Lựa chọn của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu mới (Nguyễn Đức Thành)

Trong thập kỷ này và xa hơn, phát triển kinh tế vẫn giữ vai trò quan trọng nhất trong tiến trình phát triển chung của Việt Nam. Chiến lược phát triển kinh tế cần diễn ra song hành cả trong lĩnh vực hơp tác quốc tế và cải cách trong nước như đã được thực hiện trong quá khứ. 


Việt Nam tiến dần vào thập niên mới

Hai năm đầu tiên của thập niên 2020 đã trôi qua. Việt Nam bước vào năm 2022 trong bối cảnh thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều chuyển biến phức tạp, bất ngờ. Một điều không thể phủ nhận là trong những thập kỷ qua, Việt Nam đã thành công trong việc tạo và duy trì được đà phát triển tương đối nhanh trong khu vực và trên thế giới, dần tự hình thành cho mình một vị thế địa-chính trị-kinh tế trong khu vực.

Việt Nam có lợi thế về quy mô dân số tương đối lớn, với cơ cấu dân số còn khá trẻ và độ dung hợp xã hội cao, tầng lớp trung lưu đang phát triển và từng bước định hình lý tính về một xã hội hiện đại. Quy mô sản xuất của nền kinh tế tiếp tục được mở rộng, nguồn lực xã hội được tích lũy, và hợp tác quốc tế ngày càng tự tin hơn. Nhưng bên cạnh đó, Việt Nam còn khá nhiều hạn chế như trình độ kỹ năng của lao động còn thấp, năng lực sản xuất phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, chưa tự chủ công nghệ dù ở mức cơ bản. Thiết chế xã hội và hệ thống luật pháp còn chưa theo kịp sự phát triển kinh tế. Kết quả là cấu trúc nền kinh tế chưa vững chắc vì khu vực tư nhân còn yếu và dàn trải, mô hình tăng trưởng chất lượng thấp, nền kinh tế thị trường chưa đầy đủ, dễ tổn thương trong môi trường thể chế và kinh tế vĩ mô bất trắc.

Còn quá sớm để có thế đánh giá xem trong thập niên trước, Việt Nam đã tận dụng được hết cơ hội và tiềm năng của mình hay chưa. Tuy nhiên, nhìn vào thập niên trước mắt, có thể thấy Việt Nam chắc chắn phải đối mặt với những lựa chọn to lớn có vai trò quyết định con đường phát triển và ổn định của đất nước trong dài hạn. Vì vậy, tư duy về một tầm nhìn chiến lược cho Việt Nam trong thập kỷ này là việc làm cần thiết. Trong bài viết này, tác giả mong muốn tham gia vào cuộc thảo luận về những lựa chọn chiến lược cho Việt Nam. Sự thảo luận này, trước hết, phải gắn liền với nhận định chiến lược về bối cảnh thế giới và khu vực trong thời gian tới.

