Nhớ lại trường xưa, tưởng về bạn cũ (Trần Quốc Việt)
Mấy ngày sau tôi cứ nghĩ về chuyện này và tự hỏi phải chăng xã hội, gia đình, đặc biệt nền giáo dục nhân bản của Việt Nam Cộng Hòa đã thực hiện thành công vai trò dạy dỗ và giáo dục những đứa bé của cách đây hơn năm mươi năm mà hôm nay còn nhớ đến ông cai ở một trường học đã đổi tên.
"Bọn mình chỉ có một ông cai !"
Trần Quốc Việt, 05/02/2022
Những năm tiểu học của tôi diễn ra trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt. Tôi nhìn thấy trên truyền hình hình ảnh ảnh dân chúng Huế chạy giặc năm Mậu Thân rồi chẳng bao lâu sau đấy thấy cảnh khai quật những hố chôn tập thể ở Huế. Tôi từng chạy theo chúng bạn nhặt truyền đơn máy bay quân đội thỉnh thoảng thả trên bầu trời Đà Nẵng.
Tôi nhớ mùa hè năm 1972 người tỵ nạn từ Quảng Trị tạm trú đông nghẹt trong các lớp học trường tiểu học của tôi là trường Hồ Đắc Hanh. Tôi nhớ những ngày đầu mỗi niên học chúng tôi được phân phát bộ sách giáo khoa mới và những dịp được phát bánh mỳ và phần thưởng cuối năm học. Các thầy cô giáo chúng tôi luôn dạy chúng những điều hay lẽ phải. Chiến tranh không bao giờ nghe đến trong lớp học. Cho đến hôm nay sau hơn nửa thế kỷ tôi vẫn còn nhớ bốn câu đầu tiên của một bài học thuộc lòng nào đấy trong lớp học năm nào :
"Tối nào ở cửa nhà tôi
Có hai thằng bé mồ côi ngủ nhờ.
Gối đầu trên chiếc hộp bơ,
Khoác manh áo rách xác xơ tan tành".
Rồi tôi vào lớp sáu trường trung học Phan Châu Trinh. Đến giữa năm đệ lục cuộc chiến kết thúc tàn bạo và bất ngờ.
Dù sao, nhìn lại tôi rất may mắn đã sinh ra, lớn lên và thụ hưởng nền giáo dục, dẫu rằng không trọn vẹn, của Việt Nam Cộng Hòa. Tôi mang di sản nhân bản và văn minh căn bản ấy đi vào tương lai mịt mùng và ram tố đang chờ mình và gia đình sau ngày 30 tháng Tư năm 1975.
Sau cuộc biển dâu bạn bè tiểu học của tôi đa phần phải vào vào đời sớm. Đôi lúc từ phương trời xa, qua một người bạn thời tiểu học, tôi biết tình cảnh kém may mắn của nhiều người trong cảnh hoàng hôn cuộc đời. Thời gian đã khắc những vết già nua và đau khổ trên bao gương mặt những người bạn tiểu học ngày xưa.
Cách đây một tháng, người bạn ấy gọi qua. Câu đầu tiên là "Việt ơi, ông cai chết rồi !".
Tôi bối rối hỏi : "Mi nói ông cai nào ?"
Bạn nói như trách : "Bọn mình chỉ có một ông cai thôi mà mi cũng không nhớ à ?"
Tôi nhớ rồi. Tôi nhớ những giờ ra chơi từ lớp một đến lớp năm chúng tôi thường chơi đùa trong sân rồi chạy đến nhà ông cai ở góc sân trường để mua bánh kẹo hay bút viết. Tôi nhớ hình ảnh ông cai đánh trống trường mỗi ngày. Một người nhỏ thó, hiền lành mà hầu như bọn học trò chúng tôi thời ấy không bao giờ sợ.
Bạn tôi kể tiếp : "Tao tình cờ nghe ông cai chết liền gọi bọn chúng báo. Tao rủ bọn nó đến viếng và phúng điếu. Mỗi thằng hai ram. Thằng nào không có thì miễn. Có mặt là tốt rồi".
"Được bao nhiêu đứa ?"
"Mười hai thằng tất cả".
"Rồi sao ?"
"Bọn tao kéo đến mang theo vòng hoa ghi tên cựu học sinh niên khóa 1969-1973 trường Hồ Đắc Hanh kính viếng. Rồi mỗi thằng thắp hương. Thế thôi".
Tôi im lặng vì xúc động. Tôi mường tượng ra hình ảnh những học trò tiểu học giờ tóc đã bạc nhiều cùng nhau đến viếng ông cai của trường tiểu học họ học ngày xưa.
Bạn tôi nói tiếp : "Mà mi biết tao nói sao mà bọn nó đi hết không ?"
"Mi nói sao ?"
"Tao nói với bọn nó bọn mình có nhiều thầy cô giáo thời đó, nhưng chỉ có một ông cai duy nhất. Nghe vậy thằng nào cũng đi. Bọn mình chỉ có một ông cai thôi, mi thấy đúng không ?"
