Mặt nạ và lưỡi gỗ (Phần 1) (Thiên Cầm)
Ở Việt Nam, sự bất công là một đặc sản được chế biến trong một thời gian khá dài trong một năm và tất cả người dân Việt chỉ chờ đến 30 tết xem Táo quân để hả cơn uất ức dồn nén trong người suốt một năm qua.
Chúng ta đã qua năm mới 2022 được 1 tháng ngay lúc làn sóng biến chủng Omicron luôn đang càn quét và áp đảo các hệ thống y tế công cộng trên khắp thế giới, thê thảm nhất vẫn là các quốc gia độc tài, điển hình là các quốc gia cộng sản. Những quốc gia này luôn có một tinh thần nội chiến bất kể khi phải xử lý tình huống nào, ưu tư của những nhà cầm quyền các quốc gia đó không phải là chống dịch mà là làm sao răn đe tối đa và tạo cảm giác hoang mang tột độ cho dân chúng nhằm làm tan nát ý chí thay đổi xã hội đang đòi hỏi phải tiến lên đồng thời những nhà cầm quyền đó cố gắng giữ và thu lợi tức của xã hội nhiều nhất bất chấp những cảnh chết chóc tang thương đang diễn ra trong đất nước mà họ đang nắm quyền. Trong bài viết này chúng ta hãy cùng nhìn lại một số sự kiện y tế và chính sách chống dịch nổi bật trong 2 năm 2020 và 2021 của một đảng cầm quyền khét tiếng là bội bạc và giả dối: đảng cộng sản Việt Nam.
1. Tích cực độc hại
Ngay từ khi các đợt dịch đầu bùng phát thì các nhà lãnh đạo Việt Nam đã có những hành động nhanh và mạnh, nếu không muốn nói là thô bạo và chủ quan duy ý chí. Sau những thắng cuộc các "trận đánh" ban đầu, các nhà lãnh đạo Việt Nam có thêm lý do để tự hào với người dân và họ đã nâng nó lên thành một ảo tưởng hết sức lố bịch qua các diễn ngôn chính trị: "Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam" (tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng), "Nếu cột điện ở Mỹ mà biết đi sẽ về Việt Nam" (chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc), "Dù có nhiều ca nhiễm, dù con virus này ở đâu có đáng sợ, nhưng mà với Việt Nam ta, chắc chắn là nó không làm gì được" (phó thủ tướng Vũ Đức Đam). Còn rất nhiều những phát ngôn khôi hài khác nhưng đã bị các báo quốc doanh xoá không còn dấu tích nào, như để "thanh minh" rằng các nhà lãnh đạo của Việt Nam hoàn toàn sáng suốt và đủ bản lĩnh để tiếp tục dẫn dắt dân tộc Việt Nam đến cõi thiên đường xã hội chủ nghĩa.
Vậy hãy xem xét những phát ngôn của các lãnh đạo Việt Nam "tài tình" trong các đợt dịch sau như thế nào, hiện giờ thì Hà Nội đang thất thủ nhưng khá im hơi lặng tiếng, có lẽ bài học cho việc đem quân "giải phóng" Sài Gòn đã quá đủ cho câu dạy của người xưa: "uốn lưỡi bảy lần trước khi nói" hay là "thùng rỗng kêu to". Cùng điểm qua vài diễn ngôn sặc mùi "quân sự" trong "trận chiến Hồ Chí Minh" của những nhà lãnh đạo Việt Nam muốn giải phóng thủ đô của Việt Nam Cộng Hoà lần hai. "Mỗi người dân là một chiến sĩ; mỗi gia đình, tổ dân phố, khu phố là một pháo đài chống dịch” (diễn ngôn chính trị của các lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh), "Đây là trận chiến, không thắng không về" (Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang), "Đổi phương thức chạy theo xét nghiệm sang tấn công, chủ động xét nghiệm!" (Bộ trưởng y tế Nguyễn Thanh Long), "Chuyển từ trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, song phải hài hoà giữa phòng ngự và tấn công!" (thủ tướng Phạm Minh Chính), "Chiến lược và nguyên tắc chống dịch hoàn toàn không có gì thay đổi!" (phó thủ tướng Vũ Đức Đam)...
Các lãnh đạo Đảng cộng sản đã chủ quan và kiêu ngạo trong thời gian đầu diễn ra đại dịch Covid-19.