 Đánh giá sự thay đổi bối cảnh khu vực và thế giới

Nhân tố quyết định bức tranh thế giới và khu vực trong thập niên tới và xa hơn, rõ ràng là mối quan hệ giữa hai siêu cường Hoa Kỳ và Trung Quốc. Mối quan hệ này sau bốn thập kỷ mang tính hỗ trợ (giai đoạn đầu từ 1972) và hợp tác (cho tới khoảng 2014) có tính chủ động từ phía Mỹ, đã đổ vỡ trong cuộc va chạm gay gắt vào nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump. Khi Mỹ đã nhận ra ở Trung Quốc thái độ xét lại trật tự thế giới Hậu Chiến Tranh Lạnh do Mỹ làm bá chủ, và Trung Quốc không hề có ý định xuống thang từ chối nhận định này, cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung đã trở nên quyết liệt. Chúng ta sẽ không mong đợi sự trở lại những ngày rộn ràng của chủ nghĩa Tân-Tự do khi Mỹ và đồng minh mở cửa đón Trung Quốc gia nhập WTO với niềm hy vọng về một trật tự thế giới nguyên trạng về chính trị và phát đạt về kinh tế. Giờ đây, từ sự trưởng thành nội tại, vì lợi ích và an ninh của chính mình, Trung Quốc phải củng cố một vùng ảnh hưởng trước hết là xung quanh lãnh thổ của họ càng rộng, càng vững chắc, càng tốt. Tất cả những nỗ lực như hiện đại hóa quân đội, đặc biệt là hải quân ; thúc đẩy chiến lược Vành đai-Con đường ; quyết tâm thay đổi thực trạng trên Biển Đông và tăng cường đe dọa Đài Loan, v.v… đều được coi là nhằm đạt tới vị thế thống trị khu vực. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, một cường quốc nếu không thể thống trị khu vực địa lý của mình, thì chẳng những không thể mở rộng sức mạnh ra toàn cầu, mà còn không có khả năng bảo đảm cho chính số phận của mình. Ngược lại, nếu một cường quốc đã bảo đảm được an ninh cho chính mình nhờ đạt tới quyền bá chủ khu vực, thì lại lập tức trở thành mối đe dọa ở cấp độ toàn cầu cho bất cứ một cường quốc hay thậm chí là siêu cường nào đang tồn tại. Đây là thế "lưỡng nan an ninh" nổi tiếng trong chính trị thế giới.

Vì lẽ trớ trêu đó, Mỹ sẽ bằng mọi giá ngăn cản Trung Quốc trở thành bá chủ khu vực – hay một triển vọng hãi hùng hơn là bá chủ toàn bộ lục địa Á-Âu – vì mục đích an ninh và quyền lợi của chính nước Mỹ. Còn Trung Quốc sẽ không từ bỏ cơ hội cũng như niềm kiêu hãnh của mình để chống lại ý đồ đó của Mỹ. Việc ngửa bài cạnh tranh không che đậy từ nay trở đi, còn giúp lãnh đạo hai siêu cường củng cố tính chính danh của mình trong chính trị đối nội. Do đó, từ vị thế của mình, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc Chiến tranh Lạnh mới tất yếu leo thang giữa hai siêu cường đối đầu nhau không chỉ vì quyền thống trị thế giới, mà vì sự tồn vong của chính họ.

Cần phải thừa nhận rằng, cho tới nay, thế trận của Mỹ vẫn mang tính áp đảo nhờ nắm giữ nhiều điểm chặn chiến lược. Mỹ đang và sẽ tiếp tục chia thế giới thành ba vùng địa chiến lược : Vùng Một ở vòng ngoài, xa Trung Quốc, gồm những đồng minh truyền thống và lôi kéo những nước kém thân thiện với Trung Quốc. Vùng Hai gồm khu vực địa lý tiếp giáp Trung Quốc, bao gồm những nước đã có sẵn mâu thuẫn với Trung Quốc và có thể làm đồng minh với Mỹ. Vùng Ba cũng là khu vực sát với Trung Quốc, nhưng gồm những nước là đồng minh của Trung Quốc, thù địch hoặc kém thân thiện với Mỹ.

Với hai Vùng đầu tiên, Mỹ sẽ mở rộng hợp tác kinh tế thương mại, và nếu cần thì liên minh quân sự. Điển hình ở Vùng Một là Mỹ mới thành lập Liên minh quân sự Úc-Mỹ-Anh (AUKUS). Trục xương sống cho Vùng Hai hiện nay, ngoài hệ thống chuỗi đảo trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vẫn ổn định từ sau Thế chiến II, đang hình thành nhóm Bộ tứ Mỹ-Nhật-Ấn Độ-Úc (QUAD) và Bộ tứ mở rộng (QUAD ++) hy vọng bổ sung một số trung cường trong khu vực như Indonesia và Hàn Quốc. Có thể nói QUAD++ sẽ đóng vai trò trục chính cho chiến lược Indo-Pacific mà Mỹ sẽ theo đuổi trong dài hạn nhằm ngăn chặn vị thế bá quyền của Trung Quốc trên lục địa Á-Âu.