Tôi xúc động đáp : "Đúng rồi. Chỉ có một ông cai".
Mấy ngày sau tôi cứ nghĩ về chuyện này và tự hỏi phải chăng xã hội, gia đình, đặc biệt nền giáo dục nhân bản của Việt Nam Cộng Hòa đã thực hiện thành công vai trò dạy dỗ và giáo dục những đứa bé của cách đây hơn năm mươi năm mà hôm nay còn nhớ đến ông cai ở một trường học đã đổi tên.
Trần Quốc Việt
*************************
Nhớ bạn
Trần Quốc Việt, 05/02/2022
Hồi học ở Đại học Tổng hợp Huế, tôi có người bạn thân tên Tưởng. Tưởng là người Chàm. Thời ấy trường chỉ có hai sinh viên người Chàm, đó là Tưởng và Thuốc. Cả hai đều từ Ninh Thuận và đều được đặc cách đi học đại học.
Chúng tôi sống trong ký túc xá của trường và hầu như gặp nhau mỗi ngày. Tôi thân với Tưởng. Buổi tối Tưởng thường hay qua chỗ tôi chơi. Và tôi hay hỏi Tưởng về văn hóa và dân tộc Chàm. Tưởng thường nghe tôi khen Viện Bảo tàng Chàm ở Đà Nẵng nên rất thích.
Có lần, tôi nói với Tưởng rằng, nền văn minh Chàm rất độc đáo và tinh tế qua các bức tượng điêu khắc bằng đá mà người Pháp đã thu thập và trưng bày ở viện bảo tàng nằm ở cuối đường Bạch Đằng, và người Việt tuy tồn tại và phát triển nhưng cuối cùng không có những bức tượng đá đặc sắc như thế. Tôi cũng bày tỏ ước mơ sau khi ra trường sẽ đi đến Trà Kiệu, Mỹ Sơn, Tháp Chàm, nơi vẫn còn sót lại bóng dáng tàn phai của một nền văn minh vàng son và yểu mệnh.
Có lần tôi rủ bạn về nhà để đưa đi bảo tàng chơi, nhưng vì lý do nào đấy tôi không đưa bạn đi được. Sau hơn ba mươi năm trôi qua, tôi vẫn còn tiếc và trách mình đã không giữ lời hứa với bạn.
Có một kỷ niệm với Tưởng mà tôi không bao giờ quên. Chiều nọ, cơm chiều xong, Tưởng rủ tôi đi dạo. Chúng tôi đi đến nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, đối diện trường. Chúng tôi ngồi xuống bậc tam cấp khá cao của nhà thờ. Tưởng kể, sáng nay có nhóm sinh viên Mỹ đến ký túc xá và nói chuyện với Tưởng, qua người thông dịch, về người Chàm. Họ hỏi Tưởng rất nhiều.
"Họ cho em cái máy tính nhỏ này, và dặn em giữ dùng". Tưởng lấy từ trong túi áo ra một cái máy tính khá nhỏ và đưa tôi xem. Chúng tôi thấy có một mẩu giấy nhét kín đáo nằm giữa máy và vỏ. Chúng tôi mở ra xem và thấy dòng chữ tiếng Anh. Người viết nói, nếu Tưởng có cần giúp đỡ gì thì liên lạc với họ ở địa chỉ họ đã ghi xuống.
Tôi dịch cho Tưởng nghe, rồi chúng tôi ngồi im lặng một lát. Cuối cùng tôi khuyên Tưởng không nên giữ mẩu giấy này mà hãy hủy nó đi, còn máy tính cũng nên bán. Tưởng nhìn tôi kinh ngạc. Tôi nói bóng gió rằng, có thể công an sẽ kêu Tưởng lên hỏi, cho nên nên cẩn thận. Chúng tôi xé vụn miếng giấy rồi đứng dậy đi về.
Ngay ngày hôm sau công an kêu Tưởng lên hỏi rồi giữ máy tính lại.
Chúng tôi ra trường mỗi người mỗi ngã. Rồi ngày Giáng Sinh hôm qua, qua người bạn thân, tôi bàng hoàng nghe tin Tưởng mất vì đột quỵ vào năm 2019. Sau khi ra trường, Tưởng về quê làm việc và lập gia đình. Khi Tưởng mất "vợ con nó rất khổ, nhà chỉ 16 mét vuông". Nhóm cựu sinh viên trường cũ quyên góp tiền giúp gia đình Tưởng sửa nhà, và các con Tưởng không phải bỏ học.
Hôm nay, nhớ về Tưởng, tôi nhớ ước mơ chưa thực hiện được của mình, nhớ Tưởng hay giúp tôi giặt áo quần ở bể nước đầy rêu của trường, nhớ những ngày mưa, Tưởng hay qua phòng kể cho tôi nghe những chuyện phong tục của người Chàm.
Sau này nếu có dịp tôi sẽ đến những nơi ở Phan Rang, Bình Thuận để chiêm ngưỡng những tháp Chàm và thấy trong tâm tưởng hình ảnh người bạn dân tộc Chàm hiền lành thuở nào.
Trần Quốc Việt