Vậy kết quả của những diễn ngôn hào nhoáng đậm mùi quân sự đó ra sao? Là 10 triệu người bị nhốt chung một chỗ, lo lắng sợ hãi từng ngày thần chết sẽ viếng thăm mình vì đói hơn là dịch bệnh? Là "cuộc di cư" chạy tán loạn có "qui mô lớn nhất lịch sử" kể từ khi "cuộc di cư đi làm kinh tế mới" kết thúc ngay trên đất mẹ Việt Nam đến mức thủ tướng Phạm Minh Chính vừa tuyên bố trong ngày 30/9/2021 là: "Chịu trách nhiệm trước thủ tướng nếu để người dân tự phát ra khỏi địa phương mình về các tỉnh, thành phố khác" sang một diễn ngôn tự vả trong ngày 7/10/2021: "Việc người dân di chuyển về quê là nhu cầu chính đáng, tổ chức đưa, đón đến tận nơi đến!". Là những vụ án thương tâm trong mùa dịch vì tâm lý bức bí, bệnh tâm thần lây lan không những trong giới quan chức mà còn trong những kẻ hung bạo trong xã hội mạnh hơn sự lây lan của Virus Vũ Hán. Là vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, thất hứa ngay sau khi vừa "xin xỏ" vốn của Nhật? Là "ăn xin" vaccine công khai và "chai mặt" rêu rao Việt Nam là một nước dân chủ... Nhưng nóng hổi nhất là cái tát vào huân chương hạng 3 vừa trao cho Việt Á. Thật tự hào quá Việt Nam ơi, hết đội banh được hun đúc qua ngàn năm văn hiến rồi giờ đến lượt kít test Việt Á là "đỉnh cao trí tuệ" dân tộc. Sự ngu dốt đã đạt quá điểm tới hạn đáng lẽ không nên có trong một tổ chức chính trị đang lãnh đạo đất nước, tiếc thay, dân tộc này đã chọn số phận như vậy.
Có một điểm mà tất cả các nhà quan sát đều đồng ý khi nhìn vào một chế độ độc tài ngoài mị dân còn có "tích cực độc hại" (Toxic positivity) hay còn gọi là "tích cực cưỡng bức". Tư duy này rất dễ thấy qua cơ quan truyền thông của các chính quyền này, thường nó sẽ ra sức tuyên truyền các "lời hứa gió bay" của nhà cầm quyền và trấn an nhân dân bằng những lời sáo rỗng, chỉ là một công cụ xả áp lực không hơn không kém. Mấy câu mà công cụ này dùng đều mang màu sắc của "tích cực độc hại", ví dụ "Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cả một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn" (tạp chí cộng sản). Trước kia tạp chí này dùng từ "một bộ phận" nhưng ngày nay vì có quá nhiều "đảng viên suy thoái đạo đức, tư tưởng chính trị" cộng thêm nhiều vụ bê bối tham nhũng nên phải "giảm nhẹ" bằng từ "không nhỏ" chứ không dám nói là "tất cả". Đó là một dạng của "tích cực độc hại": coi những điều xấu xa là "thiểu số, tầm trung" với lập luận "hầu như ai cũng tốt cả, chẳng qua chỗ nào cũng có người tốt và người xấu". Tại sao nhiều người tốt và ít người xấu nhưng hiện trạng xã hội vẫn cứ nhức nhối, chối bỏ nhìn thẳng vào vấn đề chỉ khiến cho cái xấu được dung dưỡng. Đảng cộng sản đã triệt để sử dụng dạng tích cực bệnh hoạn này để lừa người dân rằng đảng vẫn ổn, vẫn đang cố gắng tiêu diệt tiêu cực trong nội bộ đảng, dân yên tâm, đảng sẽ lo liệu được tất cả. Cái mà đảng cộng sản vẫn không chịu nhận ra là nhiều cái xấu sẽ làm băng hoại đạo đức cả một xã hội tốt, chứ đừng nói đến đảng hay tổ chức nào cả.
Một dạng khác của "tích cực cưỡng bách" là so sánh nỗi đau. Dạng này cực kì phổ biến trong một xã hội đầy bất ổn nội chiến như Việt Nam, nó thể hiện qua việc đề cao một nỗi đau của bản thân và ra sức trấn áp nhằm triệt tiêu một nỗi đau của người khác. Nếu để ý thì dạng này được thể hiện qua các bài hát. Gần đây nhất là các bài động viên đi chống dịch, đơn cử ví dụ là bài "Gieo quẻ" do Hoàng Thuỳ Linh và Đen Vâu trình bày có một đoạn rap mà Đen Vâu thể hiện: "Còn sức còn khoẻ là còn mừng còn phải cười. Nhìn các cô chú đang chống dịch mòn cả người. Bớt than bớt thở, mình khổ một họ khổ mười".