Với Vùng Ba, Mỹ sẽ thực hiện thu hẹp hợp tác kinh tế thương mại, và nếu có lý do sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt hoặc bao vây kinh tế, nhằm làm suy yếu các nước này. Điển hình các nước trong khu vực này là Nga, Bắc Hàn và gần đây là Campuchia. Các nước tiềm năng khác là Myanmar và Pakistan.

Ngược lại, từ phía Trung Quốc, nước này cũng sẽ mở rộng vùng ảnh hưởng của mình thông qua hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư qua nền tảng Vành đai-Con đường đã được thiết lập. Mục tiêu của Trung Quốc là kết nối ổn định với các vùng nguyên liệu và năng lượng lớn, bảo đảm thông thương và mở rộng thị trường.

Khi cuộc xung đột tiến dần lên những nấc thang mới, Mỹ và đồng minh sẽ sẵn sàng loại bỏ Trung Quốc khỏi các thị trường quan trọng của họ, và điều này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến nguồn gốc sức mạnh kinh tế của Trung Quốc trong dài hạn.

Lịch sử cho thấy, như mới đây nhất qua gần nửa thế kỷ Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô, cục diện và trật tự thế giới được định hình bởi các siêu cường đã chi phối đáng kể số phận các nước nhỏ. Nhiều nền kinh tế trong khu vực Đông Á đã trỗi dậy mãnh liệt nhờ tham gia vào chuỗi cung ứng hậu cần cho bộ máy chiến tranh khổng lồ của Mỹ ở Đông Dương, hoặc sự phục hồi thần kỳ của kinh tế Tây Âu dưới sự viện trợ của Mỹ nhằm cân bằng sức mạnh với Liên Xô và Đông Âu. Trong khi đó, nhiều quốc gia đã đánh mất cơ hội phát triển hoặc mang những vết thương lớn vì trở thành nạn nhân trong thế trận Chiến tranh Lạnh.

Nhận thức được tầm quan trọng chiến lược trong bối cảnh thế giới ngày nay, Việt Nam cần làm gì để tìm kiếm và phát huy những cơ hội giúp đất nước tiếp tục phát triển, thậm chí phát triển nhảy vọt, trong thập niên này và xa hơn ?

Định vị chiến lược của Việt Nam

Có thể nói, trong những thập niên qua, Việt Nam đã thực hiện sự lựa chọn phù hợp với bối cảnh chung, là mở cửa và hội nhập quốc tế, tập trung phát triển kinh tế. Việt Nam về cơ bản đã tận dụng được cơ hội của giai đoạn cơm ngon canh ngọt giữa Mỹ và Trung Quốc, cùng đồng hành với sự cải thiện kinh tế chung của khu vực. Đến bây giờ, khi cái bóng của cuộc xung đột dài hạn Mỹ-Trung đang đổ trùm lên khu vực, Việt Nam đứng trước một số thách thức quan trọng, nhưng nhìn chung, có thể đánh giá thời cuộc đang mang lại cho Việt Nam cơ hội nhiều hơn thách thức, nếu Hà Nội không bị lôi kéo vào những tính toán địa chính trị sai lầm.

Như phân tích ở phần trước, Việt Nam có vị trí địa chính trị thuộc cả Vùng Hai và Vùng Ba trong quan điểm của Mỹ, và tọa lạc ngay sát cửa ngõ đi xuống phía Nam trong mắt Trung Quốc. Cho đến nay, Hà Nội đang chọn giải pháp trung dung như một vùng xám giữa hai vùng nêu trên, nhằm tránh bị lôi kéo về một vùng cụ thể, đồng thời khai thác lợi thế hợp tác với cả hai siêu cường.

