đột sẽ xảy ra và lỗi đó sẽ là của NATO và Mỹ. Trước sự ngược ngạo của Putin, NATO và Mỹ đã lập tức đã lên tiếng phản đối sự leo thang quân sự của Nga và bác bỏ những yêu sách vô lý của Nga. Các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc sẽ giáng xuống nước Nga với mức độ từ trước đến nay chưa bao giờ có. Hàng loạt các hoạt động đã diễn ra trước sự căng thẳng này, các đặc phái viên của các bên đi lại như con thoi, Putin và Biden đã có những cuộc họp trực tuyến khẩn cấp. Nhiều nước tuyên bố trợ giúp Ukraina kèm theo những hoạt động cụ thể về mặt ngoại giao, quân sự, tài chính. Bản thân ông Biden cho rằng chiến tranh là khó tránh. Mỹ đã di tản bớt nhân viên ngoại giao tại Ukraina. Tất cả dường như khiến cho mọi người có cảm giác chiến tranh thế giới thứ 3 đang rất gần.
Khủng hoảng Nga-Ukraina đang là vấn đề thời sự lớn nhất của thế giới thời gian qua.
Nhận định của Tập Hợp
Trái với tất cả sự ồn ào xung quanh sự kiện Ukraina và Nga cũng như nỗi lo lắng về khả năng chiến sự có thể xảy ra, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đánh giá ngay từ đầu là không có lý do gì để cuộc chiến xảy ra, trừ khi Putin bị tâm thần.
Thế giới ngày nay đã thay đổi cùng với nhận thức về dân chủ và quyền tự quyết của các dân tộc. Các đế quốc lần lượt sụp đổ và tự triệt thoái. Mở rộng bờ cõi bằng bạo lực là điều không được chấp nhận trong văn hóa chính trị đương đại. Sự việc Crưm, Lugansk hay Donhetsk xảy ra là do sự phân tâm và chia rẽ ngay trong nội bộ của Ukraina. Cái giá phải trả cho sự chia rẽ này quá đắt khiến cho mọi người Ukraina, từ nay trở đi, cho dù đứng ở phía nào thì cũng không thể ủng hộ các xu hướng chính trị thân Nga được nữa. Putin không thể tấn công khi không có một lực lượng chính trị tại Ukraina hậu thuẫn.
Về mặt quân sự, hiển nhiên là Nga mạnh hơn Ukraina nhưng trong cuộc chiến xâm lược bên tấn công phải có sức mạnh gấp năm đến mười lần bên tự vệ. Trong tình huống này chắc chắn thế giới cũng không thể để yên cho Nga muốn làm gì thì làm. Ukraina sẽ nhận được sự hỗ trợ về mặt quân sự mạnh hơn bao giờ hết cho dù Ukraina không là thành viên của NATO. Thực tế đang diễn ra như vậy. Bản thân Ukraina cũng là quốc gia có nền công nghiệp vũ khí và không hề yếu về quân sự.
Quan sát đời sống người dân Ukraina trong những ngày qua thì không hề có sự xao động hay lo lắng khi đứng trước một cuộc chiến mặc dù chính phủ có kêu gọi người dân chuẩn bị đối phó với tình huống Nga tấn công. Những cuộc phỏng vấn trực tiếp với người dân Ukraina cho thấy nếu Nga tấn công thì 56% người dân sẵn sàng cầm súng chiến đấu để bảo vệ đất nước và ngược lại những người dân Nga được phỏng vấn trả lời nếu Nga tiến hành cuộc chiến tranh đối với Ukraina thì đa số người dân Nga phản đối và cho rằng cuộc chiến tranh này là phi nghĩa. Cuộc chiến này không được lòng dân Nga.
Việc chiếm bán đảo Crưm cũng như gây bất ổn cho Ukraina tại vùng Donhesk và Lugansk đem lại cho Putin một số chiến thắng về mặt tinh thần nhưng đồng thời đem đến một gánh nặng về kinh tế. Thực trạng nền kinh tế của nước Nga rất yếu kém lại phải chịu thêm hậu quả nặng nề của các lệnh trừng phạt. Crưm, Lugansk, Donhetsk như miếng xương mắc giữa cổ họng của Putin mà Putin cũng không có cách nào để giải quyết, Putin không cần thêm gánh nặng nữa.
Vậy Putin muốn gì ?
Theo Tập Hợp thì Putin không có ý định đánh Ukraina vì Putin chắc chắn biết những thiệt hại và tổn thất mà nước nước Nga và Putin sẽ phải gánh chịu và Putin hoàn toàn không có cơ may nào để thắng thế trong trận chiến này. Putin đã “thành công” trong việc lôi kéo NATO và Mỹ vào cơn khủng hoảng giả tạo của mình. Mục đích quan trọng của Putin là điều quân và thiết lập các khu căn cứ quân sự và tăng cường lực lượng trên vùng biên giới phía nam để bảo vệ Belarus. Nga đã mất Ukraina nên không thể để mất thêm Belarus.