Mỗi người có khó khăn riêng, mỗi nhà mỗi cảnh, sự khổ sở không phải nhất thiết là lâu ngày không được gặp người thân vì lo chống dịch, không nhất thiết là những giấc ngủ vội vì mệt trong quá trình chăm sóc bệnh nhân, cũng không nhất thiết là mua đồ theo combo... mà là có thể là nỗi đau mất đi người thân trong thời gian dịch bệnh, nỗi đau bị bế đi cách ly mà nguyên nhân do kit test dỏm của Việt Á, nỗi đau khổ sở vì đói meo dù cho tại ngoại thành thì thực phẩm dư thừa đến mức phải vứt bỏ... Không thể lấy một nỗi đau của một người để làm quy chiếu cho nỗi đau của khác rồi bác bỏ nỗi đau của họ, điều đó thể hiện tính độc tài và vô trách nhiệm. Đảng cộng sản đã rất thành công trong việc lợi dụng tâm lý ích kỉ của người Việt nhằm chỉa mũi dù dư luận quay về người dân (những người không tham gia chống dịch), nếu quá toang hoang thì mũi dù sẽ quay về chính quyền địa phương, tuyệt nhiên chính quyền trung ương không hề bị báo giới so sánh nỗi đau như những thành phần xã hội nằm dưới sự lãnh đạo của đảng.
Người dân Việt Nam, đặc biệt là tại các vùng có dịch phải chịu nhiều khốn khổ vì cách chống dịch cực đoan của chính quyền.
Tích cực độc hại còn thể hiện qua nhiều dạng nữa nhưng đều có đặc điểm chung là sự cố gắng tìm kiếm một hạnh phúc giả tạo ngay trong hiện tại. Điều này khuyến khích lối sống nhanh, hình thức tại Việt Nam, con người không còn quan tâm các mối quan hệ xã hội nữa, họ tìm cách tiêu thụ tối đa những sản phẩm mà xã hội sản xuất (sản phẩm xã hội không nhất thiết là sản phẩm thương mại, ví dụ: tham vọng chính trị, tham gia các tổ chức xã hội, nhu cầu tình cảm trong các mối quan hệ xã hội, nhu cầu làm việc đúng năng lực, được học đúng chuyên ngành học thuật... ).
Điều này không phải ngẫu nhiên xảy ra, theo thuyết xã hội kiến tạo/nhân lập (social-construct/man-made) thì hạnh phúc trong xã hội hiện đại sản sinh từ quá trình tiêu thụ các "sản phẩm" do cấu trúc xã hội tạo ra. Cũng theo các nhà triết học đề ra thuyết này thì khái niệm "hiện đại lỏng" (liquid modernity) được họ đưa ra nhằm phản biện lại cách ép buộc tinh thần tích cực mà các nhà độc tài hay sử dụng để trấn áp người dân. Theo những nhà triết học này thì trong một xã hội hiện đại lỏng thì việc con người cảm thấy hạnh phúc là một cảm giác trừu tượng do các mối quan hệ và cấu trúc của xã hội tác động vào, một người bị ảnh hưởng của "tích cực cưỡng bách" sẽ không có những cảm giác tích cực đúng nghĩa được biểu hiện qua lòng biết ơn, tự nguyện và thấu hiểu, bởi vì họ được "khuyến khích" và nhiều khi là "cưỡng bức" phải tích cực (hạnh phúc) trong mọi hoàn cảnh.
Trong một xã hội mà các mối quan hệ thay đổi nhanh chóng như dạng lỏng thì việc liên tục theo đuổi hạnh phúc trong hiện tại không khiến người đó hạnh phúc, mà khiến họ chối bỏ cảm xúc thực của bản thân và nhiều khi biến họ thành những kẻ vô cảm chỉ biết đến hạnh phúc của bản thân. Ở đây cần lưu ý thêm là tai hoạ dịch bệnh vừa qua đã xảy ra đối với Việt Nam không phải từ trên trời rơi xuống mà do tâm lý "tích cực độc hại" đã được phóng tác lên đến mức trở thành một căn bệnh vô cảm trong các đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Những diễn ngôn chính trị mang đầy màu sắc lạc quan, nhiều khi thể hiện như lời động viên chính trị không khiến cho sự yếu kém trong việc chống dịch đỡ nghiêm trọng mà ngược lại từ "quyết thắng" sang "sống chung với giặc".