Nhìn vào mục tiêu phát triển dài hạn, điều kiện tiên quyết đối với Việt Nam là phải đảm bảo an ninh cả đối nội và đối ngoại. Vì lý do đó, chắc chắn Việt Nam sẽ không muốn chủ động chọn trở thành một nước thuộc Vùng Ba. Khác với Campuchia hoặc Triều Tiên, thậm chí Pakistan, Việt Nam hiểu rằng thị trường Trung Quốc là không đủ và chỉ có toàn bộ thị trường thế giới mới tương xứng với tiềm năng phát triển của đất nước. Việt Nam đã theo đuổi chiến lược này trong suốt 30 năm cải cách mở cửa và chắc chắn sẽ không từ bỏ điều đó.

Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là Việt Nam sẽ gia nhập Vùng Hai. Nhiều người cho rằng hiển nhiên Mỹ muốn Việt Nam thuộc về Vùng Hai. Nhưng xét về tính toán chiến lược, Mỹ thực chất sẽ giữ một thái độ trung dung thận trọng, không vồn vã lôi kéo cũng không nài nỉ ép buộc Việt Nam. Lý do đơn giản là bản thân Mỹ sẽ không muốn cam kết là đồng minh với Việt Nam – ngay cả khi khả năng đó tồn tại. Như một số tướng lĩnh cao cấp và chiến lược gia Mỹ đã nhận định, việc Mỹ kết thân quá mức với Việt Nam có thể khiến Trung Quốc phát động xung đột với Việt Nam nhằm thách thức uy quyền của Mỹ. Trong trường hợp đó, Mỹ gặp phải thế lưỡng nan là nếu có can thiệp thì tốn kém mà không có nhiều lợi ích, trong khi đó nếu không can thiệp thì vô hình trung phát đi một tín hiệu (sai lầm) cho thấy sự bất lực của Mỹ và thừa nhận vị thế bá chủ khu vực của Trung Quốc. Do đó, Mỹ có ít động lực cam kết đồng minh với Việt Nam để Trung Quốc không có lý do "ghi điểm" trong khu vực. Nhiệm vụ của Mỹ tại chốt chặn Đài Loan có lẽ là đã đủ về mặt chiến lược.

Hiểu được bối cảnh này, Hà Nội nhận ra Việt Nam có một không gian lựa chọn tương đối linh hoạt, và sức ép chọn bên không quá căng thẳng, ngay cả khi cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung leo thang. Việt Nam có lẽ là một trong số ít quốc gia có thể duy trì vị trí trung dung của mình một cách khôn ngoan và quyết đoán, để vừa hợp tác với hai siêu cường vừa duy trì an ninh cho chính mình. Nói cách khác, về đường lối đối ngoại, Việt Nam có thể áp dụng phương châm, theo cách nói thời cổ đại, "ngoại Nho nội Pháp" (bên ngoài mềm dẻo khiêm nhường linh hoạt, nhưng bên trong cứng rắn có nguyên tắc). Trong ngôn ngữ chính trị học hiện đại, người viết đề xuất gọi đó là thái độ "do dự chiến lược" giữa các siêu cường.

Một số chiến lược cụ thể

Việc lựa chọn một đường lối chiến lược nhằm duy trì ổn định cho đất nước, là nền tảng để thực hiện mục tiêu cốt lõi là bảo đảm sự phát triển kinh tế vững chắc. Trong thập kỷ này và xa hơn, phát triển kinh tế vẫn giữ vai trò quan trọng nhất trong tiến trình phát triển chung của Việt Nam. Chiến lược phát triển kinh tế cần diễn ra song hành cả trong lĩnh vực hơp tác quốc tế và cải cách trong nước như đã được thực hiện trong quá khứ.