Nga đã mất Ukraina nên không thể để mất thêm Belarus. (Ảnh: Nga đã điều một lực lượng quân đội khá lớn đến đóng quân tại Belarus)
Việc tăng cường lực lượng quân sự cũng như xây dựng nhiều căn cứ quân sự phía Nam tạo thành vành đai áp sát biên giới Ukraina hiển nhiên sẽ gây sự lo ngại của thế giới và chắc chắn sẽ nhận được phản ứng dữ dội nếu Putin chỉ làm việc đó một cách âm thầm. Tạo ra khủng hoảng về một cuộc chiến và đẩy thế giới vào việc tháo gỡ ngòi nổ chiến tranh bằng cách chấp nhận và để yên cho Nga thiết lập, xây dựng và tăng cường quân lực bảo vệ Belarus đó mới là mục đích chính của Putin. Putin đang tự vệ chứ không tấn công. Nguy cơ đe dọa Putin không phải là NATO, Mỹ hay Ukraina mà là “làn sóng dân chủ thứ tư” đang tiến ngày càng gần đến nước Nga. Các bạn nào muốn quan tâm tìm hiểu về “Làn sóng dân chủ thứ tư” thì có thể đọc trên các trang website hay nghe Youtube của chúng tôi hoặc trong dự án chính trị “Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai”.
Để hiểu rõ thêm vấn đề này trước hết chúng ta phải ý thức được rằng Nga và Ukraina thực chất là hai dân tộc anh em. Đường biên giới giữa Nga và Ukraina rất dài, nó không phải là biên giới tự nhiên như sông sâu, núi cao. Sự chia cắt hai bên thuần túy là chính trị. Người dân hai bên biên giới có quan hệ rất mật thiết thậm chí cả huyết thống. Việc Ukraina chuyển hướng về dân chủ và theo đuổi các giá trị của EU là điều không thể đảo ngược. Quá trình dân chủ của Ukraina sẽ làm thay đổi cuộc sống và nhân phẩm con người Ukraina. Tương lai về một cuộc sống khác biệt giữa hai quốc gia chỉ vì chế độ chính trị và đường biên giới sẽ là thách thức lớn đối với chế độ độc tài của Putin.
Liên bang Nga là một vùng lãnh thổ hết sức rộng lớn gồm nhiều vùng tự trị và nhiều sắc tộc khác nhau. Giữa họ có những mâu thuẫn lớn về quyền lợi, lãnh thổ và cả quá khứ lịch sử đẫm máu. Hiện nay họ tạm thời chấp nhận nhau vì cùng chịu sự áp đặt của đế chế Nga. Mối liên kết theo kiểu bố già, tư bản phe đảng sẽ đến lúc hết tác dụng. Làn sóng phản đối Putin ngày càng tăng. Uy tín của Putin chưa bao giờ xuống thấp như bây giờ đặc biệt là với giới trẻ. Tất cả các nhà độc tài lâu năm đều không muốn hạ cánh nếu không có tay chân thân tín thay mình hoặc có sự đảm bảo của nhóm quyền lực tương lai, bằng không họ sẽ ngồi lỳ cho đến chết bất chấp mọi lý lẽ như Mao Trạch Đông, Brezenhev hay hiện tại như Nguyễn Phú Trọng, Putin, Tập Cận Bình...
Màn kịch gây hấn với Ukraina mà Putin dựng lên là để đối phó với bên trong. Tạo ảo giác về nguy cơ từ bên ngoài, qua đó đem đến sự chính danh việc tiếp tục cầm quyền vì Putin là hiện thân của lãnh đạo mang tinh thần Nga đại đế chống lại tư tưởng dân chủ phương tây. Điều đáng tiếc là đạo diễn Putin đã không nhìn thấy qui luật tất yếu của nhân loại, đó là một cuộc hành trình về dân chủ. Putin chưa chắc đã giữ được những quốc gia đang phụ thuộc vào Nga huống gì đòi bắt Ukraina quay lại quĩ đạo của cũ của mình.
Nga không thể tấn công vũ trang Ukraina dựa trên các thỏa ước quốc tế, trong đó có thỏa ước Budapest ngày 5/12/1994. Nga - Mỹ - Anh - Pháp đã cam kết đảm bảo về sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine để đổi lấy việc Ukraina từ bỏ vũ khí hạt nhân. Bảo vệ Ukraina là trách nhiệm của Anh, Mỹ, Pháp và Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Putin có thể tiến hành các cuộc chiến phá hoại ngầm, hoặc hậu thuẫn cho dân quân ly khai chứ không thể chính thức tấn công vũ trang Ukraina.
Tổng thống Mỹ Biden dường như đang sử dụng chiến thuật “gậy ông đập lưng ông” khi thổi phồng nguy cơ Nga tấn công Ukraina để dụ Putin lao vào một cuộc chiến hủy diệt và Putin dường như cũng đã nhận ra điều đó nên đã lớn tiếng tố cáo Mỹ.
Điều quan trọng mà Ukraina cần có là những lực lượng chính trị yêu nước, hiểu được thực tại của Ukraina, nhận thức được bối cảnh thế giới và có viễn kiến chính trị hơn là một đạo diễn hài như đương kim tổng thống Zelensky. Hy vọng việc theo đuổi những giá trị dân chủ và văn minh từ EU sẽ giúp cho các trí thức chính trị Ukraina đến được với người dân bằng một dự án chính trị thực sự nghiêm túc và khả thi. Phép màu dân chủ sẽ giúp Ukraina có đủ năng lực và sự đoàn kết để đương đầu với sức ép từ Nga và vươn lên đuổi kịp các nước phát triển trong EU.
Đỗ Xuân Cang
(5/2/2022)