2. Những thiên thần "gãy cánh"
Trong thời kì cao điểm dịch bệnh tại thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ nhân viên y tế/10.000 dân chỉ đạt 2,31 và trong đó chỉ có 20 bác sĩ /10.000 dân (báo Lao Động) cũng theo báo Lao Động thì tỷ lệ nhân viên y tế tại thành phố Hồ Chí Minh thấp hơn nhiều so với cả nước (7,42) và Hà Nội (6,06). Với số lượng nhân viên y tế ít ỏi tại các "điểm chốt chặn đầu tiên" là các cấp phường, xã, thị trấn... đã khiến dịch bệnh bung toang, giết chết hàng ngàn sinh mạng và theo nhiều tờ báo quốc doanh là một bác sĩ trong một ngày phải chữa trị hàng trăm bệnh nhân. Như vậy, không khó hiểu tại sao thành phố Hồ Chí Minh lâm vào tình trạng te tua thoi thóp như vậy, đương nhiên không thể không nói đến trách nhiệm tiếp tay lấy đi sinh mạng người dân của Việt Á cũng như là trách nhiệm của ngành dọc của hệ thống lãnh đạo ngành y tế.
Cũng trong thời gian này đã chứng kiến hàng loạt những đơn nộp xin từ bỏ ngành y, nhiều người chỉ trích các nhân viên y tế đã không thực hiện lời thề Hippocrates, họ vẫn mang trong mình định kiến về ngành y tại Việt Nam là một trong những ngành có thu nhập cao nhất cũng như là ngành được hưởng nhiều chế độ ưu đãi, nhưng sự thật thì không màu hồng như nhiều người Việt nghĩ. Không nên lấy lời thề Hippocrates làm cái còng số 8 đeo vào các nhân viên y tế bởi lẽ lời thề không đề cập đến việc buộc người hành nghề y không được thôi nghề nghiệp nếu gặp phải bất công.
Ở Việt Nam, sự bất công là một đặc sản được chế biến trong một thời gian khá dài trong một năm và tất cả người dân Việt chỉ chờ đến 30 tết xem Táo quân để hả cơn uất ức dồn nén trong người suốt một năm qua. Nhưng đó là vấn đề tệ hại của truyền thông Việt Nam khi không có tính độc lập, yếu kém về sự hiểu biết tối thiểu trong các lĩnh vực chuyên môn, không có khả năng phỏng vấn phân tích thống kê các thực trạng của xã hội và cuối cùng là không có tinh thần tranh đấu cho điều đúng đắn; tóm lại báo chí tại Việt Nam chỉ là công cụ tuyên truyền hơn là nơi cung cấp kiến thức, góc nhìn đa chiều.
Quay lại ngành y thì tỷ trọng nhân viên y tế (Health Professionals Density) thường là tính trên 10.000 dân có tỷ lệ cao nhất ở các quốc gia Bắc Mỹ (trung bình là 30 bác sĩ, 90 y tá/10.000 dân), và các quốc gia Châu Âu (trung bình là 42 bác sĩ, 78 y tá/10.000 dân) và những nhân viên y tế tại đây được hưởng mức lương thuộc một trong những ngành có mức thu nhập cao nhất trong quốc gia đó. Nhiều người sẽ phản biện lại là tại các quốc gia này giàu có nên họ có thể đầu tư cho y tế cao hơn so với Việt Nam và Việt Nam đang cần nguồn lực phát triển nên phải giảm thiểu đôi chút việc đầu tư y tế công cộng. Vậy chúng ta hãy lướt qua tỷ trọng GDP được dùng để đầu tư cho ngành y tế tại 2 quốc gia điển hình là Canada và Việt Nam.