Về chiến lược hợp tác kinh tế quốc tế, Việt Nam đã có một "lưng vốn" tương đối đầy đặn với các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký với các nước trong khu vực cũng như các nền kinh tế lớn trên thế giới. Việt Nam cần tiếp tục nghiêm túc cải cách thể chế, củng cố luật pháp và môi trường kinh doanh, giúp doanh nghiệp khai thác tối đa lợi ích từ các FTA này. Bên cạnh đó, có thể hình dung trước động thái của Mỹ muốn quay trở lại CPTPP trước khi Trung Quốc tìm cách xâm nhập vào hiệp định quan trọng này. Trong trường hợp Mỹ thấy có nhiều ràng buộc trong nước cản trở việc sớm gia nhập CPTPP, Việt Nam có thể hướng tới viễn cảnh về một hiệp định thương mại tự do với Mỹ. Mặc dù điều này không hề dễ dàng, vì trong lịch sử Mỹ chỉ ký các hiệp định kiểu này một cách rất chọn lọc với những đối tác có vai trò chiến lược tại những khu vực địa chính trị chiến lược, nhưng Việt Nam hoàn toàn có thể khai thác vị trí đặc biệt của mình hiện nay từ góc độ "do dự chiến lược". Đây sẽ là một bước đột phá quan trọng đem lại lợi ích lớn cho Việt Nam trong hiện thực. Thêm vào đó, việc mở rộng và thắt chặt hợp tác kinh tế-đầu tư với các nước thuộc Vùng Một và Vùng Hai có ý nghĩa quan trọng. Việt Nam có thể sử dụng các nước này như một vùng đệm trong quan hệ chiến lược với Mỹ (mà thực chất vẫn thực hiện từ trước tới nay). Bên cạnh các nước đã trở nên tin cậy và gắn bó với Việt Nam như Nhật Bản và Hàn Quốc, Ấn Độ chắc chắn là một đối tác đem lại nhiều lợi ích dài hạn cho Việt Nam trong bối cảnh mới.

Về chiến lược phát triển kinh tế trong nước, bên cạnh đường lối tiếp tục theo đuổi mô hình kinh tế thị trường mở, Việt Nam cần quyết tâm đảm bảo kiện toàn thể chế thị trường đầy đủ thông qua cải cách pháp luật và làm trong sạch bộ máy công quyền. Cải cách hành chính sẽ không có hiệu quả nếu không cải cách được chế độ tiền lương trong khu vực công theo hướng thị trường, đi liền với một bộ máy nhà nước có trách nhiệm giải trình. Đặc biệt, các nhà lãnh đạo Việt Nam cần tìm ra một trọng tâm chiến lược mới để thúc đẩy về chất quá trình phát triển kinh tế. Trong hai thập niên qua, trọng tâm ấy là hội nhập quốc tế, đã đạt được nhiều thành tựu nhờ tự do hóa nguồn lực và cơ hội trong nước. Với thập niên tới và xa hơn, việc chuyển đổi số toàn xã hội và dịch chuyển nền công nghiệp từ nâu sang xanh có lẽ là hai trọng tâm thích đáng. Trong tháng 11/2021, tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26 ) Thủ tướng Chính phủ đã chính thức công bố cam kết của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Đây chính là một bước đi có ý nghĩa chiến lược cho phép khởi động quá trình xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế của tương lai. Giống như các hiệp định thương mại tự do đã giúp Việt Nam vững bước trên con đường cải cách trong những thập niên qua, việc cam kết giảm phát thải ròng sẽ tạo động lực cho nền kinh tế chuyển đổi mô hình tăng trưởng một cách kiên định và đúng đắn.

Thêm vào đó, nên cân nhắc phát triển một số ngành kinh tế đặc thù trong bối cảnh mới. Cụ thể là ngành công nghiệp quốc phòng nên được mở rộng và gắn với khu vực tư nhân trong nước, nhằm tăng tính cạnh tranh đồng thời kiến tạo năng lực kỹ thuật và tiềm lực sản xuất dài hạn cho các tổ hợp tư nhân. Bên cạnh đó, một Biển Đông tấp nập hơn có thể đem lại cho Việt Nam cơ hội mới trong lĩnh vực hậu cần cảng biển quân sự-dân sự phối hợp. Khi các cường quốc ngày càng can dự nhiều hơn ở Biển Đông, Việt Nam cần chủ động phát huy lợi thế địa lý để củng cố lợi ích kinh tế và do đó là an ninh cho chính mình

Nguyễn Đức Thành

(Missouri, USA, 24/12/2021)

Nguồn : Số Xuân Nhâm Dần 2022 của Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, 02/02/2022