Canada có một hệ thống y tế quốc gia (Universal Health Care/National Health Service) phát triển, có khả năng cung cấp các dịch vụ y tế công cho toàn bộ dân chúng trên lãnh thổ quốc gia. Điều này cũng nhờ chính sách lương bổng, phụ cấp đã khuyến khích các nhân viên y tế tiếp tục ở lại ngành và phục vụ sứ mệnh cứu người. Tiền lương của các nhân viên y tế tại đây không bị qui định bởi các giá trị thị trường cũng như không bị qui định bởi hệ thống cấp bảo hiểm tư nhân. Chỉ riêng lương y tá Canada trung bình tối thiểu 70.000 dolar trên một năm (35 dolar cho một giờ làm việc), qui ra giá trị tiền tệ Việt Nam là 1,5 tỷ trên một năm (700.000 VND trên một giờ làm việc). Lương y tá Canada đã cao như vậy thì lương của bác sĩ của Canada cũng thuộc loại cao nhất thế giới (trung bình là 141.307 dolar một năm và có thể lên đến 305,357 dolar một năm khi đã có kinh nghiệm), mức lương này vượt trên thu nhập trung bình cả nước cũng như hơn cả thu nhập trung bình vùng. Điều này chứng tỏ chính phủ Canada rất quan tâm sức khoẻ cộng đồng và luôn có những khoản chi ngân sách rất hào phóng cho 2 ngành trụ cột là giáo dục và y tế. Theo báo cáo tài chính tại nước này thì chi cho y tế là 300 tỷ USD, chiếm 10% so với GDP, đủ để thấy lý do tại sao Canada đã trở thành một trong những nước có nền y tế công cộng phát triển nhất thế giới cũng như là một trong những nước có tỷ lệ người cao tuổi sống thọ nhất thế giới.
Nhưng tại một quốc gia nào đó phía đông nước Lào hay hô hào xã hội chủ nghĩa thì lại tỏ ra bủn xỉn trong việc đầu tư y tế công cộng. Trong khi các chính phủ Châu Âu, điển hình là Đức và Anh cam kết đầu tư thêm, cải thiện điều kiện việc làm cũng như tăng lương theo năm cho các nhân viên y tế (Đức cam kết tăng lương từ 1,4% đến 1,8% một năm thay vì 1% như những năm trước 2021, Anh cam kết tăng lương đến 3% một năm cho các nhân viên y tế). Quốc hội Việt Nam trong năm 2021 thông qua nghị quyết 40 - nghị quyết phân bổ ngân sách chi tiêu chính phủ cho thấy rằng chi ngân sách cho ngành y tế chỉ được 28.560 tỷ VND (khoảng 1,5 tỷ USD), chỉ bằng khoảng 0,5% GDP (GDP của Việt Nam năm 2021 khoảng 270 tỷ USD) tức là chi cho ngành y tế quá ít so với 2 ngành đang là thanh bảo kiếm và lá chắn thép của chế độ là công an và quân đội. Chi cho y tế thậm chí còn bèo bọt hơn chi cho đại hội đảng các cấp năm 2020, mà theo đài BBC thì số tiền chi không được công bố, chỉ được ước chừng qua nhiều khoản chi "hoa hoè và hình thức" trong kì đại hội cũng như qua các văn bản hướng dẫn chi từ trung ương gửi xuống địa phương.
Y tế và Giáo dục là hai trụ cột của bất cứ quốc gia nào nhưng tại Việt Nam chúng không thể nào bằng quân đội và công an. Giới y tế tuyến đầu đã không được quan tâm đúng mức khiến nhiều người phải bỏ việc.
Vấn đề chi cho đại hội đảng sẽ được bàn sau, ở đây, cần nhấn mạnh là đầu tư cho y tế công tại Việt Nam quá thấp, thể hiện sự khinh thường quyền được sống của con người mà đảng cộng sản Việt Nam đang chà đạp, vấn đề không chỉ dừng lại ở việc ngày càng nhiều người phải từ bỏ ngành y vì kiệt sức và căng thẳng mà còn ảnh hưởng lên hệ thống y tế xã hội vốn đã rất yếu kém tại Việt Nam. Thậm chí số lượng nhân viên y tế quá thấp đến nỗi chính quyền thành phố Hồ Chí Minh huy động "bệnh nhân covid lành bệnh" tham gia chống dịch. Trong khoản thời gian cao điểm dịch bệnh tại thành phố Hồ Chí Minh, đài RFI có thông tin: "Tổ điều phối nguồn nhân lực tham gia phòng, chống dịch Covid-19, của chính quyền TP HCM, cho biết hiện còn thiếu đến ít nhất là hơn 12.000 người cho các hoạt động phòng chống dịch tại các quận huyện, cũng như tại các bệnh viện, cơ sở cấp cứu".
Đã nói về thành phố Hồ Chí Minh cũng cần phải ngó qua một chút về Hà Nội, những ngày qua thủ đô Việt Nam khá im ắng sau một chuỗi ngày ồn ào do phát ngôn của chủ tịch uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh tại cuộc họp ban chỉ đạo phòng dịch COVID-19 chiều 2-12-2020: "Nếu Hà Nội mà bung, mà toang, hứa các đồng chí tôi chịu trách nhiệm!". Và Hà Nội "thất thủ" thê thảm sau khi cười nhạo người dân thành phố Hồ Chí Minh nhưng không thấy đồng chí Chu Ngọc Anh từ chức, chịu trách nhiệm hay có thêm bình luận gì về sự việc này, cũng như không còn thấy những khẩu hiệu thời chiến được áp dụng cho Hà Nội...
Cũng phải vì nếu áp dụng diễn ngôn chính trị mang nặng tính quân sự vào nơi đóng quân của cơ quan đầu não của đảng cộng sản thì không khéo kích cho con virus đánh sập luôn cơ quan này cũng nên. Theo đài BBC thì tình hình dịch bệnh tại Hà Nội trong những ngày cuối năm 2021 rất căng thẳng, Hà Nội tiếp tục đứng đầu cả nước số F0 mới trong ngày 26/12/2021 với 1.910 ca. Từ khi định đô cho tới nay, Hà Nội luôn có những màn cung đấu đẫm máu giữa các phe phái chính trị, và giờ thì chính quyền lôi luôn cả người dân vào cuộc vui màu đỏ máu me. Hà Nội những ngày qua im ắng không phải vì COVID mà vì năm loại giấy thông hành được dựng lên từ những kẻ không còn nghĩa đồng bào.
3. Những thiên thần "sa ngã"
Trong kinh thánh cựu ước của Do Thái giáo thì Lucifer đã chống lại chúa trời với sự kiêu ngạo cho rằng bản thân vốn sinh ra từ lửa trong khi loài người sinh ra từ đất nên con người không đáng để hắn phục vụ và hắn phát động chiến tranh với thiên đình hòng giành quyền thống lĩnh. Hắn đã bị đội quân thiên thần do ba tổng lãnh thiên thần tối cao là Michael, Raphael và Gabriel dẫn dắt đánh bại. Lucifer sau đó cùng với những thiên thần sa ngã khác bị đày xuống địa ngục mà trở thành các loài quỷ, chuyên cám dỗ những thú dục của con người nổi lên, sai khiến họ làm những chuyện xấu xa, đồi bại. Có lẽ nguyên bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và thứ trưởng bộ y tế Trương Quốc Cường, cũng đã vì không cưỡng lại cám dỗ đồng tiền mà đã kiếm tiền trên xương máu của nhân dân.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên bộ trưởng y tế, trưởng ban bảo vệ chăm sóc sức khoẻ cán bộ trung ương, đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XII tỉnh Hà Tĩnh (2007-2011), khóa XIII thành phố Hồ Chí Minh (2011-2016) bị cáo buộc gian lận và phải chịu trách nhiệm liên đới với ông Trương Quốc Cường vì vụ bê bối công ty VN Pharma. Cụ thể theo tờ Người Lao Động đưa tin: "Trong quá trình làm việc, với chức trách là Cục trưởng Cục Quản lý dược, bị can Trương Quốc Cường đã thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định, xét duyệt, cấp số đăng ký đối với bảy loại thuốc; thiếu giám sát, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của nhóm chuyên gia thẩm định và bộ phận thường trực đăng ký thuốc dẫn đến hồ sơ đăng ký bảy loại thuốc giả nhãn mác Công ty Health 2000 được đăng ký nhập khẩu và đã tiêu thụ tại Việt Nam với trị giá trên 151 tỉ đồng."
Có lẽ bà Tiến đã quên lời thề Hippocrates khi đã hỗ trợ bán hàng triệu viên thuốc giả không có tác dụng chữa trị ung thư và thu lời từ những đồng tiền có chứa máu và nước mắt của nhân dân. Chưa dừng lại ở đó, bà cũng cất nhắc em chồng là Hoàng Quốc Dũng lên làm phó giám đốc công ty VN pharma, phụ trách đầu tư. Dù trước đó bà Kim Tiến chối không ngượng miệng nhưng vẫn bị các đồng chí của mình đem lên đàn tế. Chính tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng phải đem bà đi vặt lông khi biết bà không còn đủ uy tín trước dân chúng dù trước đó làm ngơ với các "tiền án, tiền sự" về dịch sởi không kém phần nóng hổi của bà.
(Hết phần 1)
Thiên Cầm
(3/2/2022)